Saturday, 6 March 2021

VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG BÀN CỜ MỸ - TRUNG MỚI? (Jackhammer Nguyễn)

 



Việt Nam ở đâu trong bàn cờ Mỹ – Trung mới?

Jackhammer Nguyễn

06/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/06/viet-nam-o-dau-trong-ban-co-my-trung-moi/

 

Ngày 3/3/2021, tòa Bạch Ốc công bố bản hướng dẫn tạm thời chính sách an ninh mới của Mỹ (Interim National Security Strategic Guidance). Trong bản hướng dẫn này Việt Nam có được đề cập đến một lần như là một đối tác mà Washington sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược giữa hai bên, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

 

Việc đề cập mới nhất này chứng tỏ vị trí chiến lược của Việt Nam được nâng cao trong con mắt các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ. Việt Nam được nêu tên ngang hàng với Singapore, quốc gia đồng minh mà Mỹ có một số đơn vị hải quân đồn trú để điều phối các hoạt động hậu cần, mặc dù không phải là căn cứ quân sự. Tên Việt Nam được nêu ra riêng cùng lúc với khối ASEAN mà trong đó Việt Nam là một thành viên. Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, hay quốc gia có hiệp ước quân sự với Mỹ là Philippines, thậm chí không được nêu tên.

 

Có hai vấn đề địa chính trị nổi bật trong bảng hướng dẫn dài 24 trang này. Thứ nhất khẳng định Trung Quốc là một quốc gia cạnh tranh đang lên và thách thức quyền lợi, trật tự của Mỹ, thứ hai là Mỹ sẽ quay lại chủ nghĩa đa phương, với nguyên tắc liên kết cùng các đồng minh và đối tác để đối phó với Bắc Kinh.

 

Đặc biệt, tài liệu cũng nói rằng, Mỹ sẽ giúp đỡ các nước láng giềng và đối tác thương mại của Trung Quốc giữ vững nền độc lập của họ.

 

Như vậy khuynh hướng xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục diễn ra, ít nhất trong con mắt người Mỹ, mặc dù hai nước không cùng chế độ chính trị, cũng không phải là đồng minh. Mỹ là một nước dân chủ, Hà Nội theo chế độ toàn trị và chủ trương không liên minh quân sự.

 

Trong chiến lược địa chính trị toàn cầu mới này, Mỹ nêu ra hai mức độ quan hệ chiến lược với các quốc gia khác nhau (để đối đầu với Trung Quốc). Mức độ cao nhất là những nước có cùng giá trị và quan điểm dân chủ với Mỹ (values, like minded). Mức độ kế tiếp là cùng quyền lợi và mục đích (interest, objectives).

 

Có thể hiểu rằng, Việt Nam được xem như nằm ở mức độ thứ hai này, cùng quyền lợi chia sẻ giá trị chiến lược ở biển Đông và cùng mục đích là đối đầu với Trung Quốc.

Đó là về phần Mỹ. Liệu Hà Nội có cái nhìn gì mới, khác với chính sách cố hữu đu dây giữa hai cường quốc từ trước đến nay không?

 

Thiết nghĩ, trong ngắn hạn trước mắt, các tuyên bố chính thức của nhà nước Việt Nam sẽ không có gì thay đổi, vẫn xoay quanh chính sách đu dây đó. Tuy nhiên nếu theo dõi hoạt động của giới nghiên cứu địa chính trị người Việt trong nước, có liên quan chặt chẽ với nhà nước Việt Nam, sẽ thấy khuynh hướng lệch về phía Mỹ ngày càng mạnh, chẳng hạn như các bài viết trên Tạp chí nghiên cứu quốc tế của ông Lê Hồng Hiệp ở Singapore, hay mới đây là bài viết về khả năng Việt Nam gia nhập khối Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ cầm đầu, của tác giả Nguyễn Hữu Túc, một cựu sĩ quan quân đội Việt Nam, hiện đang làm việc nghiên cứu, có liên quan đến Bộ Quốc phòng Hà Nội.

 

Ở khía cạnh nào đó, những bài viết này là mong muốn của Hà Nội, thông qua sự thể hiện của các nhà nghiên cứu này.

 

Bài viết của ông Nguyễn Hữu Túc được đăng trên tạp chí Diễn Đàn Đông Á (East Asia Forum). Ông Túc đặt vấn đề rằng, liệu Việt Nam có tham gia vào cái gọi là Không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở (tiếng Anh là Free and Open Indo-Pacific – FOIP), bao gồm bốn quốc gia “khung” là Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc, hay không?

 

Tác giả nêu ra trở ngại của Việt Nam nếu bị bắt buộc phải chọn bên trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung, như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Mặt khác tác giả lại nói rằng, có những cách để tham gia vào “nội dung chiến lược” này mà không phải chính thức gia nhập FOIP. Đó là, tìm hiểu rõ ý muốn của bốn quốc gia khung nói trên, tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (quân sự?) do bốn nước này dẫn dắt, xây dựng những dự án hợp tác an ninh và cuối cùng là củng cố quan điểm luật pháp quốc tế về biển Đông.

 

Thật ra trong bốn điểm này của ông Túc, hai điểm thứ nhất và cuối cùng là đúng với tiền đề ông nêu ra, đó là tham gia “nội dung chiến lược”, nhưng không chính thức gia nhập FOIP. Hai điểm thứ 2 và 3 là hai nội dung rõ ràng là chỉ được thực hiện khi tham gia FOIP.

 

Nếu quan điểm của nhà nghiên cứu quân đội này phản ảnh ý muốn của giới lãnh đạo Việt Nam, thì điều đó chứng tỏ Hà Nội cũng khá lúng túng trước sự hấp dẫn trong hợp tác với Mỹ, bên cạnh sự lo ngại khi bị Bắc Kinh trừng phạt.

 

Nhưng liệu FOIP có được tân chính quyền Biden duy trì như nó đã được chính quyền Trump ồn ào nói đến hồi bốn năm trước hay không?

 

Bốn năm vừa qua chứng tỏ rất rõ rằng, FOIP không thể được thực hiện với chính sách America First của Trump được. Ngoài vài cuộc tập trận ra, không thấy chính quyền Trump tiến hành thêm điều gì đáng kể liên quan đến FOIP.

 

Trong hướng dẫn mới về chính sách an ninh vừa được tòa Bạch Ốc đưa ra, mặc dù họ có nêu Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng không nhắc đến “bộ tứ”. Tài liệu nhắc nhiều tới khối NATO và nhiều lần nhắc các đồng minh châu Á là Nhật, Hàn Quốc, thậm chí Đài Loan.

 

Nhiều nhà quan sát, trong đó có ông Nguyễn Hữu Túc, cho rằng, tổng thống Biden sẽ duy trì FOIP. Nhưng có thể cũng không phải là như thế, vì thực tế cho thấy quốc gia quan trọng trong bộ tứ là Ấn Độ, có vẻ không sẵn sàng đương đầu một cách công khai với Bắc Kinh.

 

Với tầm quan trọng của vấn đề Trung Quốc, việc Mỹ trở lại Đông Á là chuyện rất rõ ràng, và chúng ta cũng thấy trong sự trở lại đó, Việt Nam có một vị trí quan trọng, FOIP hay không FOIP không quan trọng, mà quan trọng là cơ hội dạt ra xa Trung Quốc của chính Việt Nam, do Việt Nam định đoạt.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats