Monday, 1 March 2021

TẠI SAO BẦU CỬ QUỐC HỘI KHOÁ I KHÔNG CÓ HIỆP THƯƠNG? (Nguyễn Ngọc Chu)

 



TẠI SAO BẦU CỬ QUỐC HỘI KHOÁ I KHÔNG CÓ HIỆP THƯƠNG?   

Nguyễn Ngọc Chu

20:24  28/02/2021    

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2274758095990941

 

Bầu cử Quốc hội khoá I ngày 06/01/1946 không có hiệp thương.

 

Ở các nước, sau khi đã giành được các ghế trong QH, bầu cử QH đã kết thúc, thì các đảng phái mới ngồi lại hiệp thương để chia ghế trong chính phủ. Nghĩa là trong bầu cử không có hiệp thương. Chỉ sau khi bầu cử xong mới có thể có hiệp thương về thành phần chính phủ. Quốc hội khoá I năm 1946 của nước ta cũng thực hiện như vậy.

 

Nhưng hiện nay ta đang làm điều ngược lại: các đoàn thể tổ chức hiệp thương chia ghế ĐBQH trước khi tiến hành bầu cử QH. Nghĩa là các ghế ĐBQH đã được phân trước cho các đoàn thể tổ chức. Làm cho bầu cử trở nên hình thức. Điều này ngược với bầu cử Quốc hội khoá I năm 1946.

 

Việc áp dụng hiệp thương không chỉ làm cho bầu cử trở thành hình thức, mà còn dẫn đến những hậu quả tai hại khác.

 

 

1. HIỆP THƯƠNG MÂU THUẪN VỚI BẦU CỬ

 

Hai từ hiệp thương hàm chứa: thảo luận, thoả thuận, dàn xếp, trao đổi, thương lượng, mặc cả

 

Trong hiệp thương nhân sự, tuỳ mức độ, nhưng chứa đựng tất cả các nghĩa vừa nêu. Bởi thế, các đề cử viên ĐBQH được đưa vào danh sách cho cử tri bầu cử, bằng con đường hiệp thương, đều là do dàn xếp. Dàn xếp sẽ không bao giờ đưa đến một cuộc bầu cử sòng phẳng. Như trong bóng đá, dàn xếp không bao giờ đưa đến một nhà vô địch đích thực.

 

Một quy trình bầu cử QH khoa học phải đảm bảo rằng kết quả bầu cử được quyết định chỉ bởi cử tri mà không một nhóm người nào có thể can thiệp được. Kết quả bầu cử ĐBQH ở nước ta bị hiệp thương can thiệp trước.

 

Rõ ràng, về mặt biện chứng thì hiệp thương đối nghịch, không cùng chung sống với bầu cử. Trong bầu cử không có hiệp thương.

 

Hiệp thương là sự phi biện chứng trong quy trình bầu cử ĐBQH. Nó lý giải tại sao bầu cử QH ở nước ta không những không chọn được các ĐBQH xuất sắc mà còn để lọt nhiều ĐBQH phẩm chất thấp, chẳng hạn như trường hợp ông Phạm Phú Quốc lén lút mua quốc tịch Sip (Cyprus), buộc Quốc hội khoá 14 phải bãi bỏ tư cách ĐBQH.

 

Sự phi biện chứng của hiệp thương trong bầu cử QH được chứng minh bởi chính cuộc bầu cử QH khoá I năm 1946.

 

 

2. HIỆP THƯƠNG TẠO CƠ HỘI HÌNH THÀNH ĐƯỜNG DÂY LỢI ÍCH NHÓM VÀ ĐƯỜNG DÂY CHẠY ĐBQH

 

Tại sao lại có những ĐBQH như bà Châu Thị Thu Nga, ông Phạm Phú Quốc? Đó là do có nhóm lợi ích trong bầu cử QH.

 

Quy trình đề cử người vào vị trí ĐBQH hiện nay, một cách vô tình, có thể trở thành hầm chứa ẩn cho nhóm lợi ích dấu mình. Tiếng là đảng đề cử, nhưng thực tế chỉ có một số người quyết định và xuất phát từ 2 nguồn. Một là ở dưới đưa lên. Hai là, từ trên đưa xuống. Một đề cử viên phải trót lọt cả 2 chiều này. Ở dưới đưa lên thì phải được ở trên chấp nhận. Và ở trên đưa xuống để ở dưới hợp thức hoá. Một cách vô tình, đã tạo ra cơ hội để nhóm lợi ích hình thành “Đường dây lợi ích nhóm” trong bầu cử QH.

 

Chính “Đường dây lợi ích nhóm” đã tạo ra con đường “Chạy ĐBQH” mà bà Châu Thị Thu Nga là minh chứng. Bà Châu Thị Thu Nga đã khai với Cơ quan điều tra là mất 30 tỷ đồng để trở thành ĐBQH.

 

Cần lưu ý rằng, không chỉ có một bà Châu Thị Thu Nga hay một ông Phạm Phú Quốc, mà còn có các ĐBQH khác như bà Châu Thị Thu Nga, như ông Phạm Phú Quốc nhưng chưa bị phát hiện.

 

 

3. HIỆP THƯƠNG CÓ THỂ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG THÀNH PHƯƠNG TIỆN LOẠI BỎ ĐỐI THỦ

 

Ở địa phương, tại đơn vị bầu cử đã có dàn xếp ai được đề cử và ai không được đề cử. Ra hiệp thương lại tiếp tục dàn xếp ai được đề cử và ai không được đề cử. Như vậy kết quả hiệp thương được quyết định bởi một số người. Những kẻ xấu trong số họ (mà điều này không thể tránh được, vì ngay trong Bộ Chính trị vẫn có người xấu phải bỏ tù) có thể đội lốt hiệp thương để loại bỏ trước các ứng cử viên là đối thủ của nhóm lợi ích. Đây là con bài “phăng teo” mọi đối thủ không mong muốn. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi. Lưỡi thứ hai có thể “phăng teo” mọi ứng cử viên có tài năng, nhưng không phù hợp với nhóm lợi ích.

 

 

4. HIỆP THƯƠNG LÀM CHO CỬ TRI ÍT QUAN TÂM ĐẾN BẦU CỬ

 

Chính các nguyên do nêu ở trên đã đưa đến một danh sách đề cử, ứng cử ĐBQH mà nó không thu hút sự quan tâm của cử tri. Ai trong số đó cũng chẳng đưa lại được nhiều lợi ích sát sườn cho cử tri. Hơn thế nữa, có thể có trò chơi “quân xanh quân đỏ”. Và kết quả đã được tiên lượng trước. Thực tiễn bầu cử ĐBQH ở nước ta, trừ cuộc bầu cử QH khoá I năm 1946, càng về sau càng ít được cử tri quan tâm.

 

Nhưng tại sao cử tri ít quan tâm mà số thống kê cử tri đi bỏ phiếu vẫn cao? Đó còn là do “thuật” làm cho cử tri đi bỏ phiếu sớm. Rằng chừng nào cử tri chưa đi bỏ phiếu, thì đại diện tổ dân phố trong đơn vị bầu cử sẽ không được về nhà – cho đến khi cử tri cuối cùng trong tổ đi bỏ phiếu. Cho nên, vì tình làng nghĩa xóm, các cử tri trong tổ nhanh chóng đi bỏ phiếu cho hàng xóm của mình xong sớm nghĩa vụ. Vì thế, có các tổ dân phố, mới sáng ngày bầu cử mà các cử tri đã đi bỏ phiếu xong.

 

Hãy nhìn thẳng vào thực tế, rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vừa qua thu hút được nhiều sự quan tâm của người Việt Nam hơn là bầu cử ở Việt Nam. Tại sao như vậy?

 

 

5. BAO GIỜ THÌ CÓ BẦU CỬ NHƯ QUỐC HỘI KHOÁ I?

 

Chừng nào còn tồn tại hiệp thương thì chừng đó còn để lọt nhiều ĐBQH chất lượng thấp và KHÔNG BAO GIỜ CÓ ĐBQH XUẤT SẮC. Sao không học tập bầu cử Quốc hội khoá I năm 1946?

 

111 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats