Mỹ
không thể là « sen đầm quốc tế » bằng giấy trước Trung Quốc
Thụy
My - RFI
Đăng
ngày: 26/03/2021 - 18:24
Tác giả Alain Frachon bắt đầu bài bình luận
trên Le Monde bằng từ « ngạo mạn » :
Trung Quốc nay chính thức bị bệnh dịch mãn tính này. Le Figaro cho
rằng để đối phó với Bắc Kinh, « Nước Mỹ không nên trở thành sen đầm
bằng giấy ».
https://s.rfi.fr/media/display/353fe696-8e47-11eb-9c36-005056a964fe/w:1280/p:16x9/02-2481.webp
Các tàu tuần duyên Đài
Loan và trực thăng tập trận tại một cảng ở Tân Bắc (New Taipei City). Ảnh tư liệu
chụp ngày 04/05/2019. AP - Chiang Ying-ying
Trang nhất các báo Pháp
hôm nay rất đa dạng, từ việc chính khách cánh hữu Pháp Xavier Bertrand ra ứng cử
tổng thống, bệnh nhân Covid nặng ngày càng trẻ, kênh đào Suez bị tắc nghẽn cho
đến vụ diệt chủng Rwanda.
Bắc Kinh mắc bệnh ngạo mạn mãn
tính
Liên quan đến châu Á, tác
giả Alain Frachon bắt đầu bài bình luận trên Le Monde bằng từ « ngạo
mạn » : Trung Quốc nay chính thức bị bệnh dịch mãn tính này. Thỏa
mãn với sức mạnh vừa tìm lại được, Trung Quốc tin rằng đã chiếm ưu thế trên trường
quốc tế, và suy nghĩ đã biến thành hành động, ở trong cũng như ngoài nước.
Các vị không cần giảng đạo
đức, chúng ta nói chuyện bình đẳng. Thứ Năm 18/03 tại Anchorage (Alaska), Trung
Quốc đã phản ứng khi chủ nhà Mỹ đề cập đến các vấn đề Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông,
Đài Loan, gián điệp tin học, Biển Đông và những hành động hiếu chiến khác. Cũng
với cùng cảm tưởng đang ở thế thượng phong, Bắc Kinh đã trừng phạt các nghị sĩ
và nhà bình luận châu Âu, không phải vì những gì họ làm, mà vì những điều họ
nói về Trung Quốc.
Tập Cận Bình hôm 05/03
tuyên bố phương Đông đang lên và phương Tây đang suy tàn. Trước Quốc Hội Trung
Quốc, ông Tập khẳng định « Trung Quốc nay có thể nhìn thẳng vào mắt
thế giới ». Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cán cân quyền lực
nay nghiêng về phía mình chứ không phải Hoa Kỳ.
Để bảo đảm tính ưu việt,
Bắc Kinh tiến hành « ngoại giao lệ thuộc » : thống trị nhiều đối
tác bằng kinh tế và công nghệ. Tất cả sức mạnh của các doanh nghiệp high-tech,
được Nhà nước tài trợ ồ ạt, phải phục vụ cho chiến lược bành trướng về chính trị.
Úc đã phải trả giá đắt vì dám đòi mở điều tra về xuất xứ con virus corona ở Vũ
Hán.
Thực dụng được coi trọng hơn
các giá trị dân chủ
Đảng Cộng Sản Trung Quốc
đàn áp trong nước, nuốt lời cam kết về Hồng Kông, đe dọa quân sự với Đài Loan,
chiếm đóng các đảo nhỏ trên Biển Đông, lãnh thổ tranh chấp ở Himalaya, và gián
điệp trên mạng, mà không ảnh hưởng đến bành trướng kinh tế. Các mối liên hệ
mang tính chư hầu về kinh tế được lập ra ở nhiều nơi theo các mức độ khác nhau,
tại Liên Hiệp Quốc và những nơi khác, nhằm phục vụ cho lợi ích Bắc Kinh.
Trong một thế giới toàn cầu
hóa được « Hán hóa », chế độ dân chủ tự do không mang tính chính danh
hơn chế độ độc tài. Các « giá trị » được ghi trong Hiến chương Liên
Hiệp Quốc được diễn dịch theo kiểu Trung Quốc, nhất là hủy bỏ tự do ngôn luận.
Để bảo đảm vị trí lãnh đạo
thế giới, các tổng thống Mỹ John Kennedy năm 1961 rồi Ronald Reagan trong thập
niên 80 đã dẫn dắt Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trụ. Joe Biden hứa hẹn sẽ cạnh
tranh gay gắt với Trung Quốc trong các công nghệ mũi nhọn hiện nay như chất bán
dẫn, trí tuệ nhân tạo…Nhưng trái với Kennedy và Reagan, Biden chiến đấu không
phải với một Liên Xô đang xuống dốc, nhưng với nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Tính thực dụng đã khiến
không có công ty Mỹ nào muốn rút khỏi Hoa lục, không một ngân hàng lớn nào của
phương Tây rời Hồng Kông. Trung Quốc luôn làm các láng giềng sợ hãi, bị dư luận
Mỹ và có thể cả châu Âu ghét chưa từng thấy. Tuy nhiên khó thể cô lập được một
nền kinh tế như Trung Quốc, và theo tác giả, lời đáp tùy thuộc vào khả năng của
các chế độ tự do dân chủ có thể lại chứng tỏ mô hình của mình hiệu quả như trước
hay không.
Mỹ không nên trở thành
« sen đầm bằng giấy »
Cũng về Trung Quốc, Le
Figaro cho rằng « Nước Mỹ không nên trở thành sen đầm bằng
giấy ». Ông Biden khẳng định Hoa Kỳ quay lại trên trường quốc tế,
nhưng những tuyên bố đao to búa lớn không đi đôi với phương tiện và bối cảnh hiện
thời, và lại đánh giá thấp chiều sâu của cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.
« Nước Mỹ trở lại » để tương phản với « Nước Mỹ trước
hết » thời tổng thống Donald Trump, nhưng sự trở lại này có ý
nghĩa gì trong lúc Mỹ quốc đã thay đổi hẳn trong bốn năm qua. Phải chăng là
quay lại với các đồng minh châu Âu và châu Á ? Với vai trò cường quốc giữ
trật tự thế giới, bảo vệ dân chủ trước các chế độ độc tài, trước hết là Trung
Quốc ? Ê-kíp Biden chắc chắn đã xác định các mục tiêu này, với các tuyên bố
hùng hồn.
Tuy nhiên trong bài trả lời
phỏng vấn Le Figaro, ông Elbridge Colby, chiến lược gia thời Donald
Trump cảnh báo sự khác biệt giữa các bài diễn văn và thực lực. Theo ông, các mục
tiêu của những con diều hâu cánh tự do (tức cánh tả) của Biden không phù hợp với
phương tiện quân sự hiện có. Không nên cao giọng ở khắp nơi, với nguy cơ bỗng
trở thành một sen đầm bằng giấy, nếu Bắc Kinh trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ về
Đài Loan. Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần tập trung vào chiến trường chính là
châu Á, để cho các đồng minh châu Âu tự lo các vấn đề của châu lục.
Đài Loan quan trọng hơn cả Tây
Berlin thời chiến tranh lạnh
Cụ thể, ê-kíp Biden rất mạnh
miệng, nói những điều tuyệt vời về Đài Loan - và họ có lý. Tân chính quyền muốn
duy trì lực lượng ở Afghanistan và Irak, trừng phạt Miến Điện. Nhưng nguồn lực
không đi đôi, và đừng quên rằng kinh tế của Trung Quốc cũng lớn như Mỹ. Nga thì
yếu hơn nhưng không ngại sử dụng sức mạnh quân sự tiềm tàng, ngoài ra còn Iran
và Bắc Triều Tiên, trong khi ngân sách quốc phòng của các nước dân chủ lại giảm.
Biden và Blinken tin rằng
các nền dân chủ sẽ đứng về phía Mỹ vì có cùng các giá trị, nhưng theo chuyên
gia Colby, quan niệm này sai. Các nước coi trọng lợi ích của mình trên hết, các
giá trị chỉ đứng thứ nhì thậm chí thứ ba. Khả năng châu Âu chia sẻ tương quan lực
lượng ở châu Á hầu như bằng 0, lợi ích kinh tế với Trung Quốc khiến các nước sẽ
không đứng cùng với Mỹ trong cuộc thập tự chinh.
Riêng về Đài Loan, Colby
đánh giá quan trọng hơn Tây Berlin trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ phải bảo
vệ bằng mọi giá. Berlin mang ý nghĩa biểu tượng vô cùng lớn, nhưng chỉ là biểu
tượng, còn Đài Loan còn có cả ý nghĩa chiến lược. Toàn bộ kỹ nghệ bán dẫn được
đặt tại đây.
Tất cả các nước trong khu
vực đều muốn Hoa Kỳ là đối trọng với Trung Quốc, nhưng quan trọng là sự khả tín
của Mỹ. Chính quyền Trump ý thức được điều này, và không ngại chứng tỏ sẽ thẳng
tay với Bắc Kinh. Ngày nay, mối nguy chính không phải là chọc giận Trung Quốc,
mà là tỏ ra yếu đuối trước chế độ độc tài Bắc Kinh.
Bắc Kinh viết lại lịch sử
« virus Trung Quốc » bằng mọi giá
Về đại dịch Covid, trang
web Le Monde có bài điều tra dài « Trung Quốc đã
tiến hành cuộc chiến thông tin để viết lại nguồn gốc đại dịch như thế
nào ». Trên mạng xã hội và tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bắc Kinh
tuyên truyền để cố thuyết phục thế giới là con virus corona xuất phát từ…Mỹ,
xóa cho bằng được dấu vết « virus Trung Quốc » - như
ông Trump gọi.
Từ tháng 10/2019, đã có mấy
chục bệnh nhân nhập viện tại Hồ Bắc, nhưng để che giấu, bộ máy tuyên truyền ra
3.200 chỉ thị và 1.800 văn bản cho các cơ sở địa phương trên toàn quốc. Tại
Genève, WHO đợi đến ba tháng sau mới chịu tuyên bố đại dịch. Giả thiết vật chủ
là con tê tê được đưa ra : những con vật được xét nghiệm đến từ Malaysia,
do hải quan Trung Quốc tịch thu. Nhưng mùa thu 2020 một ê-kíp sinh học và thú y
Malaysia sau khi phân tích mẫu từ 330 con tê tê không hề thấy dấu vết của virus
corona.
Bắc Kinh quy cho lính Mỹ
đã mang virus đến, rồi cá hồi và các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu…Hỏa mù được
tung liên tục, các nhà nghiên cứu tại Hoa lục và xã hội dân sự thì hoàn toàn bị
bịt miệng. Một chuyên gia ở Genève cho rằng không còn có thể gởi phái bộ Liên
Hiệp Quốc nào đến điều tra về chủ đề nhạy cảm này tại Trung Quốc : « Một
năm sau mới đến, là quá trễ ». Trong khi ngưỡng nửa triệu người Mỹ
chết vì con virus từ Vũ Hán đã bị vượt qua hôm 21/02 và toàn thế giới có 2,7
triệu nạn nhân.
Kinh tế châu Á : Trung Quốc
và Việt Nam tăng trưởng mạnh sau đại dịch
Về mặt kinh tế, Les
Echos nhận định về tình trạng bất bình đẳng ở Châu Á trong quá
trình hồi phục. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam đến cuối 2021 có thể tìm lại được
mức độ trước đại dịch, những nước khác hết sức khó khăn.
Theo dự báo của Ngân hàng
Thế giới được công bố hôm nay, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 8,1% còn
Việt Nam là 6,6%. Những nước châu Á khác lùi xa phía sau, với tỉ lệ trung bình
4,4% và nhất là việc tái khởi động sẽ rất chậm chạp.
Kế hoạch khổng lồ của
chính quyền Biden sẽ giúp châu Á tăng trưởng thêm được 1%, tuy nhiên tình trạng
rối loạn của chiến dịch tiêm chủng có thể làm vô hiệu hóa tác động tích cực của
kế hoạch. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Covid đã làm nạn nghèo đói ở châu Á
tăng lên lần đầu tiên từ 20 năm qua, gia tăng bạo lực đối với phụ nữ : 25%
phụ nữ ở Lào và 83% ở Indonesia là nạn nhân.
Nguyễn Huy Thiệp : « Độc
giả tự tìm kiếm sự thật không được nói ra »
Trên lãnh vực văn hóa, mục
tưởng niệm của Le Monde được dành cho nhà văn Việt Nam Nguyễn
Huy Thiệp, qua đời hôm thứ Bảy tuần trước ở tuổi 70.
Cuốn « Tướng
về hưu » của ông được dịch ra tiếng Pháp, xuất bản tại Paris vào
thập niên 90. Đó là lần đầu tiên một nhà văn Việt Nam đương đại được in tại
Pháp kể từ cuộc chiến tranh Đông Dương. Ông là một trong những khuôn mặt lớn,
biểu tượng cho sự tái sinh của văn chương Việt trong thập niên 80.
« Tướng về hưu » xuất bản ở Việt Nam năm 1987 với bút lực
sắc bén, gây dấu ấn trong một môi trường lâu nay bị kiểm duyệt bóp nghẹt và
đang bắt đầu được nới lỏng. Tác giả bài viết cho biết có gặp Nguyễn Huy
Thiệp tại Paris vào cuối những năm 2000, nhà văn thổ lộ với một nụ cười
: « Nghề nghiệp của nhà văn là viết ra những điều dối trá,
nhưng làm thế nào để độc giả tìm kiếm sự thật không được nói ra ».
Kim Jong Un muốn cùng Tập Cận
Bình chống « thế lực thù địch »
Nhìn sang Bắc Á, Le
Figaro nhận thấy « Kim Jong Un khiêu khích tổng thống Mỹ », khi
bắn đi hai hỏa tiễn đạn đạo hôm qua. Còn đối với La Croix « Kim
Jong Un trắc nghiệm Joe Biden », tương tự với Le Monde « Bắc Triều
Tiên gởi tín hiệu đến Biden ».
Theo một nhà nghiên cứu ở
Seoul được Le Figaro trích dẫn, Kim Jong Un sợ nhất là không
được ai chú ý, mục tiêu là nhằm thuyết phục Biden phải thương lượng với mình. Hỏa
tiễn được phóng đi sau khi cô em quyền lực Kim Yo Jong cáo buộc
Washington « gieo rắc mùi thuốc súng ». Le Monde lưu
ý là tuyên bố của cô Kim trùng hợp với thời điểm các cuộc gặp 2+2 lần đầu tiên
từ 5 năm qua, giữa ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ với các đồng nhiệm
Hàn Quốc, Nhật Bản, nhằm tăng cường liên minh Mỹ-Nhật-Hàn trước Trung Quốc và Bắc
Triều Tiên.
Phía sau kịch bản quen
thuộc này, là cái bóng của Bắc Kinh và Matxcơva. La Croix ghi
nhận Bắc Triều Tiên chưa hề thử nghiệm nguyên tử hay hỏa tiễn đạn đạo liên lục
địa từ 2017, và sau thất bại trong cuộc gặp với tổng thống Donald Trump ở Hà Nội,
mới bắt đầu bắn đi các tên lửa tầm ngắn. Mọi áp lực quốc tế với Bình Nhưỡng đều
phải có sự hợp tác của Trung Quốc, nơi hàng xuất nhập khẩu của Bắc Triều Tiên
hoàn toàn phải đi qua. Kim Jong Un tuần này cũng đã nhấn mạnh với Tập Cận Bình
là phải đoàn kết chống lại « các thế lực thù địch ».
No comments:
Post a Comment