Thursday 25 March 2021

HỢP TÁC MỸ - TRUNG CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, ĐƯỢC KHÔNG? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Hợp tác Mỹ-Trung chống biến đổi khí hậu, được không?

Hiếu Chân/Người Việt

Mar 23, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hop-tac-my-trung-chong-bien-doi-khi-hau-duoc-khong/

 

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy sóng gió giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước ở Alaska cuối tuần qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lặng lẽ nhắm tới hợp tác trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/A1-My-Trung-chong-bien-doi-khi-hau-1536x1024.jpg

Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đặc phái viên của Tổng Thống Joe Biden về biến đổi khí hậu, nói chuyện với giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee ở Paris, hôm Thứ Tư, 10 Tháng Ba. Ông Kerry đến Paris để khởi động lại hợp tác xuyên Đại Tây Dương với các giới chức Châu Âu sau quyết định của Tổng Thống Joe Biden tham gia trở lại Hiệp Định Paris về Biến Đổi Khí Hậu mà người tiền nhiệm là cựu Tổng Thống Donald Trump đã rút ra. (Hình: AP Photo/Michel Euler)

 

Theo dự trù, cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry – hiện là đặc phái viên của Tổng Thống Joe Biden về biến đổi khí hậu – sẽ tham dự một hội nghị trực tuyến về đề tài này và có thể sẽ gặp người tương nhiệm phía Trung Quốc là Tạ Chấn Hoa (Xie Zhenhua).

Phía Trung Quốc giữ vai trò chủ trì hội nghị, có sự tham gia của các quan chức Liên Minh Châu Âu và Canada.

 

Tưởng cần để ý rằng chính phủ Biden nhiều lần nhấn mạnh, trong quan hệ với Trung Quốc mà Mỹ xác định là “đối thủ cạnh tranh chiến lược,” tùy vào lợi ích của Hoa Kỳ trong từng trường hợp cụ thể mà Washington sẽ chọn cách cạnh tranh, đối đầu hoặc hợp tác cùng làm việc chứ không nhất thiết lúc nào cũng thù địch hay hợp tác.

 

Chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn tình trạng xả khí thải làm cho bầu khí quyển của trái đất nóng lên dẫn tới những biến động thời tiết thất thường là một trong những chính sách ưu tiên của chính quyền Mỹ thời ông Joe Biden. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng Thống Joe Biden đã ký sắc lệnh đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp Định Paris về Biến Đổi Khí Hậu mà người tiền nhiệm là cựu Tổng Thống Donald Trump đã rút ra, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nhà khoa học và hoạt động môi trường. Ông Biden cũng bổ nhiệm cựu thượng nghị sĩ, cựu Ngoại Trưởng John Kerry làm người điều phối chính sách về khí hậu của chính phủ Mỹ.

 

Quyết định để ông Kerry tham dự Hội Nghị Bộ Trưởng về Hành Động Khí Hậu ngày 23 Tháng Ba, một sự kiện thường niên do Trung Quốc đề xướng năm 2017, cho thấy Hoa Kỳ đã thực sự quay trở lại bàn đàm phán quốc tế về khí hậu, đồng thời ghi nhận cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Kerry và ông Tạ trong cương vị mới, dù hai ông này đã có thời gian làm việc cùng nhau lâu dài để chuẩn bị cho Hội Nghị Paris dẫn tới Hiệp Định Khí Hậu năm 2015.

 

Ông Tạ đã nghỉ hưu năm 2018 nhưng sau khi ông Kerry được cử làm đặc phái viên về khí hậu của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh lập tức triệu ông Tạ trở lại chính phủ và giao cho ông này nhiệm vụ tương tự với ông Kerry. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói hai ông Kerry và Tạ không có cuộc gặp riêng bên lề hội nghị và Bộ Ngoại Giao Mỹ không trả lời liệu ông Kerry có tiếp xúc trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc hay không.

 

Sau cuộc đấu khẩu kịch liệt ở Alaska giữa phái đoàn ngoại giao Trung Quốc do các ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị dẫn đầu với Ngoại Trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, tưởng rằng hai bên sẽ khó nói chuyện hòa nhã với nhau được, nhưng ngay lập tức Tân Hoa Xã Trung Quốc đưa tin Mỹ và Trung Quốc sẽ thành lập một nhóm chuyên trách để bàn về hợp tác chống biến đổi khí hậu. Tòa Bạch Ốc bác bỏ thông tin này, dù chính sách của Mỹ từ trước tới nay vẫn là chú trọng hợp tác với Bắc Kinh ở những lĩnh vực như biến đổi khí hậu, chống đại dịch COVID-19 trong khi vẫn cạnh tranh giành ảnh hưởng trên toàn cầu và kiểm soát các công nghệ chủ chốt.

 

Trung Quốc và Mỹ là hai nước gây ô nhiễm nhiều nhất cho môi trường của trái đất; công cuộc chống biến đổi khí hậu sẽ không thể tiến triển được nếu thiếu nỗ lực của hai nước này. Tháng trước, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại nhu cầu Trung Quốc phải giảm việc phát ra khí thải carbon và đặt thời hạn đến năm 2035 thì việc phát thải carbon của Trung Quốc đạt tới đỉnh, sau đó giảm dần và chấm dứt hoàn toàn vào năm 2060. Cộng đồng quốc tế hoan nghênh cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhưng giữ thái độ “chờ xem” bởi vì từ trước đến nay trong những vấn đề quốc tế Bắc Kinh thường hứa một đằng làm một nẻo.

 

Về sự hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội và những quan chức ngành an ninh cảnh báo rằng, ông Kerry và các cuộc thương lượng về khí hậu có thể bị Bắc Kinh lợi dụng để gây chia rẽ trong nội bộ Hoa Kỳ, giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, hoặc đánh đổi lấy sự nhượng bộ Trung Quốc ở các lĩnh vực khác. Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) nói với Ngoại Trưởng Blinken rằng: “Tôi hy vọng ngài sẽ không bao giờ chịu nhường chiến lược đối phó với Trung Quốc của ngài để lấy lợi thế về khí hậu mà Thượng Nghị Sĩ Kerry giành được.”

 

Giáo Sư Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) – người Mỹ gốc Hoa, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Claremont McKenna College ở California, nhận định, Trung Quốc sẽ cam kết hợp tác về khí hậu “Nhưng Bắc Kinh sẽ đòi một cái giá cao cho đóng góp của họ và có thể trông mong họ sẽ sử dụng lời hứa hợp tác quốc tế để xói mòn mọi chiến lược kiềm chế mà chính quyền của Tổng Thống Joe Biden cố gắng theo đuổi,” theo trang mạng Project-Syndicate.

 

Theo Giáo Sư Bùi, chiêu pháp khí hậu của ông Tập có hai bước: một là đưa ra cam kết như vừa nói trên, hai là đòi phương Tây và Hoa Kỳ cung cấp các điều kiện kinh tế chính trị để thực hiện cam kết đó, chẳng hạn như yêu cầu giảm thuế, chuyển giao công nghệ sản xuất năng lượng sạch, yêu cầu phương Tây đối thoại và tránh đối đầu trong các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông…

 

Ông Kerry, trong một cuộc họp báo hồi Tháng Giêng, nói rằng Hoa Kỳ dự định làm việc với Trung Quốc về biến đổi khí hậu như là một vấn đề cấp bách riêng lẻ (critical stand-alone issue) không liên quan tới các lĩnh vực khác và không đánh đổi với các lợi ích khác. Ông cũng khẳng định công việc của ông có sự tham vấn mật thiết với các bộ phận còn lại của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

 

Tuy vậy, liệu ông Kerry có vượt qua được cái bẫy ngoại giao của Bắc Kinh không là chuyện chưa biết được, và cũng nên nhớ lại rằng với tư cách ngoại trưởng, ông Kerry là người đã chuẩn bị tuyên bố chung về chống biến đổi khí hậu mà cựu Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình long trọng ký kết năm 2014, một tuyên bố mà sau đó Bắc Kinh cất vào ngăn tủ cho bụi đóng.

 

Một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ được Liên Hiệp Quốc tổ chức sau đúng một tháng nữa, ngày 22 Tháng Tư. Tại hội nghị này, Tổng Thống Joe Biden sẽ chính thức công bố những mục tiêu về cắt giảm khí thải carbon của Hoa Kỳ, điều mà cả thế giới đang trông đợi. Chính quyền Trung Quốc đề nghị một cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình bên lề hội nghị toàn cầu, song chưa rõ Tòa Bạch Ốc có sắp xếp hay không trong lúc quan hệ giữa hai nước Trung-Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi nối lại bang giao 40 năm về trước.

 

Khí hậu biến đổi gây tổn hại khủng khiếp cho nhân loại; chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn xu thế nóng lên của trái đất là lợi ích quốc gia của tất cả các nước, đứng đầu là Trung Quốc và Mỹ. Vấn đề cốt yếu là Trung Quốc và Mỹ phải làm việc cùng nhau, còn hợp tác với nhau theo hình thức nào, mức độ nào là chuyện thứ yếu, theo nhận định của ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc.

 

Có điều giữa lúc Washington và Bắc Kinh không còn tin tưởng ở nhau nhiều thì việc cốt yếu như vậy cũng khó giải quyết được. [qd]

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats