Trung
Quốc: Tập Cận Bình đầy quyền lực và ba nỗi lo trước khóa họp Quốc Hội 2021
Thanh Hà
- RFI
Đăng ngày: 04/03/2021 - 16:31
Ngày này năm ngoái, virus corona đã buộc Bắc Kinh
phải hủy Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc. Lần này, Hội Nghị Hiệp
Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Quốc Hội lần thứ tư,
khóa 13 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã làm chủ tình hình cả trên hai mặt
trận y tế và kinh tế.
https://s.rfi.fr/media/display/0f6f1904-7ce6-11eb-8f31-005056bf87d6/w:980/p:16x9/000_8ZH424.webp
Ảnh chụp màn hình ngày 25/01/2021 của trang
web Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, cho thấy chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
phát biểu từ Bắc Kinh. Ảnh minh họa AFP - -
Mặc dù quyền lực đã được củng cố mạnh mẽ trong một
năm qua, nhưng các thành tích đó chưa chắc đã đủ để trấn an chủ tịch Tập Cận
Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trên đây là nhận định của giới chuyên gia
Pháp.
Mỗi năm một lần, hàng nghìn đại biểu lại tề tựu về
thủ đô Bắc Kinh họp Chính Hiệp và Quốc Hội, một trong những hoạt động quan
trọng nhất trên chính trường Trung Quốc. Sự kiện này năm nay càng mang ý nghĩa
đặc biệt vào lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành
lập và Trung Quốc dường như đã thoát khỏi vòng vây của siêu vi corona chủng
mới, trong lúc phần còn lại của thế giới, đứng đầu là phương Tây vẫn khốn đốn
vì đại dịch Covid-19.
Hơn thế nữa, thống kê chính thức, với chưa đầy
100.000 ca nhiễm và dưới 5.000 bệnh nhân tử vong trên toàn quốc vì virus xuất
phát từ Vũ Hán, đã cho phép Bắc Kinh tuyên truyền về thế thượng phong của
mô hình chống dịch, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vào lúc khai
mạc khóa họp Chính Hiệp, Bắc Kinh thông báo phát hiện thêm 10 ca dương tính với
virus corona trên cả một quốc gia rộng lớn với 1,5 tỷ dân.
Trên đài phát thanh Pháp France Inter, nhà Trung
Quốc học, Philippe Le Corre, trường Harvard Kennedy School và trường thương mại
ESSEC của Pháp lưu ý, hai kỳ họp thường niên quan trọng trong năm mà Bắc Kinh
gọi là khóa họp « Lưỡng Hội » của đảng Cộng Sản Trung Quốc trước hết
là thông điệp nhắm vào công luận trong nước. Vậy thông điệp « đối
nội » của Bắc Kinh năm nay là gì ? Theo chuyên gia Le
Corre, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ đề cao một nước Trung Hoa hùng mạnh cả về
mặt công nghệ tiên tiến lẫn kinh tế, quân sự và ngoại giao.
Về kinh tế đành rằng chủ tịch Tập Cận Bình phải hài
lòng với tỷ lệ tăng trưởng dưới ngưỡng 3% tức là ở mức tệ nhất từ sau cuộc Cách
Mạng Văn Hóa, nhưng khác với Âu, Mỹ, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế
hiếm hoi trên thế giới không bị virus corona kéo tăng trưởng xuống số âm. Về
ngoại giao Bắc Kinh cũng đã gặt hái được nhiều thành quả với các màn viện trợ
khẩu trang, rồi thuốc vac-xin chống Covid-19 cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong lĩnh vực quân sự, ngân sách quốc phòng của quốc gia châu Á này trong năm
2020 không hề bị virus corona đục khoét. Hơn thế nữa trên các mặt trận từ công
nghệ kỹ thuật số đến công nghệ cao Trung Quốc đều đã ghi được những bàn thắng
quan trọng với những chương trình thám hiểm không gian.
Về đối nội, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc
gia với Hồng Kông, bịt miệng được những tiếng nói chỉ trích trung ương xử lý
kém cỏi đại dịch Covid-19 và dường như các đòn trừng phạt của phương Tây về
chính sách đàn áp ở Tân Cương, Tây Tạng, uy hiếp Đài Loan … không hề làm Bắc
Kinh nao núng. Trên chính trường chủ tịch Tập Cận Bình đang đưa ra hình ảnh của
một nhà lãnh đạo đầy quyền lực và rất tự tin.
Tuy nhiên với ngần ấy những dấu hiệu thành công,
giới quan sát phương Tây cho rằng, có lẽ hình ảnh nói trên chỉ là « vỏ bọc
bề ngoài ». Nhà báo Pierre Haski, nguyên là thông tín viên của tờ
Libération tại Trung Quốc trong nhiều năm và hiện là nhà xã luận trên đài
France Inter nêu bật ba nỗi lo lớn của ông Tập Cận Bình tuy đầy quyền lực trong
tay.
Đứng đầu trong số này là ẩn số mang tên virus
corona : Bắc Kinh đã nhanh chóng đảo ngược thế cờ, xua tan những lỗi lầm
của Trung Quốc khi mà đại dịch bùng phát từ Vũ Hán hồi tháng 12/2019. Với những
màn « ngoại giao khẩu trang và vac-xin », Bắc Kinh đã cố gắng gột tẩy
và bịt miệng những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc đã che giấu tầm mức nguy hiểm
của một siêu vi chủng mới, và chậm trễ báo động để thế giới bị vạ lây. Trong
một năm qua, Trung Quốc luôn khẳng định với công luận trong nước và thế giới
rằng « hạ gục virus corona » là thành tích của Đảng. Chiêu bài này
còn hiệu quả được trong bao lâu ?
Lo ngại thứ nhì của ông Tập là yếu tố Hoa Kỳ :
Báo New York Times tiết lộ trong những tuần lễ gần đây, chủ tịch Trung Quốc đã
có những lời lẽ rất cứng rắn khi nói về nước Mỹ. Bắc Kinh xem Mỹ « là kẻ
thù số 1 của nhân dân » và nói đến « sự suy đồi của phương Tây »
nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc biết rõ là quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục « căng
thẳng », bởi Washington sẽ không bao giờ chấp nhận để cho Trung Quốc vươn
lên thành một đối thủ cạnh tranh ngang hàng.
Như ghi nhận của chuyên gia Pháp, Philippe Le
Corre, ở chiều ngược lại, Washington cũng có quan điểm cứng rắn về Bắc Kinh, do
vậy, ông Tập Cận Bình biết rõ là « không thể chờ đợi gì ở chính quyền
Biden » mặc dù Nhà Trắng đã đổi chủ.
Cây bút xã luận Pierre Haski không nhắc tới Biển
Đông mà chỉ lưu ý rằng Trung Quốc ý thức được là đang bị quốc tế công kích mạnh
mẽ trên các hồ sơ từ Hồng Kông, Tân Cương đến Đài Loan. Đây là nguồn gốc
mối lo ngại thứ ba và cũng là mối quan tâm lớn nhất của ông Tập.
Nhà báo Haski giải thích: Đảng Cộng Sản và ông Tập
Cận Bình khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa, dùng lá bài kinh tế để thu phục
toàn dân, qua đó củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhưng câu hỏi đặt ra là vào
lúc mà tại châu Âu cũng như ở Hoa Kỳ, các thăm dò cho tinh thần bài Trung Quốc
dâng cao, thậm chí ở Mỹ, mức độ tin tưởng vào Trung Quốc trong năm 2020 đã rơi
xuống thấp ngang với hồi 1979, liệu rằng uy tín của ông Tập Cận Bình, của đảng
Cộng Sản Trung Quốc có được trọn vẹn ? Nhất là trong bối cảnh năm tới sẽ diễn
ra Đại Hội Đảng lần thứ 20 và ông Tập sẽ ra « ứng cử » nhiệm kỳ thứ
ba, để trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền lâu đời nhất tại Trung Quốc kể từ thời
Mao Trạch Đông.
Thời gian sẽ là bài toán trắc nghiệm về uy tín thực
sự của đảng Cộng Sản Trung Quốc và sức mạnh của ông Tập Cận Bình.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Thanh
trừng nội bộ và suy tôn lãnh tụ: Tập Cận Bình theo gót Mao
Khủng
hoảng ở Hồng Kông hay khủng hoảng nội bộ chính trị Trung Quốc ?
Tập
Cận Bình thao túng đảng, tự biến mình thành kẻ thù của cả thế giới
No comments:
Post a Comment