Đối
thoại Bộ Tứ đã vạch ra một đường phân thuỷ
Phạm Sơn - Tầm
Nhìn
18/03/2021
https://baotiengdan.com/2021/03/18/doi-thoai-bo-tu-da-vach-ra-mot-duong-phan-thuy/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/0-83.jpg
Lãnh đạo Bộ Tứ
Nhật, Mỹ, Úc, Ấn (Từ trái qua)
Bộ tứ (Quad)
vừa kết thúc cấp cao trực tuyến cuối tuần trước. Đây là cuộc hội đàm giữa các
nhà lãnh đạo, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide,
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ngay sau Hội đàm cấp cao, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ đang có các chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc (16 – 18/3).
TS. Đinh
Hoàng Thắng, Giám đốc Truyền thông Viện PLD (Viện Nghiên cứu
các vấn đề Chính sách, Pháp luật và Phát triển) phân tích cùng “Tầm Nhìn” về
các chuyến đi “ngoại giao con thoi” này.
*
PV:
Ông đánh giá thế nào về chuyến công du sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng và
Ngoại trưởng Mỹ tới Nhật Bản và Hàn Quốc? Những nội dung nào sẽ được
thảo luận giữa các bên?
– Lâu nay, giữa Nhật, Hàn
với Mỹ vẫn có cơ chế gặp gỡ 2+2, nghĩa là hội đàm giữa các ngoại trưởng và bộ
trưởng quốc phòng của các nước đó với nhau, bàn về các vấn đề ngoại giao và an
ninh. Lần này, hội nghị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Nhật, Mỹ –
Hàn sẽ diễn ra từ 16 đến 18/3 ở các thủ đô Tokyo và Seoul. Mục tiêu của các
chuyến công du là chuyển tải tinh thần bao quát của Bộ tứ.
– Các Bộ trưởng Mỹ sang
Nhật một mặt là để triển khai các thoả thuận tại Đối thoại Quad, nhưng nổi bật
và bao trùm tại cả hai cuộc 2+2 là bàn phương cách tới đây các nước này sẽ đối
phó với Trung Quốc như thế nào, mặt khác lo chuẩn bị cho Thượng đỉnh Nhật – Mỹ vào
9/4 tới đây.
– Với các đồng nhiệm Hàn
Quốc, sẽ bàn thảo về “phi hật nhân hoá” bán đảo Triều Tiên. Các cuộc hội đàm
2+2 này lại diễn ra trước cuộc gặp cấp bộ trưởng, cũng 2+2 giữa Mỹ và Trung
Quốc (từ 18 đến 19/3) tại thành phố Anchorage, ở phía nam tiểu bang Alaska
(Mỹ). Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về tình trạng căng
thẳng hiện nay trong bang giao Trung – Mỹ.
– Có thể thấy sự tương
tác chằng chịt giữa các cuộc viếng thăm. Nếu tính cả chuyến thăm Ấn Độ trước đó
(ngày 13/8) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin thì đợt này có tới 5 chuyến
“ngoại giao con thoi” tất cả. Nội dung bàn thảo chắc chắn rất phong phú, nhưng
bao quát vẫn là các biện pháp ủng hộ và chống lại một FOIP trong không gian hai
đại dương liền kề.
– Tất nhiên các cuộc hội
đàm sẽ không đồng nhất (Gặp Trung Quốc so với gặp Ấn, Nhật và Hàn đương nhiên
phải khác nhau rồi!) Đằng sau câu chuyện 1 tỷ liều Vaccine là hình hài một trật
tự mới ở khu vực và trên toàn cầu. Trung Quốc hiểu rất rõ nước này đã thách
thức trật tự dựa trên các quy tắc bằng cách bác bỏ thô bạo phán quyết của Toà
CPA về Biển Đông và tiếp tục ép buộc các quốc gia trong khu vực, trong đó có
Việt Nam.
– Tổng thống Biden vừa
nhậm chức hơn 50 ngày. Ưu tiên những vấn đề đối nội, ông đã và đang giải quyết
hai hồ sơ nổi cộm nhất là thông qua gói cứu trợ đại dịch 1900 tỷ usd và hợp
thức hoá nhiều triệu dân nhập cư. Chuyển sang đối ngoại, ông muốn làm chuyện
lớn là thắt chặt quan hệ đồng minh với Nhật và Hàn Quốc, nhằm triển khai việc
kiến tạo khu vực Ấn Thái Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở, hội nhập và
tráng kiện, được gắn kết bởi các giá trị dân chủ và không bị ép buộc bởi bất kỳ
một sự cưỡng bức nào.
– Mỹ thắt chặt các liên
minh ở châu Á theo hướng thể chế hoá cấu trúc “Bộ tứ Kim cương về An ninh”, gọi
tắt là Quad. Bộ tứ này chưa hẳn là cấu trúc an ninh tập thể kiểu NATO, nhưng rõ
ràng nó sẽ trở thành một trụ cột bền vững và lâu dài, nhằm thực hiện chiến lược
“Indo-Pacific tự do và rộng mở”, nói tắt là FOIP. Để hiểu rõ hơn nội dung trao
đổi tại các cuộc tiếp xúc sắp tới giữa các bên, nên nghiên cứu kỹ “Tuyên bố
chung” 5 nội dung ngày 12/3 của “Đối thoại An ninh không chính thức” mới đây
của Quad.
*
PV: Trong
thời gian tới, vai trò và hoạt động của Bộ Tứ sẽ có những thay đổi nào?
– Đối thoại Bộ tứ ngày
12/3 đã vạch ra một “đường phân thuỷ” đối với khu vực Ấn Thái Dương
(Indo-Pacific), từ cả góc độ an ninh lẫn kinh tế. Trước đây khi mới tái lập
(năm 2017), Bộ tứ bị Trung Quốc chế diễu là một câu lạc bộ chỉ để “tán gẫu”,
thậm chí còn bị đả kích, cho đó là sản phẩm của chiến tranh Lạnh.
– Sau đối thoại an ninh
tuần trước, Trung Quốc và thế giới sẽ phải có nhìn nhận khác về Bộ tứ. Bời vì,
Tổng thống Biden đánh giá Hội nghị là “một phép thử địa-chính trị lớn nhất của
thế kỷ 21” trong việc đối phó với Trung Quốc. Ngay từ đầu, Mỹ khẳng định từ
nay, Bộ tứ sẽ hoạt động như một diễn đàn trọng yếu cho sự hợp tác trong không
gian “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP).
– Sau nhiều năm chỉ họp ở quan chức cao cấp (cấp Bộ trưởng và tương
đương) với kết quả chỉ là những tuyên bố riêng rẽ, thì đây là lần đầu tiên Bộ
tứ đã được nâng lên cấp cao nhất và cũng lần đầu tiên Nhóm này ra một Tuyên bố
chung. Có thể đấy là một trong những lý do để báo chí Ấn Độ đánh giá: Hội đàm
của Bộ tứ vừa qua là một bước ngoặt trong trật tự toàn cầu.
– Nói thêm về vai trò và
hoạt động thời gian tới, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng “Bộ tứ kim cương đã
đến tuổi trưởng thành” và giờ đây đã trở nên “một lực lượng vì lợi ích toàn
cầu, là một trụ cột quan trọng của sự ổn định trong khu vực”. Đánh giá về kết
quả Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng hội nghị đánh
dấu “một bình minh mới ở khu vực Ấn Thái Dương”.
– Thậm chí, báo chí Ấn Độ
có phần phóng đại, khi so sánh 2 giờ hội đàm giữa những người đứng đầu Bộ tứ sẽ
được lịch sử nghi nhận như là một Yalta, Potsdam hoặc San Francisco trong thế
kỷ này.
*
PV: Sau
các chuyến công du nói trên, tình hình tại Biển Đông
dự báo sẽ có những diễn biến mới nào?
– Như đã nhấn mạnh, Biển
Đông, Biển Hoa Đông sẽ là những hồ sơ nóng trong tất cả các nghị trình từ cấp
các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng đến các cấp cao Nhật – Mỹ, cấp Bộ
trưởng Mỹ – Trung. Ngay khi các cuộc ngoại giao “con thoi” đang diễn ra, chúng
ta nhắc lại ở đây Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ tứ tuần trước để hình dung các
diễn biến có thể xẩy ra tại khu vực Biển Đông.
– Phần thứ tư của Tuyên
bố chung nhấn mạnh Bộ tứ sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế
trong lĩnh vực hàng hải. Bộ tứ cũng sẽ tạo điều kiện cho các quan hệ hợp tác để
ứng phó với các thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
– Đáng chú ý là lập
trưởng “vừa đấm vừa xoa” của Bắc Kinh đối với Bộ tứ nói chung và đối với đoạn
tuyên bố về Biển Đông nói riêng. Trung Quốc tỏ ra lo ngại khi cáo buộc “Bộ tứ
là khởi đầu cho sự ra đời của NATO phiên bản châu Á, với mục đích làm suy yếu
sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung
Quốc mới đây cũng đã hạ giọng khi kêu gọi Quad “không nên nhắm vào một quốc gia
cụ thể nào”.
– Riêng đối với Biển
Đông, Trung Quốc hiện đang tiến hành tập trận suốt cả tháng 3 này và từng
khuyến cáo, thậm chí là cấm các tàu bè không qua lại khu vực tập trận. Bộ Ngoại
giao Việt Nam cũng đã bày tỏ thái độ phản đối đối với cuộc tập trận này của
Trung Quốc.
– Dưới tác động các tuyên
bố về Biển Đông của Bộ tứ, căn cứ thái độ có vẻ “xuống nước” của Bắc Kinh trước
các cuộc gặp cấp Bộ trưởng Trung – Mỹ, chúng ta cần theo dõi tiếp xem Trung
Quốc có bớt hung hăng trên Biển Đông hay không. Dù thái độ Trung Quốc nhu hay
cương, chúng ta vẫn phải hết sức nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi
tình huống trên Biển Đông.
– Cuối năm ngoái, trong
vòng chưa đầy một tháng, đã có tới 3 lần ông Tập Cận Bình hô hào “chuẩn bị
chiến tranh”. Mới đây thôi, ngày 9/3 ông Tập tiếp tục kêu gọi nâng cao “tính
sẵn sàng tác chiến” cho binh lính. Trước đó, ngày 6/3 bộ trưởng Quốc phòng Ngụy
Phượng Hòa cũng hối thúc quân đội “tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến”, lu
loa rằng an ninh quốc gia của Trung Quốc “đã bước vào giai đoạn nguy cơ cao”.
– Từ khi tái lập, Bộ tứ
triển khai lộ trình khá thận trọng. Nhưng vì những năm gần đây, Bắc Kinh tăng
cường leo thang và bắt nạt, đe doạ và ức hiếp các nước láng giềng, vào ra vùng
đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của Việt Nam và một số nước ASEAN
như đi vào chỗ không người, bất chấp LPQT, đặc biệt là UNCLOS-1982. Do vậy,
việc Bộ tứ được nâng lên cấp cao nhất là một tất yếu khách quan trước những
hành động hung hăng của Trung Quốc.
*
PV:
Các chuyển động ngoại giao nói trên ảnh hưởng như thế nào đến ASEAN như là một tổ
chức, thưa Tiến sỹ?
– Có thể dự đoán, từ nay
Bộ tứ (QUAD) và khái niệm “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) sẽ là những
cấu trúc vận hành song song. Thậm chí có thể phát triển thành một mạng lưới
quan hệ đan xen giữa lợi ích với tiềm năng trong những lĩnh vực như chính trị,
kinh tế và chiến lược.
– Trong khi Bộ tứ giải
quyết những yêu cầu về an ninh, quốc phòng và chiến lược thì FOIP có thể trở
thành một thể chế hợp tác liên khu vực để giải quyết các vấn đề trên khía cạnh
kinh tế và chính trị. Đừng quên là Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương lần thứ
nhất (IPBF-1) khỏi đầu ở Washington (Mỹ), còn IPBF-3 cuối năm ngoái tổ chức ở
Hà Nội.
– Ảnh hưởng trước tiên
đến ASEAN là vấn đề chọn bên. Trong quá trình Bộ tứ tìm kiếm những đối tác mới
thì chính chương trình quân sự của Quad là khó chấp nhận đối với một số thành
viên ASEAN. Tuy nhiên, trước sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển
đảo, Hiệp hội này hoặc một số thành viên của Tổ chức có thể trở thành đối tác
của Bộ tứ với những điều kiện nhất định. Các điều kiện này vốn đã được làm sáng
tỏ tại “Quan điểm của ASEAN về Ấn Thái Dương” (AOIP).
– Đến một lúc nào đó,
ASEAN sẽ nhận ra rằng, khác thể chế cũng có thể cùng phe. Lịch sử loài người đã
có một dẫn chứng trong chiến tranh thế giới thứ 2, khi Anh Pháp Mỹ đứng cùng
phe với Liên Xô để chống lại trục phát xít. Lúc đầu các nước dân chủ cũng có
đắn đo nhưng về sau, vì quyền lợi chung nên các nước đó đã chấp nhận. Trên
nguyên tắc, nếu hai bên cùng bị một bên thứ ba gây thiệt hại lớn thì có thể
cùng nhau hợp lực tạm thời để chống bên thứ ba.
– Vấn đề kết hợp “sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” đối với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói
chung tới đây sẽ là “hòn đá thử vàng” trong chính trị đối ngoại của một tổ chức
liên kết cấp vùng không thuần nhất như ASEAN và một thể chế chính trị đặc thù
như của Việt Nam.
– Để kết thúc trao đổi
hôm nay, tôi xin chia sẻ thêm: một cuộc khảo sát do Singapore tiết lộ, có đến
80% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ thích Việt Nam quan hệ tốt đẹp với
Mỹ. Tỷ lệ này cao nhất ASEAN. Đồng thời Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ không
tin tưởng vào Trung Quốc rất cao. Nếu nay mai, một số thành viên ASEAN, trong
đó có Việt Nam trở thành “đối tác theo sát” (shadow partner) của Bộ tứ, tôi
chắc không nhiều người ngạc nhiên.
No comments:
Post a Comment