Một xã hội khủng hoảng niềm
tin
Thứ Tư, 03/24/2021 -
07:42 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/6728
Du lịch tâm linh
đua nhau phát triển, rốt cuộc ai có lợi?
Khi báo chí đăng tin
về vụ hàng nghìn người, thậm chí hàng chục nghìn người đổ xô chen
chúc nhau mua vé, tham quan chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)
ngay giữa mùa dịch COVID-19, cảm giác đầu tiên ở nhiều người là lo
ngại, vì mặc dù phần đông khách tham quan có đeo khẩu trang, rửa tay
với xà phòng sát khuẩn, có cả đội ngũ nhân viên phát tờ khai về y
tế, kiểm tra nhiệt độ khách, nhưng làm sao có thể tránh được sự lây
lan nếu có một ai đó đang bị nhiễm COVID-19 trong người? Cảm giác sau
đó là…ngán ngẩm. Nhìn hình chụp cho thấy quần thể chùa Tam Chúc có
kiến trúc nửa Tàu nửa Ta, vừa có chùa vừa có đình, đền, khu du
lịch nghỉ dưỡng…; có quy mô đồ sộ, nghe đâu là ngôi chùa lớn nhất
Đông Nam Á, toàn khu vực rộng khoảng 5,100 ha, chủ đầu tư là doanh nghiệp
Xuân Trường của ông Nguyễn Văn Trường ở Ninh Bình.
Theo Wikipedia, “Nơi
đây là vùng ngập nước núi đá vôi, trong khu vực và lân cận có nhiều di tích lịch
sử văn hóa, danh lam thắng cảnh như: động Vòng, chùa Bà Đanh, đền Trúc, miếu
Trung, chùa Đặng Xá, đền Bạch Mã, miếu Bóng Bà, Động Thủy, động Lim, động Chùa,
đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng.
Khu du lịch hồ Tam Chúc có vị trí đặc biệt là gạch nối
giữa Khu du lịch Chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái
Đính, Tràng An, Tam Cốc tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng
ngập nước.
Liên kết phát triển tuyến du lịch chùa Hương (Hà Nội)
- Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Bái Đính (Ninh Bình) là ý tưởng đã được Tổng cục Du
lịch và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình lên kế hoạch thực hiện. Một
con đường thẳng nối từ chùa Hương sang Tam Chúc rồi đi thẳng đến chùa Bái Đính
đã được quy hoạch xây dựng, chỉ dài có hơn 20 km đồng thời sẽ biến chùa Hương -
Tam Chúc - chùa Bái Đính trở thành tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.”
Thật là một vị trí
đắc địa, hái ra tiền.
Trong chùa Tam Chúc,
còn có ngôi đền thờ mang tên “Đền Tứ Ân – Thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên”, thờ
người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường, chủ đầu tư khu du lịch tâm linh
Tam Chúc. Đọc lời giới thiệu của nhà đền, mới biết bà vợ (và có
lẽ cả hai vợ chồng?) còn tôn tạo, xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An
– Bái Đính (Ninh Bình), để được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thiên nhiên
Thế giới vào năm 2014, xây dựng các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính
như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc, chùa Am Tiên…; một
số chùa trên quần đảo Trường Sa… (“Điều ít biết về ngôi đền thờ vợ đại
gia Xuân Trường trong quần thể chùa Tam Chúc", Info.net)
Dư luận đã từng đặt
ra những câu hỏi từ việc chủ đầu tư xây ngôi đền to đùng thờ vợ cho
tới việc kinh doanh khu du lịch tâm linh này. Trên báo Dân Việt có hàng
loạt bài như “Tại sao chùa Tam Chúc của đại gia Xuân Trường được ưu
đãi thuế và sử dụng vốn Nhà nước?”, “Kinh doanh” tâm linh: Nhập
nhèm công trình thương mại - địa điểm tâm linh”, "Kinh doanh" tâm
linh: Doanh nghiệp tạo đủ loại nguồn thu ở chùa”…
Nếu search trên google
cụm từ “du lịch tâm linh” sẽ cho ra hàng loạt kết quả. Một loại hình
kinh doanh khá mới mẻ, một vốn bốn lời như nhiều nhà báo cũng đã
chỉ ra.
Chỉ nói riêng về kiến
trúc Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian, phải nói VN là một đất
nước có khá nhiều đình, đền, chùa…trong đó phần lớn là được xây
cất từ xưa, có giá trị lâu đời về kiến trúc, lịch sử, văn hóa như
chùa Hương (Hà Nội), Chùa Trấn Quốc – Hà Nội, đền Trần (Nam Định), Núi
Yên Tử, Quảng Ninh, Chùa Thiên Mụ - Thừa Thiên, Huế…
Nhưng những năm gần đây
có nhiều đình, chùa mới được xây thêm như khu Chùa Bái Đính mới– Ninh
Bình, Chùa Ba Vàng - Quảng Ninh, Chùa Linh Ứng - Đà Nẵng, khu du lịch sinh thái
văn hóa tâm linh Lũng Cú, Hà Giang…Những công trình này đều đua nhau về
độ hoành tráng, chiếm những vị trí đắc địa, để xây dựng được hoặc
phải phá núi, vạt rừng, hy sinh thiên nhiên, môi trường, hoặc đất đai
canh tác của người dân. (“Bên trong công trình phá núi xây chùa 'hoành
tráng' ở Lũng Cú”, Tuổi Trẻ)
Rốt cuộc chỉ nhà đầu
tư là có lợi, đút tiền vô túi, nhà cầm quyền thì có cái lợi khác
là dân càng u mê, càng siêng năng đi chùa, cúng bái, tin vào thần
Phật, càng ít quan tâm đến chính trị càng tốt, trong khi cái hại của
việc xẻ núi, phạt rừng, phá hoại môi trường, ai chịu trách nhiệm?
Đình chùa xây
nhiều, đời sống tôn giáo, tâm linh của người Việt có khá hơn?
Nếu nhìn từ bên ngoài
đền chùa mọc lên khắp nơi, người người ùn ùn kéo về đình, chùa,
các khu du lịch tâm linh này, cứ ngỡ như Phật giáo đang hưng thịnh, cứ
ngỡ như đời sống tâm linh của người dân đang rất giàu có. Nhưng không.
Triết lý nhà Phật đã chỉ ra Phật không ở trong những nơi cao sang,
chùa càng to càng lộng lẫy hoành tráng thì càng xa với đạo Phật,
và cách nhiều người Việt bây giờ đi chùa cũng thế, nào hối lộ
Phật, dúi tiền vào tay tượng Phật để cầu an cầu may cầu lộc cầu
duyên…; đặc biệt là quan to quan nhỏ cũng rất siêng đi chùa, vừa làm
xong một điều ác với đồng loại, với dân lành thì lại đi chùa cúng
dường, phóng sanh, ra khỏi cổng chùa lại tiếp tục làm điều ác hại
nước hại dân…
Chùa trở thành nơi
kinh doanh, còn sư chẳng ra sư. Người đi chùa đã thế, thầy chùa cũng
lắm người mà từ cách ăn nói, ứng xử đều không ra bậc tu hành. Câu
chuyện sư trụ trì của chùa Hưng Khánh, còn gọi là chùa Trung Hành (quận Hải
An, TP Hải Phòng) có những lời nói, hành vi không chuẩn mực chỉ là
một ví dụ nhỏ. “Sư trụ trì chùa Hưng Khánh xua đuổi bé 14 tháng tuổi
bằng nắm nhang đang cháy” (Vietnam Net), “Sư trụ trì cầm ly
bia nói về việc 'thả chó cắn nát mặt Phật tử' (Tuổi Trẻ).
Một vài ví dụ khác:
Một sư cô trụ trì chùa Long Nguyên (phường 4, quận 4, TP.HCM) đánh đập,
hành hạ trẻ em “Sự thật sau video ‘sư cô hành hạ trẻ em’ ở quận 4” (Tuổi
Trẻ); một cháu bé bị bạo hành tại cơ sở thờ tự “chui” ở Bình Thuận “Khởi
tố 'thầy Thiện Lam' vụ hành hạ, đánh đập cháu bé 11 tuổi” (Tuổi
Trẻ); sư trụ trì ít nhất hai ngôi chùa ở Đồng Tháp và Kiên Giang bị bắt vì
tội hiếp dâm “Tiến sĩ phật học bị bãi nhiệm trụ trì 2 chùa sau vụ hiếp
dâm bé gái 14 tuổi” (Tiền Phong), “Tiến sĩ phật học hiếp dâm
bé gái lãnh 6 năm tù” (Công An TP.HCM); hay ở Hóc Môn, TP.HCM “Điều
tra thầy chùa quan hệ với trẻ vị thành niên” (Tuổi Trẻ)…
Mặt khác, người tu
hành không nên tham gia chính trị nhưng có những ông sư vẫn tham gia
chính trị, là đại biểu Quốc hội, có nhiều phát biểu linh tinh như
Thượng tọa Thích Thanh Quyết “Thượng tọa Thích Thanh Quyết 'gây
bão' với phát biểu về oan sai” (Thanh Niên), kiến nghị đảng và nhà
nước Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân
dân Triều Tiên!
Thượng tọa Thích Thanh
Quyết cũng tuyên bố: “Thế nên, tôi khẳng định rằng chúng tôi tự hào
được sống ở một đất nước được nhà nước tôn trọng về tự do tôn giáo, tín ngưỡng” (“Thượng
tọa Thích Thanh Quyết: Tự hào vì được hành đạo trên đất nước Việt Nam”,
Đại Đoàn Kết). Trong khi bao nhiêu vụ đàn áp tôn giáo từ Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất cho tới Thiên Chúa giáo, Tin Lành…, bao nhiêu vụ
phá chùa, cưỡng chiếm nhà thờ, bắt bớ, giam cầm hoặc quản thúc tại
gia các bậc tu hành như hòa thượng Thích Quảng Độ, hòa thượng Thích
Huyền Quang, Thượng tọa Thích Không Tánh linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, mục sư
Nguyễn Trung Tôn v.v…thì ông không thấy hoặc thấy mà nhắm mắt làm ngơ.
Phải nói là tín
ngưỡng của nhiều người Việt ở VN bây giờ là một thứ tín ngưỡng pha
tạp giữa Phật giáo, đạo thờ ông bà và đa thần giáo, bái vật giáo,
nghĩa là thờ đủ thứ. Tin Phật nhưng còn tin vào đủ thứ vận may rủi,
đi xin xăm, sờ đầu rùa cầu may, đi hầu đồng, xem bói…Thế nên mới có
các loại “thần y” tuyên bố có thể dùng kĩ thuật xoa bóp, bấm huyệt, kéo
lưỡi chữa câm điếc bẩm sinh, thật ra là có dấu hiệu lừa đảo như thần y
Võ Hoàng Yên hay bà đồng tuyên bố chữa được ung thư, COVID-19 “Chữa
Covid-19 bằng gọi vong, thầy đồng hét giá 15 triệu” (VietnamNet)…, hay
tệ hơn, có loại “thầy pháp” bất lương “Thầy pháp' yêu cầu cô gái
'quan hệ tình dục nhiều lần' mới trừ được tà ma” (Tuổi Trẻ)... mà
vẫn lừa được khối người…
Cả một xã hội
khủng hoảng niềm tin, sa sút về đạo đức
Một xã hội nếu muốn
đào tạo, gìn giữ cho con người trở thành những công dân lương thiện,
tử tế, văn minh, có đời sống tinh thần lành mạnh thì cần phải có
cả 3 yếu tố: luật pháp minh bạch, công bằng, giáo dục tiến bộ, nhân
bản và các tổ chức tôn giáo phải hoạt động đúng với tinh thần của
tôn giáo đó.
Ở VN sau bao nhiêu năm
cầm quyền của đảng và nhà nước cộng sản VN, cả 3 yếu tố này đều
không có. Luật pháp bị kiểm soát, khống chế bởi đảng cộng sản trở
thành một thứ luật rừng, luôn luôn đứng về phía nhà cầm quyền hoặc
những kẻ có tiền. Người dân hoàn toàn không có một quyền hành gì,
kể cả quyền được mở miệng kêu than hay chỉ trích những chính sách
sai trái của nhà cầm quyền. Một nền giáo dục nhồi nhét, lạc hậu,
chạy theo thành tích, bằng cấp, chứ không hề dạy con người biết độc
lập suy nghĩ, không dạy làm Người mà cũng không gợi mở, khai thác
sức sáng tạo của học sinh, sinh viên. Và cuối cùng là tôn giáo bị
nhà cầm quyền cùng những kẻ có tiền lợi dụng, khai thác, đã trở
thành biến tướng, tha hóa.
Trong một xã hội như
vậy, con người bị khủng hoàng niềm tin. Và khi không có niềm tin vào
chính phủ, vào luật pháp, vào cộng đồng, thì người ta quay sang bám
víu vào Phật, vào thần linh, thầy bói...Rút cuộc không chỉ đổ tiền
nuôi nhà đầu tư chùa, nuôi thầy bói, cô đồng các loại, mà đời sống
tinh thần, tâm linh của con người ngày càng đi xuống.
No comments:
Post a Comment