Wednesday, 17 March 2021

TRUNG QUỐC BUỘC ALIBABA BÁN LẠI BÁO THE SOUTH CHINA POST (Hiếu Chân)

 



Trung Quốc Buộc Alibaba Bán Lại Báo The South China Morning Post

Hiếu Chân

Mar 15, 2021

https://saigonnhonews.com/trung-quoc-buoc-alibaba-ban-lai-bao-the-south-china-morning-post/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/Untitled-20-750x430.jpg

Chính quyền Trung Quốc buộc tập đoàn Alibaba phải bán lại quyền sở hữu báo South China Morning Post (SCMP) một trong vài tờ báo hiếm hoi còn giữ được tính độc lập của báo chí Hong Kong.

 

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn công nghệ Alibaba Group Holding phải bán tất cả những “tài sản truyền thông” (media assets), trong đó có tờ báo tiếng Anh nổi tiếng The South China Morning Post, trong một động tác thể hiện sự lo ngại của nhà cầm quyền về ảnh hưởng của Alibaba tới tư tưởng của người dân Hoa Lục và chính sách độc quyền thông tin truyền thông của đảng Cộng sản Trung Quốc. 

 

 

Khởi đầu là một mạng thương mại điện tử theo mô hình kinh doanh của tập đoàn Amazon, Mỹ, Alibaba đã nhanh chóng lớn mạnh thành một đế chế kinh doanh đa ngành nhờ khai thác thị trường khổng lồ và kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Từ thương mại điện tử, Alibaba lấn sang lĩnh vực tài chính và truyền thông, báo chí và điện ảnh giải trí. 

 

Năm 2016, Alibaba mua lại tờ báo tiếng Anh The South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, SCMP) – tờ báo có 117 tuổi theo quan điểm tự do của Hong Kong ra đời từ khi lãnh thổ này còn là thuộc địa của Anh quốc, từ đó Alibaba trở thành một trong những ông trùm truyền thông Anh ngữ lớn ở châu Á. 

 

Trước khi mua tờ SCMP, Aliaba đã đầu tư nhiều tiền của vào các doanh nghiệp truyền thông như mạng xã hội Weibo (mô phỏng Twitter), Youku Tudou (mô phỏng YouTube), công ty giải trí Huayi Brothers (mô phỏng Warner Brothers), công ty Alibaba Pictures Group Ltd ở Hong Kong… Ngoài ra, Alibaba còn lập liên doanh hoặc góp vốn vào nhiều công ty truyền thông của nhà nước Trung Quốc, như mua cổ phần của China Business Network – một chi nhánh của tập đoàn truyền thông Shanghai (Thượng Hải) Media Group, đầu tư vào một đơn vị phát sóng của đài truyền hình Hunan (Hồ Nam) Television. 

 

Chiến lược đầu tư vào truyền hình, báo chí, điện ảnh của Alibaba làm cho các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc lo ngại, vì các lĩnh vực này nằm trong “mặt trận tư tưởng” mà đảng độc quyền kiểm soát và quản lý; báo chí truyền hình chỉ có vai trò quảng bá tiếng nói của đảng Cộng sản. Cũng như ở Việt Nam, Trung Quốc không cho phép thành lập báo chí tư nhân, không chấp nhận tiếng nói đối lập.

 

Vài năm gần đây, các quan chức Trung Quốc càng lo ngại ảnh hưởng rộng lớn của Alibaba trong lĩnh vực báo chí truyền thông; họ sợ công ty sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính mà Alibaba nắm giữ ở các tổ chức truyền thông báo chí và mạng xã hội để tác động vào đường lối chính sách của đảng và nhà nước Trung Quốc theo hướng có lợi cho việc kinh doanh của Alibaba.

 

Quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc với tập đoàn Alibaba và ông chủ của nó, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma (Mã Vân) – người từng là nhà kinh doanh được kính trọng nhất Trung Quốc – bắt đầu rạn nứt từ tháng Mười năm ngoái, sau khi ông Mã phê phán hệ thống ngân hàng quốc doanh của nước này như những tiệm cầm đồ và chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính là “câu lạc bộ của các ông già lú lẫn”. Tại một hội nghị ở Thượng Hải, Mã kêu gọi cải tổ hệ thống ‘kìm hãm sự đổi mới kinh doanh’ và cho rằng, các doanh nghiệp “không sợ những quy định quản lý [của nhà nước] mà chỉ sợ các quy định lỗi thời, lạc hậu”.

 

Vào tháng 11, các quan chức Bắc Kinh đã ‘hạ bệ’ Mã và đình chỉ vào phút cuối đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Tập đoàn tài chính Ant – tập đoàn con của Alibaba – theo chỉ thị trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đó Mã biến mất một cách bí ẩn, không xuất hiện trước công chúng suốt mấy tháng, làm dấy lên nhiều lời đồn đại rằng ông đã bị chính quyền Trung Quốc trừng phat.

Chưa rõ liệu Alibaba có phải bán hết toàn bộ các tài sản truyền thông của họ hay không, nhưng việc phải rút vốn, chuyển nhượng quyền sở hữu tờ báo SCMP là chắc chắn, một quan chức Trung Quốc am hiểu sự việc nói với hãng tin Bloomberg.

 

Từ khi mua lại tờ báo SCMP năm 2016, Alibaba đã đầu tư mở rộng dịch vụ tin tức trực tuyến, xuất bản báo điện tử, mở rộng đội ngũ phóng viên, biên tập và tân trang lại trụ sở của báo. Dù thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn Trung Quốc nhưng so với báo chí Hong Kong, tờ SCMP vẫn giữ được tính độc lập tương đối, nhiều khi thực hiện những tuyến tin bài mà chính quyền Trung Quốc không thích như vụ tường thuật chi tiết phong trào biểu tình đòi dân chủ năm 2019-2020. Alibaba nói rằng việc mua lại tờ báo này chỉ là hành động “đầu tư thụ động” và “Chúng tôi không can thiệp, không dính dáng tới các hoạt động thường nhật hoặc các quyết định về nội dung của tờ báo”, báo Wall Street Journal trích dẫn. Và đó có thể là một trong những lý do tiềm ẩn khiến giới lãnh đạo Trung Quốc muốn truất quyền sở hữu của Alibaba đối với tờ báo SCMP.

 

Nếu SCMP bị sang tay cho một tổ chức truyền thông quốc doanh của đảng Cộng sản Trung Quốc thì đây là một đòn chí tử nữa kết liễu chút tự do dân chủ còn sót lại của Hong Kong.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats