Phùng
Xuân Nhạ phải đắc cử đại biểu Quốc hội, hoặc phải rời khỏi ghế Bộ trưởng!
Jackhammer Nguyễn
08/03/2021
Cấu trúc quyền lực và hình thức
Tất cả các thành viên
chính phủ Việt Nam đều là đại biểu Quốc hội. Điều vui nhộn ở nguyên tắc này là,
những người điều hành chính phủ cũng chính là những nhà làm luật (đại biểu Quốc
hội), ban hành luật để chính họ thực hiện. Nói nôm na là, họ “vừa đá bóng, vừa
thổi còi”, nhưng nói theo đảng CSVN thì đó là nguyên tắc “tập trung dân chủ”
nổi tiếng của họ!
Mọi người đều biết rằng
quyền lực thật sự ở Việt Nam nằm trong tay đảng CSVN, với bộ máy kiểm soát toàn
bộ lãnh thổ cũng như mọi hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… mang
tên Ủy ban Trung ương đảng (Trung ương Đảng) CSVN, vì thế trong nhiều bài viết
tôi gọi Trung ương Đảng là “quốc hội” thật sự của Việt Nam.
Có nghĩa là, nhà nước
Việt Nam có hai quốc hội, một quốc hội để trang trí, mà người dân sẽ “đi bầu”
vào cuối tháng năm tới đây, với hơn 400 đại biểu, và một quốc hội nắm quyền thật
sự, tức là Trung ương Đảng, đã bầu bán xong sau đại hội 13 của đảng CSVN. Thú
vị ở chỗ, hai quốc hội này có phần giao nhau khoảng 25%, với khoảng 100 ủy viên
Trung ương, là thành viên của quốc hội trang trí.
Tuy vậy, theo hiến pháp
do đảng CSVN viết ra, quốc hội với hơn 400 người đó lại là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất“, vì thế việc
trộn lẫn rối rắm nào là quốc hội, nào là Trung ương, nào là bộ chính trị, được
phát biểu một cách trứ danh: Nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo.
Giả sử là điều đó đúng,
thì về mặt hình thức phải làm như thế nào cho đúng? Theo cách hiểu của những
người bình thường, thì bộ phận đông đúc nhất là Quốc hội với hơn 400 đại biểu
đó phải được bầu đầu tiên, sau đó những vị trúng cử sẽ chọn ra các vị trong nội
các chính phủ (các bộ trưởng), và sau cùng mới là Trung ương (các Ủy viên Trung
ương).
Nhưng điều vui nhộn ở chỗ
là, thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại. Tháng 2/2021, BCH Trung ương Đảng CSVN
khóa 13 đã được bầu xong. Sau đó chính phủ được cơ cấu, theo tuyên bố chính thức của chính phủ vào ngày
2/3/2021 như sau: “Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, xây dựng
phương án, giới thiệu nhân sự lãnh đạo Chính phủ. Trách nhiệm của Ban Cán sự
Đảng Chính phủ là giới thiệu, còn quyết định là thẩm quyền của Bộ Chính trị”.
Rồi tận đến ngày
23/5/2021 quốc hội mới được bầu lên.
Trong một bài viết đăng
trên Tiếng Dân ngày 6-3-3031, tác
giả Trần Kỳ Khôi tiết lộ danh sách các thành viên chính phủ Việt
Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Điều này có nghĩa là các nhân vật trong danh sách này
chắc chắn sẽ trúng cử đại biểu quốc hội hơn 2 tháng sau đó, trừ khi lãnh đạo
đảng thấy danh sách bị lộ, nên sẽ thay đổi đôi chút, giống như “trường hợp đặc
biệt” là người giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, dự định sửa điều lệ đảng,
nhưng đã không sửa sau khi bị “thế lực thù địch” loan tin.
Thôi thì ta cứ mặc định
rằng, những người này đã được đảng CSVN tín nhiệm ở kỳ đại hội đảng lần thứ 13,
và dân chúng cũng sẽ tín nhiệm họ để bầu vào quốc hôi vào tháng 5. Hãy để qua
một bên việc làm tréo ngoe vừa bàn ở trên, để xem xét trường hợp sau.
Phùng Xuân Nhạ, anh phải sống
Có một số nhân vật không
được đảng Cộng sản tín nhiệm nhưng lại có tên trong danh sách nội các chính
phủ, như danh sách ông Trần Kỳ Khôi đưa ra, thì quả là thú vị. Xin tạm lấy ra
một trường hợp: Đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Ông Nhạ làm bộ
trưởng từ năm 2016 đến nay, và dĩ nhiên trong thời gian đó, ông cũng là đại
biểu Quốc hội và là ủy viên Trung ương.
Một người là hiệu trưởng
của một trường đại học ở Việt Nam nói với tôi rằng, ông Nhạ xuất thân từ một
chức vụ phó phòng lèm nhèm trong Bộ Giáo dục, nhưng ông quyết tâm đi lên bằng
cách là mua hết tất cả những người nào có trách nhiệm trên con đường hoạn lộ
của ông. Ngoài tật nói ngọng ra, nói chung ông Nhạ không gây hiềm thù gì với
các phe phái hùm beo trong chính trường Việt Nam.
Nhưng dân gian có câu
“điếc hay ngóng, ngọng hay nói” (xin lỗi ông Nhạ, ở đây tôi chỉ mô tả hiện
tượng, chứ không có ý tấn công cá nhân), ông Nhạ hay đăng đàn phát biểu về
những tầm nhìn, cải cách, quyết tâm, chấn chỉnh,… liên quan đến ngành giáo dục,
mà mọi người biết. Còn nhớ, có lần ông đề nghị nhập sách giáo khoa từ Phần Lan về Việt Nam, sau một
chuyến công du vui vẻ ở xứ sở tuần lộc này.
Ông Nhạ không gây thù oán
với phe phái nào, nhưng ông nói nhiều quá, mà lại nói bậy, cho nên đám trí thức không có quyền
lực ở Việt Nam hay mỉa mai ông, rồi nhìn nền giáo dục ngày càng đi xuống dưới
thời ông nắm quyền ở Bộ Giáo dục, dân chúng cũng bất bình. Các đảng viên ở
Trung ương Đảng, dù không thù hằn gì với ông, nhưng sự ồn ào và mất uy tín quá
nhiều với công chúng như vậy, có thể làm cho họ cáu, và thế là ông rớt mất ghế
ủy viên Trung ương trong đại hội 13 vừa rồi.
Nhưng đòn trừng phạt của
đảng chắc cũng chỉ giới hạn ở Trung ương thôi. Sau Trung ương thì chiếc ghế bộ
trưởng của ông vẫn chưa lung lay, ông vẫn được ngồi lại chiếc ghế này, làm bộ
trưởng giáo dục thêm một nhiệm kỳ nữa, theo một số nguồn thạo tin. Tức là
ông phải trúng cử đại biểu Quốc hội khóa tới đây.
Nếu điều đó xảy ra, có
thể thấy, trên quan điểm quyền lực thật sự, ông Nhạ rớt ủy viên Trung ương,
nhưng lại trúng cử Quốc hội. Nếu nói theo hiến pháp, Quốc hội với hơn 400 đại
biểu, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thì ông Nhạ lại được dân chúng
tín nhiệm, trong khi đảng lại bất tín nhiệm.
Trở lại cấu trúc quyền
lực thật sự ở phần đầu bài viết này, thiết nghĩ, đảng CSVN nên làm ngược lại,
tức là bầu Quốc hội đâu vào đó xong, hãy tổ chức Đại hội Đảng sau. Dù gì thì
“đảng lãnh đạo đạo toàn diện, tuyệt đối”, có ai can thiệp vào được trong chuyện
chia ghế của đảng đâu? Nên thay đổi cách sắp xếp ghế, chứ để cái chuyện sinh
con rồi mới sinh cha, như thế rất là lộn xộn.
Nhưng nói gì thì nói,
trong nhiệm kỳ này Phùng Xuân Nhạ phải đắc cử đại biểu Quốc hội, hoặc là Trung
ương sẽ phải thay danh sách đã lộ ra, đổi người khác làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
No comments:
Post a Comment