Thursday, 11 March 2021

NHỮNG PHỤ NỮ VIỆT NAM KHÔNG CHẤP NHẬN IM LẶNG (Grace Bui - Asia Times)

 



Những người phụ nữ Việt Nam không chấp nhận im lặng

Grace Bui  -  Asia Times

Jackhammer Nguyễn, chuyển ngữ

10/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/10/nhung-nguoi-phu-nu-viet-nam-khong-chap-nhan-im-lang/

 

Lời giới thiệu: Cô Grace Bui là một thành viên của nhóm Project 88, ghi nhận những trường hợp bắt bớ và bỏ tù người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, cô Grace Bui có bài viết về các nhà hoạt động nhân quyền, xã hội, môi trường là phụ nữ ở Việt Nam, đăng trên báo Asia Times. Sau đây là bản dịch:

 

                                                 ***

 

Khuya 6/10/2020, công an Việt Nam ập vào một căn nhà trọ để bắt giữ Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động nhân quyền, một nhà báo, một tác giả nổi tiếng. Cô bị bắt giữ với tội danh công an gán theo điều 88, bộ luật hình sự 1999: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cô đối mặt với bản án lên đến 20 năm.

 

Điều khôi hài là Phạm Đoan Trang bị bắt chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ thường niên lần thứ 24 kết thúc. Cô Trang bị giam tại một nơi không thể liên lạc được với bên ngoài. Không ai nghe hoặc thấy cô, kể cả luật sư của cô, từ ngày bị bắt đến nay.

 

Trang không phải là trường hợp duy nhất. Bất chấp những thành tích được quốc tế ca ngợi và những đóng góp quan trọng cho phong trào nhân quyền, báo chí tự do và dân chủ ở Việt Nam, Trang và các nhà hoạt động nữ khác trong nước vẫn thường xuyên bị sách nhiễu, bắt bớ và chịu án tù dài hạn.

 

Ngày 24/6/2020, công an ập vào nhà và bắt bà Cấn Thị Thêu mà không có lệnh của tòa. Bà Thêu là một người đấu tranh chống cướp đất, đấu tranh cho quyền sở hữu đất đai. Đây là lần thứ ba bà bị bắt sau nhiều lần bị quấy rối. Bà cũng bị giam ở một nơi không thể liên lạc được. Hai người con trai là Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương cũng bị bắt giam, chỉ còn người chồng Trịnh Bá Khiêm hiện vẫn còn được tự do.

 

Sáng sớm hôm đó, một phụ nữ khác là bà Nguyễn Thị Tâm, là người bảo vệ nhân quyền và khiếu kiện đất đai, cũng bị lực lượng an ninh bắt cóc khi đang đi chợ ở địa phương.

 

Bốn người kể trên bị cáo buộc vi phạm điều 177 [Bộ luật hình sự].

 

Theo nhóm Project 88, cho đến ngày 2/3/2021, có 83 nhà hoạt động nữ người Việt Nam đang đối diện với nhiều hiểm nguy, trong đó có 28 người đang bị giam, vì lên tiếng cho các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Có 9 người bị bắt trong năm 2020, 4 người bị bắt trong năm 2019, tức là số bị bắt trong năm 2020 tăng gấp đôi. Và phần lớn những người bị bắt vì bày tỏ chính kiến của họ trên mạng xã hội.

 

Việt Nam đàn áp mạnh những tiếng nói đối lập, không cho các tù chính trị được liên lạc với người thân và luật sư, từ chối không cho họ có những phiên tòa công bằng, không cho họ được chăm sóc sức khỏe chu đáo trong nhà giam.

 

Việc đàn áp những phụ nữ này làm dấy lên sự lo ngại cho những trẻ em con cái của họ. Bà Trần Thị Nga trả lời phỏng vấn của nhóm Project 88 sau khi được trả tự do, rằng việc bắt bớ và quấy rối những phụ nữ này gây tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần cho cả những người đứa trẻ và người mẹ.

 

Theo khoản b, điều 67, bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015: Nếu người bị bắt mang thai hoặc có con nhỏ chưa đến 36 tháng, thì việc bắt giữ có thể dời lại cho đến khi đứa trẻ 36 tháng tuổi. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam thường không tuân theo những điều luật của chính họ.

 

Bà Đoàn Thị Hồng bị bắt ngày 2/9/2018, không có trát tòa hay lệnh bắt. Bà Hồng là mẹ đơn thân, và khi bị bắt con bà mới 30 tháng tuổi. Bà Hồng bị giam giữ không cho liên lạc trong 1 năm. Trong thời gian đó, gia đình bà, cũng như đứa con gái nhỏ của bà không được gặp mặt bà.

 

Bà Huỳnh Thị Tố Nga, một nhân viên phòng thí nghiệm, cũng là mẹ đơn thân với hai con nhỏ. Bà bị cảnh sát chìm bắt cóc ngày 29/1/2019 khi đang trên đường về nhà từ bệnh viện. Khi bị bắt, một trong hai con của bà chưa được 30 tháng tuổi. Trong nhiều tuần lễ, gia đình không biết bà ở đâu.

 

Sau khi bà Nga bị bắt, gia đình bị nhà cầm quyền dọa nạt, không dám đấu tranh cho bà.

 

Người mẹ đơn thân mới nhất bị bắt là bà Đinh Thị Thu Thủy, bị bắt ngày 18/4/2020. Bà bị bắt theo điều 117: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/1-22-1024x552.png

Những nữ tù chính trị VN đang bị giam giữ. Từ trái qua: Cấn Thị Thêu, Đinh Thị Thu Thủy, Huỳnh Thị Tố Nga, Nguyễn Thị Tâm

 

Theo cáo trạng, bà Thủy bị bắt vì đã tạo những tài khoản trên Facebook để phổ biến nhiều bài báo xuyên tạc chính sách của chế độ cộng sản và bôi nhọ giới lãnh đạo của đảng này. Bà cũng bị buộc tội chỉ trích các biện pháp của đảng Cộng sản trong việc đối phó với dịch Covid-19.

 

Bà Thủy là một nhà hoạt động nhân quyền và môi trường. Bà cũng là mẹ đơn thân với đứa con 9 tuổi. Bà bị giam trước khi xử, không được gặp đứa con trai mình đến tận tháng 12/2020. Bà bị kết án 7 năm tù giam vào ngày 20/1/2021 và bệnh nặng trong thời gian giam giữ.

 

Nhà cầm quyền Việt Nam thường hay sử dụng con cái của những tù nhân nữ này như một sức ép để bắt họ ký những bản “thú tội”. Nhà cầm quyền cũng cáo buộc những người phụ nữ không hoàn thành trách nhiệm làm mẹ.

 

Những phụ nữ này thường bị giam trong những nhà giam xa chỗ ở của họ, có khi đến cả ngàn cây số. Khi làm như vậy, nhà cầm quyền tạo nên những điều kiện cực kỳ khó khăn để con cái họ không thể thăm họ được. Gia đình chỉ được thăm viếng mỗi tháng một lần, mỗi lần 30 phút. Có những gia đình sau khi lặn lội rất xa đến trại giam và phát hiện ra rằng họ không được thăm người thân đang bị giam.

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua. Nhà cầm quyền thường sử dụng những điều luật rất khắc nghiệt để đàn áp quyền tự do phát biểu, và họ công bố những bản án có thời gian giam giữ dài hơn trước.

 

Nhà cầm quyền tiếp tục lạm dụng những quyền cơ bản của công dân. Họ tiến hành những vụ bắt bớ và giam giữ tùy tiện, họ đặt ra những giới hạn cho quyền tự do ngôn luận, giới hạn internet, quyền hội họp ôn hòa và tự do đi lại, chẳng hạn như bằng cách áp đặt các lệnh cấm đi lại.

 

Việc tra tấn và đối xử tệ với các tù nhân chính trị cũng đặc biệt đáng lo ngại. Và điều đó càng khó khăn hơn đối với những nữ tù nhân bị giam giữ trong điều kiện như vậy. Các cựu tù nhân nữ chia sẻ kinh nghiệm của họ trong tù, rằng họ phải đấu tranh để giành lấy băng vệ sinh hoặc các cai ngục theo dõi họ khi họ đang thay quần áo.

 

Project 88 đã phỏng vấn bà Phạm Đoan Trang trước khi cô bị bắt. Bà chia sẻ những khó khăn và thách thức của các nhà hoạt động nữ ở Việt Nam.

 

Bà nói: “Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam không được tôn trọng. Không chỉ trong hoạt động dân chủ, các nhà hoạt động nữ gặp bất lợi vì họ bị tấn công không thua gì các nhà hoạt động nam. Họ bị đánh đập và bị hành hung.

Công việc họ làm không kém các đồng nghiệp nam, nhưng họ thường nhận được từ người khác là sự thương hại, không phải là sự tôn trọng…

Trong một chế độ độc tài không ai có tự do, nhưng đặc biệt là không có phụ nữ; sự thiếu tự do của họ tăng lên gấp nhiều lần so với nam giới. Bởi vì phụ nữ không chỉ là nạn nhân của chế độ về mặt chính trị, mà họ còn là nạn nhân của bất bình đẳng giới và tự tự ràng buộc bản thân”.

 

Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 hàng năm. Project 88 sẽ dành cả tháng 3 để tôn vinh tất cả các nhà hoạt động nữ Việt Nam, đặc biệt là 28 phụ nữ hiện đang ở trong tù.

 

Hãy cùng chúng tôi lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nữ Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Chúng tôi khuyến khích các chính phủ và các tổ chức nước ngoài thúc giục chính phủ Việt Nam cung cấp các điều kiện tốt hơn cho các nữ tù nhân, chẳng hạn như bảo đảm giờ thăm nuôi và tuân theo luật pháp của chính phủ về việc bắt giữ phụ nữ có con nhỏ, và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các nữ tù nhân chính trị.

 

-----------------------------

 

NGUỒN :

 

The Vietnamese women who refuse to stay silent  

By GRACE BUI

MARCH 7, 2021

Asia Times

As International Women’s Day nears, female activists in Vietnam are appealing for global attention to the persecution they often face

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats