Việt
Nam bầu chính phủ mới: Có phải càng sớm càng tốt?
Lê Hồng Hiệp
24/03/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/03/24/viet-nam-bau-chinh-phu-moi-co-phai-cang-som-cang-tot/
Kỳ họp cuối cùng của Quốc
hội khóa 14 của Việt Nam sẽ khai mạc vào ngày hôm nay và bế mạc hai tuần
sau đó, vào ngày 7 tháng 4. Nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự
của kỳ họp lần này là bầu mới một số chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước,
bao gồm chủ tịch Quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng. Một số chức danh chủ
chốt khác, bao gồm phó chủ tịch nước, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, viện
trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các phó chủ tịch Quốc hội, phó thủ tướng
và các thành viên nội các khác, cũng sẽ được bầu trong dịp này. Quy trình bầu
cử “cấp tốc” này, vốn từng được thực hiện vào năm 2016, sẽ hoàn tất quá trình
chuyển đổi lãnh đạo quốc gia của Việt Nam vốn diễn ra năm năm một lần và được
khởi động tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN) bế mạc hồi đầu tháng trước.
Tuy nhiên, đối với một số
nhà quan sát, quyết định trên đã lách quy định của Hiến pháp năm 2013. Điều 97
của Hiến
pháp quy định rằng “Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc
hội”, và “khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến
khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.” Điều 8 Luật
Tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng quy định về việc tiến hành bầu chính
phủ mới tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới. Vì Quốc hội khóa 15 của Việt
Nam sẽ được bầu vào ngày 23 tháng 5 năm 2021, nên việc bầu cử chính phủ mới
đáng lẽ ra nên được tiến hành tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới dự kiến
diễn ra vào kỳ tháng 6-7 năm nay.
Đây là lần thứ hai Việt
Nam thực hiện thủ tục bầu chính phủ “cấp tốc”. Năm 2016, sau khi vượt qua cựu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc tranh giành quyền lực gay gắt tại Đại
hội Đảng lần thứ 12 để ở lại nhiệm kỳ thứ hai, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và
những người ủng hộ đã quyết định rút ngắn thời gian chuyển tiếp giữa Đại hội
Đảng và thời điểm thành lập chính phủ mới. Do đó, họ đã lên kế hoạch loại ông
Dũng và các đồng minh khỏi các vị trí chủ chốt trong chính phủ càng sớm càng
tốt. Do đó, thay vì đợi Quốc hội khóa mới thành lập chính phủ mới, họ đã quyết định
để Quốc hội cũ thành lập chính phủ mới vào tháng 4 năm 2016. Sau đó, để đáp ứng
quy định của Hiến pháp, Quốc hội mới đã bầu lại chính chính phủ đó vào tháng 7
năm 2016.
Lần này, Đại hội 13 đã
được tiến hành suôn sẻ dưới sự lãnh đạo vững chắc của ông Trọng, và không có lý
do rõ ràng để đẩy nhanh thủ tục này một lần nữa. Tuy nhiên, lý do được ngầm
định ở đây là Đảng muốn sớm thành lập chính phủ mới để sớm “kiện toàn” bộ máy
nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế – xã
hội của đất nước.
Lý do này dường như không
dựa trên các bằng chứng chắc chắn và thậm chí có thể tạo ra những tác động
ngoài mong muốn. Một mặt, mặc dù việc chính phủ mới được thành lập vào tháng 4
có thể giúp đẩy nhanh việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của
đất nước, nhưng điều này sẽ khó tạo ra một sự khác biệt đáng kể. Với việc Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhắc nhở các thành viên chính phủ tích cực
chịu trách nhiệm cho đến những ngày cuối nhiệm kỳ, có rất ít bằng chứng cho thấy
việc thành lập chính phủ mới vào tháng 7 thay vì tháng 4 sẽ kìm hãm hiệu quả
hoạt động của chính phủ cũ hoặc cải thiện hiệu quả của chính phủ mới. Thật vậy,
trước năm 2016, Việt Nam luôn để Quốc hội khóa mới bầu chính phủ khóa mới ít
nhất 5 tháng sau kỳ Đại hội Đảng tương ứng, và Việt Nam vẫn thực hiện thành
công các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mà không gặp phải trở ngại lớn
nào.
Quan trọng hơn, việc đi
vòng qua các quy tắc, ngay cả với lý do cải thiện hiệu quả hoạt động của chính
phủ, cũng sẽ có xu hướng làm giảm uy tín của Đảng. Quyết định này được đưa ra
sau khi Đại hội 13 bầu Tổng Bí thư Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba bất
chấp việc Điều lệ Đảng quy định rằng ông không được giữ vị trí này quá hai
nhiệm kỳ liên tiếp. Điều này càng củng cố nhận thức của công chúng rằng Đảng
sẵn sàng bẻ cong các quy tắc bất cứ khi nào thấy thuận tiện. Về lâu dài, điều
này sẽ làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào khả năng của chính phủ
trong việc tôn trọng các cam kết pháp lý cũng như nỗ lực của Đảng trong việc
củng cố nhà nước pháp quyền.
Do đó, Đảng nên khôi phục
thông lệ để Quốc hội khóa mới bầu ra chính phủ khóa mới. Nếu Đảng muốn rút ngắn
thời gian chuyển tiếp giữa Đại hội Đảng và việc bổ nhiệm chính phủ mới, Đảng
nên dựa vào các biện pháp ít gây tranh cãi hơn. Ví dụ, trong tương lai, Việt
Nam nên tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 3 thay vì tháng 5, sau đó giới thiệu
chính phủ mới vào tháng 4. Về vấn đề này, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của
nước bạn Lào. Mặc dù Lào có hệ thống chính trị tương tự như Việt Nam, Đảng Nhân
dân Cách mạng Lào đã tổ chức được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 vào
tháng Giêng và bầu cử Quốc hội khóa 9 vào tháng 2. Điều này cho phép Lào thành
lập chính phủ khóa mới vào tháng 3.
Các chính trị gia của
Việt Nam được biết tới là những người thực dụng cũng như có khả năng ứng biến
để vượt qua những thách thức mang tính tình thế. Các sắp xếp nhân sự được thực
hiện tại Đại hội 13 và quyết định thành lập chính phủ mới sớm hơn thông lệ hồi
năm 2016 là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục tạm thời
vì lợi ích ngắn hạn không nên được bình thường hóa và ưu tiên hơn các biện pháp
dựa trên quy tắc. Xét cho cùng, uy tín cũng như năng lực cầm quyền của Đảng sẽ
được phục vụ tốt hơn bởi việc Đảng cam kết tuân thủ các quy tắc thay vì việc
Đảng sẵn sàng bẻ cong chúng khi cần.
-------------------
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất
bản trên Fulcrum.sg.
No comments:
Post a Comment