https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10218497169051717&id=1569759542
Chiều hôm nay, một số luật sư chúng tôi vào Trại
giam số 2 Công an thành phố Hà Nội để thăm gặp một số thân chủ trước ngày xét
xử phúc thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại
Đồng Tâm vào đầu năm 2020; phiên toà sẽ được mở vào ngày 08/3/2021 và dự kiến
kéo dài 2-3 ngày.
Tôi vào gặp bà Bùi Thị Nối cùng với một đồng nghiệp
khác bào chữa cho bà là luật sư Nguyễn Tiến Dũng. Bà Nối vô cùng vui mừng khi
gặp các luật sư, đặc biệt là tôi vì tôi chính là người đã gắn bó với nhiều
người dân nơi đây trong một thời gian dài. Tôi nói với bà, thật buồn khi phải
gặp bà trong hoàn cảnh này và bà rưng rưng nước mắt.
Khi luật sư Dũng có hỏi quan điểm của bà về bản án
và về mong muốn của bà trong phiên phúc thẩm tới đây thì bà Nối bỏ máy nghe
xuống bàn, đứng dậy, kéo một phần áo khoác mà bà đang mặc trên người rồi tìm
kiếm một thứ gì đó trên vai áo. Luật sư Dũng, cán bộ trại giam và tôi hơi bất
ngờ vì hành động có phần “kỳ quặc” của bà nhưng khi bà tìm thấy được thứ bà cần
tìm thì nó khiến chúng tôi còn bất ngờ hơn: Đó là một lỗ thủng lớn như đầu ngón
tay út ngay gần cầu vai phải của bà. Để minh chứng hùng hồn hơn cho thứ mình
vừa tìm ra, bà nheo một con mắt rồi nhìn chúng tôi bằng con mắt còn lại qua lỗ
thủng ấy. Sau đó bà Nối ngồi xuống và nói: “Mong các luật sư đòi lại sự công
bằng cho tôi, họ đã bắn tôi máu chảy lênh láng…”.
Chúng tôi hứa với bà sẽ cố gắng bảo vệ bà một cách
tốt nhất, còn điều bà vừa trưng ra với chúng tôi là không có trong hồ sơ vụ án
nên sẽ phải tìm hiểu thêm.
Bà Nối muốn nói nhiều lắm, muốn được giải bày nhiều
lắm nhưng thời gian có hạn, trong khi tôi còn phải gặp thân chủ khác nữa nên
tôi chỉ căn dặn bà mấy điều chính:
1. Bà có quyền trình bày, thậm chí là chỉ trích
chính sách đất đai, chỉ trích người này, người nọ nhưng nhất định không được
miệt thị cá nhân hay có hành vi quá khích như phiên toà sơ thẩm để mình phải bị
đưa ra ngoài, khi đó cơ hội được trình bày của bà không còn nữa;
2. Mức án của bà ở phiên sơ thẩm là “bản án thái
độ” chứ không phải bản án của hành vi bà đã thực hiện nên bà cân nhắc nói sao
cho phù hợp, vừa thể hiện được chính kiến của mình mà vừa có thể đảm bảo trật
tự phiên toà, bảo đảm quyền lợi của mình và không làm ảnh hưởng tới quyền lợi
của các bị cáo khác. Bà Nối đồng ý đề nghị của tôi và thống nhất sơ bộ là khi
nào có vấn đề gì cần, tại toà bà sẽ xin trao đổi riêng với tôi.
Điều tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng là con của
bà Nối thì muốn mẹ sớm được về với gia đình, còn bà Nối thì mong ước một điều
gì đó lớn lao hơn mà hiện thực thì hai điều ấy là những đường thẳng song song,
chỉ gặp nhau ở vô cùng, mà điểm vô cùng ấy chưa ai có thể sờ nắm được…
No comments:
Post a Comment