Sunday 14 March 2021

ÔNG PHÚC LÀM GÌ Ở TRUÔNG BỒN VÀO NGÀY 64 CHIẾN SĨ NẰM XUỐNG Ở GẠC MA (Jackhammer Nguyễn)

 



Ông Phúc làm gì ở Truông Bồn vào ngày 64 chiến sĩ nằm xuống ở Gạc Ma?

Jackhammer Nguyễn

14/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/14/ong-phuc-lam-gi-o-truong-bon-vao-ngay-64-chien-si-nam-xuong-o-gac-ma/

 

Báo Lao Động của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin, cho biết, vào ngày 14/3/2021, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn tùy tùng đến thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ thời chiến tranh chống Mỹ ở di tích lịch sử Truông Bồn, miền Tây tỉnh Nghệ An.

 

Đây là một điểm giao thông chiến lược trên con đường mòn Hồ Chí Minh, còn được gọi là “Cung đường máu lửa”, nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Theo con đường này, binh lính, súng đạn, lương thực của miền Bắc cộng sản được đưa vào miền Nam. Theo báo Lao Động, có hơn 1.200 người bị không lực Mỹ bỏ bom giết chết.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/0-76.jpg

Ông Phúc dâng hoa tưởng niệm các liệt sĩ thời chống Mỹ tại Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: Hồng Nhung/ Báo LĐ

 

Thoạt nhìn, chuyến dâng hương của ông Phúc không có gì đặc biệt, cũng như những chuyến “về nguồn” của các viên chức “đảng và nhà nước”. Đoàn tùy tùng được phân bổ theo tính mặt trận quen thuộc của Đảng, ông Vương Đình Huệ, đại diện cho thủ đô, ông Nguyễn Văn Thể đại diện bên giao thông (đường mòn Hồ Chí Minh thuộc về giao thông mà), viên chức đảng cao cấp Phan Đình Trạc là người Nghệ An…

 

Nhưng điều đáng nói là, chuyến “về nguồn” này của ông Phúc rơi vào ngày 14/3, là ngày mà hàng triệu người Việt Nam tưởng niệm trận thảm sát Gạc Ma ở Trường Sa. Tại đây vào ngày 14/3/1988, có 64 thủy thủ trên một tàu vận tải Việt Nam không vũ trang, bị Trung Quốc tấn công, giết chết, và chiếm mỏm đá chiến lược này từ đó đến nay.

 

Tại sao lại có chuyện kỳ hoặc này? Kỳ hoặc hơn nữa là các tờ báo lớn của Việt Nam, như tờ Tuổi Trẻ ở Sài Gòn, tờ VnExpress ở Hà Nội, các kênh truyền hình lớn đều đưa tin về thảm sát Gạc Ma, trong đó gọi đúng tên Trung Quốc là thủ phạm, một khuynh hướng mà truyền thông Việt Nam trong thời gian gần đây lên tiếng khá mạnh về kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc.

 

Thế nhưng, tại sao ông Phúc lại lủi thủi trong rừng Nghệ An để tưởng niệm về trận đánh nhau với những kẻ thù đã lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ và bây giờ trở thành một đối tác vô cùng quan trọng trong việc cân bằng sức mạnh với bá quyền phương Bắc?

 

Chắc chắn rằng các chuyến viếng thăm như thế đều phải được Đảng đồng ý. Phải chăng ông Phúc đi tưởng niệm các liệt sĩ chống Mỹ để cân bằng với quần chúng và báo chí tưởng niệm Gạc Ma chống Trung Quốc? Ra tín hiệu với Bắc Kinh rằng, ông vẫn đang “chống Mỹ”? Một chương trình tưởng niệm mang tính đu dây?

 

Việt Nam đã và đang thực hiện một chính sách đu dây giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Chính sách này được nhiều người đánh giá không tệ, và cũng không ngoại lệ, vì hầu như tất cả các nước Đông Nam Á đều thực hiện chính sách này.

 

Tòa đại sứ của Bắc Kinh tại Hà Nội chắc chắn có đọc báo Việt Nam trong ngày 14/3, họ sẽ bực tức khi thấy lễ tưởng niệm Gạc Ma được đưa tin, dù không hoành tráng, nhưng rất rộng rãi. Nỗi bực tức đó sẽ được thăng bằng trở lại khi thấy không có ai trong tam trụ (tổng tịch Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) tham gia tưởng niệm Gạc Ma cả, mà ông Phúc còn tưởng niệm chiến tranh “chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ” nữa cơ!

 

Các nhà lãnh đạo Việt Nam, một mặt đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc, mặt khác họ cũng đu dây giữa dân chúng Việt Nam và Bắc Kinh. Một mặt, họ cho phép báo chí đưa tin khá thoải mái về thảm sát Gạc Ma, mặt khác họ trốn biệt trong những lễ tưởng niệm… “tự phát” đó. Viên đại sứ Bắc Kinh có hoạnh họe thì họ trả lời, đó là “tự phát”, là xong.

 

Nhưng sao nhân vật đi Truông Bồn không phải là ai khác, mà lại là ông Phúc vốn có uy tín với dân chúng trong nhiệm kỳ vừa qua về thành tích chống dịch và phát triển kinh tế?

Ông Phúc sắp tới đây sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch nước, một chức vụ có tiếng mà không có miếng, xem như vớt vát cuối cùng của ông trước khi về vườn. Nhiệm vụ lễ nghi Truông Bồn này xem như bắt đầu năm năm lễ nghi đằng đẳng tới đây của ông Phúc.

 

Ông Phúc phải cám ơn báo Tuổi Trẻ, vì mặc dù có đưa tin ông ở Truông Bồn, nhưng điều đó chỉ nằm vào phần cuối của một bản tin chính về việc ông cắt băng khánh thành một cây cầu nối giữa Nghệ An và Hà Tĩnh, một sự kiện dù sao cũng có ý nghĩa trên cương vị người điều hành guồng máy kinh tế quốc gia. Tờ báo Lao Động có lẽ vẫn còn được điều hành bởi thế hệ những nhà tuyên giáo truyền thống, không phân biệt được đâu là thật, đâu là tuyên truyền?

 

Dù sao ông Phúc còn làm thủ tướng chẳng được bao nhiêu ngày nữa, một mặt ông phải nghe lời Đảng, không xuất hiện ở những buổi lễ tưởng niệm Gạc Ma, nhưng ông có thể thoái thác cái chuyện Truông Bồn, mà thay vào đó là những chuyện lớn như chống dịch Covid và vaccine chẳng hạn, xứng đáng với cương vị thủ tướng của ông hơn.

 

Mong là sau năm năm lễ nghi tới đây, khi về hưu tại quê nhà Quảng Nam – Đà Nẵng, ông Phúc sẽ thoải mái tham gia kỷ niệm Gạc Ma, hay Hoàng Sa tại quê hương ông, nơi có tình cảm rất mạnh đối với các hòn đảo Việt Nam ngoài biển Đông.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats