Lối thoát nào cho khủng hoảng ở Myanmar ?
22/03/2021
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/20958-l-i-thoat-nao-cho-kh-ng-ho-ng-myanmar
1. Lý do quân đội Myanmar đảo chính
Sáng ngày 1/2/2021 quân
đội Myanmar (Tatmadaw) tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự
hợp hiến của Myanmar và ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong thời
gian một năm. Tổng thống Win Myint, cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các
thành viên chính phủ đã bị quân đội bắt giữ, quyền lãnh đạo đất nước thuộc về
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tướng Min Aung Hliang. Lý do mà phe đảo
chính đưa ra là cuộc bầu cử trước đó (vào tháng 11/2020) bị gian lận với kết
quả là Liên Minh Dân Chủ (National League for Democracy-NLD) chiến thắng áp đảo
khi giành được 80% số ghế tại Quốc hội.
https://live.staticflickr.com/65535/51063263253_af5c17cfb7.jpg
Phong trào phản kháng của người dân Myanmar vẫn tiếp
tục và không có dấu hiệu nhượng bộ...
Tatmadaw đưa ra cáo buộc
gian lận bầu cử nhưng không có bằng chứng sau đó họ buộc tội bà Suu Kyi với các
tội danh khác như tàng trữ hàng cấm, nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm trong việc
đối phó với nạn dịch Covid-19. Theo các nhà phân tích thì lý do thật sự của cuộc đảo chính đến từ việc
tướng Min Aung Hliang 64 tuổi sắp phải về hưu theo qui định (65 tuổi).
Ông ta muốn tạo ra tình trạng khẩn cấp để duy trì quyền lực của mình thêm một
thời gian nữa. Chúng ta đều biết là trong cuộc bầu cử dân chủ năm 2015, đảng
NLD của bà Suu Kyi đã giành được chiến thắng vang dội và trở thành đảng cầm
quyền tuy nhiên quân đội vẫn nắm giữ quyền lực với hai bộ quan trọng là quốc
phòng và nội vụ.
Các cuộc đàn áp người
Rohingya vào năm 2016-2017 đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của bà Suu
Kyi và đảng NLD trên trường quốc tế. Mặc dù vậy thì ảnh hưởng của Tatmadaw còn
giảm sút hơn. Người dân Myanmar bắt đầu thích nghi với cuộc sống dân chủ dù còn
sơ khai. Lo lắng bị mất quyền lực và quyền lợi đã khiến quân đội tiến hành cuộc
đảo chính hôm 1/2/2021.
2. Phản ứng dữ dội của người dân Myanmar
Tatmadaw đã không lường
trước được sự phản đối dữ dội của người dân. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên
toàn quốc, bao gồm mọi thành phần và tầng lớp dân chúng. Phe đảo chính đã sai
lầm khi quyết định đàn áp người dân bằng vũ lực. Đến hôm nay đã có 248 người chết do quân đội dùng đạn
thật bắn vào đám đông biểu tình. Các sắc tộc thiểu số của Myanmar trong
đó có cả người Hồi giáo Rohingya cũng tham gia biểu tình. Các hội đoàn, công
chức, tôn giáo cũng đã tham gia đình công và lên tiếng ủng hộ cho Hội đồng Đối
lập - CRPH (Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw). Hội đồng này bao
gồm các đảng viên cấp trung của NLD và một số nhà hoạt động chính trị độc lập.
VIDEO : Myanmar:
Cảnh sát xả súng khiến ít nhất 63 người chết sau khi nhà máy Trung Quốc bị đốt
#Shorts
https://www.youtube.com/watch?v=6OdLSruXl5o
Mặc dù bị quân đội đàn áp dã man nhưng phong trào phản đối của người
dân Myanmar không hề suy giảm.
Giới trẻ đã nhập cuộc với biểu tượng giơ cao ba ngón tay giữa, giống phong trào
phản kháng ở Thái Lan. Đình công trên toàn quốc đã làm đất nước tê liệt. Thậm
chí ngay cả các bà bầu cũng đã xuống đường biểu tình. Một mạng lưới báo chí độc
lập tại Myanmar đã ra đời để cung cấp thông tin cho người dân và cộng đồng quốc
tế.
Thế giới đã phản ứng gay
gắt và lên án mạnh mẽ phe đảo chính. Mỹ, EU và các nước dân chủ đã đưa ra những
phản ứng chế tài đầu tiên như phong tỏa tài sản của giới quân đội Myanmar và
các tướng lĩnh đảo chính. New Zealand hôm 9/2 đã tuyên bố cắt mọi quan hệ với
Tatmadaw. Thậm chí ngay cả các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia
cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và yêu cầu phe đảo chính chấm dứt đàn áp
người dân. Các biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế lên phe đảo chính sẽ
tiếp tục được đưa ra trong thời gian tới.
3. Trung Quốc, nạn nhân bất đắc dĩ ?
Như thường lệ Trung Quốc,
Nga và một số nước trong đó có cả Việt Nam đã ngăn chặn một nghị quyết của Liên
Hợp Quốc lên án đảo chính tại Myanmar. Hành động này của Trung Quốc khiến dân
chúng Myanmar phẫn nộ, họ cho rằng Trung Quốc đã đồng lõa với phe đảo chính.
Mặc dù Trung Quốc đã thay đổi giọng điệu từ việc xem đây là "chuyện nội bộ
của Myanmar" sang tuyên bố "Trung Quốc không đứng về phía nào"
trong cuộc đảo chính nhưng người dân Myanmar vẫn trút giận lên các công ty của
Trung Quốc tại đây. Ít
nhất 32 nhà máy của Trung Quốc đã bị đốt phá tại Yangon. Nhiều người
Myanmar còn đe dọa cho nổ tung đường ống dẫn dầu của Trung Quốc nối từ Vân Nam
đến vịnh Bengal và dự án xây dựng thành phố mới của Trung Quốc tại Yangon.
https://live.staticflickr.com/65535/51064062392_8c549c2c85.jpg
Nhiều nhà máy của
Trung Quốc tại Myanmar bị đốt phá trong thời gian qua
Theo Tập Hợp Dân
Chủ Đa Nguyên thì Trung Quốc không có lợi lộc gì trong cuộc đảo chính
này, thậm chí họ còn bị mất rất nhiều trong và sau cuộc đảo chính. Đừng quên
Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar. Trung Quốc có
nhiều quyền lợi tại đây, ngoài kinh tế ra thì Trung Quốc rất cần Myanmar trong
kế hoạch "vành đai và con đường". Myanmar có vị trí chiến lược rất
quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới. Ngoài con
đường giao thông huyết mạch trên Biển Đông thì Myanmar là lối mở cho Trung Quốc
đi ra vịnh Bengal và thế giới.
Vai trò và vị thế của
Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm lớn sau cuộc chính biến này khi phong
trào dân chủ Myanmar giành được chiến thắng. Thái độ nước đôi của Trung Quốc
đang làm cho Trung Quốc trở nên bất lợi. Ý kiến cho rằng Trung Quốc đứng sau
cuộc đảo chính này là không thuyết phục.
4. Lối thoát nào cho Myanmar ?
Không ai biết chính xác
khi nào cuộc khủng hoảng tại đây sẽ chấm dứt. Phe đảo chính đã không còn đường
lùi sau khi lấy quyết định dùng bạo lực để đối phó với người dân. Về phía người
dân thì cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ dừng biểu tình và chống đối.
5 năm sống dưới chế độ dân chủ dù không trọn vẹn nhưng cũng đã đủ cho người dân
Myanmar thấy rõ những ích lợi mà dân chủ mang lại. Đám cháy đã quá lớn để có
thể dập tắt. Cũng cần biết Myanmar là một nhà nước liên bang bao gồm nhiều sắc
dân thiểu số khác nhau và quân đội không kiểm soát được hoàn toàn đất nước.
Tất cả các nhà quan sát đều đồng ý là phe đảo chính cần thỏa hiệp với
NLD và phong trào biểu tình thay vì đối đầu như hiện nay. Tuy nhiên làm thế nào
để thỏa hiệp là một việc không dễ dàng trong tình trạng đối đầu và căng thẳng
như đang diễn ra. Theo phân tích và nhận
định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì tướng Min Aung Hliang
phải ra đi thì hai bên mới có thể ngồi lại với nhau, và để tướng Hliang ra đi
thì chỉ có mỗi cách là phe quân đội phải làm thêm một cuộc đảo chính nữa.
Phe quân đội không thể
thắng trong cuộc đối đầu với người dân Myanmar. Tướng Hliang thay vì bảo vệ
"nồi cơm" của Tatmadaw thì chính ông đã đập bể nồi cơm của họ. Ngoài
việc lật đổ tướng Hliang ra họ không còn con đường nào khác.
Bà Suu Kyi vẫn đóng một
vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán sắp tới với phe đảo chính, tuy nhiên bà
có thể sẽ rời chính trường sau khi cuộc binh biến kết thúc. Có hai lý do, thứ
nhất bà đã tuổi cao sức yếu, thứ hai phong trào dân chủ Myanmar đã trưởng thành
và lớn lên sau biến cố này. Họ không cần một biểu tượng nữa mà cái họ cần là
một dự án chính trị cho đất nước. "Hình ảnh một cá nhân không thể
thay thế cho một dự án chính trị và câu chuyện của một cá nhân dù đẹp đẽ, bóng
bẩy tới mức nào đi nữa cũng không thể thay thế cho một truyện thuyết chung cho
cả dân tộc" (1).
5. Mùa Xuân Đông Nam Á ?
Với sự thất bại của
Donald Trump trong kỳ bầu cử vừa qua tại Mỹ thì phong trào dân túy trên toàn
thế giới đang tàn lụi dần. Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì làn
sóng dân chủ thứ tư sẽ tiếp tục dâng trào sau khi khựng lại một thời
gian bởi phong trào dân túy. Thế giới đang thay đổi sâu sắc. Đông Nam Á (ASEAN)
có thể là điểm đến tiếp theo của làn sóng dân chủ thứ tư.
https://live.staticflickr.com/65535/51063263203_9724fa7064.jpg
Phong trào dân chủ
Thái Lan đang tấn công trực diện vào hoàng gia và vua Rama X
Một quốc gia sắp xảy ra
những thay đổi rất lớn trong khu vực là Thái Lan. Suốt hơn một năm qua đã xảy
ra nhiều cuộc biểu tình chống lại chính phủ quân đội do tướng Payuth Chan Ochah
lãnh đạo. Không những thế, người biểu tình còn chỉ trích đích danh vua Rama X
và hoàng gia Thái Lan. Đây là một thay đổi quan trọng chưa từng xảy ra tại Thái
Lan, nơi mà nhà vua và hoàng gia là bất khả xâm phạm. Bất cứ một chỉ trích nào
nhằm vào nhà vua và hoàng gia, dù đúng, vẫn bị trừng trị vì tội khi quân.
Vì sao hoàng gia Thái Lan
lại thiêng liêng và quan trọng đến vậy ? Thật ra giới quân đội cầm quyền muốn
lợi dụng nhà vua và hoàng gia làm tấm bình phong để duy trì sự lãnh đạo của họ.
Ngoài ra giới quân đội Thái Lan còn lợi dụng Phật giáo Tiểu thừa, một tôn giáo
thụ động và nhẫn nhịn để duy trì quyền lực của mình.
"Trong ba cột trụ : Tính chính đáng của đức
vua, liên minh quyền - tiền giữa các tập đoàn quân phiệt - tài phiệt và sự gián
tiếp của Phật Giáo Tiểu Thừa, giờ đây đã mất cả hai chân. Sau nhiều thập niên
tiếp xúc và được tiếp sức bởi mô hình dân chủ tự do phóng khoáng và đeo đuổi
một nền kinh tế thị trường hoang dại chỉ làm lợi cho một thiểu số, Thái Lan đã
trở thành một trong những nước có mức độ chênh lệch giàu – nghèo lớn nhất thế
giới. 50% bên dưới của Thái Lan chỉ nắm giữ duy nhất 1,7% tổng tài sản quốc
gia, trong khi đó nhóm 10% tốp trên nắm giữ gần như toàn bộ : 85,7% của cải
quốc gia" (2).
Một cuộc cách mạng tại
Thái Lan là tất yếu và cần thiết để mang lại dân chủ thật sự cho đất nước này.
Các cuộc biểu tình của người dân yêu cầu chính phủ quân đội từ nhiệm để tổ chức
một cuộc bầu cử thực sự dân chủ và tự do đồng thời cải tổ hoàng gia để vương
quyền tách bạch khỏi chính trị. Theo chúng tôi thắng lợi của phong trào dân chủ
Thái Lan là tất yếu và không thể đảo ngược.
Sau Thái Lan và Myanmar
sẽ là quốc gia nào trong khu vực ? Việt Nam hay Campuchia ? Dù là quốc gia nào
thì làn sóng dân chủ thứ tư vẫn đang trào dâng. Người dân và trí thức Việt Nam
cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận những thay đổi sẽ sớm xảy ra trên đất nước
ta.
Việt Hoàng
(22/03/2021)
(1) Nguyễn Việt Anh,
"Myanmar,
nốt trầm của làn sóng dân chủ", thongluan-rdp.org, 03/02/2021
(2) Việt Dân, "Khi
tuổi trẻ Thái Lan dấn bước", thongluan-rdp.org, 16/11/2020
No comments:
Post a Comment