Saturday, 6 March 2021

NGƯỜI KHÔNG CHỊU CÚI ĐẦU (Peter Wehner - The Atlantic)

 



Người không chịu cúi đầu

Peter Wehner  -  The Atlantic

Dịch bởi : Người Mỹ Gốc Việt

05/03/2021

https://www.nguoimygocviet2020.com/2021/03/nguoi-khong-chiu-cui-au.html

 

Adam Kinzinger nói rằng ông ta sẽ chiến đấu để giành lại đảng của mình từ tay Donald Trump.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjY5uX3lFqVtF8XTJaxNJaX6AXfD7VEvnjk3lB5hyphenhyphensJKMpPdCLAJgoBrHcyOgm4-ko6PU2q9OmpcHgs8WqA33jTY2L0XJFoqsJ32rZ1UDuglcDk-alOkCitxihZWbF8dP6fYxbVai0UwMSg/w400-h225/kin.jpg

Một bức ảnh ghép của Adam Kinzinger và Donald Trump. (Getty / The Atlantic)

 

Adam Kinzinger là một cá nhân được giải phóng - được giải phóng khỏi sự lãnh đạo của đảng, được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi bị đấm đá trong cuộc tranh chấp sơ bộ, được giải phóng để nói lên suy nghĩ của mình. Vị Dân biểu 43 tuổi là một trong 10 thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu để luận tội Donald Trump về việc kích động cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ.

 

Kinzinger nói với tôi, giải thích điều đã khiến anh ta cuối cùng phải chia tay với tổng thống. “Tôi không có nghĩa vụ hiến pháp để bảo vệ một kẻ như khùng và có thể nói những điều tôi không thích. Nhưng tôi có một nghĩa vụ khi ông ta sẵn sàng phá hủy nền dân chủ — và chúng tôi đã thấy điều đó lên đến đỉnh điểm vào ngày 6 tháng 1.”

 

Đây là loại ngôn ngữ mà một số đảng viên Cộng hòa đã sử dụng ngay sau cuộc bạo động. Thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cho biết vào ngày 13 tháng 1: "Tổng thống phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công hôm thứ Tư vào Quốc hội bởi những kẻ bạo loạn." Nhưng vào cuối tháng, McCarthy đã cầm mũ trên tay đi đến Mar-a-Lago để gặp Trump.

 

Kinzinger nói: “Tôi thực sự rất tức giận — tôi không ngạc nhiên, nhưng tôi thực sự rất thất vọng. Và khi chứng kiến chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, sự chuyển đổi từ câu nói ‘Donald Trump chịu trách nhiệm’ thành ra ‘Tôi sẽ đi xuống đó và hôn chiếc nhẫn’ bởi vì ông ta mong giành được cho mình chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện. Thật vậy ư? Nó có quan trọng thế không? Để làm gì?"

 

Theo quan điểm của Kinzinger, chuyến đi Florida của McCarthy là hành động phản bội của một người đàn ông lẽ ra nên đặt lợi ích của chính đảng mình — và của đất nước — lên hàng đầu. Anh ta nói, “Bắt đầu từ khoảng tám tháng trước, tôi nhận thấy rằng ông ấy không bao giờ quan tâm đến việc bảo vệ [đảng Cộng hòa Hạ viện]… Ông ta sẵn sàng ném chúng tôi xuống gầm xe buýt và bảo vệ Donald Trump. Và đó chính là những gì đã xảy ra. Và sau đó, đến lãnh tụ thiểu số (Minority Whip) Steve Scalise đi xuống Mar-a-Lago, hai tuần sau đó.” Từng người một, hầu hết các nhà lãnh đạo trong đảng của anh ta đều khuất phục — nhưng không phải Kinzinger.

 

 

"Tôi chỉ từ chối cúi đầu."

 

Kinzinger là một người đàn ông mang một sứ mệnh; ông coi chính trị không chỉ là một cách để đạt được quyền lực mà còn là một đấu trường thử thách tính cách. Năm 2008, ông theo dõi John McCain tranh cử tổng thống. "Ông ấy nói, ‘Tôi thà thua một cuộc bầu cử còn hơn thua một cuộc chiến.’ Tôi ngưỡng mộ điều đó." Được truyền cảm hứng, Kinzinger đã tranh cử vào Quốc hội năm 2010 và giành chiến thắng.

 

Giống như McCain, Kinzinger từng phục vụ trong quân đội trước khi bước vào chính trường quốc gia. Anh gia nhập Lực lượng Không quân Hoa Kỳ vào năm 2003 và thực hiện các nhiệm vụ ở Afghanistan và Iraq cùng nhiều nơi khác. Anh ấy vẫn là một phi công, hiện là trung tá trong Lực lượng Phòng không Quốc gia. Anh ấy nói với tôi rằng nghĩa vụ quân sự “khiến tôi trở thành một người tốt hơn nhiều về khả năng quan hệ với mọi người.”

 

“Tôi nghĩ rằng bất cứ lúc nào bạn chiến đấu vì một điều gì đó lớn hơn bạn, đó là sự thay đổi cuộc đời. Tôi nghĩ rằng bất cứ khi nào bạn sẵn sàng để đặt cuộc sống của mình nơi lằn ranh cho một điều gì đó, đó là sự thay đổi cuộc đời." Anh tiếp tục, niềm tin đó là “điều luôn thúc đẩy tôi, kể từ khi tôi dấn thân vào chính trị”. Anh ấy bị thu hút bởi ý tưởng về nghĩa vụ quốc gia tự nguyện, bởi vì giống như nghĩa vụ quân sự, nó sẽ nhận mọi người đến từ các hoàn cảnh sống và kinh nghiệm sống khác nhau, để tạo ra mối liên kết, sự hiểu biết lẫn nhau và đoàn kết nhau hơn.

 

Lập trường chính trị của Kinzinger — việc anh sẵn sàng chỉ trích nhân vật nổi tiếng và đáng sợ nhất trong đảng của mình, khi phần lớn các đồng nghiệp của ông hoặc chỉ im lặng hoặc bênh vực những hành động không thể bênh vực của cựu tổng thống — không thể hiểu được nếu tách khỏi sự phục vụ quân ngũ của anh.

 

“Bởi vì chúng ta yêu cầu [các quân nhân] chết cho đất nước, chúng ta phải sẵn sàng làm điều tương tự. Nhưng” - ở đây anh ta tỏ ra nghi ngờ - “chúng ta quá sợ hãi khi bỏ phiếu luận tội, bởi vì chúng ta sắp mất việc? Nghiêm trọng thế sao?"

 

Đối với hầu hết các đồng nghiệp của Kinzinger, câu trả lời là: Có, nghiêm trọng đấy. Khi tôi hỏi Kinzinger có bao nhiêu phiếu ủng hộ của Đảng Cộng hòa nếu đó là một cuộc bỏ phiếu kín, anh ấy nói với tôi là 150. Thay vào đó, chỉ có 10.

 

Nếu nghĩa vụ quân sự đã định hình Kinzinger theo một số cách quan trọng, thì Cơ đốc giáo đã định hình anh theo những cách khác. Kinzinger được nuôi dạy như một người Baptist chính thống độc lập cho đến năm 20 tuổi, nhưng trải nghiệm đó khiến anh xa lánh nó. Anh nói, “Đó là một tôn giáo thực sự tai hại, trong tâm trí tôi, một tôn giáo rất tai hại.” Tôi hỏi anh ấy tại sao.

 

Anh ta trả lời, “Cách tốt nhất để nói về nó là sự cứu rỗi của bạn chỉ nhờ vào đức tin trừ khi bạn làm điều gì đó sai trái và khi đó bạn lại đã không bao giờ được cứu rỗi. Nhân tiện, chúng tôi có những quy tắc thực sự nghiêm ngặt bạn phải tuân theo mà không ai có thể, nhưng mọi người trong Nhà Thờ sẽ hành động như họ có tuân theo và bạn là người duy nhất không làm được như vậy.”

 

Đối với Kinzinger, kiểu chủ nghĩa hợp pháp đó đã lấy đi mất “niềm vui từ Cơ đốc giáo”. Anh quyết tâm tìm ra thứ gì đó khác biệt; ngày nay, anh tự coi mình là một người theo đạo Tin lành không nhóm loại nào. Anh nói, “Phần thứ hai của cuộc đời tôi là cuộc hành trình để thực sự hiểu đức tin là gì.”

 

Giai đoạn mới này trong cuộc hành hương của anh ấy đã khiến anh ấy bớt cứng nhắc hơn. “Tôi nghĩ rằng khi tôi già đi và tôi đã tiếp tục hành trình trong đức tin của mình, tôi hiểu sự cứu rỗi là gì. Tôi hiểu rằng Đấng Christ đã dành thời gian của mình để giao du với những người tội lỗi, không phải những người vĩ đại — và không phải vì họ là tội nhân mà bởi chính vì lòng từ bi của Ngài ở nơi đó." Anh thừa nhận, anh đã gặp khó khăn vào hai mươi năm trước để hiểu làm sao một đảng viên Đảng Dân chủ có thể là một người Cơ đốc; ngày nay, điều đó thật dễ hiểu đối với anh ấy. Anh ấy nói với tôi: “Có những vai trò thực sự dành cho những người Cơ đốc ở cả hai phía của lối đi.” Và giống như nhiều người Cơ đốc khác, Kinzinger tin rằng những năm Trump, trong đó rất nhiều người theo đạo Tin lành bảo thủ đã nhiệt tình đón nhận một người đàn ông là hiện thân của đạo đức đối lập với Cơ đốc giáo trong Kinh thánh, đã gây hại không biết bao nhiêu cho chứng nhân Cơ đốc.

 

Kinzinger nói: “Thành thật mà nói, mục tiêu của tôi là khuyên nhủ Giáo hội về những thiệt hại thực sự mà họ đã gây ra cho Cơ đốc giáo. Điều tôi luôn tự hỏi, và tôi không nghĩ ai có thể nhìn thẳng và trả lời khác hơn — có thể họ có thể, nhưng — ‘Bạn nghĩ danh tiếng của Cơ đốc giáo tốt hơn ngày nay hay năm năm trước?’ Và tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ nói rằng vào năm năm trước nó đã tốt hơn bây giờ."

 

Lập trường của Kinzinger đã khiến anh ta nhận một số phê bình. Franklin Graham - con trai của nhà truyền đạo Tin Lành nổi tiếng Billy Graham - một trong những mục sư thuộc đám nịnh thần của Trump - đã tấn công 10 đảng viên Cộng hòa ủng hộ việc luận tội. Graham viết trên Facebook, “Nó khiến bạn tự hỏi ba mươi miếng bạc mà Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã hứa cho sự phản bội này là gì.”

 

Kinzinger hỏi tôi: “Ông ấy nói chúng tôi lấy những miếng bạc từ Nancy Pelosi vì — cái gì? Trump là Chúa Giêsu Kitô? Các tín đồ Cơ đốc phải mở mắt ra và nói, "Chuyện gì đang xảy ra vậy?"

 

Trọng tâm chính của Kinzinger những ngày này là sửa chữa Đảng Cộng hòa — tìm ra những gì đã xảy ra và những gì phải làm để làm cho nó đúng trở lại.

 

Tôi hỏi anh ta rằng liệu giờ đây khi nhìn lại, anh ta có thấy những dấu hiệu cảnh báo về hướng đi của đảng Cộng hòa mà anh ta đã không nhận ra vào thời điểm đó hay không. Anh ta trả lời, “Tôi nghĩ rằng các dấu hiệu cảnh báo về cơ bản chỉ là sự thiếu hụt này — bạn luôn cho rằng có hậu quả của việc nói thật. Dù nó có tồi tệ đến đâu, cuối cùng chúng ta vẫn sẽ bảo vệ Hiến pháp và nói lên sự thật. Và tôi không còn tin điều đó nữa."

 

Anh ấy nói thêm, “Nhìn lại nó, nó quá rõ ràng. Bạn thấy điều đó ở những người — chỉ là chuyện nhỏ, ở những người như Rand Paul và Ted Cruz, những người gây ra sự phẫn nộ trong ngày, và họ có thể hoàn toàn ở phía bên kia của chủ đề so với sáu tháng trước và không ai tố cáo họ. Và bạn nhận ra rằng nếu bạn không có cam kết với sự thật, bạn có thể tránh né rất nhiều thứ. Tôi nghĩ rằng những dấu hiệu cảnh báo đó nằm ở đó.”

 

Điều anh ấy không bao giờ mong đợi, anh ấy nói với tôi, là "chủ nghĩa độc tài... nhưng nhìn vào thực tế rằng sự thật không quan trọng, bất cứ điều gì bây giờ đều có thể xảy ra."

 

Nhưng việc từ bỏ sự thật không phải là yếu tố duy nhất định hình lại đảng Cộng hòa; chính trị của sự sợ hãi cũng góp phần vào đó. Kinzinger nói, trước đây người ta tập trung nhiều hơn vào chính sách. Nhưng ngày nay “chúng ta nuôi dưỡng nỗi sợ hãi. Đó là tất cả những gì chúng ta làm."

 

Tệ hơn nữa, các chính trị gia được khen thưởng vì biết gieo rắc sợ hãi. Anh giải thích, “Tôi không làm những email như thế này nữa, nhưng nếu tôi gửi một email có nội dung, ‘Đóng góp 5 hoặc 10 đô la vì nếu không Nancy Pelosi sẽ thiêu rụi toàn bộ đất nước,’ tôi sẽ gây quỹ được rất nhiều tiền từ đó. Nhưng nếu tôi gửi một thứ gì đó có nội dung: ‘Hãy góp cho tôi năm hoặc 10 đô la vì tôi muốn đại diện cho một tương lai lạc quan cho đất nước này’, tôi sẽ chỉ nhận được chừng một phần tám số đó." Anh ấy nói rằng cả hai bên đều làm điều đó, nhưng mà anh ấy có thể nói một cách có thẩm quyền hơn về phe Cộng hòa. Anh nói thêm điều đáng ngại này: “Nhân tiện, việc gieo rắc sợ hãi có tác dụng. Và nếu bạn có một nhà lãnh đạo nói lên nỗi sợ hãi của bạn ngay với chính bạn, thì nó lại là cách thuyết phục nhất để lấy được một lá phiếu."

 

Kinzinger đang cố gắng phá vỡ cái vòng đó và đảo ngược các cấu trúc hưởng lợi từ đó. Anh ấy đã công bố một sáng kiến ​​mi, phong trào Quc gia Trên hết (Country First), để hỗ trợ tài chính cho những người theo Đảng Cộng hòa dám chống lại và đưa ra một giải pháp thay thế cho Chủ nghĩa Trump.

 

Anh nói rằng những người theo Đảng Cộng hòa cần “trình bày một quan điểm lạc quan, để truyền cảm hứng trở lại cho mọi người. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là bạn phải tố cáo những chuyện nhảm nhí. Nếu ai đó đang rêu rao sự sợ hãi, bạn phải tố cáo nó. Phải tố cáo những thứ đó một cách công khai và mạnh mẽ và rọi ánh sáng vào bóng tối. Tôi nghĩ đó là một phần của nó.”

 

Kinzinger nói thêm rằng trong bốn năm qua “không ai nghe thấy bất cứ điều gì chống lại [Trump], vì vậy sau đó khi tôi bước ra và nói điều này một cách mạnh mẽ như tôi đang làm, mọi người bị sốc, kiểu như “Sao bạn dám cả gan! Ông ấy là đấng cứu thế. Chỉ bởi vì chưa từng có ai nói khác."

 

Anh nói rằng các nhà lãnh đạo phải dẫn đầu. “Trong thời gian quá dài, chúng ta chỉ cố gắng phản ánh lại những gì mọi người muốn nghe, và vì vậy họ không nghe được điều gì khác.” Và cử tri, về phần mình, phải biết đòi hỏi nhiều hơn. Nhưng anh ấy hy vọng rằng khi họ làm vậy, họ có thể xoay chuyển tình thế. “Chúng ta đã mất một thời gian để vào cuộc, có thể chúng ta sẽ mất một thời gian để thoát ra, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng Donald Trump không thể chạm đến như mọi người nghĩ. Trừ khi không ai lên tiếng.”

 

Nói ra sự thật, chiến đấu với nỗi sợ hãi và đưa ra một câu chuyện tích cực sẽ làm được nhiều điều, nhưng chỉ riêng chúng thì chưa đủ nếu không có những thay đổi về cấu trúc. Kinzinger đề nghị tìm các hãng truyền thông có thể thay thế cho Fox NewsNewsmax. Anh nói rằng các tổ chức tư vấn như Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cần phải đưa ra một chương trình nghị sự chính sách vượt ra khỏi câu thần chú bảo thủ điển hình là giảm thuế. Anh muốn thấy một chủ nghĩa bảo thủ hướng tới sự bình đẳng về cơ hội chứ không phải bình đẳng về kết quả, và điều đó nhằm đảm bảo những đứa trẻ sinh ra ở nội thành phải có được cơ hội như những đứa trẻ sinh ra ở những vùng ngoại ô giàu có.

 

Anh nói, “Nhưng điều đó không thể được thực hiện dưới biểu ngữ của một lá cờ QAnon [trong khi] đang thiêu huỷ Điện Capitol.”

 

Tôi đã hỏi Kinzinger tại sao anh ấy vẫn là một đảng viên Cộng hòa, trong khi Cộng hòa không ngờ vực gì đang là đảng của Donald Trump. Anh ấy trả lời “Tôi vẫn là một đảng viên Cộng hòa vì tôi đã là một đảng viên Đảng Cộng hòa lâu hơn nhiều so với Donald Trump. Ông ta là kẻ soán ngôi của Đảng Cộng hòa, và ông ấy mới là RINO [a Republican In Name Only - một người chỉ nhân danh Đảng Cộng hòa]. Tôi sẽ không cho phép ông ta lấy đi đảng của tôi. Vì vậy, tôi sẽ chiến đấu. Tôi sẽ chiến đấu như thể địa ngục .”

 

Vị dân biểu sáu nhiệm kỳ, người có lẽ là đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện chiến đấu hết mình vì sự toàn vẹn của đảng trong suốt thời kỳ Trump, chỉ có một điều hối tiếc: “Tôi vẫn ước mình đã làm được nhiều hơn và đã chiến đấu mạnh mẽ hơn và lớn tiếng hơn. Và bây giờ tôi sẽ bù đắp cho điều đó trong thời gian này."

 

Tôi hỏi Kinzinger, vậy anh nghĩ đảng của mình cần bao lâu để hồi phục?

 

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ bắt đầu xem chúng tôi đang ở đâu vào mùa hè. Nếu 20% cơ sở của đảng Cộng hòa sẵn sàng chuyển từ Trump ngày hôm nay, và là 25 hoặc 30 vào mùa hè, đó là một xu hướng tốt. Nếu vào mùa hè, con số này là 18 hoặc 20%, đó là một xu hướng xấu. Tôi nghĩ rằng mùa hè là điểm kiểm tra số 1, và sau đó, rõ ràng, cuộc bầu cử năm 2022 là điểm kiểm tra số 2. Nếu 20% đó tăng lên 35, 40, 45%, đảng này có thể cứu vãn được."

 

Tuy nhiên, hiện tại, nhận định của Kinzinger về đảng của anh ta đang rất héo hon. Anh nói, “Nhìn này, một chính đảng tuyệt vời mà tôi yêu thích này vừa phá hủy cuộc sống, thành thật mà nói.” Đối với nhiều người, “chính trị đã trở thành thần thánh và tôn giáo của họ, và điều đó làm tôi phiền lòng vì điều đó đang hủy hoại cuộc sống của mọi người. Niềm đam mê mới đang dẫn dắt tôi là mạnh mẽ nói ra sự thật ngay cả khi không có ai khác làm như vậy.”

 

Kinzinger biết một cách khá cá nhân điều gì sẽ xảy ra với những người cho phép chính trị của họ trở thành tôn giáo của họ. Đầu tháng này, báo New York Times đưa tin rằng 11 thành viên trong gia đình ông, tức giận vì những lời chỉ trích của ông về Donald Trump, đã gửi cho ông một bức thư dài hai trang viết tay, nói rằng ông đã gia nhập “đội quân của quỷ.”

 

Họ viết: "Ôi trời, bạn thật là thất vọng đối với chúng tôi và đối với Chúa! Bây giờ chúng tôi xấu hổ nhất là chúng tôi có liên quan đến bạn. Bạn đã làm xấu hổ cái họ Kinzinger! ”

Tác giả của bức thư là Karen Otto, chị em họ của Kinzinger. Theo báo Times, cô ấy cũng đã gửi các bản sao cho các đảng viên Cộng hòa trên khắp Illinois, bao gồm cả các thành viên khác của quốc hội tiểu bang. (Kinzinger đã không công bố bức thư.)

 

Cô nói với tờ Times, “Tôi muốn Adam bị xa lánh.”

 

Kinzinger nói với tôi rằng anh ấy không cảm thấy bị thương tổn bởi những gì người nhà đã làm với anh ấy. Anh nói, “Tôi chỉ cảm thấy tiếc cho họ. Điều làm phiền anh ta là “mức độ căm ghét và tức giận”; nó đã giúp anh ta "nhận ra cái thối đó sâu đến mức nào."

Anh ấy nói với tôi. “Tôi không muốn làm lành với họ. Tôi tha thứ cho họ. Tôi không thù hận gì cả. Tôi không mất ngủ vì chuyện đó."

 

Nhưng trong khi những gì đã xảy ra với Kinzinger có thể là cực đoan, chuyện của anh ta hầu như không là độc nhất; chính trị đang gây căng thẳng cho vô số mối quan hệ giữa bạn bè và gia đình, và làm tan vỡ nhiều mối quan hệ. Tôi hỏi, “Bạn có lời khuyên nào dành cho những người đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người họ yêu thương vào những thời điểm như thế này không? Bạn sẽ nói gì về khía cạnh giữa các cá nhân của mọi việc? Làm thế nào để việc sửa chữa và hòa giải có thể tiến hành?”

 

Kinzinger thừa nhận: “Đó là một khó khăn. Bởi vì tôi nói, một mặt, hãy cố gắng có lòng từ bi đối với họ; họ đã bị tẩy não. Đó là sự thật, nhưng tôi cũng thật sự biết rằng nếu tôi đang nói chuyện với ai đó đang nói những gì họ đang nói và tôi biết họ đã bị tẩy não, thì điều đó không giúp tôi nhìn họ tốt hơn. Tôi chỉ có thể trung thực với họ."

 

Khi chúng tôi nói chuyện, rõ ràng Kinzinger vẫn đang cố gắng hiểu điều gì đang diễn ra bên dưới sự tức giận và căm thù, ngay cả khi anh ta đã trở thành mục tiêu của nó. Một nhà tâm lý học lâm sàng nói với tôi khi bức thư được xuất bản rằng Kinzinger đang nhận được phản ứng của tệ sùng bái đúng như sách vở: loại bỏ bản thân khỏi ma quỷ, loại bỏ con người khỏi gia đình, chứng tỏ sự tận tâm với nhà lãnh đạo và sứ mệnh.

 

Nhưng Kinzinger biết rằng điều thúc đẩy phản ứng của gia đình anh không chỉ là suy nghĩ bị bóp méo mà còn là sự lo lắng, bất an, thậm chí là cảm giác kinh hoàng. Đó là cách mà các nguồn thông tin mà họ dựa vào đã gây ảnh hưởng để họ phản ứng với các hành vi của anh ta. Và đó là nguồn gốc của rất nhiều sự xấu xa mà chúng ta đang thấy bộc phát trong nền chính trị Hoa Kỳ.

 

Kinzinger nói với tôi: “Mọi xung đột đều nảy sinh từ nỗi sợ hãi. Nếu bạn và tôi ghét nhau và chúng ta tranh cãi trên Zoom, điều gì sẽ xảy ra là vì tôi sợ điều gì đó và bạn sợ điều gì đó, và nỗi sợ hãi đó tăng lên; nó tạo ra mâu thuẫn trong mọi lúc. Người cố vấn tốt của tôi Jamie Winship có nói về điều này”. (Trong truyện phim cùng tên, Winship là một cựu sĩ quan cảnh sát mà đơn vị của anh ta đã tìm cách mang lại các giải pháp hòa bình cho các khu vực xung đột cao trên thế giới.) Kinzinger nói, “Tôi nghĩ mọi người nên hiểu rằng việc một người mẹ đã tin theo những điều quái đản của Q hoặc một người cha thậm chí đã chọn Trump trên cả gia đình chỉ là những cách để họ giảm bớt nỗi sợ hãi của họ. Có thể cách hiểu đó cho bạn một cách để nhân hóa nó."

 

Không ai có thể nghi ngờ lòng dũng cảm của Kinzinger - từng được thể hiện trong vùng chiến sự, hoặc khi liều mình trên đường phố để cứu một người phụ nữ đang bị kẻ tấn công cứa dao vào cổ họng, nhận rủi ro cho cái ghế Dân biểu từng rất an toàn của mình, và bây giờ đang mạnh mẽ tố cáo những người trong chính đảng của anh ta, những người đã xâm phạm các nguyên tắc đạo đức của họ và biến đảng của họ thành một mối đe dọa. Nhưng thể hiện lòng dũng cảm đó đồng thời nhân bản hóa nền chính trị của chúng ta, và thậm chí nhân bản hóa những người coi anh ta là kẻ thù của họ, có thể là sự phục vụ lớn nhất của anh ta đối với quốc gia của chúng ta./.

 

------------------------

Nguyên bản tiếng Anh:

The Man Who Refused to Bow

 

Bài liên quan:

Ý kiến: Các bạn đồng đảng Cộng hòa của tôi, kết tội Trump là cần thiết để cứu nước Mỹ

 

---------------

Peter Wehner là nhà văn đóng góp tại The Atlantic và thành viên cao cấp tại Trung tâm Đạo đức Công vụ và Chính sách Công EPPC.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats