Friday, 5 March 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 05/03/2021 (The Economist)

 



Thế giới hôm nay: 05/03/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

05/03/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/03/05/the-gioi-hom-nay-05-03-2021/

 

Thị trường giảm sau một bài phát biểu của Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ông cho biết ông dự đoán lạm phát tăng trong ngắn hạn, nhưng sẽ không đủ mạnh để tăng lãi suất. Ông Powell cũng nhấn mạnh Fed sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 cho tới khi nước Mỹ đạt “toàn dụng lao động” và lạm phát trung bình 2%. Một số nhà kinh tế lo ngại lãi suất thấp khi kết hợp với gói kích thích 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden có thể làm cho nền kinh tế trở nên quá nóng.

 

Các quan chức y tế Đức cho biết vắc-xin AstraZeneca có thể được dùng cho người trên 65 tuổi, đảo ngược lại tuyên bố trước đây của họ. Giữa lúc đang có một cuộc tranh cãi nguồn cung của loại vắc-xin này, các nhà lãnh đạo châu Âu lại nghi ngờ về sự hiệu quả của nó đối với người cao tuổi. Trong khi đó, Ý chặn xuất khẩu 250.000 liều vắc-xin AstraZeneca sang Australia. EU gần đây đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn đối với vắc-xin.

 

Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về các tội ác chiến tranh bị cáo buộc ở Tigray, một vùng của Ethiopia. Quân lính nước này có thể đã giết chết hàng nghìn dân thường trong một cuộc tấn công vào khu vực này vào năm ngoái. Những người lính Eritrea chiến đấu cùng chính phủ Ethiopia cũng có thể phải chịu trách nhiệm cho một số hành động tàn bạo nhất, bao gồm vụ thảm sát tại một nhà thờ khiến 20 trẻ em đang học giáo lý ngày Chủ nhật thiệt mạng.

 

Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai Brazil, đã ra lệnh giới nghiêm nhằm tránh lặp lại “cuộc diệt chủng” covid-19 hồi năm ngoái. Thông báo của thị trưởng được đưa ra sau khi Brazil trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ đầu đại dịch, với con số kỷ lục 1.910 người chết. Các nhà khoa học đã thúc giục chính phủ tuyên bố phong tỏa 14 ngày. Nhưng Tổng thống Jair Bolsonaro, người liên tục cản trở các biện pháp chống dịch, không đồng ý.

 

Mỹ đình chỉ bốn tháng một số mức thuế trả đũa đối với hàng hóa Anh, bao gồm rượu whisky Scotch, sau khi Anh hủy bỏ thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Các khoản thuế này được đặt ra trong cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng kéo dài giữa EU và Mỹ về các khoản trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Anh kỳ vọng việc đình chỉ sẽ tạo thuận lợi cho một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

 

Cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh mở một cuộc điều tra Apple, sau khi có các khiếu nại rằng gã khổng lồ công nghệ đặt ra các điều khoản bất công cho các nhà cung cấp ứng dụng, hoặc có thể hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cũng đã sẵn sàng lần đầu tiên đưa ra cáo buộc chính thức nhắm vào Apple, một năm sau khi dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify nộp đơn khiếu nại.

 

Deliveroo được cho là đang kỳ vọng đạt được mức định giá 10 tỷ đô la khi họ lên sàn London. Động thái này đến sau sau khi chính phủ Anh đề xuất các quy tắc niêm yết mới có lợi cho các công ty khởi nghiệp. Nhu cầu đối với dịch vụ giao đồ ăn đã tăng vọt trong đại dịch vì phong tỏa buộc các nhà hàng phải đóng cửa. DoorDash, một dịch vụ giao đồ ăn khác, được định giá tới 60 tỷ USD sau đợt IPO ở New York hồi tháng 12.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Nhân Đại Trung Quốc họp thường niên

Trung Quốc từng rất tức giận khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC – Nhân Đại) của họ, vốn sẽ nhóm họp hôm nay, bị gọi là quốc hội “bù nhìn”, chỉ làm theo lời Đảng Cộng sản. Giờ đây lòng trung thành được xem là điều đáng tự hào, khi các phương tiện truyền thông nhà nước tương phản các cuộc thảo luận “có trật tự” của NPC với “sự bế tắc liên tục” của các nền dân chủ phương Tây. Lần này, chương trình nghị sự của phiên họp được thiết kế để chứng minh sự thành công của Trung Quốc.

Bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ nêu ra các biện pháp nhằm tránh làm cho nền kinh tế trở nên quá nóng trong bối cảnh nước này quay lại tăng trưởng mạnh còn các nước khác vẫn chìm trong suy thoái do đại dịch gây ra. Một kế hoạch 5 năm mới sẽ trình bày chi tiết cách làm cho nền kinh tế thải ra ít carbon hơn. Tuy nhiên cũng có các nội dung mang tính phòng thủ. Có thể đoán sẽ có thảo luận về việc giảm phụ thuộc vào các cường quốc thù địch bên ngoài (chẳng hạn như Mỹ) bằng cách thúc đẩy tự cường trong lĩnh vực công nghệ cao và biến tiêu dùng nội địa thành trụ cột của nền kinh tế. Các đại biểu cũng sẽ được yêu cầu thông qua các quy tắc hà khắc nhằm đảm bảo “những người yêu nước” được nắm giữ các chức vụ công ở Hồng Kông. Chắc chắn có “nhiệt liệt tán thành”.

 

Câu hỏi xoay quanh mục tiêu GDP của Trung Quốc cho năm nay

Rất ít số liệu được theo dõi sát sao hay gây tranh cãi gay gắt như mục tiêu GDP hàng năm của Trung Quốc. Suốt nhiều thập niên qua, các nhà hoạch định trung ương công bố con số này trong phiên họp Nhân Đại hàng năm như một tín hiệu cho thấy nền kinh tế của đất nước nên tăng trưởng nhanh cỡ nào trong năm đó. Hiếm khi nào nền kinh tế đạt dưới mức mục tiêu này.

Câu hỏi quan trọng trong năm nay là liệu có chỉ tiêu công khai hay không. Năm ngoái chính phủ đã lần đầu tiên không công bố nó vì đại dịch. Phiên họp NPC khai mạc hôm nay và một số người đang đặt cược chính phủ sẽ làm điều tương tự cho năm nay. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Nomura cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không đề ra mục tiêu vì vẫn còn quá nhiều bất ổn kinh tế toàn cầu. Và dù gì thì mục tiêu cũng sẽ bị tác động lớn vì năm ngoái chỉ tăng trưởng 2,3%. Ngân hàng Standard Chartered cho biết chính phủ có thể đặt “mức sàn tăng trưởng” là 6%. Đặt ra mức sàn thấp như vậy sẽ tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách chứng tỏ công trạng.

 

Thị trường nín thở đón báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ

Hãy theo dõi thị trường tài chính khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố hôm nay. Trong nhiều tuần qua, các nhà đầu tư đã lo lắng về nguy cơ lạm phát và lãi suất cao hơn. Thị trường lao động hiện cũng còn nhiều khó khăn. Có tới 18 triệu người Mỹ phải nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong tuần kết thúc vào 27 tháng 2, trong đó 745.000 người mới nhận trợ cấp lần đầu. Giới quan sát đồng thuận rằng nền kinh tế đã tạo ra 182.000 việc làm mới trong tháng 2.

Song số liệu việc làm tốt hơn dự kiến có thể kích hoạt một vòng suy đoán khác rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch khi vắc-xin tiếp tục được tung ra, khiến Cục Dự trữ Liên bang phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự đoán hiện tại của họ. Người lao động sẽ rất chào đón khi 10 triệu việc làm bị mất trong năm qua được tạo dựng trở lại. Nhưng bởi vì lãi suất thấp đóng vai trò bệ đỡ cho giá tài sản cao ngất ngưởng hiện nay, thì trong môi trường kinh tế hiện tại, một tin tốt có thể khiến cả thị trường trái phiếu và chứng khoán đều giảm.

 

Đức Giáo hoàng Francis thăm Iraq

Hôm nay Đức Giáo hoàng Francis đến Iraq trong chuyến công du đầu tiên của một vị Giáo hoàng đến nước này. Giáo hoàng đã bác bỏ những lo ngại về covid-19 và khủng bố — mới đây có ít nhất 32 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Baghdad hồi tháng 1— để tiếp tục chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông kể từ đầu đại dịch. Chuyến đi của ông sẽ là động lực khích lệ tinh thần cho những người thiểu số Kito giáo đang gặp nhiều khó khăn ở nước này.

Số giáo dân đã giảm từ 1,2 triệu trong những năm 1990 xuống chỉ còn ước tính 250.000 ngày nay. Chiến tranh và sự đàn áp của Nhà nước Hồi giáo đã buộc nhiều người phải chạy trốn ra nước ngoài, hoặc từ bỏ quê hương của họ ở miền bắc để đến các vùng khác của đất nước. Giờ đây nhóm thánh chiến này nhìn chung đã bị đánh bại, trong khi các chính phủ phương Tây và các tổ chức phi chính phủ đang đổ tiền vào để xây dựng lại Iraq, đặc biệt tập trung vào các khu vực có đông người theo đạo Thiên chúa. Song nhiều người vẫn sẽ không hồi hương vì lo ngại an toàn. Ngay cả một chuyến thăm của giáo hoàng cũng sẽ không thể kéo họ về nước.

 

Bờ Biển Ngà tổ chức bầu cử quốc hội

Ngày mai cử tri Bờ Biển Ngà sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội. Cuộc bầu cử này diễn ra chỉ bốn tháng sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi trong đó Tổng thống Alassane Ouattara ra tranh cử nhiệm kỳ ba. Các ứng viên đối lập chính đã tẩy chay cuộc bầu cử đó, vì cho rằng ra tranh cử nhiệm kỳ ba là vi hiến. Khi ấy nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, một phần nhờ bị tẩy chay, ông Ouattara đã chiến thắng dễ dàng. Những nỗ lực của phe đối lập để thách thức kết quả cũng thất bại nốt. Lần này các đảng đối lập chính có tranh cử. Tuy nhiên, họ có thể không thành công vì có chia rẽ. Hai trong số các nhóm đối lập, vốn có liên hệ với các cựu tổng thống Henri Konan Bédié và Laurent Gbagbo, đã hợp thành một liên minh. Nhưng cơ hội thiết lập một phe đối lập thống nhất với tất cả các bên cùng tham gia đã đổ vỡ. Dù thế nào, mọi chuyện cũng trông thật quen thuộc. Bédié, Gbagbo và Ouattara đã thống trị nền chính trị Bờ Biển Ngà trong suốt 30 năm qua — và thường chỉ gây ảnh hưởng xấu.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats