Wednesday, 17 March 2021

TRỞ VỀ BẢN NGÃ (Đỗ Xuân Thảo)

 



Trở về bản ngã

Đỗ Xuân Thảo

17/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/17/tro-ve-ban-nga/

 

1.

Thời thế gì mà nháo nhào hết thảy. Việt Nam chưa công bố hết dịch, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cúm Tàu vẫn hiển hiện, vậy mà người ta vẫn ùn ùn kéo đến cái gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn” chùa Tam Chúc. Vậy thì sự tụ tập hàng trăm ngàn người không đeo khẩu trang (có đeo cũng vô ích) có vi phạm những quy chế về phòng dịch mà chính phủ quy định hay không? Ai cho phép họ xé rào? Câu hỏi chỉ có thể trả lời rằng, tiền đã “cấp phép” cho họ! Dân gian có câu “Đồng tiền là Tiên là Phật”. Trong trường hợp này quả không sai. Đây không phải tôn giáo, không phải Phật tử mà là một đám đông mê muội.

 

Mình rất tán đồng với nhận xét: Cái thứ công trình ở Tam Chúc chỉ là một cái… hơi giống cái chùa, và rất giống Tử cấm thành của Tàu. Trong cái hình hài lai tạp này, có nhiều cái tượng bị gọi là tượng Phật, và một cái tượng đồng rất to, đặt chính diện để thờ ở tầng hai, là tượng bà Lan (đã mất), vợ của ông chủ xây cái khu này, cùng “bảng ghi danh công trạng” của bà. Đã không phải chùa, đã không phải tượng Phật, lại thờ chung đụng với một phụ nữ không ai biết là ai, thì người ta chen vai thích cánh đến đây để vái lạy, cúng kiếng cái gì? Nếu thuần túy đi thăm thú vãn cảnh thì ngắm nghía cái trong khi còn phải gồng mình chen chúc nhau toát mồ hôi? Đấy là chưa kể không khéo còn “rước” con vi rút Tàu vào người để rồi lây lan ra cả cộng đồng…

 

2.

Nhiều người nói, cuộc sống ngột ngạt quá, nhiều bất an, khổ đau và bất công quá, thiếu niềm tin vào sự tử tế quá nên người ta đến chùa (dù là chùa giả, sư giả) để trông chờ đến phép màu. Điều đó không sai nhưng nếu chậm lại để thấy mặc dù cuộc sống khổ đau nhưng cuộc sống cũng đầy màu nhiệm. Chỉ cần lắng lòng ngắm chút ánh bình minh lên hay hoàng hôn buông xuống với trời xanh, mây trắng, nắng vàng, với hoa nở, với ánh mắt trẻ thơ trong trẻo… là ta sẽ đánh thức được niềm tin và sự hướng thiện…

 

Tội ác là ở những kẻ đã tiếp tay cho các nhóm lợi ích đua nhau phá rừng, phá núi xây chùa giả buôn thần bán thánh ngu dân để làm giàu. Và dĩ nhiên, những đám đông ngu muội vô hình cũng đẩy nhau vào chốn “vô minh”. Đau đớn thay những đám đông ấy năm sau đông hơn năm trước và không có ánh sáng cuối đường hầm. Nên nhớ: Phúc không tích mà cứ lạm hưởng thì rồi phúc cũng hết và khi đó phúc lại chuyển thành họa.

 

Do quá u mê, một bộ phận không nhỏ dân mình đã “tẩu hoả nhập ma” để “ma đưa lối quỷ dẫn đường”. Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc đã buông lời cảm thán cho thân phận con người trong cái xã hội bát nháo giống xã hội ta ngày nay: “Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy / Kiếp phù sinh trông thấy mà đau / Trắng răng đến thuở bạc đầu / Tử, sinh, kinh cụ làm nau mấy lần” (“kinh cụ” 惊懼: sợ hãi; “nau” 𣈰 chỉ “sự đau đớn”). Mà không đau sao được khi những người bản chất vốn hiền lương trong phút chốc lại trở thành u mê khi rơi vào những vòng xoáy của vô minh và hoang dại.

 

Bồ Đề Đạt Ma dạy: Mê là mắc kẹt bờ bên đây, khi ngộ là qua được bờ bên kia. Nếu biết tâm không, chẳng chấp tướng thì lìa mê ngộ, đã lìa mê ngộ thì không có bên đây và bên kia nữa (Ngộ tánh luận : Cửa thứ năm ). Nên cái sự mắc kẹt ở bờ bên đây trong đường đến cửa “Động thiếu thất” của dân ta hiện nay còn “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nền giáo dục giáo điều, tầm chương trích cú đã không dạy cho con người ta những kĩ năng mềm cần thiết và cách để thưởng thức hạnh phúc. Các sách giáo khoa thiếu vắng hẳn những bài học giúp các em có được giây phút tĩnh lặng để cảm nhận phong vị cuộc sống. Hệ thống điểm số, thành tích khiến học trò thành những con robot…

 

3.

Cứ thế, chúng ta không có thời gian để nhìn lại chính mình. Khi bị tháo rời ra từng mảnh, xã hội, giáo dục đã tạo ra một lối sống mà ngay cả khi có thời gian rảnh rỗi, mọi người cũng không biết cách tiếp xúc với bản thân. Và ai cũng tiêu tốn thời gian quý báu bằng cách mở ti vi xem những trò chơi nhạt nhẽo vô bổ, xem điện thoại, chát chít, hò hát, nhậu nhẹt hoặc hội hè du hí. Chúng ta đã đánh mất thói quen đối diện với chính mình. Bởi vậy, biết đâu trong số những người đang chen chúc trong đám đông cầu xin lễ chùa đầu năm kia khi trở về sẽ chửi cha mắng mẹ hay rượu chè, cờ bạc hoặc đâm mướn chém thuê…

 

Phật giáo là sự quân bình giữa trí tuệ và niềm tin. Không có trí tuệ thì không hiểu được đức Phật. Không có lòng tin thì cánh cửa cuối cùng của trí tuệ cũng không mở ra. Trí tuệ như hoa mai, lòng tin như tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân khiến hoa mai nở. “Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa” là vậy. Nếu đi chùa mà thiếu trí tuệ thì niềm tin có thể biến thành sự u mê, mù quáng. Vậy nên khi có gã “sư hổ mang” tuyên bố lập đàn để hoá giải coronavirus thì có biết bao nhiêu con nhang đệ tử nguyện theo hầu. Đáng sợ thay.

 

Càng ngày người ta càng sợ hãi con người. Cứ chỗ nào có đám đông là chỗ đó có xô xát, chen lấn, chửi thề, nói tục, ăn nhậu, vứt rác thải… Mọi người đã quên đi hành trình về với nơi tĩnh lặng và màu nhiệm nhất: Hành trình VỀ BÊN TRONG CÁI BẢN NGÃ của chính mình.

 

Người phiên dịch cho Đức Đạt Lai Lạt Ma được coi là người hạnh phúc nhất thế giới. Ông tham gia các diễn đàn kinh tế thế giới, tham dự hội nghị những nhà khoa học… Ông cực kì bận rộn và phải di chuyển nhiều. Nhưng khi có người hỏi ông: Làm thế nào để ông khỏi mệt mỏi sau những chuyến bay dài vì lệch múi giờ? Ông tỏ ra rất ngạc nhiên và trả lời: Đối với tôi, mỗi chuyến bay là một sự rút lui về nơi an tịnh trên bầu trời. Khi đó, chẳng có gì để tôi phải làm cả nên tôi rất thoải mái. Những lúc ấy, tôi được thả hồn với vũ trụ bao la, với nắng vàng mây trắng thiên thanh…

 

Câu trả lời mới tuyệt vời làm sao. Bởi những đám mây và bầu trời xanh là hình tượng các Phật tử thường dùng để giải thích cho bản chất tâm trí con người: có những đám mây ngang qua bầu trời nhưng điều đó không có nghĩa là bầu trời không có ở đó, nó chỉ tạm thời bị che khuất mà thôi. Và việc của chúng ta là ngồi thật yên cho tới khi bầu trời xuất hiện trở lại… Việc sống chậm lại, cho phép bản thân được yên tĩnh là một nhu cầu cần thiết. Bởi càng xô bồ chúng ta càng thất vọng và khi đó ta lại càng có nhu cầu vùng vẫy để giải thoát khỏi những hệ luỵ. Ấy thực sự là một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát. Tin và thể hiện niềm tin tâm linh thực thụ là nét đẹp văn hoá. Nhưng rõ ràng niềm tin ấy không phải là mâm cao cỗ đầy, là chen lấn xô đẩy, bói toán, lên đồng với cướp ấn và nhét tiền vào khắp người tượng Phật. Và đặc biệt, không mê muội để những kẻ nhân danh “du lịch tâm linh” lợi dụng để kiếm tiền và chiếm quyền…

 

4.

Ai đó đã có nhận xét rất chính xác: Một dân tộc biết tiết chế cảm xúc để có thái độ ứng xử phù hợp khi đối mặt với niềm vui hay nỗi buồn là một dân tộc trưởng thành. Ứng xử chỉ biết dựa vào cảm xúc mà quên đi lí trí thì rõ ràng, đó là một dân tộc thấp kém. Cảm xúc (hỉ, nộ, ái, ố) là bản năng, kìm nén là bản lĩnh.

 

Trương Phi là một võ tướng lừng danh nhưng không phải ông chết một cách oanh oanh liệt nơi chiến trường, mà là bị cảm xúc của mình hại chết.

 

Hay tin người anh kết nghĩa Quan Vũ tử nạn, thoạt tiên ông không nén nổi đau thương, huyết lệ tuôn trào. Sau đó say xỉn đánh đập binh sĩ, bức ép họ ngày đêm chế tạo binh khí gấp để sớm báo thù cho người anh kết nghĩa. Cuối cùng bộ hạ dưới trướng của ông là Phạm Cương và Trương Đạt không thể chịu đựng thêm nữa, nhân lúc Trương Phi say rượu đã ra tay thích sát ông ngay trong doanh trại. Trương Phi rất dũng mãnh, đây là điều không thể phủ nhận được. Vậy mà người có năng lực lớn như vậy, cuối cùng lại không có được một kết cục lí tưởng.

 

Bài học mà Trương Phi để lại không chỉ có giá trị với từng cá nhân mà với cả những dân tộc “không chịu lớn” như dân tộc ta hiện nay: “Dân gần trăm triệu ai người lớn / Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” (nhái thơ cụ Tản Đà).

 

5.

Ví như trong bóng đá trọng tài thổi sai một tình huống thì phồng má, trợn mắt lên chửi rủa; ra đường lỡ va chạm vào nhau là sẵn sàng lao vào nhau thí mạng thay vì một lời xin lỗi hay một cử chỉ cúi đầu. Nhưng đến chốn công đường gặp cô cán bộ cấp phường nếu không biết dúi phong bì thì cũng ngoan như cún dù nhiều khi chỉ là khai tờ giấy khai sinh cho con hay làm tấm thẻ căn cước… Sẵn sàng điên loạn rồi háo hức, tự hào với trái bóng; sẵn sàng trèo lên đầu lên cổ nhau tranh cướp ấn đền Trần hay rồng rắn xì xụp trong những ngôi chùa loè loẹt đồng bóng và dị hợm. Vậy mà cũng chính những con người đó vô cảm trước mọi vấn đề nhức nhối của xã hội. Chúng ta kỳ vọng gì ở một đất nước với những con người như vậy?

 

“Chết vì sốt không sợ bằng chết vì dốt”, ai đó đã thốt lên câu ấy khi hình dung ra cảnh những dòng người rùng rùng mê muội trong trùng trùng các mùa lễ hội…

 

Và mình chỉ còn biết ngồi cầu nguyện cho con vi rút cúm Tàu đừng hoành hành trở lại trong thời cùng khổ và tận cùng của mạt Pháp này…

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats