Áo
dài JAV, chỉ số tự do và cuộc bầu cử bị lãng quên của người Việt Nam
HUỲNH MINH TRIẾT - LUẬT
KHOA
17/03/2021
Vì
sao quá ít người quan tâm đến những chuyện hệ trọng của đất nước?
Ảnh minh họa: Reuters.
Trong những ngày mà lẽ ra người ta nên tập trung
vào cuộc bầu cử quan trọng nhất đất nước, thì những cuộc cãi vã lại nổ ra về
một bộ phim người lớn của Nhật (JAV) và một bảng xếp hạng tự do của một tổ chức
nước ngoài.
***
Hôm 5/3, Freedom House, một tổ chức phi chính phủ quốc tế liệt Việt
Nam vào loại không có cả tự do chính trị và tự do Internet. Cư dân mạng ùa vào
chửi bới trang Facebook của tổ chức này bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Ngay
cả những bài viết không liên quan đến Việt Nam của họ cũng bị ăn chửi.
Hôm 10/3, người ta phát hiện Nhật Bản vừa tung ra
một bộ phim cấp ba, trong đó nữ diễn viên chính là một cô gái gốc Việt và mặc
áo dài của Việt Nam. Cư dân mạng Việt lại sôi sục phản bác, xổ ra từng tràng
cảm giác bị xúc phạm và phản đối. Báo chí nhanh chóng gom các bình luận đặc sắc nhất để
chứng minh cho việc lòng tự tôn dân tộc đang bị sứt mẻ.
Chà, giá mà những chuyện quốc gia đại sự cũng được
người Việt Nam quan tâm như phim sex ở Nhật và xếp hạng của Freedom House thì
tốt.
Việt Nam đang trong giai đoạn căng thẳng của một
cuộc bầu cử trọng đại để quyết định ai sẽ đại diện cho tất cả chúng ta, bao gồm
cả những người thích xem phim sex và những ai thích chửi Freedom House, trong
các quyết sách quốc gia.
Nhưng trên mạng xã hội, không có cuộc thảo luận
đáng chú ý nào về đại cục này. Hôm 9/3, ứng viên ra tranh cử độc lập Trần Quốc
Khánh bị bắt. Tin này chỉ xuất hiện hời hợt trên các mặt báo và
một số trang Facebook ít ỏi của những cá nhân quan tâm. Nó le lói vụt lên rồi
tắt ngúm trước sự lạnh nhạt của cộng đồng mạng.
Người Việt Nam không quan tâm đến bầu cử à? Không
phải.
Người Việt Nam từng là một trong những dân tộc say
mê cuồng nhiệt nhất với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Tuy vậy, lòng yêu mến
ông Donald Trump có thể góp một phần vào hiện tượng này.
Người Việt Nam lập đủ loại kênh tin tức để ủng hộ
ông Trump, viết đủ loại dự đoán và bình luận về bầu cử Mỹ trên mạng xã hội.
Chúng ta cạch mặt, nghỉ chơi nhau, thóa mạ nhau chỉ vì ủng hộ các ứng viên khác
nhau trong cuộc bầu cử Mỹ.
Thậm chí sau khi bầu cử kết thúc, cộng đồng mạng
Việt Nam còn kéo nhau vào trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ để bày tỏ hậm hực về việc thần tượng Trump của họ thất
cử.
Nhưng ở ngay Việt Nam, không có ai cạch mặt bạn bè
mình khi ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được đặc cách nắm quyền. Không có ai sôi
sục khi những người ngoài đảng mà đăng ký ứng cử bị bắt hay bị gạch tên.
Chúng ta say mê bàn luận về luật bỏ phiếu của Mỹ,
trong đó đa phần nguyền rủa bọn “Đảng Dân chủ thổ tả” đòi nới lỏng quy định để
cho những kẻ di dân bất hợp pháp cũng được bỏ phiếu. Nhiều người hò reo cùng
Trump khi ông ta chỉ trích rằng bỏ phiếu qua thư trong đại dịch sẽ tạo ra gian
lận. Trong khi đó, nhiều người trong chúng ta chưa từng nhìn thấy hòm phiếu của
Việt Nam.
Chế độ đảng cử dân bầu của Việt Nam quá ưu việt đến
mức chúng ta không cần quan tâm đến bầu cử trong nước? Chắc chắn là không.
Chúng ta vô cảm với trách nhiệm của mình nhưng thừa
năng lượng cho những chuyện vô bổ chăng? Có thể.
Nhưng có lẽ còn một lý do nữa: chúng ta sợ.
Cơn sợ hãi tập thể từ cải cách ruộng đất đến nay
chưa nguôi trong ý thức người Việt Nam, lại bị bồi thêm Luật An ninh Mạng 2018
– một bản sao y hệt của Luật An ninh mạng Trung Quốc. Tất cả những gì chúng ta
nói hoặc viết trên mạng xã hội đều có thể trở thành cái cớ để nhà cầm quyền bắt
vạ.
Không ai muốn “day dứt mà tự tử” trong đồn công an và ít người dám đối đầu
với chính quyền. Vậy cho nên chúng ta im lặng với những thứ quá gần gũi và quan
trọng, phóng chiếu phần bức xúc bị kìm nén sang những đối tượng an toàn hơn,
như phim sex Nhật và bảng xếp hạng của một tổ chức ở tuốt bên kia bán cầu.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/myanmar-1.jpg
Một người biểu tình Myanmar bị bắt ở thủ đô
Yangon ngày 27/2/2021. Ảnh: Reuters.
Nhưng thử nhìn sang nước láng giềng Myanmar. Gần
150 người đã bị giết khi tham gia biểu tình chống lại việc quân đội
đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Với họ, lá phiếu là
mạng sống. Còn bao nhiêu người trong chúng ta đã suy nghĩ về sức nặng từ lá
phiếu của mình?
Tự do không miễn phí. Người Myanmar đang dõng dạc
tuyên bố họ sẵn sàng trả giá đắt để có được tự do.
Chúng ta có thể chỉ trích thoải mái bảng xếp hạng
của Freedom House nhưng điều đó không làm chúng ta tự do hơn.
Vậy làm thế nào để thay đổi tình trạng này? Tôi
chưa biết. Nhưng nếu phần đông chúng ta cứ ngậm miệng ăn tiền, rồi đổ dồn năng
lượng dư thừa đang sục sôi sang những thứ hoặc vô bổ, hoặc là kém quan trọng –
và cũng ít rủi ro hơn, để vuốt ve lòng tự trọng của một ý thức tập thể hèn
nhát, thì mãi mãi ta sẽ không thể tìm ra câu trả lời.
Việt Nam sắp bầu cử, hãy bắt đầu bằng việc đọc để
hiểu về nó.
Bài
phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật
Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment