Sunday, 10 March 2024

ẤN ĐỘ TRỤC XUẤT NGƯỜI TỊ NẠN MIẾN ĐIỆN (Thu Hằng / RFI)

 



Ấn Độ trục xuất người tị nạn Miến Điện

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 09/03/2024 - 12:51

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240309-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n

 

Ấn Độ trục xuất nhiều người tị nạn Miến Điện trong hai ngày cuối tuần 09-10/03/2024 sau khi hủy một thỏa thuận về tự do lưu thông giữa hai nước. New Delhi chủ trương thắt chặt kiểm soát biên giới để tránh tình hình ở hai bang Manipur và Mizoram thêm căng thẳng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/323b6f4e-de0b-11ee-9677-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23320266087787.webp

Một người đàn ông Miến Điện nhìn về phía Ấn Độ. Ảnh ngày 20/03/2021, tại thành phố Mizoram, biên giới Ấn Độ-Miến Điện. AP - Anupam Nath

 

Thông tín viên RFI Côme Bastin tại Bangalore cho biết thêm :

 

« Thứ Sáu (08/03), ông Biren Singh, thống đốc bang Manipur, khẳng định rằng Ấn Độ « cung cấp hỗ trợ cho những người trốn khỏi khủng hoảng ở Miến Điện vì lý do nhân đạo », đồng thời đăng một đoạn video cho thấy nhiều phụ nữ và trẻ em bị trục xuất.

 

Theo trang Times of India, 77 người Miến Điện sẽ bị đưa đến biên giới giữa hai nước từ nay đến thứ Hai 11/03 và trao cho chính quyền tập đoàn quân sự Miến Điện. Có đến vài nghìn người Miến Điện trốn sang Ấn Độ lánh nạn, chủ yếu ở các bang Manipur và Mizoram kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính năm 2021, sau đó là các vụ xung đột với các phe nổi dậy.

 

Tuy nhiên, chính quyền New Delhi muốn chấm dứt tình trạng này. Một thỏa thuận tự do lưu thông giữa hai nước đã bị hủy vào tháng 02. Bộ trưởng Nội Vụ Ấn Độ còn muốn xây đường biên giới dài 1.600 km với Miến Điện.

 

Đằng sau quyết định cứng rắn này là hai quan ngại. Từ tháng 10/2023, nhiều quân nhân của tập đoàn quân sự Miến Điện và phe nổi dậy đã tràn sang Ấn Độ. Ngoài ra, New Dehli vẫn chưa xoa dịu được căng thẳng sắc tộc ở bang Manipur, đã khiến hơn 200 người chết và lo ngại rằng làn sóng di dân sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình ».

 

Trước tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng ở Miến Điện kể từ ba năm qua, ngày 08/03, chính phủ Nhật Bản thông báo viện trợ thêm 37 triệu đô la thông qua các tổ chức của Liên Hiệp Quốc (như Chương trình Lương thực Thế giới - PAM, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF) để cung cấp lương thực, chăm sóc y tế… cho người dân Miến Điện, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em.





No comments:

Post a Comment

View My Stats