Cứu
trợ $1,900 tỷ! Bao nhiêu là đủ?
10/03/2021
ĐỐI DIỆN VỚI SỰ THẬT |
11/03/2021 | www.sbtngo.com - YouTube
Luật Cứu Trợ Covid-19 tổng cộng $1,900 tỷ đô la là
con số lớn nhất, sau hai đợt cứu trợ năm 2020. Bà Janet Yellen, bộ trưởng
thương mại mới đã biện minh: “Chúng ta đang cố thoát ra khỏi cái hố (kinh tế)
quá sâu” nên cần một số tiền lớn như vậy. Trong Tháng Giêng, tỷ lệ thất nghiệp
vẫn là 6.3 phần trăm, nhưng bà Yellen cho rằng con số thật sự là 10%, vì hàng
triệu người thất nghiệp không được đếm sau khi ngưng, không đi tìm việc nữa.
Hai mục được chú ý đến nhất là khoản $1,400 đô la
cho mỗi người và thêm $300 cho tiền bảo hiểm thất nghiệp. Bảy phần trăm sẽ dùng
để ngăn ngừa bệnh dịch, $360 tỷ cho các địa phương, $130 để mở cửa các
trường,$10 tỷ tu bổ hạ tầng cơ sở.
Đạo luật mới có thể coi là “hỗ trợ các gia đình,”
sẽ tăng số miễn thuế để nuôi con (Child Tax Credit) $2,000 lên $3,000. Những
gia đình thuộc 20 phần trăm lương bổng thấp nhất sẽ được tăng 20% lợi tức.
Đặc biệt, đạo luật mới còn tặng cho gia đình mỗi
trẻ em dưới 6 tuổi đến 17 tuổi thêm $3,600 một năm. Tiền trợ cấp y tế cho trẻ
em lên tới $39 tỷ. Những người muốn mua bảo hiểm y tế qua thị trường trong
Obama Care (Affordable Care Act), sẽ được trợ giúp nếu thiếu tiền. Một hệ quả
của đạo luật mới là số trẻ em thuộc hạng “nghèo” ở Mỹ sẽ giảm bớt một nửa.
Cuộc thảo luận về đạo luật cứu trợ $1,900 tỷ cho
thấy đại biểu quốc hội của hai đảng bỏ phiếu hoàn toàn trái nghịch nhau. Đảng
Cộng Hòa phản đối số tiền quá lớn, và cho rằng nhiều khoản chi tiêu không liên
hệ đến Covid-19. Đảng Dân chủ biện luận rằng tất cả đều nhắm kích thích nền
kinh tế đang suy yếu do trận đại dịch gây ra. Số tiền $1,400 đô la cho mỗi
người Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump cũng đề nghị số trợ cấp này, sẽ giúp cho
kinh tế sớm phục hồi.
Năm ngoái, những số tiền trợ cấp cho mọi người dân
Mỹ đều có tác dụng như vậy. Sau đợt cứu trợ đầu tiên, $1,200 mỗi người, vào
tháng Ba năm 2020, những người nhận được tiền đã đi mua sắm ngay 62% trong vòng
hai tuần lễ (theo Federal Reserve Bank of Chicago). Nói chung, người dân nhận
được $1,200 đã tiêu xài trung bình $604 trong hai tuần. Các cửa hàng Walmart cho biết các
khách hàng, phần lớn là người nghèo, mỗi người đã mua $94 đô la nhiều hơn trong
hai tuần đó.
Người tiêu thụ là lực lượng thúc đẩy kinh tế Mỹ
hoạt động, đóng góp hơn 2 phần 3 vào Tổng Sản Lượng Nội Địa mỗi năm. Khi người
tiêu thụ có tiền và mua sắm là công nhân các cửa hàng, xí nghiệp có việc làm.
Gia tăng tiền bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp trực tiếp tiền mặt cho mọi người
là những phương pháp hữu hiệu nhất để kích thích tiêu thụ.
Hiện tượng này lại diễn ra sau đợt cứu trợ thứ nhì,
$600 đô la cho mỗi người, ký ngày 27 tháng 12 năm ngoái, tổng cộng $900 tỷ.
Giữa Tháng Hai năm 2021, các gia đình đã chi tiêu 88% số tiền $600 đô la họ
nhận được. Trong Tháng Giêng, các xí nghiệp bắt đầu lại tuyển mộ công nhân, tỷ
số thất nghiệp giảm từ 6.7% xuống 6.3%.
Những gia đình nghèo bao giờ cũng chi tiêu nhiều
hơn người khá giả, cho thấy họ đang cần được trợ cấp thật sự. Tới ngày 10 tháng
Giêng 2021, một tuần lễ sau khi Bộ Tài Chánh gửi tiền, những người lợi tức dưới
$60,000 một năm đã gia tăng số tiêu thụ 20 phần trăm. Ngược lại, những gia đình
lợi tức $100,000 trở lên thì số tiêu thụ không thay đổi so với một năm trước dù
họ có được tặng $600 đô la.
Nhưng số tiền trợ cấp $1,400 đô la trong đạo luật
mới có quá lớn hay không? Những người chỉ trích đạo luật $1,900 tỷ cho rằng
kinh tế Mỹ đang được mở cửa lại, và sẽ hồi phục, không cần kích thích nữa. Vì
số người mới mắc bệnh đang giảm bớt mỗi ngày. Nhưng không ai đoán trước được
bao giờ Covid-19 mới thực sự chấm dứt, vì vi khuẩn đang tiếp tục biến thái, các
vaccine không biết công hiệu được bao lâu, và nhiều nơi mở cửa sớm có thể sinh
ra các đợt mắc bệnh mới.
Một mối lo chính đáng được nêu ra là số tiền trợ
cấp cao quá có thể thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed, Quỹ Dự
Trữ Liên bang), đã bác bỏ mối lo đó, khi ông tuyên bố giữ nguyên chính sách lãi
suất và tiền tệ như cũ, vì không lo giá sinh hoạt sẽ tăng.
Các nhà kinh tế cũng nêu một lý luận khác để chống
lại đạo luật mới, là số tiền trợ cấp lớn, cộng thêm tiền bảo hiểm thất nghiệp,
có thể khiến nhiều người không muốn đi làm trở lại.
Giáo sư Casey B. Mulligan, một cố vấn kinh
tế của Tổng thống Donald Trump đã đặt câu hỏi “Luật Kích thích sẽ giết bao
nhiêu Công việc làm?” (How Many Jobs Will the ‘Stimulus’ Kill?) Ông tính rằng
số tiền trợ cấp theo đạo luật mới có thể cao hơn lợi tức của 85% các gia đình ở
Mỹ. Ông đưa thí dụ, một gia đình ở Kansas có hai người thất nghiệp, sẽ được đạo
luật mới cung cấp $135,000 một năm. Một gia đình ở Massachusetts có thể nhận
được $170,000. Ngay ở một tiểu bang nghèo như Mississippi, số tiền có thể lên
tới $100,000 một năm. Cứ như vậy, họ sẽ thấy không cần đi làm nữa. Người Mỹ sẽ
lệ thuộc vào chính phủ, ông kết luận.
Một điều mà Giáo sư Casey B. Mulligan không nói rõ,
là những món tiền ông ước tính trên đây sẽ chấm dứt cùng với chương trình cứu
trợ vì bệnh Covid-19. Nếu một người thấy cơ hội đi làm, kiếm $120,000 một năm
trong nhiều năm tới, thì họ có thể chấp nhận từ bỏ khoản trợ cấp $170,000 thế
nào cũng đến ngày chấm dứt.
Đạo luật mới đã giới hạn chỉ trợ cấp $1,400 đô la
cho những gia đình với lợi tức từ $150,000 trở xuống. Cũng khó tiên đoán con số
tiền trợ cấp nào là lớn quá hay nhỏ quá, trước khi người tiêu thụ hành động và
kinh tế được kích thích sống dậy! Nhưng chắc chắn việc trợ cấp cho người dân
tiêu thụ là điều cần thiết giúp kinh tế hồi phục. Hy vọng quốc hội Mỹ sẽ không
phải bỏ phiếu cho một đạo luật trợ cấp khác sau khi đạo luật này chấm dứt!
Tuy nhiên, các khoản trợ cấp cho trẻ em $3,600 một
năm, những khoản trợ cấp về y tế cho trẻ em và các gia đình nghèo hiện nay chỉ
có tính chất tạm thời. Chính phủ Biden có thể sẽ đề nghị kéo dài sau mùa Covid.
Những đạo luật đó cần được Đảng Cộng Hòa ủng hộ mới
có thể thông qua tại Thượng viện, nơi cần 60 nghị sĩ chấp thuận để bỏ phiếu.
Nghị sĩ Mitt Romney, đảng Cộng Hòa, đã đề nghị khoản trợ cấp hàng năm cho trẻ
em $3,600. Hy vọng ông sẽ cùng nhiều nghị sĩ khác đưa ra một dự luật chung cho
vấn đề này. Đây là một khoản “trợ cấp gia đình” mà nước tiền tiến nào cũng đã
thi hành từ thế kỷ trước. Chỉ nước Mỹ chưa làm.
Cơn bệnh dịch Covid-19 tạo cơ hội cho dân Mỹ có thể
thay đổi, với các chương trình xã hội mới. Qua kinh nghiệm chống loài vi khuẩn
này, dân Mỹ có thể trao thêm trách nhiệm cho chính phủ để làm cho cuộc sống
được cân bằng, bớt rủi ro hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế thời 1930 đã tạo ra cơ
hội cho quy chế an sinh xã hội (Social Security) ra đời. Sau đó, đến Quỹ Y tế
cho người về hưu, Medicare. Đến nay, tất cả mọi người Mỹ đều đồng ý không thể
nào xóa bỏ các hệ thống xã hội đó. Nếu trong vài năm tới, quốc hội Mỹ làm một
đạo luật “Bảo vệ Gia đình” với khoản trợ cấp hàng năm cho trẻ em, thì đó sẽ là
một hệ quả tốt bất ngờ của trận đại dịch.
No comments:
Post a Comment