Thursday, 11 March 2021

'MỸ CẦN TRỞ LẠI TPP ĐỂ KIỀM CHẾ ẢNH HƯỞNG TRUNG QUỐC' (Ngọc Lễ - VOA)

 



‘Mỹ cần trở lại TPP để kiềm chế ảnh hưởng Trung Quốc’   

Ngọc Lễ  -  VOA

12/03/2021

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A7n-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-tpp-%C4%91%E1%BB%83-ki%E1%BB%81m-ch%E1%BA%BF-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-trung-qu%E1%BB%91c-/5811595.html

 

Trong lúc ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh ngày càng tăng ở châu Á và Trung Quốc có tham vọng áp đặt luật chơi sau khi chính quyền Trump thoái lui, Nhật mong mỏi chính quyền ông Joe Biden can dự trở lại vào cấu trúc kinh tế khu vực để đẩy lùi Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ và Nhật cho biết tại cuộc hội thảo tuần này.

 

https://gdb.voanews.com/50B29BC5-1824-4121-BA8F-5387B3788653_w650_r1_s.jpg

Tổng thống Donald Trump đã bỏ qua Thượng đỉnh APEC hồi năm 2018 trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sự xuất hiện nổi bật

 

Với chủ đề ‘Thiết lập luật chơi về kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương’, hội thảo trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C. tổ chức với sự bảo trợ của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) hôm 8/3.

 

 

‘Mỹ đang thua sút Trung Quốc’

 

Trong bài diễn văn chính (keynote address), ông Nobuhiko Sasaki, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành JETRO, nói ông hy vọng chính quyền của Tổng thống Joe Biden ‘sẽ can dự chủ động vào việc thiết lập luật lệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương’.

 

Ông dẫn ra một cuộc khảo sát các chuyên gia trong khu vực do Viện Nghiên cứu đông nam Á (ISEAS) của Singapore thực hiện hồi đầu năm cho thấy 76% người được hỏi cho rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất ở đông nam Á.

 

Tuy nhiên, trên vấn đề duy trì luật lệ, chưa tới 4% xem Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong khi gần 30% chọn Mỹ. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn không được khu vực tin tưởng bằng Liên minh châu Âu (EU)trên vấn đề này.

 

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực trong thời gian qua đã ngày càng thụt lùi so với Trung Quốc trong lúc khu vực đang trông đợi vào sự lãnh đạo trở lại của Mỹ.

 

Sasaki cũng chỉ ra hai diễn biến quan trọng trong cấu trúc kinh tế khu vực diễn ra dưới chính quyền của ông Donald Trump mà không có sự tham gia của Mỹ: khối CPTPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện, Tiến bộ) do Nhật chủ xướng đã đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2018 và đang trong giai đoạn mở rộng với Trung Quốc và Anh bày tỏ nguyện vọng gia nhập. Trong khi đó, khối RCEP (Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực) đã hình thành vào tháng 11 năm ngoái tập hợp được toàn bộ các nước Asean cùng với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc với Trung Quốc nắm vai trò lãnh đạo.

 

“Cánh cửa luôn rộng mở cho Mỹ tái gia nhập TPP lúc nào Mỹ thấy thuận tiện,” vị quan chức Nhật này khẳng định.

 

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các luật lệ chung trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến đổi vì đại dịch COVID-19 với thương mại trực tuyến tăng vọt.

Ông nói những biện pháp ngăn trở việc chia sẻ dữ liệu hay quản lý chuyển đổi do ‘một nước nào đó’ mà ông không nêu đích danh ‘sẽ dẫn đến tăng đáng kể chi phí và rắc rối cho doanh nghiệp’. Do đó, ông kêu gọi Mỹ và Nhật nên chủ động phối hợp cùng châu Âu thúc đẩy thiết lập luật lệ ở khu vực để cho phép dòng chảy dữ liệu tự do xuyên biên giới.

 

Một vị học giả đến từ Nhật là ông Shujiro Urata, giáo sư danh dự Đại học Waseda và là chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện các Nền Kinh tế Đang phát triển (IDE) của Nhật cũng kêu gọi chính quyền Biden ‘tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’.

 

“Mỹ cần phải gia nhập lại TPP, và tôi đã nói đi nói lại điều này,” ông nói. “Với tình hình kinh tế nước Mỹ hiện nay và sự phản đối quyết liệt của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội, tôi biết rằng sẽ rất khó để ông Biden gia nhập TPP-11, nhưng họ nên xem xét vấn đề này sớm nhất có thể.”

 

Ông nói rằng sẽ rất quan trọng để Mỹ trở lại TPP ngay cả trước khi Trung Quốc thật sự nộp đơn xin gia nhập. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng nước ông đang ‘tích cực xin gia nhập TPP’.

 

“Trung Quốc đã có khối RCEP và họ đang thực hiện Ý tưởng Vành đai-Con đường. Do đó, Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc chắc chắn sẽ còn tăng khi họ hồi phục từ đại dịch trong khi Mỹ và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với dịch bệnh,” Giáo sư Urata phân tích. “Do đó, việc Mỹ gia nhập TPP sẽ ngăn đà Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.”

 

Không những trên hồ sơ TPP mà trong phạm vi khối APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) vai trò của Mỹ dưới thời ông Donald Trump ‘cũng bị đè nén’, ông nhận xét, trong khi dưới các chính quyền trước, nước Mỹ có vai trò ‘rất chủ động’ trong APEC để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Do đó, vị giáo sư này kêu gọi ông Biden quay trở lại mạnh mẽ hơn trong APEC.

 

 

Mỹ sẽ trở lại?

 

Nhìn trên quan điểm lợi ích nước Mỹ, ông Matthew Goodman, phó chủ tịch cao cấp về Kinh tế và chủ tịch chương trình nghiên cứu Kinh tế Chính trị của CSIS, nói kết quả thăm dò của ISEAS cho thấy Mỹ đứng sau châu Âu về mức độ tin tưởng trên vấn đề thiết lập luật lệ ‘gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ’.

 

“Trung Quốc là nền kinh tế rất quan trọng trong khu vực, nhưng chúng ta cần thể hiện vai trò của mình rõ ràng hơn trên các vấn đề kinh tế và chúng ta cũng phải tích cực hơn trong việc thiết lập luật lệ cũng như thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực,” ông khẳng định.

 

Về vấn đề tái gia nhập TPP, ông Goodman cho rằng Washington ‘có lợi ích kinh tế, lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia mạnh mẽ’ và ‘cuối cùng nước Mỹ cũng sẽ quay trở lại’. Tuy nhiên, ông dự báo điều này sẽ không sớm xảy ra do chính quyền Biden hiện đang dồn tất cả mọi sức lực để chống dịch Covid-19 và sau đó là xây dựng lại nước Mỹ.

 

“Khi Tổng thống Biden đến New Zealand tham dự Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới đây, ông ấy sẽ chịu áp lực rất lớn phải nói điều gì đó về TPP,” ông dự đoán. “Tôi nghĩ có khả năng rằng ít nhất ông ấy sẽ nói Mỹ có lợi ích lâu dài với TPP.”

 

Trên vấn đề kinh tế số, ông Goodman cho rằng Mỹ sẽ đàm phám một thỏa thuận thương mại riêng rẽ mặc dù ‘nó sẽ không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề về kinh tế số hiện đang diễn ra’.

 

Với việc chính quyền Biden tỏ quyết tâm phối hợp với các đồng minh, chuyên gia này cho rằng sẽ có cơ hội rất lớn để Washington và Tokyo hợp tác để thiết lập luật chơi về kinh tế cho khu vực.

 

 

Mỹ sẽ đấu với Trung Quốc như thế nào?

 

Nhìn về căng thẳng Mỹ-Trung trên vấn đề kinh tế-thương mại, vốn leo thang đến đỉnh điểm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, ông Scott Kennedy, cố vấn cao cấp và chủ tịch chương trình nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của CSIS, nói chính quyền Biden sẽ tiếp tục con đường thách thức Trung Quốc nhưng không đến nỗi cắt đứt (decoupling) như chính quyền Trump chủ xướng.

 

Ông cho rằng với sự thù địch đã diễn ra trong quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian qua với cả trăm hành động và dự luật của ông Trump và Quốc hội nhằm vào Trung Quốc cùng với lòng tin của người dân Mỹ vào Trung Quốc xuống thấp cũng như quan ngại về Bắc Kinh của các nước đồng minh, ‘sẽ rất khó để ông Biden thay đổi đường hướng’.

 

“Tuy nhiên, chúng ta có thể trông chờ một số thay đổi (trong cách tiếp cận Trung Quốc),” ông nói.

 

“Tôi nghĩ quan điểm của chính quyền Biden là nhiều chính sách của ông Trump dù có ý định tốt nhưng đã thất bại trong việc cân bằng thương mại với Trung Quốc – thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc vẫn y nguyên ở mức khi ông Trump vào Nhà Trắng là trên 300 tỷ đô la. Nỗ lực của ông Trump muốn đưa các hãng sản xuất chế tạo về Mỹ cũng không thành công. Ông ấy cũng không đẩy được các nước khác như châu Âu, Nhật, Hàn dời đầu tư ra khỏi Trung Quốc mà trái lại họ còn tăng đầu tư,” ông phân tích.

 

“Chính quyền Trump có chặn Huawei và gây thiệt hại cho họ, khiến họ tăng trưởng chậm lại, nhưng họ không thể nào làm chậm lại quyết tâm của Bắc Kinh muốn tự lực cánh sinh trong chính sách công nghiệp của họ,” ông Kennedy nói thêm.

 

Ông dự đoán chính quyền Biden ‘sẽ có nỗ lực mạnh mẽ để song hành với các đồng minh – cho dù là song hay đa phương’ để nắm lấy quyền thiết lập luật chơi. Ông nhắc lại lời của cựu Tổng thống Barack Obama, vốn từng là cấp trên của ông Joe Biden, rằng ‘Nếu chúng ta không thiết lập luật lệ, thì Trung Quốc sẽ làm.”

 

“Cái ‘sẽ’ đó giờ là ‘đang’,” ông nói. “Do đó quan điểm rộng rãi trong chính quyền Biden là Mỹ phải thiết lập luật chơi.”

 

Ông dự đoán ông Joe Biden sẽ có những hành động để ‘bình ổn quan hệ thương mại với Trung Quốc’ để tránh căng thẳng giữa hai nước bị đẩy đi quá xa.

 

“Có khả năng họ sẽ tìm cách để giảm bớt thuế quan hiện đang bao trùm trên 60% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ cũng như hàng xuất khẩu của Mỹ đến Trung Quốc,” ông dự đoán và cho rằng điều này chỉ đạt được với sự đàm phán của hai chính phủ trên nguyên tắc ‘có qua có lại’.

 

“Chính quyền Biden đã nói rằng họ sẽ không thúc đẩy các sắc lệnh hành pháp trừng phạt TikTok và WeChat,” ông nói thêm và cho rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục các hạn chế về công nghệ đối với Trung Quốc, kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt tài chính.

 

Về phía Bắc Kinh, ông Kennedy cho rằng nước này ‘đang rất tự tin trong cuộc đối đầu với Mỹ’. “Họ cho rằng chế độ của họ ưu việt hơn, họ đang chứng kiến quá trình chuyển giao quyền lực lịch sử và gió đông đang thổi,” ông nói.

 

Do đó, ông cho rằng, đối với chính quyền Biden, lời hứa hợp tác của Bắc Kinh chỉ là ‘hợp tác ở những chỗ không gây hại gì đến họ’.

 

“Họ sẽ không sẵn sàng thay đổi những gì họ đang làm trong việc tăng cường đàn áp trong nước, can thiệp vào nền kinh tế hay cổ súy cho những chuẩn mực phi tự do trên trường quốc tế và diễu võ giương oai với những nước dám chống lại họ như Úc,” ông phân tích.

 

Để đối phó với sự o ép của Mỹ, Bắc Kinh đã đề ra chiến lược 5 năm để xây dựng sự tự chủ về công nghệ chẳng hạn như trong công nghệ chất bán dẫn, ông nói, tìm cách chuyển hướng mối quan hệ ra khỏi Mỹ để tập trung vào phần còn lại của thế giới, nhất là với châu Âu và phần còn lại của châu Á, tập trung vào tiêu thụ nội địa thay vì xuất khẩu để làm động lực tăng trưởng.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats