Nhớ về Nguyễn Huy Thiệp, một nhà
văn lương thiện
Hà Mi
Viết cho BBC Tiếng
Việt từ London
22/03/2021
https://www.bbc.com/vietnamese/56483247
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2E09/production/_117658711_hami1.jpg
Bà Hà Mi đưa nhà
văn Nguyễn Huy Thiệp đi thăm nơi sinh đại văn hào Shakespeare dip ông thăm Anh
Quốc năm 2008
Tôi tình cờ gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lần đầu
vào tháng 10 năm 2003 khi sang Cahors, Pháp, để tường thuật về Liên hoan văn
hoá "Khuôn mặt Việt Nam" cho BBC Tiếng Việt.
Sáng sớm hôm khai mạc
Liên hoan, khi xuống phòng ăn chỉ có năm ba bàn tại khách sạn nhỏ, tôi để ý
thấy một người châu Á trung niên ngồi lặng lẽ uống cà phê một mình sau bữa điểm
tâm. Lát sau thấy có hai người Việt trẻ tới ngồi với ông và nghe loáng thoáng
họ nói tới đón ông ra trung tâm liên hoan văn hoá, cũng là nơi tôi sắp đi, tôi
chủ động ra chào hỏi, làm quen và mới biết đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Ông có vẻ mừng khi gặp
người Việt tại nơi đất khách quê người, cả sau khi tôi tự giới thiệu là phóng
viên BBC Tiếng Việt. Đó là ấn tượng đầy thiện cảm đầu tiên của tôi với ông vì
đã không ít lần tôi từng bị "ghẻ lạnh" và lảng tránh sau vồn vã ban
đầu khi người mới quen biết tôi là phóng viên BBC. Phải tới sáng hôm sau khi
ngồi ăn sáng cùng ông tôi mới nói muốn phỏng vấn và ông đã nhận lời, có lẽ một
phần nhờ đã có thời gian tiếp xúc trò chuyện với tôi sau ngày đầu quen biết.
Nói năng từ tốn, khiêm
nhường và hơi lắp, ông không e ngại trước những câu hỏi "nhạy cảm"
của phóng viên BBC. Theo ông Việt Nam là một nước nông nghiệp nên tư tưởng,
tình cảm nông dân đã thấm đẫm và ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị,
xã hội, văn hoá và cách ứng xử trong cuộc sống, cả ở trong nước và nước ngoài,
cả trong gia đình và trong xã hội.
"Điều đó có cái hay
nhưng cũng có cái dở. Nếu cứ ôm ấp, vui vẻ với tinh thần, tình cảm nông dân mãi
thì rất khó có thể trở thành một cộng đồng, một đất nước, một dân tộc phát
triển," ông nói.
Cần nhìn lại cách viết sử
Nói về cách viết hoàn
toàn mới lạ của mình về đề tài lịch sử, ông cho biết quan tâm của một nhà văn
hiện đại bao giờ cũng là những vấn đề hiện tại, trước mắt, những gì gần gụi
nhất cho dù là viết đề tài lịch sử.
"Thực sự viết về
lịch sử, cổ tích, hay những truyện tưởng tượng khác thì cũng là đề cập đến
những vấn đề của cuộc sống hiện tại mà thôi. Vốn là giáo viên lịch sử nên kiến
thức lịch sử góp phần thêm cho tôi có vốn liếng văn hoá phong phú hơn. Đồng
thời chính việc học và dạy lịch sử cũng giúp tôi có cách nhìn tương đối có hệ
thống và có điều kiện lật lại vấn đề," ông chia sẻ.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/A339/production/_117658714_hami2.jpg
Tuyển tập truyện
ngắn ông Nguyễn Huy Thiệp tặng bà Hà Mi (Ngọc)
Theo ông, khi xem sách
lịch sử cần chú ý bao giờ nó cũng được viết có lợi cho ai đó nên phải tìm hiểu
rõ sự kiện và thậm chí người nghiên cứu hay viết sử phải tự đặt mình trong hoàn
cảnh đấy thì mới dễ có cách nhìn chính xác.
"Lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam theo tôi
còn sai lầm rất nhiều. Thực sự việc trình bày cũng như kết luận, xem xét hay
nhìn nhận từng vấn đề còn rất thiếu sót, thậm chí sai lầm, bịa đặt và xuyên
tạc.
"Tôi nghĩ muốn tìm hiểu kỹ cuộc sống của một
đất nước Việt Nam hiện đại và tìm ra đường đi cho một đất nước Việt Nam hiện
đại thì phải xem xét lại lịch sử Việt Nam trong cả thời kỳ cận hiện đại, tức là
xem xét lại giai đoạn từ 100-150 năm qua. Lúc đó chúng ta sẽ thấy rõ những điều
trong những năm đó đáng lẽ có thể phát triển hay đi theo xu hướng khác, không
đến nỗi phải khổ sở, đổ máu và tang thương như vậy.
"Và như thế thì mới có cách nhìn đúng đến cuộc
sống hiện nay, đến con đường đi của đất nước Việt Nam hiện đại, đến những thế
hệ Việt Nam cho tương lai," ông nói.
Tôi kính trọng và nể phục
ông từ ngày đó khi nghe câu trả lời thẳng thắn và không né tránh này, nhất là
với kinh nghiệm gần chục năm làm cho BBC của tôi. Nhiều người khi trả lời báo
chí trong nước có thể đưa ra quan điểm mạnh bạo, trái chiều nhưng khi trả lời
BBC thì thường dè dặt và thậm chí né tránh. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không thế.
Ông không ngần ngại chia sẻ suy nghĩ một cách trung thực, chân tình dù đó là
trả lời BBC Tiếng Việt.
'Những điều trông thấy mà đau đớn lòng'
Điều khiến tôi, và có lẽ
rất đông đảo độc giả ở các thế hệ khác nhau, yêu quý các tác phẩm của ông và do
đó yêu quý chính tác giả, đó là văn ông toát lên cách nhìn đầy cảm thông trước
những thân phận khốn khó, kém may mắn trong xã hội Việt Nam.
"Đúng như Nguyễn Du nói, đó là: 'những điều
trông thấy mà đau đớn lòng', trước những cảnh ngộ, sự kiện hay những gặp gỡ
trong cuộc đời đã khiến mình không thể không viết và nó đã thúc đẩy tôi cầm
bút.
"Tôi muốn bạn đọc nhận ra tình cảm thực của
tôi. Ngay từ khi bắt đầu cầm bút viết văn cho đến bây giờ vẫn vậy, tôi luôn ý
thức đó là một công việc gian khó. Nó đòi hỏi một sự trung thực và tôi coi viết
văn là một sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân cả về trí tuệ, đạo đức và nhân cách.
Tóm lại là về toàn bộ thái độ sống. Nó không phải dễ dàng gì," ông nói.
Mong muốn "tập
tành", đổi mới nhanh hơn
https://ichef.bbci.co.uk/news/754/cpsprodpb/CA49/production/_117658715_hami4.jpg
Ông Nguyễn Huy
Thiệp trước cửa nơi sinh của Shakespeare ở Stratford-Upon-Avon, Anh Quốc năm
2008
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
cũng bộc bạch nỗi buồn là vào thời điểm đó cách nhìn nhận, tiếp thu những sáng
tạo, đổi mới của các nhà văn Việt Nam nhiều khi vẫn còn hạn chế, do "ăn
mãi một món ăn rồi nên giờ ăn một món lạ khác thì người ta có thể kỳ thị, dè
dặt, ngờ vực… Do quán tính và lối thưởng thức cũ nên người ta e ngại."
Một số tác phẩm của ông
khi đó chưa được phép xuất bản tại Việt Nam nhưng ông không sợ chuyện đó.
"Nó cũng là lẽ thường tình thôi, nhất là Việt
Nam vốn là nước có tư tưởng, tình cảm nông dân, chỉ quanh quẩn trong bụi tre
xanh, trong lối tư duy, suy nghĩ hạn hẹp, ấu trĩ của mình. Chỉ khi đi ra khỏi
làng xóm của mình, nhìn rộng ra thì mới thấy rõ và có thể mở rộng lòng mình để
tiếp nhận nhiều thứ khác," ông lý giải.
Ông nói ông cố gắng là "một
nhà văn lương thiện, cũng giống như một đầu bếp tử tế, cố gắng nấu ra món ăn
thú vị, còn việc thưởng thức món ăn thì nó phụ thuộc vào khẩu vị và kinh nghiệm
của người ăn nữa".
Nhắc tới văn học nghệ
thuật Việt Nam, ông cho biết "còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại do
đã quen lối thưởng thức, sáng tạo, suy nghĩ một chiều. Để thay đổi nó còn phụ
thuộc rất nhiều yếu tố."
Về đặc điểm riêng của văn
học nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh một nền chính trị độc đảng, một thời
gian dài phải đối mặt với chiến tranh, ông nói cuộc sống hoà bình, ổn định thực
sự mới từ khoảng hơn 10 năm, từ khoảng 1990 trở đi.
"Thế nên chúng ta đang tập làm kinh tế, làm
ngoại giao, tập viết văn, đóng kịch, làm phim. Nhưng tôi mong làm sao việc tập
tành đó diễn ra nhanh hơn. Như vậy nó sẽ tốt hơn cho những người sáng tạo và
cũng tốt hơn cho cả người thưởng thức nữa," nhà văn cười nói.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7C29/production/_117658713_hami3.jpg
Kỷ vật nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp tặng vợ chông bà Hà Mi
Văn là người
Năm 2008 nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp sang London có ghé thăm BBC Tiếng Việt và ông đã lưu lại nhà vợ chồng
tôi một tuần. Những năm sau này khi về Việt Nam vợ chồng tôi tới thăm gia đình
ông vài lần và lần nào cũng được ông tặng sách mới.
Sau này ông ít viết hơn,
nhưng khi tới thăm, ông vẫn tìm ra món quà gì đó để tặng. Biết tôi xưa ở phố
Hàng Gai, ông chọn chiếc đĩa gốm ông tự làm và vẽ Nhà thờ lớn để tặng cho người
phố cổ. Tôi vẫn nhớ bữa ăn thanh đạm vợ ông nhất định giữ vợ chồng tôi ở lại
dùng cơm khi tới thăm gặp bữa.
Điều tôi hiểu ra từ cuộc
phỏng vấn cách đây gần 20 năm với ông đó là: "Cuộc đời của các nhà văn
phần nào được thể hiện qua các tác phẩm của họ. Người nào có cuộc đời càng
phong phú độc đáo thì họ sẽ có cách kể càng tuyệt vời cho người nghe. Các tác
phẩm ngoài giá trị văn bản nó còn có giá trị khác nữa, đó là giá trị về chính
cuộc đời của người làm nên tác phẩm ấy."
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
đã chia tay cuộc đời
Kỷ niệm với nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp từ nước Đức
Nguyễn Huy Thiệp:
"Vàng lửa", "Kiếm sắc" chỉ là những cảnh giác đối với xã
hội
Dẫn lại lời Nguyễn Du
mong 'ba trăm năm sau vẫn có người khóc Tố Như', ông nói:
"Sự khen chê trong văn học cũng là lẽ thường.
Khen chê có mặt hay, mặt dở của nó nhưng phải đứng vững trước cả khen chê mới
được. Công việc của nhà văn là rất cô độc nhưng nhà văn cũng đừng sợ không có
những độc giả hiểu mình vì sẽ vẫn có tri âm tri kỷ."
Thắp nến tâm nhang từ nơi
xa này, tôi thầm mong ông biết rằng không chỉ ba bốn chục năm sau khi những tác
phẩm đầu tiên của ông ra đời, có nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đang khóc ông,
một nhà văn đã làm thay đổi nền văn học Việt Nam, và sẽ còn nhiều thế hệ độc
giả sẽ tìm đến tác phẩm của ông như tìm một người tri âm tri kỷ.
------
Bài
thể hiện quan điểm riêng của bà Hà Mi, cựu nhà báo BBC ở London.
*
Xem thêm:
Nobel Văn học cho
Olga Tokarczuk và Peter Handke
Những ai xứng đáng để đặt
tên đường ở Việt Nam?
Người Việt chỉ biết làm
thơ, viết truyện mô tả và dịch sách?
30/04: Trí thức HN nói
'Làm gì viết gì cũng phải nghĩ đến miền Nam'
*
Tin liên quan
Chủ tịch Hội nhà văn Hà
Nội từ chức 'vì tự trọng'
13 tháng 6 năm 2017
.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
ra đi, để lại nhiều cảm xúc trân trọng
20 tháng 3 năm 2021
.
'Bi hài kịch trong xã hội
Việt Nam thời hậu cộng sản'
23 tháng 11 năm 2020
.
Việt Nam và Triết học:
Suy nghĩ về Trần Ðức Thảo
2 tháng 10 năm 2020
.
Nguyễn Huy Thiệp:
"Vàng lửa", "Kiếm sắc" chỉ là những cảnh giác đối với xã
hội
21 tháng 3 năm 2021
.
'Đọc văn Nguyễn Huy Thiệp
là nhận ra chân dung xã hội thời ấy'
15 tháng 6 năm 2020
No comments:
Post a Comment