Monday, 1 March 2021

NHỮNG KHOẢNH KHẮC KỲ LẠ (Tạ Duy Anh)

 



NHỮNG KHOẢNH KHẮC KỲ LẠ 

Tạ Duy Anh    (Lão Ta) 

04:46  25/02/2021   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10222165543825167&id=1160946631

 

Trong đời cầm bút, tôi đã trải qua khá nhiều khoảnh khắc kỳ lạ. Sau mỗi khoảnh khắc ấy thường là một ý tưởng nào đó bỗng nhiên hiện ra để rồi bắt đầu quá trình hình thành một tác phẩm. Một vài tác phẩm suýt gây họa cho tôi. Tuy nhiên, khi nghiệm lại thì thấy đa phần những khoảnh khắc như vậy giống như ân sủng! Tôi không biết dùng từ nào khác.

 

Tôi xin kể một vài khoảnh khắc như vậy, những khoảnh khắc thực sự đã thay đổi cuộc đời tôi, chỉ để mua vui bạn đọc và thay cho hy vọng về một năm mới không có những thảm họa động trời (cả thiên tai và nhân tai); thay cho lời cầu mong mưa thuận gió hòa, lòng người bình yên, để chúng ta có đủ sự thanh thản bàn chuyện văn chương chữ nghĩa. Tất cả có 5 phần, phần cuối là nói về khoảnh khắc hình thành nên tiểu thuyết Đất mồ côi.

 

1- TRONG MỘT ĐÊM ĐEN KỊT

 

Vì mâu thuẫn, chủ yếu về quan điểm, bố và tôi biệt nhau gần mười năm. Từ Hòa Bình, tôi vào bộ đội, đóng ở Lào Cai mà ông không hề biết. Nhưng rồi trong thời gian tôi tại ngũ thì ở nhà bố bị tai nạn lớn, bắt buộc tôi phải trở về để một mình chống lại mafia và tôi đã thắng. (Nếu tôi không trở về, chắc chắn bố tôi bị đẩy ra tòa và chắc chắn ông sẽ vỡ tim ngay trong phiên xử).

 

Nhưng trong đại họa có đại phúc: Chính vì tai họa trời giáng đó mà bố và tôi làm cuộc đại hòa giải và sau chục năm biền biệt, tôi lại trở về cái làng đầy thù hận của mình. Kẻ đáng chết nhất với tôi hồi trẻ, giờ đây là một ông già bệnh tật, bị con cái ruồng bỏ. Hẳn ông đã nhìn thấy tất cả sự đáng sợ hiện hình ngày một rõ ngay trước mắt, mỗi khi màn đêm đen kịt buông xuống. Thêm vào cái hình ảnh của tôi, kẻ đã từng thề nếu không giết được ông khi quay về làng sẽ không đáng làm người, càng khiến ông cứ như bẹp gí xuống mỗi khi lê lết ra ngoài vì nhu cầu cá nhân.

 

Tôi đã gặp ông trong cái hình ảnh thê lương và đầy tính nhân quả ấy: Ông vừa lết vừa nhấc theo gầu nước, trên đường về nhà. Nó bỗng khiến tôi nghĩ về kiếp con người, về làng quê, về đất nước và rộng hơn, về thế giới này, cũng bằng những ý nghĩ thê thảm. Mấy chục năm hoá ra chẳng nhiều như ta vẫn tưởng.

 

Hình ảnh gã đội trưởng đểu cáng, độc ác, thù hận, đầy kiêu ngạo, hống hách, phách lối tự cho phép mình làm bất cứ việc gì và làm tình làm tội gia đình tôi hơn chục năm trước, bỗng trở nên hài hước hơn là đáng ghét. Cũng là do sự vô minh mà ra.

 

Và trong những hành động tàn bạo của ông ta với chúng tôi, thì gần một nửa có nguyên nhân từ bố tôi. Tôi bỗng muốn cười phá lên bởi cái lời thề độc năm nào, khi tôi còn bé, gầy còm, ốm yếu vừa khóc thầm vừa bóp muốn gẫy những ngón tay xoắn vào nhau vì bất lực, trong khi ông ta giống như một gã khổng lồ vũ khí đầy mình. Giờ đây ông đang nhìn tôi từ phía dưới lên. Hình bóng tôi lờ mờ trong ký ức của ông. Cho đến khi ông nhoẻn cười, nụ cười của người biết mình cùng đường còn kẻ thù thì hùng mạnh gấp bội.

 

Tôi biết trong đầu ông, cái đầu óc chỉ mải thù hận mà thành u tối, đang nghĩ gì. Tôi không muốn ông bị hành hạ lâu hơn, bèn cúi xuống nhấc bổng cái gầu nước ấy lên, bằng sức lực của gã trai còn trẻ, đi về đặt vào túp lều của ông dựng cạnh ngôi nhà một thời giống như sào huyệt của quỷ sứ, nay thuộc về gã con trai bạc ác. Ông không nói gì, chỉ nhìn, bằng ánh mắt cầu xin sự tha thứ. Tôi cũng bỏ đi ngay, vì không chịu nổi sự van xin kiểu ấy. Giá như mấy chục năm trước, ông ta biết, bố tôi biết, những người đã nằm dưới mồ biết điều gì quan trọng với mỗi đời người, hẳn chúng tôi đã không ghét bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình lâu đến thế.

 

Tuy nhiên, bố tôi thì không nghĩ thế. Ông có lý do để không tha thứ cho kẻ thù của mình. Vì thế, những việc làm của tôi không lọt qua mắt bố và ông phản ứng không cần giữ kẽ: “Tôi cấm anh bôi gio trát trấu vào mặt tôi. Ở cái làng này, sự tử tế là cách tự sát nhanh nhất”.

 

Tôi không muốn lại gây ra thêm một cuộc chiến tranh với bố. Nhưng tôi cũng muốn mọi thứ phải hạ màn. Vở kịch có quá nhiều màn giả tạo với toàn vai quỷ sứ diễn thế đủ chết khiếp rồi. Lần đầu tiên tôi nói với bố: “Họ cũng đáng thương như bố con mình. Họ rất đáng thương bố ạ.” Dĩ nhiên tôi nói thì cứ việc nghe. Nhưng tôi không chỉ nói. Tôi đã nghĩ đúng như thế.

 

Một buổi tối trời đen kịt, tôi nằm nghe ếch nhái kêu uôm uôm. Tôi bỗng có liên tưởng hình như đó là tiếng kêu buồn bã của những hồn ma, suốt từ khi có cái làng này, có cái dòng họ này. Nó biến tôi tức khắc thành cái gạch nối: Giữa bóng tối và ánh sáng; giữa thù hận và yêu thương; giữa khổ đau và khổ đau tột cùng; giữa những người đã chết-đúng ra là biến mất-với những người sắp chết, đang chết, chưa sinh ra. Tôi sẽ phải hàn gắn mọi sự nham nhở mà cuộc tương tàn để lại. Chính là tôi sẽ phải bước những bước đầu tiên vượt qua thù hận.

 

Những gì mà số phận sắp đặt, chính là cho tôi có một đêm bừng ngộ để cảm nhận thấy tất cả những điều đó. Trời ạ! Đúng là tôi đã kêu lên, đau đớn và sung sướng – vậy mà mình cứ mò mẫm đi tìm ở tận đâu. Những gì mà một vũ trụ tạo ra, để từ đó tôi có thể tạo ra một vũ trụ theo cách của mình, đã có sẵn với tôi từ khi tôi chưa chui ra khỏi bụng mẹ.

 

Tôi không thể mô tả lại cảm giác tất cả “bỗng rực sáng” trong tâm trí tôi. Chỉ biết rằng tôi đã bật trở dậy, như hành động không thể kìm hãm hơn nữa, vớ cái vỏ bao thuốc lá, viết lên đó mấy chữ tóm tắt chủ đề của một truyện ngắn vừa nảy ra trong đầu. Sau hơn một năm không viết dòng nào, tôi bỗng tìm lại được cảm hứng viết lách, với một tư duy và chiều sâu hoàn toàn khác. Tôi tiếp tục triển khai ý tưởng về truyện ngắn đó trên vỏ bao thuốc thứ hai, bằng cái bút chì. Rồi vỏ bao thứ ba. Những chữ viết ngang, viết dọc kín đặc khiến tôi phải sử dụng thêm cả một tờ lịch nhỏ. Có những đoạn đối thoại rồi sẽ được tôi sử dụng nguyên xi. Sau đó tôi cứ nằm nghe tiếng nỉ non của đêm đen mà không sao ngủ được. Tâm hồn tôi vừa đón nhận một cái gì đó vô cùng to lớn, vô cùng sống động, vô cùng sâu sắc, vô cùng nhân hậu.

 

Tôi muốn ngồi xuống bàn để có thể viết ra những cảm xúc của mình. Nhưng tôi đành chỉ nằm chờ sáng. Cả một ký ức dằng dặc sống lại khiến có lúc tôi ngộp thở. Tôi biết là mình sắp lao vào một cuộc đời mới, đầy ân sủng. Tôi thấy lại sự dào dạt của biết bao nỗi niềm tưởng đã bị vùi kín xuống đáy lòng. Sau này trong một bài trả lời phỏng vấn tôi đã nói, đại ý tôi có một cái làng đủ là một quốc gia, một thế giới và một vũ trụ! Tôi đã bỏ rơi nó, nhưng may thay, ở đúng thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời, tôi đã tìm lại được.

 

Truyện ngắn đó sau này khi đăng báo Văn Nghệ có cái tên là “Lũ vịt trời”, với nhân vật LÃO KHỔ mà rồi sẽ tiếp tục làm nhân vật chính của tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1992. Đó cũng là truyện ngắn mở đầu giai đoạn viết mới của tôi. Tôi hoàn toàn bỏ lại những gì dày công viết trước đó, về Thủy điện Hòa Bình, kể cả cuốn tiểu thuyết 300 trang tôi viết dưới căn hầm dã chiến ngay sát bờ biên, tại thị xã Lào Cai năm 1986.

 

(Còn nữa)

_______

 

https://scontent-iad3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-0/p526x296/154240459_10222165535064948_538087137227609653_o.jpg?_nc_cat=103&ccb=3&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=gVn_NaYJ94kAX81E4Fb&_nc_ht=scontent-iad3-1.xx&tp=6&oh=6721e0c2f28ce2879f8d1f22a930ac3d&oe=605E845C

Bìa Lão Khổ, in lần đầu do cố họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm vẽ. Ông đã về nhà tôi, đã ngồi uống rượu với bố tôi. Khi vẽ bìa, ông đã cố gắng bám sát khuôn mặt bố tôi ở những nét khổ đau. Cuốn tiểu thuyết này bị cấm tái bản 12 năm.

 

94 BÌNH LUẬN  

 

                                                          ***

 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC KỲ LẠ (Phần 2)

Tạ Duy Anh   ((Lão Ta) 

26/02/2021

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10222174785576205&id=1160946631

 

2- RỤT TAY LẠI Ở GIÂY CUỐI CÙNG

 

Sau khi tìm lại được MẢNH ĐẤT CỦA MÌNH và sau khi đăng truyện ngắn “Lũ vịt trời”, tôi bắt đầu nuôi ý định viết một truyện ngắn về sự thù hận mà chúng tôi bị dìm vào từ khi lọt lòng. Sự thù hận có từ bao giờ, chúng tôi không biết.

 

Nhưng nó lên đến đỉnh điểm khi bố tôi, vốn là thằng ở chăn trâu cho chánh tổng, từng phải tận mắt chứng kiến hai đứa em mình chết đói, bí mật theo Việt Minh đúng vào khi xã Hoàng Diệu hoàn toàn thuộc vùng tề, chi bộ cộng sản bị xóa trắng. Người ra đầu thú cuối cùng là ông bí thư tên Lân. Ông Vũ Xuân Lan, người cùng xã, huyện ủy viên, được cử về bí mật xây dựng lại phong trào và ông đã bắt liên lạc với bố tôi.

 

Năm 1950, bố tôi mới 24 tuổi, chưa là đảng viên, được cử làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã, bí thư là ông Vũ Xuân Lan. Khi Đội cải cách kéo về, người bị bắt đầu tiên là ông Vũ Xuân Lan. Người tiếp theo là bố tôi. Ông Vũ Xuân Lan bị Đội cải cách xử tử, còn bố tôi, bị giam tám tháng, chỉ một chút nữa là bị bắn. Ông nội tôi sau đó cũng bị bắt và chỉ được thả khi đã hấp hối.

 

Nhưng nỗi đau của gia đình tôi chả thấm gì so với nỗi đau của hàng trăm gia đình bị quy là địa chủ. Suốt cả thời bé con tôi đã nghe bố kể về những pha đấu tố rùng rợn mà ông chứng kiến. Mặc dù nói ra miệng là ông ghê sợ cuộc Cải cách ruộng đất, vì nó quá bất nhân, nhưng khi được trả lại mọi quyền chức, ông tiếp tục điên cuồng lao vào thực hiện lý tưởng xóa bỏ giai cấp mà ông tôn thờ, đồng thời trả thù khốc liệt những kẻ từng áp bức ông, trả thù luôn cả con cháu họ.

 

Sự thù hận quả là có lý do lịch sử của nó. Nhưng nó không có lý do để kéo dài đời này sang đời khác, gây nên biết bao cảnh thê thảm, phá tan mọi thứ tốt đẹp tích tụ qua thời gian. Tôi cần phải tìm một điểm tựa thật vững chắc cho chủ đề mà mình sẽ triển khai. Nó được gợi ý từ những thành tựu tư tưởng mang tinh thần nhân văn mà chúng tôi lần đầu tiếp xúc, dù còn rất hạn chế. Thêm vào đó là những thay đổi trong nhận thức về lịch sử, về con người được kích thích bởi cuộc cải tổ từ Liên Xô, khiến tôi phải tự hỏi và tự tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề.

 

Chẳng hạn như câu hỏi sau đây cứ lởn vởn trong đầu tôi: “Những gì bố mình làm, mà mình chứng kiến, với những địa chủ cũ và con cái họ, là đúng hay sai? Họ cùng thời với tôi, vô can với quá khứ, nhưng tại sao không được phép có một chỗ nào xứng đáng trong cuộc đời mới luôn đề cao mục tiêu công bằng, bác ái?”. Những ý nghĩ như vậy cứ dần dần trở thành lời cật vấn xoáy sâu và tâm can tôi. Tuổi thơ chả ai có tội. Tôi biết như vậy nhưng vẫn cứ thấy hối hận bởi những gì mình làm với những đứa con cháu của ông địa chủ một thời.

 

Chúng tôi, tất thảy, đều là trẻ con, đều vô tội, tâm hồn đều lấp lánh, y như những ngôi sao trên trời. Tôi nảy ra ý tưởng coi lũ trẻ là những ngôi sao trên đồng cỏ. Tôi quyết định đặt tên cho cái truyện ngắn mình ấp ủ bấy lâu như vậy: Những ngôi sao trên đồng cỏ. Tôi ý thức rõ ràng đó là truyện ngắn quan trọng, nên việc ngồi xuống bàn, viết những chữ đầu tiên là vô cùng hệ trọng, bởi nó sẽ quyết định sự thành bại của truyện ngắn đó.

 

Và một buổi sáng đầu năm 1989, hoàn toàn không chủ định, tôi ngồi xuống bàn từ sớm, viết một mạch hàng chục trang giấy có dòng kẻ, thứ chữ nhỏ li ti. Chữ nghĩa cứ như vọt ra, không thể ngăn lại, khiến ngòi bút tôi cuống lên mới kịp. Tôi dừng lại ăn qua loa bữa trưa, rồi lại ngồi ngay vào bàn. Khoảng 5 giờ chiều thì tôi không biết viết thêm bất cứ điều gì nữa, ngoại trừ việc gạch đi cái tên cũ, quả quyết viết xuống dưới dòng chữ Bước qua lời nguyền. Bởi vì cái tên đó hợp với nội dung truyện hơn. Sau đó tôi gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn, không biết mình đang làm điều vớ vẩn hay một việc to tát.

 

Thông thường tôi sẽ cất đi một thời gian, rồi mới viết lại lần hai. Sau đó ngâm tiếp một thời gian, mới hoàn chỉnh bằng lần viết thứ ba. Truyện nào tối thiểu tôi cũng viết ba lần. Sau này thì cả tiểu thuyết tôi cũng vẫn tôn trọng thói quen đó, nghĩa là cứ phải viết lần thứ ba mới yên tâm. Nhưng với truyện ngắn Bước qua lời nguyền hồi ấy, có cảm giác nếu cứ để nguyên bản thảo lần một, tôi sẽ không làm được việc gì với nó. Vì thế, chỉ hai ngày sau tôi đã viết lại. Lần này tôi viết trang trọng tên truyện là Bước qua lời nguyền ngay từ đầu. Tôi chép, sửa chữa như mê sảng. Có cảm giác cơ thể tôi bị moi rỗng, hết sạch. Mạch chảy đang tuôn dào dạt liền hẫng lại, như đến đó là cùng đường. Không thể viết thêm từ nào nhưng truyện thì chưa kết thúc.

 

Khác với lần viết nháp, lần thứ hai này khi đọc lại, tôi thấy chả còn gì hay ho. Nói đúng hơn thì những gì hai hôm trước tôi thấy hay, giờ không còn hay nữa. Nó cứ rời rạc, chả đâu vào đâu. Tôi như người bị rút mất hồn, đầu óc rỗng ra, chỉ muốn tung hê hết. Chỉ chút nữa là tôi xé tan rồi cho một mồi lửa. Nhưng tôi cứ thấy tiếc công sức cả mấy ngày trời. Tôi cố gắng tìm ra một cái kết thúc và nó chỉ khiến tôi thêm bực mình. Không thể nghĩ được gì hơn, tôi đành ghi hàng ngày tháng 26-4-1989 xuống bên dưới, coi như kết thúc. Tôi đứng dậy, quyết rời khỏi bàn và quên đi những gì vừa xảy ra. Tôi tự nhủ, cứ coi như mình viết thêm một truyện hỏng. Hôm sau thì tôi nhét 17 trang viết tay đó xuống đáy một chồng giấy. Tôi không muốn nhìn thấy nó nữa.

 

Nửa năm sau, tôi có giấy báo trúng tuyển Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi có thói quen, mỗi lần chuyển địa bàn, thì đầu tiên phải hỏa thiêu toàn bộ đám bản thảo, không để rơi một chữ ra ngoài. Lần này rời Hòa Bình về học tại Trường viết văn Nguyễn Du, tôi cũng giữ nguyên thói quen ấy. Cả một tập giấy dày kín đặc chữ lần lượt bị ném vào lửa. Khi cầm bản thảo “Bước qua lời nguyền” trên tay, thấy nó bị dây nước chè nhem nhuốc, tôi đã đưa nó vào sát ngọn lửa. Chỉ cần buông tay ra là mọi chuyện kết thúc. Nhưng chẳng hiểu sao, vào KHOẢNH KHẮC ẤY, tay tôi vội rụt lại. Thay vì đốt, tôi bèn ngồi bệt xuống, đọc nhanh lại những gì mình viết cách đó sáu tháng và… hú hồn!

 

Nhưng phải khi về học tại trường viết văn Nguyễn Du, một hôm tôi đang lơ mơ ngủ trưa thì bỗng chồm dậy, lục lọi lôi ra bản thảo còn bỏ dở và ngồi viết rất nhanh nốt đoạn cuối, khoảng 600 chữ.

 

Cho đến nay, truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” được in lại khoảng 30 lần trong những ấn bản khác nhau, được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan…

 

Thế mới biết, không chỉ sáng tác khó, mà thẩm văn cũng khó vô cùng. Ngay cả tác giả còn không biết tác phẩm của mình hay hay dở, nói chi bạn đọc. Đó là lý do ít khi tôi chê văn của đồng nghiệp. Mình thấy hay thì khen, không hay thì im lặng. Bởi dù thấy hay hay dở, thì cũng chỉ là theo mình, chỉ vừa đủ đại diện cho mình. Vả lại cũng còn phải để việc cho các nhà phê bình chuyên nghiệp.

 

(Còn nữa)

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222174782016116&set=a.10214678173885598

Hình bìa sách “Bước Qua Lời Nguyền”

 

54 BÌNH LUẬN  

 

                                                           ***

 

 

NHỨNG KHOẢNH KHẮC KỲ LẠ (Phần 3)  

Tạ Duy Anh   ((Lão Ta) 

22:17  28/02/2021  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10222195592936376&id=1160946631

 

3- CHẾT LÂM SÀNG VÀ GẶP NHÂN VẬT

 

Tôi nuôi khá lâu ý định sẽ viết một cuốn sách nói về nỗi sợ. Tôi vẫn cho rằng nỗi sợ của con người là nguyên nhân đẩy cuộc sống đến trạng thái kinh khủng mà họ tất yếu phải đối mặt như bạo lực, chiến tranh, thói vô cảm, sự dối trá, những cái chết tức tưởi và sự tan rã về đạo đức. Nỗi sợ là nguyên nhân của nạn diệt chủng. Thế giới trước sau cũng bị huỷ diệt nếu không giải thoát nhân loại khỏi nỗi sợ. Đây là chủ đề lớn.

 

Có lẽ do quá nhọc nhằn kiếm sống và trả nợ tiền mua nhà, hai năm liền tôi bị chảy máu dạ dầy, phải cấp cứu tại bệnh viện Đống Đa. Lần nhập viện thứ 2, năm 1997, tôi bị kết luận là ung thư di căn giai đoạn cuối. Tuy nghe thông báo như vậy, trong khi người thân và bạn bè đều thất thần, (bạn tôi đã bàn việc mua đất để an táng tôi, tại chính địa bàn mà tôi đang sinh sống hiện nay) thì tôi lại chẳng hề tỏ ra sợ hãi, hoang mang, mà chỉ buồn cười. Tôi tự nhủ, mình còn nhiều việc muốn làm, chưa thể chết sớm thế được. Mọi người kéo đến thăm vì “sợ không kịp” trong khi tôi thì vẫn “ủ mưu” về cuốn sách mà mình theo đuổi. Cuối cùng hóa ra chính là bệnh viện… nhầm!

 

Nhưng sự thay đổi sau một tháng đối mặt với “án tử” thì rất rõ ràng. Nó khiến tôi không thể không nghĩ đến một sự thương xót nào đó đặc biệt dành cho mình, từ ở đâu đó! Tôi thực sự được sinh lại! Nghĩa là cái cuộc đời thứ hai này chỉ nối với cuộc đời thứ nhất bằng thân xác tôi. Còn về phần hồn thì khác hẳn. Từ cuộc đời này tôi nhìn lại cuộc đời trước đây thấy nó giống như một cuộc lưu lạc trong mù mịt thời gian, không gian và ký ức. Trong sự mù mịt đó, tôi không ngớt lầm lẫn. Lầm lẫn liên miên. Lầm lẫn này là kết quả của lầm lẫn khác.

 

Có vô số điều nhỏ mọn, tầm thường, chả đáng gì thì lại trở thành quan trọng, thành mục đích phải đạt tới một cách khổ sở và ngược lại. Cái cuộc đời trước kia tôi là kẻ hiếu thắng, tự kiêu tự đại, vẫn chưa thoát thói cay cú kiểu ăn thua, dễ nổi nóng, cố chấp, háo danh và vẫn bị chi phối bởi thành kiến. Sau cú chết hụt, chuyển sang sống cuộc đời như bây giờ, tôi dần dần nhận ra nhiều thứ quan trọng mà trước đây không thấy và điều đáng ngạc nhiên nhất là những thứ ấy vẫn ở ngay trước mắt.

 

Có biết bao nhiêu điều tưởng là ghê gớm, tưởng rất quan trọng cho một đời người thì hoá ra rất đáng buồn cười.

 

Trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh, tôi đọc hai cuốn sách, cuốn thứ nhất tên là “Sự phát triển Siêu cá nhân”, của Roberto Assagioli, cuốn còn lại có tên “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” của Đức Giáo Hoàng John Paul II. Thật trùng hợp khi cả hai cuốn sách đều đề cập đến nỗi sợ. Tôi đặc biệt ấn tượng với câu của Thánh Paul: “Nỗi sợ giống như cái gai đâm sâu vào da thịt ta”.

 

Tôi cảm thấy mình đã tìm ra điểm tựa để bắt đầu. Tuy thế mọi chuyện chỉ sáng rõ trong tôi khi tôi trải qua một biến cố kỳ lạ như sau.

 

Buổi sáng hôm ấy, vào khoảng nửa cuối năm 1998, tức là gần hai năm sau ngày khỏi bệnh, khi đó gia đình còn ở phố Tân Mai, tôi không đi làm mà ở nhà. (Thời gian đó Trường Viết văn đang khủng hoảng lãnh đạo, hầu như không hoạt động, mỗi tuần tôi ghé qua một lần và cũng chỉ chốc lát). Sau khi đưa các con đến lớp, tôi quay về và bỗng dưng thấy toàn thân rã rời. Cơ thể tôi trong phút chốc chỉ muốn đổ oặt xuống. Tôi còn kịp nghĩ nếu mình không nhanh chóng lên giường, mình sẽ không còn cơ hội đó. Tôi nằm giang hai chân hai tay, như một kẻ mất hết cảm giác sống. Người tôi chảy ra nhão nhoẹt, dính xuống chiếu.

 

Không hiểu sao tôi tin chắc rằng mình sắp chết, chỉ một lát nữa thôi tôi sẽ chết. Đó là cảm giác rất rõ ràng chứ không phải do tôi tưởng tượng ra. Đầu óc tôi còn đủ tỉnh táo để quyết định gọi điện cho vợ, báo cho cô ấy biết là tôi đang chết. “Phải, anh đang chết”-tôi sẽ nói đúng như vậy.

 

Nhưng tôi không kịp nhấc máy bởi liền ngay đó tôi chìm lút vào một khoảng tối đen ngòm.

 

Ba tiếng sau tôi tỉnh dậy và việc đầu tiên là chạy ngay đến bên chiếc bàn, quơ vội cây bút viết xiên xẹo dòng chữ: ĐI TÌM NHÂN VẬT.

 

Lập tức tôi trở lại khỏe khoắn, tỉnh táo như chưa từng xảy ra chuyện gì. Ngày hôm sau tôi bắt đầu ngồi xuống bàn, cắm cúi lia bút viết, cứ như mọi thứ chảy ra theo mực. Khi tôi đứng lên thì trời đã về chiều cùng với khoảng 15 trang giấy học trò, loại có dòng kẻ, kín đặc chữ. Rồi đến chương thứ hai, thứ ba, mỗi chương cũng khoảng ngần ấy trang. Nhưng rồi hai chương đầu đều bị bỏ đi ngay sau đó, vì nó lạc nhịp, không gọi được cảm hứng cũng như ngôn ngữ, nếu cứ tiếp tục theo cái nhịp điệu khấp khểnh đó sẽ chui vào ngõ cụt. Hóa ra nó chỉ làm nhiệm vụ “đề-pa” cho cuốn sách. Chương một trong cuốn sách sau này, thực ra là chương thứ ba trong bản thảo ban đầu.

 

Suốt 4 tháng trời, ngày nào tôi cũng ngồi lỳ bên bàn viết hàng chục tiếng đồng hồ và chỉ đứng dậy khi đến bữa. Hễ giải lao thì tôi dừng lại viết tản văn in báo Nông nghiệp, sau này gom lại thành cuốn sách Ngẫu hứng Sáng-trưa-chiều-tối. Hồi đó tôi viết tay nên việc sửa chữa mất rất nhiều công. Tôi vẫn không khắc phục được thói quen là bản thảo cứ phải sạch tinh. Chỉ cần một chữ bị xoá là tôi chép lại hết trang, để không phải thấy cái chữ bị xoá đó. Tôi viết say mê, tự mình thấy lạ với những gì mình viết. Mấy chương viết về chiến tranh là nhọc nhằn nhất. Số trang bỏ đi của những chương này bằng cả một phần cuốn sách. Nhưng đó sẽ là những chương sách suýt gây tai họa lớn cho tôi sau này.

 

“Đi tìm nhân vật”, sau khi qua gần chục nhà xuất bản bằng cái tên SỢ, đều bị ngăn chặn. Cuối cùng, nhờ sự tài giỏi của ông Dương Tất Thắng, nó lọt qua Nhà xuất bản văn hóa Dân tộc với cái tên ban đầu của mình, đúng vào lúc cả ông giám đốc và ông trưởng phòng-cũng là người đứng tên biên tập-chuẩn bị nghỉ hưu. Nhưng nó vừa phát hành được khoảng 10 ngày, thì lập tức bị đình chỉ. Văn phòng Tổng bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Cơ quan A, cơ quan B… đều yêu cầu Nhà xuất bản đưa sách lên để họ thẩm định và cho ý kiến. Khi được cán bộ NXB thông báo như vậy, tôi chỉ thấy khoái chí, mà không hề biết rằng mối nguy hiểm đang ngày một áp sát mình.

 

Sau này một đại tá an ninh (giờ ông ấy đã là tướng hai sao), sau vài lần “tiếp cận” tôi, kể với tôi rằng, hồi đó có hẳn cả một cuộc họp liên ngành và quyết định bắt tác giả tống giam chỉ còn chờ phê chuẩn. “Hung hăng nhất là lão D, đồng nghiệp của ông”- ông đại tá bảo thêm và hỏi: “Ông có biết tay đó không?” Khi tôi lắc đầu bảo có nghe tên những không quen, thì ông đại tá nói tiếp: “Tay đó nóng ruột muốn tống ngay ông vào tù”.

 

Vẫn theo viên đại tá nay đã là tướng, khi Hội nghị sắp kết thúc thì bất ngờ một ông “to thứ mười lăm đất nước” bước vào. Ông ấy nói là chuẩn bị đi công tác, biết có cuộc họp này, chỉ ghé qua phát biểu vài lời. Câu đầu tiên ông ấy bảo Tạ Duy Anh là một người tử tế, một nhà văn có trách nhiệm, một người rất yêu nước… Ông to vật mà nói thế về ông, coi như ý kiến chỉ đạo, cấm bàn cãi, thì còn bàn chuyện bắt bớ gì nữa…

 

(Khi “ông to thứ mười lăm đất nước” về hưu, qua nhà thơ D.T, ông mời chúng tôi đến nhà ông uống rượu, để ông có dịp nói lại với tôi chuyện cấm “Đi tìm nhân vật”. Tưởng tôi chưa biết chuyện ông cứu tôi, ông đã kể lại đúng như những gì tôi nghe từ viên đại tá an ninh).

 

Năm 2003 ông Nguyễn Minh Cần, khi đó đang ở Mat-xcơva, đã chuyển “Đi tìm nhân vật” cho nhóm làm sách Tiếng quê hương ở Hoa Kỳ in lại. Năm 2017, tức là sau 15 năm, “Đi tìm nhân vật” mới được phép tái bản trong nước.

 

80 BÌNH LUẬN   

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats