Xin thưa, “chữ” chứ không phải “từ”
Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021
https://thongcao55.blogspot.com/2021/03/xin-thua-chu-chu-khong-phai-tu.html#more
Lâu nay thế sự nhiễu
nhương, mải ngó ngàng ngắm nghía nên nhà cháu quên phứt chuyện nghề. Thôi thì
“thế sự du du nại lão hà” (việc đời lớp lớp trôi, ta già rồi, làm sao đây).
Chuyện chữ nghĩa tiếng Việt, có nói có bàn cả tỉ năm cũng chửa xong, nhưng chẳng
nhẽ cứ kệ những cái sai tràn lan khiến cho quốc ngữ ngày càng thê thảm.
Chả là tôi vừa đọc trên một tờ báo, thấy thông tin về cuộc thi viết, trong đó yêu
cầu người tham gia viết bài chỉ dưới 1.500 từ. Mà không chỉ báo chí, rất nhiều
lần đề thi môn văn, từ cấp trường tới cấp sở, cấp bộ, luôn lưu ý thí sinh hạn
chế làm câu a câu b gì đó trong phạm vi vài trăm từ. Mới nghe qua, đọc lướt qua
thấy chả có vấn đề gì, nhưng ngó kỹ thì sai thật là sai.
Trong ngôn ngữ, chẳng riêng gì tiếng Việt, “từ” chính là đơn vị ngôn ngữ đã
hoàn chỉnh nhỏ nhất (lưu ý là “đã hoàn chỉnh” chứ không phải đơn vị ngôn ngữ
bình thường, bởi nếu nhỏ nhất phải là âm, ví dụ a, b, c; sau đó là vần, ví dụ
an, ac, ut). Từ được dùng để diễn tả một nội dung, để đặt câu. Có các từ loại
khác nhau để chỉ những đối tượng khác nhau, ví dụ danh từ, đại từ, số từ, trạng
từ, liên từ. Một từ có khi chỉ một âm tiết (thể hiện bằng chữ hoặc tiếng) nhưng
cũng có khi hai hoặc ba âm tiết. Những từ một âm tiết được gọi là từ đơn, nhiều
âm tiết thường là từ ghép. Quốc hội là từ có hai âm tiết, hợp tác xã là từ có
ba âm tiết, v.v..
Chữ là tên gọi của một âm
tiết, dùng để viết (tương tự, tiếng là tên gọi của một âm tiết, dùng để phát
âm, nói). Không ai diễn đạt “viết ba tiếng” hoặc “nói ba chữ” bao giờ. Trong
truyện Tây du ký, trước khi đánh nhau với yêu quái, Tôn Ngộ Không thường dọa
“mi chỉ cần nói nửa tiếng “không” thì ăn ngay gậy của lão Tôn”. Hay ở chỗ, chẳng
ai hiểu nửa tiếng không thì là thế nào, nhưng nghĩa rất rõ. Thơ thất ngôn bát
cú là thể loại thơ cổ có xuất xứ bên Tàu, gồm 8 câu (cú), mỗi câu 7 chữ (ngôn).
Ngôn là lời nói, chữ, câu văn. Tự cũng có nghĩa là chữ. Sách được soạn ra dùng
để tra chữ, nghĩa của chữ, xem trong một chữ có bao nhiêu nghĩa thì được gọi là
Tự điển, còn sách giải nghĩa nội hàm của từng từ thì gọi là Từ điển.
Khi viết “Anh yêu em” thì câu này ta sẽ đếm được 3 chữ, đồng thời cũng là 3 từ:
anh, yêu, em. Nhưng nếu ta yêu say quá, viết tới 3 - 4 lần “anh yêu em” thì vẫn
chỉ 3 từ ấy nhưng có những 9 - 12 chữ, chứ không phải 3.
Để biết được độ dày, độ dài của bài viết, của tác phẩm nào đó, ta thường nói
“dài vài trăm chữ”, “hàng nghìn chữ”, bởi như thế mới biết được độ chính xác,
chứ không ai nói “dài vài trăm từ”, “hàng nghìn từ”.
Trong cách tính độ dài của văn bản đánh máy thủ công trước kia hoặc máy tính hiện
đại bây giờ, người ta cũng đếm bằng ký tự, mỗi ký tự là một chữ, chứ không ai đếm
bằng từ.
Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng những người chữ nghĩa trình độ đầy mình, nào giáo
viên, tiến sĩ, giáo sư, lãnh đạo bộ, nhà báo… cứ luôn nhầm, không phân biệt được
đâu là từ, đâu là chữ. Kể cũng lạ. Chả biết đó là học thật hay học giả.
Chỉ mong sao, bộ trưởng giáo dục sắp tới là ông Nguyễn Kim Sơn, người vốn tốt
nghiệp ngành Hán Nôm, Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, lưu tâm đến
chuyện nhỏ mà nguy hiểm cho tiếng Việt, chấm dứt ngay những cái đề ất ơ như thế.
Nguyễn Thông
No comments:
Post a Comment