Nghĩ
gì về vắc-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc ở Châu Âu?
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
18/03/2021
http://www.phantichkinhte123.com/2021/03/nghi-gi-ve-vac-xin-ngua-covid-19-cua.html#more
Vắc-xin Trung Quốc ngừa
Covid-19 đang bắt đầu được phân phối ở châu Âu. Hungary đã phê duyệt vắc-xin
Sinopharm 1 [của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc] vào cuối tháng 1, và
có kế hoạch tiêm chủng cho 1/4 dân số nước này. Một thách thức mới của [Thủ
tướng Hungary] Viktor Orban đối với các định chế châu Âu, vốn đã tuyên bố sẵn
sàng kiểm tra chất lượng các loại vắc-xin Trung Quốc và Nga. Brussels vừa bắt
đầu làm điều đó đối với vắc-xin Sputnik 5. Những công ty đứng đàng sau vắc-xin
Trung Quốc là ai? Đặc điểm và hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc là gì? Liệu Pháp
có loại trừ khả năng sử dụng vắc-xin Trung Quốc nếu nước này không có đủ
vắc-xin phương Tây?
Trung
Quốc đã tham gia rất sớm vào cuộc đua các liệu pháp điều trị và vắc-xin
ngừa coronavirus. Họ là nước đầu tiên
có đông đảo đội ngũ bệnh nhân để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.
Họ cũng là nước đầu tiên tiêm chủng vắc-xin của họ, vào mùa hè năm 2020, cho
một triệu công chức Trung Quốc được coi là thuộc diện ưu tiên, ngay cả trước
khi thực hiện các thử nghiệm lâm sàng được gọi là “giai đoạn ba”. Họ đã đệ trình
tổng cộng sáu loại vắc-xin theo các thủ tục phê chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO), tức nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Kể
từ mùa thu năm 2020, bức tranh toàn cảnh đã thay đổi. Thử nghiệm lâm sàng giai
đoạn ba vắc-xin Trung Quốc đã được tiến hành ở nước ngoài tại một số quốc gia,
do vi-rút không còn lưu hành đủ nhiều ở Trung Quốc. Giai đoạn này kéo dài và
vắc-xin Trung Quốc không phải là vắc-xin đầu tiên được cấp phép trên bình diện
quốc tế. Vắc-xin Trung Quốc hiện vẫn chưa được WHO cấp phép. Hiệu quả của
vắc-xin Trung Quốc vẫn còn đang tranh cãi, với những kết quả đôi khi trái ngược
nhau tùy vào quốc gia nơi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Điều này không
ngăn Trung Quốc tiến hành một chính sách ngoại giao rất tích cực về vắc-xin
nhắm vào một lượng lớn các “quốc gia thân thiện”.
Viktor
Orban nói: “Mỗi ngày mà chúng tôi chờ [quyết định của] Brussels, thì sẽ có 100
người Hungary mất mạng”, để biện minh cho quyết
định mua vắc-xin từ Nga và Trung Quốc. Ông đã công bố, trên trang Facebook của
mình vào ngày 28 tháng 2, những bức ảnh cho thấy ông đã được tiêm chủng vắc-xin
Sinopharm 1. Về phần Serbia, nơi mà Tổng thống Aleksandar Vucic phàn nàn về sự
thiếu đoàn kết của châu Âu, nước này cũng đã được cấp một triệu liều vắc-xin
tương tự, cho phép tiêm chủng cho 15% dân số Serbia. Vào đầu tháng 3, Cộng hòa
Séc cũng đã công bố các đơn đặt hàng vắc-xin từ Nga và Trung Quốc. Sự chậm trễ
của EU trong việc phân phối vắc-xin đã tạo cơ hội để các quốc gia tự đề ra
quyết định của mình, một điều sẽ rất khó ngăn cản hơn nữa nếu châu Âu không
tăng tốc chương trình tiêm chủng một cách nhanh chóng.
NHỮNG TÁC NHÂN VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA VẮC-XIN TRUNG QUỐC LÀ GÌ?
Có
năm tác nhân chính trong chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc. Vắc-xin Trung
Quốc đã được phát triển với sự trợ giúp của nhiều phòng thí nghiệm công cộng
khác nhau, sử dụng nhiều công nghệ cổ điển khác nhau. Không có vắc-xin nào được
phát triển dựa trên thế hệ vắc-xin mới được gọi là vắc-xin di truyền dựa trên
công nghệ RNA thông tin (chẳng hạn như BioNtech hoặc Moderna). Tuy nhiên, công
ty dược phẩm Fosun Thượng Hải đã hợp tác với BioNtech để phân phối vắc-xin của
họ ở Hồng Kông kể từ cuối tháng Giêng, sau đó có thể ở các tỉnh khác của Trung
Quốc nếu chính quyền Bắc Kinh cho phép.
Tác
nhân thứ nhất của Trung Quốc là công ty nhà nước Sinopharm. Tập đoàn rộng lớn
này có gần 120.000 người lao động ăn lương và có sáu công ty có niêm yết trên
thị trường chứng khoán. Công ty tuyên bố là nhà sản xuất vắc-xin lớn thứ sáu
thế giới. Sinopharm đã hợp tác phát triển hai loại vắc-xin ngừa Covid-19 với
hai phòng thí nghiệm nghiên cứu: Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán và Viện Sản phẩm
Sinh học Bắc Kinh. Cả hai loại vắc-xin đều dựa trên công nghệ truyền thống về
vi rút bất hoạt – các phân tử vi rút bị tiêu diệt làm bộc lộ hệ miễn dịch tiếp
xúc với vi rút. Các vắc-xin này được tiêm chủng theo hai giai đoạn và có thể
được bảo quản trong tủ lạnh, điều này giúp đơn giản hóa khâu hậu cần phân phối
một cách đáng kể.
Tác
nhân thứ hai là công ty Sinovac Biotech. Con kỳ lân Trung Quốc này, được thành
lập cách đây hai mươi năm, chuyên sản xuất vắc-xin ngừa cúm và viêm gan. Năm
2019, Sinovac có doanh thu còn khiêm tốn là 250 triệu US$ và có khoảng một
nghìn lao động ăn lương. Việc phân phối vắc-xin của họ trên quy mô lớn, vắc-xin
Coronavac, có công nghệ giống với công nghệ của Sinopharm, sẽ cho phép Sinovac
tham gia cuộc đua của các đại gia trong lĩnh vực tiêm chủng toàn cầu. Đặc biệt
khi công ty có được sự hậu thuẫn mạnh từ chính quyền Trung Quốc, vốn sử dụng
rộng rãi vắc-xin của công ty trong các hiệp định song phương ký với nhiều nước
khác nhau.
Tác
nhân thứ ba là công ty khởi nghiệp Cansino Biologics, được thành lập cách đây
mười năm và chuyên sản xuất vắc-xin. Cansino được niêm yết trên Sàn giao dịch
chứng khoán Hồng Kông. Cuối năm 2020, công ty cũng đã tiến hành thử nghiệm lâm
sàng giai đoạn ba vắc-xin ngừa coronavirus của họ ở một nửa tá quốc gia. Đây là
một loại vắc-xin vectơ tương tự như vắc-xin của công ty AstraZeneca, được phát
triển cùng với Viện Công nghệ Sinh học thuộc Học viện Khoa học Y tế của Quân
đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Các liên kết đặc quyền với PLA giải
thích lý do tại sao vắc-xin của Cansino Biologics được cấp phép đặc biệt vào
tháng 6 năm 2020 để tiến hành thử nghiệm trên quân nhân. Vắc-xin này có ưu điểm
là tiêm một mũi duy nhất.
Tác
nhân thứ tư là Công ty dược phẩm sinh học An Huy Zhifei Longcom, công ty con
của một tập đoàn dược phẩm sinh học được niêm yết ở Thâm Quyến. Công ty này đã
hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học phát triển một loại vắc-xin dựa trên công
nghệ gọi là “tiểu đơn vị”, chỉ sử dụng một phần cụ thể của vi rút mà hệ thống
miễn dịch phải nhận ra. Loại vắc-xin này vẫn đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng
giai đoạn ba.
Tác
nhân thứ năm, Viện Sinh học phân tử thuộc Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc,
đang trong giai đoạn phát triển chậm hơn. Tháng 2 năm 2021, công ty đã bắt đầu
thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba ở Malaysia, và hồ sơ [xin phê chuẩn] của công
ty vẫn chưa được WHO chấp nhận xem xét.
Nếu
tính cả các loại vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một hoặc hai, thì
Trung Quốc đang phát triển 17 loại vắc-xin. Báo chí Trung Quốc, và đặc biệt là
nhật báo tiếng Anh chính thức China Daily, nêu bật công ty Công nghệ sinh học
Walvax, vốn có ba loại vắc-xin đang được thử nghiệm, trong đó có một loại
vắc-xin dựa trên công nghệ RNA thông tin.
HIỆU QUẢ CỦA VẮC-XIN TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO?
Ở
giai đoạn này, nhiều loại vắc-xin khác nhau của Trung Quốc có vẻ như chưa có
bất kỳ rủi ro cụ thể nào. Trong giai đoạn thử nghiệm vào nửa sau năm 2020,
người được tiêm chủng chủ yếu là người Trung Quốc và có rất ít thông tin về các
tác dụng phụ có thể xảy ra của các loại vắc-xin do Sinopharm, Sinovac và
Cansino phân phối. Đó không còn là trường hợp của ngày nay nữa. Các chiến dịch
tiêm chủng quy mô lớn đã bắt đầu cách đây hai hoặc ba tháng ở nhiều quốc gia
khác nhau như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Chile, Indonesia hoặc
Maroc, trong khi các thử nghiệm giai đoạn ba được thực hiện ở mười lăm quốc gia
không dẫn đến sự cố đáng chú ý nào – ngoài hai, ba trường hợp gián đoạn tạm
thời của các chiến dịch thử nghiệm.
Tuy
nhiên, liệu các loại vắc-xin đó có hiệu quả không? Thông tin về điểm này không
đầy đủ và đôi khi vẫn còn mâu thuẫn. Trái với vắc-xin Sputnik 5, mà hiệu quả
của nó đã được xác nhận trong một bài báo trên [tuần san y khoa] Lancet vào
ngày 2 tháng 2 – với tỷ lệ hiệu quả rất cao lên đến 91,6% –, thì chưa có loại
vắc-xin nào của Trung Quốc được một tạp chí quốc tế nào xác nhận, liên quan đến
toàn bộ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Tự thân Trung Quốc cũng không
cung cấp thông tin chi tiết, và những dữ liệu có sẵn là kết quả các tuyên bố
của chính các nhà sản xuất vắc-xin, hoặc thông tin từ một số quốc gia nơi đã
tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba.
Kết
quả vào thời điểm này như sau: Sinopharm đã công bố, vào cuối tháng 12, rằng
vắc-xin đầu tiên của họ (được phát triển cùng với Viện Sản phẩm Sinh học Bắc
Kinh) có hiệu quả 79%, dựa trên các kết quả cục bộ từ chiến dịch thử nghiệm
giai đoạn ba, trong khi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đánh giá hiệu quả
vắc-xin của Sinopharm ở đất nước họ là 86%. Vắc-xin của Sinovac đã được đánh
giá là rất hiệu quả ở Thổ Nhĩ Kỳ (với tỷ lệ 91%), nhưng hầu như không vượt qua
mốc hiệu quả 50% ở Brazil (vẫn đạt 78% mức bảo vệ chống lại các dạng lây nhiễm
nặng) và 65% ở Indonesia. Loại vắc-xin thứ hai của Sinopharm (vắc-xin của Viện
Sản phẩm Sinh học Vũ Hán), theo công ty thiết kế ra nó, có hiệu quả trung bình
là 72,5%. Vắc-xin của Cansino có hiệu quả thấp hơn một chút là 65%, và được các
cơ quan y tế Pakistan đưa lên là 84%.
Nhìn
chung, các loại vắc-xin Trung Quốc có vẻ như có hiệu quả tương đương với
vắc-xin của AstraZeneca. Ở châu Á, chỉ có các nước đã phát triển – Hàn Quốc,
Nhật Bản, Singapore – vẫn còn ngần ngại phê duyệt vắc-xin Trung Quốc. Các cuộc
đàm phán Trung-Hàn bàn về khả năng cung cấp một hoặc loại vắc-xin Trung Quốc để
tiêm chủng cho hàng triệu cư dân người Hoa ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều nước
đang phát triển đã quyết định vượt qua khó khăn do tình trạng khẩn cấp và không
đủ vắc-xin phương Tây. Ví dụ với Chile, vào cuối tháng 12, chỉ nhận được
150.000 liều vắc-xin từ công ty Pfizer-BioNtech, trong khi họ đã đặt hàng 10
triệu liều. Chính sự xuất hiện của 4 triệu liều vắc-xin Sinovac vào cuối tháng
1 đã cho phép quốc gia này tiêm chủng cho gần 25% dân số của họ, tính đến ngày
6 tháng 3 (theo chuyên mục theo dõi tiêm chủng [vaccination tracker] của tờ
Financial Times). Trong danh sách tiêm chủng cho các nguyên thủ quốc gia hoặc
chính phủ, Trung Quốc được xếp hạng cao, đặc biệt với việc lần lượt tiêm chủng
tổng thống các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Serbia, Quốc vương Maroc và Thủ
tướng Hungary.
VẮC-XIN TRUNG QUỐC ĐƯỢC PHÊ DUYỆT NHƯ THẾ NÀO?
Cần
phải phân biệt giấy phép tạm thời đưa ra thị trường liên quan đến trường hợp
khẩn cấp và giấy phép thường xuyên. Hầu hết các quốc gia đã cấp phép tạm thời
trong khi chờ kết quả các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Quốc gia đầu tiên cấp
phép thường xuyên là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã cấp phép cho
vắc-xin Sinopharm 1 vào ngày 8 tháng 12, ba tuần trước khi chính Trung Quốc cấp
phép cho vắc-xin này.
Đó
là vì các cơ quan chức trách Trung Quốc tỏ ra tương đối thận trọng: sau khi phê
duyệt vắc-xin Sinopharm 1 vào cuối tháng 12, Bắc Kinh đã không cấp phép cho
vắc-xin Sinopharm 2 và chỉ cấp phép cho vắc-xin Sinovac vào ngày 25 tháng 2. Về
phần vắc-xin của Cansino, vốn đã được phê duyệt thường xuyên ở Mexico và
Pakistan, nhưng vẫn đang chờ được cấp phép ở Trung Quốc. Về phần mình, WHO đang
trong giai đoạn cuối xem xét các vắc-xin của Sinopharm và Sinovac, và sẽ phê
duyệt chúng “sớm nhất vào tháng 3”, theo trang web của tổ chức này.
LIỆU VẮC-XIN TRUNG QUỐC CÓ LÀ MỘT PHẦN TRONG BỘ SƯU TẬP CÁC LOẠI
VẮC-XIN ĐƯỢC SỬ DỤNG Ở PHÁP HAY KHÔNG?
Những
cam kết của các công ty dược phẩm Trung Quốc với các nước thứ ba đã ở mức cao
rất đáng kể. Theo hãng thông tấn AP, năm 2021, các công ty dược phẩm Trung Quốc
dự kiến cung cấp hơn 500 triệu liều vắc-xin dành cho 45 quốc gia, chưa tính đến
việc sản xuất vắc-xin trong nước theo giấy phép. Ngoài ra, bản thân Trung Quốc
mới chỉ tiêm chủng cho chưa đến 4% dân số của họ, và mục tiêu sản xuất toàn bộ
các loại vắc-xin Trung Quốc cho năm 2021 là từ 2 đến 2,5 tỷ liều. Đây là một
con số đáng kể, nhưng không đủ để phục vụ toàn bộ người dân Trung Quốc, cũng
như nhiều quốc gia mà họ đã cam kết.
Trong
bối cảnh này, việc bán vắc-xin cho Liên minh châu Âu không phải là ưu tiên của
Trung Quốc. Về phía châu Âu, sẽ có một cuộc thảo luận thực chất với Trung Quốc
với điều kiện WHO phê duyệt trước những vắc-xin Trung Quốc đầu tiên, hoặc ít
nhất là có những nghiên cứu quốc tế đáng tin như nghiên cứu về vắc-xin Sputnik
5. Một quá trình sẽ mất ít nhất một vài tuần.
Tuy
nhiên, nếu sự chấp thuận của châu Âu có nằm trong tầm ngắm, thì Bắc Kinh không
thể lơ là vấn đề này. Việc bán vắc-xin cho toàn bộ châu Âu chắc chắn sẽ đưa
Trung Quốc đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu về tiêm chủng ngừa coronavirus. Vì
thế, không loại trừ khả năng một số người trong chúng ta sẽ được tiêm chủng
vắc-xin Trung Quốc từ nay đến cuối năm, nếu các tùy chọn thay thế của phương Tây
không cho phép Liên minh châu Âu đạt được mục tiêu của mình.
-------------
Tác giả Hubert Testard
Hubert
Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố
vấn kinh tế và tài chính, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật
Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia
soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho
dù đó là với WTO hay những cuộc đàm phán với các nước châu Á.
Hubert
Testard đang giảng dạy, từ 4 năm nay, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế
thuộc Học viện chính trị [Sciences Po] về phân tích tương lai của châu Á. Ông
đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les
nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier)
và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine
investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française
pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp đại học Ena và Sciences
Po.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les
vaccins chinois anti-Covid-19 en Europe: qu'en penser?, Asialyst,
ngày 09/03/2021.
-----------------------------------------------------
.
Covid-19 :
Liên Hiệp Châu Âu đánh giá vac-xin AstraZeneca « an toàn và hiệu
quả »
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 19/03/2021 - 11:38
Chiều qua, 18/03/2021, Cơ Quan Dược Phẩm Châu
Âu (EMA), một lần nữa, chính thức khẳng định vac-xin AstraZeneca do
liên doanh Anh và Thụy Điển chế tạo « an toàn và hiệu quả ». Pháp và
nhiều nước trong Liên Âu ngay trong ngày 19/03/2021 khởi động lại kế hoạch tiêm
chủng. Nhưng, ba nước Bắc Âu vẫn tỏ thận trọng.
Vac-xin
AstraZeneca. Ảnh minh họa. AP - Alessandra Tarantino
Trong cuộc họp báo chiều
18//03/2021 giám đốc EMA, bà Emer Cooke tuyên bố ủy ban điều tra « đưa
ra một kết luận khoa học rõ ràng : vac-xin AstraZeneca an toàn và hiệu
quả (…) Những ưu điểm của loại vac-xin này trong việc bảo vệ các bệnh nhân
trước nguy cơ tử vong và phải nhập viện để điều trị vì virus corona, lớn
hơn so với những mối rủi ro khác có thể xảy ra ».
Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu
cũng lưu ý không tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng vac-xin AstraZeneca với
nguy cơ bị đông máu. Thậm chí bà Emer Cooke cho biết sẵn sàng chích ngừa
với thuốc do tập đoàn Anh và Thụy Điển cùng chế tạo. Theo các thống kê chính
thức trên tổng số 20 triệu người chính ngừa với vac-xin của AstraZeneca có 469
trường hợp bị đông máu. EMA cũng đã bác bỏ mọi nghi ngờ về khả năng có một số
lô thuốc « có vấn đề ».
Pháp, Đức, Ý và Tây Ban
Nha thông báo khởi động lại chiến dịch tiêm chủng ngay từ chiều nay
(19/03/2021). Riêng Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy thì cần có thêm thời gian để
« tự tiến hành các cuộc điều tra » về hiệu quả và rủi ro nếu
có của loại vac-xin này. Trong cuộc họp báo chiều qua thủ tướng Pháp cho biết
AstraZeneca là một phần không thể thiếu trong kế hoạch của chính phủ để
đạt mục tiêu từ này đến giữa tháng Tư, ít nhất 10 triệu người được tiêm chủng,
rồi đạt ngưỡng 20 triệu vào cuối tháng 5 và đến trước hè, thì trên toàn quốc sẽ
có gần 50 % dân số được chích ngừa chống Covid-19.
No comments:
Post a Comment