https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=951878492288006&id=100023975920044
Giới
thiệu: Tôi
đã nhiều lần thể hiện sự phê phán đối với giáo viên – khi xét thái độ “trí
thức” của họ trước xã hội và thời cuộc. Còn ở đây sẽ trình bày từ một góc nhìn
khác. Những điều dưới này có thể không giống nhau trong tất cả các trường học ở
VN, tuy nhiên ít nhất nó đã và đang diễn ra ở những những môi trường mà tôi vừa
từ giã. Và tất nhiên nó chưa bao giờ là thiểu số, nếu không muốn nói rằng, xét
về bản chất của nền giáo dục, chúng là cùng một màu.
***
Ngày nay, không mấy người còn ngần ngại khi dùng 2
chữ “thợ dạy” để gọi những người làm nghề giáo. Tại sao thế?
Bên cạnh rất nhiều lý do mà chúng ta có thể chỉ ra,
như thu nhập thấp, bị kiểm duyệt và định hướng, bị hệ thống thi cử ràng buộc
v.v.., thì còn một lý do khác nữa mà ít người để ý để cảm thông và tranh đấu:
Bị tước đoạt thời gian. Chúng ta luôn hình dung rằng công việc của một người
giáo viên là “đi dạy”, nhưng không phải chỉ có thế.
Tôi sẽ sơ lược ra đây vài nét. Soạn giáo án, lên
lịch báo giảng (cả trên vnedu và dán trên bảng của trường), chấm vở (bắt buộc
5-10 học sinh/lớp/tuần), soạn đề kiểm tra (có ma trận đề, đáp án), chấm bài
kiểm tra, chấm bài thi thử, họp tổ chuyên môn (2 tuần 1 lần), họp hội đồng sư
phạm (1 tháng 1 lần), họp đoàn, họp chủ nhiệm, lao động tập thể, đi dự giờ,
thao giảng, tham gia các cuộc thi đủ loại v.v.. Đó là vẫn chưa nhắc gì tới việc
“dạy học”, cái việc gần như chính đáng duy nhất của người giáo viên.
Bây giờ nói cụ thể một trong số những việc trên:
Soạn giáo án.
Đi dạy thì yêu cầu có “giáo án” là hợp lý rồi,
nhưng cái giáo án ấy như thế nào thì Ta và Tây là cả hai thế giới cách biệt. Ở
nhiều trường phổ thông, một bài (ví dụ) ba tiết thì Ban giám hiệu bắt soạn
thành ba giáo án. Ở mỗi giáo án ấy phải đảm bảo đủ 5 bước lên lớp với cột ngang
cột dọc hoa mắt. Mỗi giáo viên phải soạn nhiều loại giáo án, như giáo án chính
khóa, giáo án luyện thi THPTQG (học thêm bắt buộc), giáo án luyện thi Học sinh
giỏi, giáo án chủ nhiệm.
Nếu một giáo viên dạy trung bình khoảng 6 lớp
(chính khóa), hai lớp luyện thi THPTQG, và phụ trách một đội tuyển thì số lượng
giáo án trong mỗi tuần phải soạn tới 21 cái. Chỉ nội việc cắt dán, đổi tên lớp,
đổi tên ngày giờ, ghi phần “rút kinh nghiệm” cuối mỗi trang giáo án ấy là đã
khủng hoảng rồi, chứ đừng nói chuyện ngồi đó mà đọc, nghiền ngẫm và viết ra.
Mỗi khi có học sinh bị điểm kém phải lập tức gọi điện về cho cha mẹ, nếu kiểm
tra mà phát hiện giáo viên chưa gọi thì sẽ bị cảnh cáo, trừ điểm thi đua…
Giờ đến hồ sơ giáo viên, liệt kê sơ bộ: sổ dự giờ,
sổ kế hoạch cá nhân, kế hoạch dạy học, sổ hội họp (mỗi mảng có 1 sổ riêng), sổ
theo dõi rèn luyện và học tập chính khóa, sổ theo dõi và rèn luyện học tập
luyện thi, giáo án chính khóa, giáo án luyện thi, giáo án bồi dưỡng chuyên đề,
tệp hồ sơ lưu các văn bản của nhà trường và cấp trên. Kinh khủng hơn, còn có cả
cái gọi là “Sổ tự học tự rèn”, có quy định mỗi tuần mỗi tháng phải ghi được bao
nhiêu trang, và phải VIẾT TAY, đánh máy không được chấp nhận.
Năm ngoái, trong một lần kiểm tra hồ sơ, tôi đã đếm
được 32 cuốn sổ. Thú thực tôi không bao giờ có thể làm nổi những thứ giấy tờ
này. Nếu bỏ hẳn việc đi dạy chỉ để chuyên tâm hoàn thiện những hồ sơ ấy thì có
lẽ tôi cũng không bao giờ được xếp loại “đạt”, chứ đừng nói vừa dạy cả chục lớp
lại vừa có một bộ hồ sơ đẹp đến thế. Vì vậy, thật lòng, tôi vô cùng kính nể
những người đồng nghiệp của mình. Tôi không biết họ đã làm chúng vào lúc nào…
Đứng bên trên hàng núi hồ sơ sổ sách và một biển
công việc như vậy là thanh tra, kiểm tra toàn diện từ cấp tổ, cấp trường, cấp
phòng /sở; bị dự giờ và dự đột xuất, bị tổ giám thị rình mò ghi sổ, bêu tên
trên bảng thông báo của trường mỗi sáng thứ 2. Sau đó sẽ dồn tất cả vào cuộc
họp hội đồng sư phạm để mang ra phê bình, chỉ trích, nâng quan điểm, chụp mũ,
đe dọa (cắt thưởng, đuổi việc). Đó là những “lỗi” gì? Có rác trong hộc bàn (học
sinh), không kéo rèm cuối buổi học, “lớp ồn”, không đeo cà vạt, ngồi dạy (phải
đứng dạy, không được ngồi), cho học sinh ra ngoài trong tiết học v.v.. Tất cả
những lỗi này sẽ lấy làm cơ sở để xét thi đua, đánh giá “chuẩn nghề nghiệp”
giáo viên.
Chúng ta hãy hình dung, với một khối lượng công
việc như thế thì giáo viên sẽ đầu tư chuyên môn vào lúc nào? Gần như không ai
có thể đọc sách hay suy tư gì nữa. Họ bị cuốn đi như một cọng rác giữa dòng
nước lũ. Không có thời gian để nhìn lại, thậm chí không còn biết được thực chất
công việc mình đang làm là cái gì.
Áp lực từ phía học sinh, phụ huynh, xã hội, và nhất
là lãnh đạo trường (hiệu trưởng hiệu phó) luôn đặt người giáo viên trong một
trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, rã rời. Tất nhiên không ai có đủ thời gian, tâm
trí và sức lực để hoàn thành chỉn chu chừng ấy công việc, và thế là họ phải đối
phó, đối phó và đối phó. Càng siết chặt, đối phó càng tinh vi. Càng chuyên chế,
đối phó càng phổ biến.
Trước áp lực thành tích, người lãnh đạo đặt ra hàng
chục thứ quy định và yêu cầu nhưng lại không thể quản lý được nhân viên của
mình xem họ có thực hiện hay không. Và thế là người ta dùng nỗi sợ hãi để cai
trị. Họ sẽ lâu chộp lấy một giáo viên và hành cho ra bã, rồi mang ra trước hội
đồng để “nêu gương”. Tất cả đều bị đặt trong tình trạng bị đe dọa và nguy hiểm.
Tất cả đều căng thẳng. Giáo viên vừa sợ vừa căm ghét, nhưng lại không thể từ
bỏ. Họ lết mình lên lớp rồi lết mình về.
Nhưng với cách quản lý dựa vào quyền uy cá nhân này
thì chỉ những giáo viên viên “khó ưa” mới bị “để ý” và trừng trị, còn một khi
đã được lòng lãnh đạo thì “củ ấu cũng tròn”. Những ai có chút trung thực thẳng
thắn mà “ý kiến” trước những bất cập thì liền bị cho vào danh sách chống đối,
thuộc thành phần không ngoan và bao giờ cũng bị phân biệt đối xử và “chăm sóc”
cho đến khi mềm nhũn ra mới thôi.
Người giáo viên, như tôi thấy, tuyệt nhiên không
còn thời gian để sống. Phải bỏ mặc gia đình, con cái, bỏ mặc những nhu cầu cá
nhân để mưu sinh một cách cực nhọc bằng cái “nghề cao quý nhất trong những nghề
quý” này. Trung bình, ngày dạy 2 buổi, nếu có dạy đội tuyển hsg thì thành 3
buổi. Tối về họ sẽ phải làm cái đống giấy tờ vô ích kia, rồi chấm bài, rồi cập
nhật cả giáo án, tài liệu, điểm số lên các trang điện tử do lãnh đạo quản lý.
Nếu chậm trễ, “hãy đợi đấy”.
Ở nhiều trường phổ thông, nhất là các trường
chuyên, liên tục thi thử THPTQG cho tất cả các khối lớp. Nó là một nỗi kinh
hoàng của việc coi thi, chấm thi, nhập điểm.
Đương trong lúc đó, những người “lãnh đạo” của
trường thì “ngồi mát ăn bát vàng”. Gần như không phải làm gì ngoài việc thu
thập tin đồn từ hệ thống “mật thám” để “răn đe” tất cả giáo viên. Họ sẽ dùng cả
diễn ngôn quyền lực lẫn diễn ngôn đạo đức để “quản lý”. Đồng thời, trong khi
ngồi xơi nước, thì họ bắt giáo viên nai lưng dạy thêm để họ nghiễm nhiêm thu
phần trăm bỏ túi.
Tất cả đều phải làm việc quần quật như những lao
động khổ sai để cho một thiểu số thỏa mãn tính háo danh và hám lợi. Trong khi
đó, giáo viên và học sinh đều mỏi mệt, chán chường, lê lết. Tuy nhiên, cứ tổng
kết một học kỳ/ năm học thì các nhà lãnh đạo lại ra rả đọc thành tích với những
ngôn từ rực rỡ như “chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay”.
Những quyền cơ bản của con người gần như bị cướp
trắng. Đến cái quyền được làm nghề một cách đúng nghĩa cũng không còn nữa. Họ
bị biến thành thợ dạy, không hơn không kém. Đời sống tinh thần không những
nghèo kiệt mà còn đau đớn đến tê liệt.
Trước những phản ánh của dư luận, bộ giáo dục đã ra
quy định về hồ sơ để giảm áp lực cho giáo viên, nhưng chính bộ này cũng không
giám sát được việc thực hiện nó ở các trường PT. Bộ giáo dục cũng đã tung ra
nhiều văn bản hướng dẫn về đổi mới giáo dục, nhưng cũng chính bộ này đã đánh
trống bỏ dùi. Tất cả mọi việc chỉ còn biết phụ thuộc vào “lòng tốt” của hiệu
trưởng. Và như thế, mọi thứ nhiêu khê, mọi sự sai trái, hư hỏng vẫn còn nguyên
ở đó, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn.
Đến bây giờ, có lẽ điều sợ nhất của tôi là 2 chữ
“ổn định” – “Làm giáo viên thì cuộc sống ổn định”. Nhưng đó là sự ổn định của
cái chết, nằm im và mục ra. Chỉ duy nhất sự phân huỷ từ bên trong là đang sục
sôi – âm thầm mà dữ dội.
Trước tình trạng này, chúng ta thấy giáo viên đáng
thương và cần được bênh vực, nhưng dù sao họ cũng là người lớn là “trí thức”,
họ phải có trách nhiệm với đời mình bằng cách tự mở mồm ra. Nhưng trớ trêu
thay, nơi hứng chịu sự hủy hoại sau cùng lại không phải là người giáo viên, mà
chính là học sinh – cái mà người ta vẫn ngày ngày hô lớn là “trung tâm”, là
“tương lai đất nước”. Đó mới chính là lý do mà chúng ta phải lên tiếng và hành
động trước khi mọi thứ tan rữa hoàn toàn.
No comments:
Post a Comment