Saturday, 20 March 2021

SỰ NGỤY BIỆN CỦA DƯƠNG KHIẾT TRÌ và "CÁNH HỮU" VIỆT (Jackhammer Nguyễn)

 



Sự ngụy biện của Dương Khiết Trì và “cánh hữu” Việt

Jackhammer Nguyễn

21/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/21/su-nguy-bien-cua-duong-khiet-tri-va-canh-huu-viet/

 

Cuộc họp ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ở Anchorage, Alaska vào hai ngày 18 và 19/3/2021, trở thành sự kiện nóng bỏng trên khắp các phương tiện truyền thông thế giới. Lý do là vì trong cuộc họp này, “nhà ngoại giao” Hoa Lục, ông Dương Khiết Trì, mắng nước Mỹ xối xả, bỏ qua hết mọi chuẩn mực ngoại giao thông thường cũng như những quy định cụ thể cho kỳ họp lần này.

 

Mở đầu buổi họp, ngoại trưởng Anthony Blinken của Mỹ dùng đúng thời gian quy định giữa hai bên là hai phút, tuyên bố quan điểm của Mỹ về những hành xử của Trung Quốc, trong đó có chuyện vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, những thói gian lận thương mại…

 

Ông Dương Khiết Trì người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc trả đũa một cách giận dữ, phá bỏ quy định hai phút, ông xổ ra một tràng tiếng Quan thoại trong vòng 15 phút, mặt mày đỏ tía, tay vung loạn xạ, bảo rằng nước Mỹ không có quyền dạy bảo Trung Quốc về nhân quyền, nước Mỹ sai tùm lum trong chuyện đối xử với người da đen kia kìa.

 

Các viên chức Mỹ sửng sốt vì chuyện phá quy định này, nhưng cũng đành phải để họ Dương xả cơn giận, rồi ngoại trưởng Blinken nhỏ nhẹ bảo: Nước Mỹ chúng tôi không hoàn hảo, nhưng chúng tôi xử những vụ đó (như đối xử tệ với người da đen) một cách công khai.

 

Ta thấy gì trong chuyện này?

 

Dương Khiết Trì không phải là ngoại trưởng, mà là Ủy viên quốc vụ viện, tức là người phụ trách đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc và trong hệ thống cộng sản thì người như họ Dương quyền bính rất to. Nhìn thái độ đỏ mặt tía tai, vung tay vung chân của ông ta, chúng ta thấy rất rõ cốt cách của một cán bộ cộng sản đầy quyền uy, quen thói bắt nạt người khác, bất chấp chuyện ông ta đang ở trong một cuộc họp ngoại giao.

 

Câu chuyện Alaska làm ta nhớ lại chuyện xảy ra ở Hà Nội, hồi năm 2010, cũng họ Dương, đã giận dữ, bỏ ra ngoài phòng họp ASEAN +3, sau khi ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton tuyên bố, Mỹ có “lợi ích quốc gia” về tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

 

Đó là về hình thức bên ngoài, còn nội dung ông ta nói về chuyện Mỹ không có quyền phán xét về nhân quyền, lại là một kiểu ngụy biện thường thấy ở các nước cộng sản nhiều năm qua. Đó là thói ngụy biện được gọi là WhatAboutism (thế còn cái này thì sao), hay có khi còn gọi là Two Wrong make a Right (Hai sai thành một đúng). Nói nôm na là, khi bị buộc tội điều gì đó, thì người bị buộc tội, thay vì biện hộ cho điều người khác buộc tội mình, thì lại tìm cách lôi khuyết điểm của người buộc tội, tạo nên một hiệu ứng tâm lý là họ đúng.

 

Có thể thấy, các quan chức cộng sản, nhất là bên tuyên giáo của Việt Nam cũng có thói quen này. Ví dụ như, khi bị chỉ trích chế độ cộng sản tạo ra nhiều tham nhũng, họ sẽ nói tham nhũng ở đâu mà chẳng có, ở Mỹ cũng thế mà!

 

 

“Cánh hữu” Việt

 

Có những người Việt Nam tự xưng mình là cánh hữu, ở trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt là “phong trào cánh hữu” này nở rộ trong bốn năm cầm quyền dưới thời Donald Trump, và còn lây lất tới ngày nay, sau khi Trump thất cử.

 

Có thể những người này không biết nhiều về “tả” hay “hữu”, mà là do họ cuồng nhiệt ủng hộ Trump, nên chụp lấy những gì ông ta kết tội báo chí Mỹ và đảng Dân chủ Mỹ là cánh tả, là cộng sản, và thế là họ bắt chước, lặp lại đúng như điều ông ta nói.

 

Đối với những người này, thì tổng thống Mỹ Joe Biden và ngoại trưởng Anthony Blinken thuộc phe tả (họ gọi là “thổ tả”), mà cơ khổ là, cả hai ông này chẳng có gì là “tả” cả, mà họ thuộc nhóm trung dung trong tiêu chuẩn chính trị xã hội ở Mỹ. Hai người bị chụp cho cái mũ là “tả”, mà hễ “tả” thì những người ủng hộ ông Trump không thích, thế là họ đâm ra ngưỡng mộ lời lẽ hung hăng của Dương Khiết Trì, họ chỉ trích cách hành xử đúng nguyên tắc ngoại giao chuyên nghiệp của Blinken và cho rằng nước Mỹ yếu hèn.

 

Một điều trớ trêu là, trong những người “cánh hữu” ăn theo này có khá đông những khuôn mặt đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam ở trong lẫn ngoài nước. Xin đơn cử hai nhân vật khá nổi bật ở trong nước, đó là bà N. H. V. và luật sư L. L., là người sẽ biện hộ cho người tù chính trị Phạm Đoan Trang sắp tới đây.

 

Khi chỉ trích như vậy, không rõ họ nghĩ phía Mỹ nên làm gì trong cuộc họp ngoại giao đó? Sẽ chửi thề “F*ck You” với phía Trung Quốc, như người Mỹ khi tức giận? Hay họ nên gọi cảnh sát đến bắt nhốt Dương Khiết Trì?

 

Một điều thú vị là, nếu so sánh những nhân vật “có ảnh hưởng” này trên mạng xã hội với báo chí nhà nước, có thể thấy, báo chí nhà nước đã bỏ đi kiểu ngụy biện của Dương Khiết Trì nhiều rồi, ngoại trừ những tờ báo “chống diễn biến hòa bình” như Nhân Dân, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân…

 

Còn các tờ báo chính thống khác của Việt Nam vẫn trích dẫn tin tức đúng từ truyền thông dòng chính của Mỹ cho công chúng Việt Nam. Trong khi đó, giới tự nhận là “cánh hữu Việt” này lại ưa thích tin vịt của các trang như Tri Thức VN, Đại Kỷ Nguyên, Tân Đường Nhân, Tinh Hoa…

 

Thất bại của “cánh hữu Việt” trước báo chí nhà nước Việt Nam là điều đã và đang đến, và nếu những người thuộc các “cánh hữu” này là nòng cốt của phong trào dân chủ hóa Việt Nam như ông L. và bà V. nói ở trên kia thì, chẳng những hết đời của họ, mà đến đời con, đời cháu của họ cũng chưa thấy … ánh sáng cuối đường hầm.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats