Lịch
sử và di chứng của Miến Điện
Lê Mạnh Hùng
Mar 17, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lich-su-va-di-chung-cua-mien-dien/
Có lẽ Miến Điện là một
trong những quốc gia kém may mắn nhất tại Đông Nam Á. Là một quốc gia rất giàu
có về tài nguyên đáng lẽ phải trở thành sung túc nhất nhưng cuối cùng lại trở
thành một trong những quốc gia nghèo nhất trong vùng.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/A1-Lich-su-di-chung-Mien-Dien-1536x1038.jpg
Những người biểu
tình chống đảo chính trưng ra các biểu ngữ khi họ tụ tập ở Yangon, Miến Điện,
hôm Thứ Ba, 16 Tháng Ba. Các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước nhằm thách
thức sự chiếm quyền của quân đội. (Hình minh họa: AP Photo)
Cái không may đầu tiên
của Miến là ông Aung San, người lãnh đạo phong trào giành độc lập của Miến, bị
ám sát chết cùng với hầu hết chính phủ của ông ngay sau khi được Anh trả lại
độc lập. Với cái chết của Aung San, thỏa hiệp mà ông ký kết với các lãnh tụ sắc
tộc thiểu số Panglong Agreement không còn hiệu lực nữa, dẫn đến một cuộc nổi
dậy của các sắc tộc này chống lại chính quyền của người Miến.
Thành ra trong suốt 14
năm đầu độc lập của Miến Điện, nước này bị xáo trộn bởi một loạt các cuộc nổi
dậy. Nổi bật nhất trong các cuộc nổi dậy này là của đảng Cộng Sản Miến – Cờ
Trắng (CPB-WF) của Thakin Than Tun, đảng Cộng Sản Miến – Cờ Đỏ (CPB-RF) của
Thakin Soe, của quân đội Cách Mạng Miến (Revolutionary Burma Army) của các sĩ
quan Cộng Sản Bo Zeya, Bo Yan Aung và Bo Ye Htut và của Liên Minh Quốc Gia
Karen (KNU).
Các cuộc nổi dậy này,
cùng với những cố gắng của chính phủ dân sự nhằm thương thuyết với các phe nổi
dậy nhất là Cộng Sản dẫn đến việc quân đội bất mãn cho rằng chính sách của
chính phủ dân sự sẽ làm tan rã đất nước.
Ngày 2 Tháng Ba, 1962, tư
lệnh quân đội, Tướng Ne Win tổ chức đảo chánh và bắt giữ tất cả các lãnh tụ dân
sự, và chính quyền Miến đã nằm trực tiếp hoặc gián tiếp dưới tay các tướng lãnh
kể từ đó.
Từ năm 1962 đến 1974,
Miến Điện bị một “Hội Đồng Cách Mạng” bao gồm các tướng lãnh cai trị. Hầu hết
mọi khía cạnh của xã hội (doanh nghiệp, truyền thông, sản xuất) đều bị quốc hữu
hóa, hay đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ trong cái gọi là “Con Đường Miến
Điện Tiến Tới Xã Hội chủ Nghĩa” (Burmese Way to Socialism).
Năm 1974, một Hiến Pháp
mới được đưa ra trong đó đất Miến được cai trị dưới một đảng duy nhất, đảng
Chương Trình Xã Hội Chủ Nghĩa Miến (Burma Socialist Programme Party – BSPP)
trong đó các tướng lãnh hay sĩ quan cởi bỏ quân phục trở thành lãnh đạo đảng.
Các cuộc phản đối đặc biệt là cuộc nổi dậy năm 1974 nhân đám ma nhà lãnh tụ U
Thant đều bị đàn áp một cách tàn bạo.
Năm 1988, một cuộc nổi
dậy khổng lồ chống lại việc chính quyền quản lý tồi bại nền kinh tế dẫn đất
nước đến phá sản lật đổ chế độ Ne Win. Nhưng sau đó, những mâu thuẫn trong
phong trào chống đối dẫn đến việc Tướng Saw Maung tổ chức một cuộc đảo chánh
giết chết hàng ngàn người biểu tình và thành lập Hội Đồng Phục Hồi Luật Pháp và
Trật Tự (SLORC) và hứa hẹn sẽ lập lại chế độ dân chủ.
Tháng Năm, 1990, chính
quyền cho tổ chức cuộc bầu cử tự do đa đảng lần đầu tiên từ 30 năm và đảng Liên
Đoàn Quốc Gia Dân Chủ (National League for Democracy – NLS) của bà Aung San Suu
Kyi, con gái lãnh tụ Aung San chiếm được 392 trong tổng số 492 ghế của Quốc
Hội. Tuy nhiên chính quyền quân sự hủy bỏ kết quả bầu cử và tiếp tục cai trị
với tư cách là SLORC đến năm 1997 và sau đó là Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển
(State Peace and Development Council – SPDC) cho đến khi được giải tán vào năm
2011.
Tháng Tám, 2007, việc
tăng giá nhiên liệu dẫn đến việc biểu tình phổ biến do các tăng lữ cầm đầu,
được gọi là cuộc Cách Mạng Vàng (Saffron Revolution) và bị đàn áp mạnh mẽ.
Nhưng nó cũng dẫn đến việc Miến Điện bị quốc tế trừng phạt mạnh về kinh tế và
là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giới quân phiệt phải nhả bớt quyền
lực vào năm 2011.
Ngày 10 Tháng Năm, 2008,
chính quyền cho tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến Pháp. Mục tiêu đặt ra là thành
lập một “nền dân chủ có kỷ luật.” Đồng thời cũng đổi tên tiếng Anh của nước
mình thành “Nước Cộng Hòa Liên Bang Myanmar” (Republic of the Union of
Myanmar).
Tổng tuyển cử được tổ
chức vào năm 2010 trong đó đảng của quân đội Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển
(Union Solidarity and Development Party USDP) chiến thắng với 80% số phiếu với
hầu hết các đảng đối lập nhất là đảng NLD tẩy chay cuộc bầu cử.
Chính quyền quân sự được
giải tán vào năm 2011 và thay thế bằng một chính quyền dân sự, nhưng quân đội
vẫn nằm giữ cán cân quyền lực với 25% số ghế trong Quốc Hội được dành cho quân
đội không qua bầu phiếu và ba bộ quan trọng gồm Nội An, Quốc Phòng và Biên
Phòng do quân đội nắm giữ.
Tổng tuyển cử được tổ
chức lần thứ hai vào Tháng Mười Một, 2015. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1990
có sự tham dự của các đảng đối lập. Kết quả cho đảng NLD đa số tuyệt đối tại cả
hai viện Quốc Hội.
Quốc Hội mới nhóm họp vào
Tháng Hai, 2016, và đến ngày 15 Tháng Ba, 2016, ông Htin Kyaw được bầu làm tổng
thống. Lãnh tụ đảng Aung San Suu Kyi bị Hiến Pháp cấm không làm tổng thống (vì
có chồng ngoại quốc) được cử giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh (State Counselor) một
chức vụ đặc biệt tạo ra cho bà.
Cuộc bầu cử thứ ba vào
Tháng Mười Một, 2020, lại một lần nữa dẫn đến chiến thắng tuyệt đối của đảng
NLD, chiếm 396 trong số 476 ghế trong Quốc Hội dành cho dân bầu. Đảng USDP của
quân đội chỉ giành được 33 ghế. Ngay khi biết kết quả cuộc đầu phiếu, đảng USPP
và giới chức quân đội đã lên tiếng tố cáo đầu phiếu gian lận.
Sáng ngày 1 Tháng Hai,
2021, ngày Quốc Hội mới nhóm họp, quân đội Miến tổ chức cuộc đảo chính bắt giữ
bà Aung San Suu Kyi, các lãnh tụ của đảng cầm quyền và tuyên bố một tình trạng
khẩn cấp, đóng cửa biên giới, giới hạn đi lại và cắt giảm các liên lạc điện tử
trên toàn quốc.
Kể từ đó các cuộc biểu
tình chống đối của dân chúng cũng như đình công và bãi công của công chức và
công nhân liên tục xảy ra với quân đội càng ngày càng dùng bạo lực gia tăng để
đàn áp. Cho đến nay số người bị quân đội bắn chết đã lên tới cả trăm người.
Kết cục của cuộc nổi dậy
lần này hiện còn chưa được biết. Tuy nhiên so với những lần nổi dậy trước, lần
này có nhiều thay đổi.
Miến Điện đã thay đổi
nhiều trong thập niên kể từ lúc nước này bắt đầu tiến trình dân chủ hóa. Nếu
các tướng lãnh Miến nghĩ rằng họ có thể quay đất nước trở lại quá khứ chuyên
chế, thì họ sẽ thất vọng. Các cuộc đình công của công nhân, nhất là trong khu
vực ngân hàng đã làm cho nền kinh tế hầu như khựng lại. Ngân hàng đóng cửa khiến
các tướng lãnh gặp khó khăn trong việc trả lương cho lính.
Tương lai một đất nước
chỉ có thể quyết định bởi chính dân chúng nước đó. Nhưng những người có cảm
tình với nền dân chủ bên ngoài có thể đóng góp rất nhiều trong việc giúp những
người đấu tranh trong nước chống lại sự đàn áp của chế độ. Những biện pháp
trừng phạt kinh tế và tẩy chay đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cho
những kẻ độc tài chùn bước. Một phản ứng phối hợp của các quốc gia chính trên
thế giới sẽ đủ sức làm cho những tên tướng hiếu sát nhất phải chùn bước. [qd]
------------------------
Xem Thêm
Ngoại
giao vaccine – mặt trận mới của Trung Quốc
Mar 16, 2021
Nền
dân chủ Myanmar nằm trong tay giới trẻ
Feb 23, 2021
Feb 2, 2021
No comments:
Post a Comment