Friday, 26 March 2021

CHUYỆN TRÒ VỚI LÂN TƯỜNG THỤY (Mạc Văn Trang)

 



 

Chuyện trò với Lân Tường Thụy

Mạc Văn Trang

26/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/26/chuyen-tro-voi-lan-tuong-thuy/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/0-115.jpg

Vợ chồng tác giả Mạc Văn Trang chụp chung với bà Phạm Thị Lân (giữa), vợ ông Tường Thụy. Nguồn: MVT

 

Hôm nay chị Lân, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thụy, có nick name trên Facebook là Lân Tường Thụy, đi thăm chồng đang bị giam tại trại Bố Lá, ghé vào thăm vợ chồng mình.

 

Lân bảo, đọc mấy bài bác viết trong bệnh viện thấy tội quá, nhưng lại vui vì thấy bác lạc quan… Bây giờ sau mổ, bác thấy thế nào rồi?

 

– Thấy như trẻ con, tè được là thích lắm… À này sao lại có cái tên trại “BỐ LÁ” à, nó ở đâu?

 

– Chúng em cứ gọi nó là trại giam “Bố Láo”, nó ở huyện Phú Giao, tỉnh Bình Dương, là trại giam thuộc Bộ Công an quản lý!

 

– Sao em không làm đơn xin chuyển Thuỵ ra trại gần Hà Nội để thăm nuôi được thuận lợi?

 

– Em có làm đơn gửi rồi đấy, nhưng họ bảo 90 ngày sẽ trả lời. Và họ bảo, đây chỉ là trạm “trung chuyển” chứ không ở lâu đâu. Với lại anh chị không biết sao, họ cố tình gây khó cho các gia đình tù nhân: Người trong Nam thì họ đưa ra miền Trung, miền Bắc; người miền Bắc, miền Trung, có khi lại đưa vào Nam…Không thể hiểu được cách hành xử của họ. Quyền trong tay họ, muốn làm khổ dân thế nào chả được!

 

– Sao bản án vô lý, kết tội nặng như vậy mà chỉ thấy anh Thuỵ cãi tại Toà chứ không viết đơn kháng án là sao?

 

– Anh Thuỵ em có làm đơn kháng án nhưng họ không chấp nhận, bắt phải viết theo mẫu đơn họ phát. Mẫu đơn là nhận tội và xin giảm án, chứ không có đơn kháng án, nên anh ấy không viết nữa.

 

– Từ ngày anh Thuỵ bị bắt, em đã được gặp lần nào chưa?

 

– Chưa! Em chỉ được nhìn thấy hôm ở Toà án, nhưng cũng không được cầm tay nhau, nói với nhau một câu, công an họ ngăn lại, lôi đi…

 

– Tưởng sau khi thành án rồi thì khi thăm nuôi được gặp nhau, trò chuyện chứ?

 

– Không đâu ạ. Kêu miệng rồi làm đơn cũng vô ích. Cứ biệt tăm vậy, họ thông tin cho điều gì thì biết vậy thôi…

 

– Có được gọi điện về không?

 

– Không ạ. Từ ngày bị bắt, anh Thuỵ chưa gọi điện về lần nào. Hôm nay tình cờ gặp vợ một tù nhân, cô ấy nói chồng vẫn gọi điện về. Em hỏi làm sao gọi được? Cô ấy bảo, chồng nhắn, chuyển 300 ngàn vào TK…x. thì chồng sẽ gọi điện về. Em làm đúng như vậy, gọi được 10 phút… Như vậy có thể anh Thuỵ không chấp nhận cái giá vô lý đó nên không gọi chăng? Cũng có thể anh Thuỵ vào diện không được gọi điện?

 

– Mỗi tháng em cho Thụy bao nhiêu tiền?

 

– Anh Thụy em cứ nhắn không cần gửi tiền, nhưng mỗi lần thăm nuôi em cũng gửi một ít. Lần này em gửi 2 triệu. Nhưng buồn cười lắm, em đưa 2 triệu cho cô nhận tiền của Trại. Nhưng em vốn là kế toán, nên để ý, nhỏm lên nhìn thấy cô ấy ghi có 1,5 triệu. Em bảo, tôi đưa 2 triệu cơ mà? Cô ta bảo, đây 500 ngàn ghi ớ hàng dưới… Cô phải ký cả hai hàng, lệ phí 8 ngàn.

 

– Thế này chồng tôi nhận tiền lại thắc mắc, sao lại gửi hai khoản?

 

– Vào sổ trong kia sẽ nhập làm một, yên tâm đi!…

 

Mình hỏi:

– Có biết tình trạng sức khoẻ và phòng giam của anh Thuỵ ra sao không, chẳng hạn có bị biệt giam không?

 

– Tình cờ em gặp một cô vợ tù nhân, cô ta nói, mỗi tháng gửi cho chồng 7 triệu mà chồng còn kêu thiếu… Em hỏi, chồng em bị bắt vì tội gì? Cô ấy bảo, chồng làm quản lý nhà hàng, công an khám xét bắt mấy người sử dụng ma tuý, chồng em bị liên lụy… Đến lúc hỏi số phòng, thì ra giam chung phòng với anh Thuỵ nhà em. Em sợ họ giam chung nhà em với người buôn bán, sử dụng ma tuý thì ác quá…

 

– Cũng có thể. Thanh Nghiên nó kể chuyện bị giam chung với gái mại dâm, nghiện ma tuý đấy thôi… Không thể hiểu được, họ ác thế để làm gì? Vì mục đích của trại giam là giúp người phạm tội “cải tạo”, chứ có nhằm đày đọa con người đâu?

 

– Đấy là bác nói ở các nước văn minh, chứ ở ta thì man rợ lắm. Họ khủng bố, đe doạ đủ kiểu…

 

– Từ khi anh Thuỵ bị bắt, em ở nhà có bị công an đe dọa gì không?

 

– Úi giời, đủ trò! Đại hội đảng hay có sự kiện gì “nhạy cảm” là ba bốn thằng lại đến canh cửa. Có lần em điên lắm, bảo: Bố mẹ chúng mày mất công đẻ ra, nuôi lớn cho ăn học, sao không kiếm việc có ích mà làm, đi canh gác một bà già ở nhà trông cháu, không biết xấu hổ à? Không biết nhục à?

 

Có thằng lủi đi; có thằng bảo, cô đừng nói thế, chúng cháu chỉ vì miếng cơm manh áo phải làm nhiệm vụ; cũng có lần có thằng hung hăng, bảo, chồng bà đi tù rồi, bà lại muốn tù hả? Em điên tiết bảo, bà đang muốn đi tù đây. Chúng bay bắt luôn tao vào tù đi, tao vào chăm ông ấy luôn, khỏi phải đi thăm. Bắt đi, cho ngay tao vào tù đi! Thế là nó cắm mặt xuống lủi mất.

 

Nói thật, em chả còn sợ gì nữa, nó moi gan mổ bụng mình như cụ Kình là cùng chứ gì! Không sợ nữa mới dám đương đầu với chúng nó. Có lần nó còn đem con em ra để dọa, em quát cho một trận: Con tao là những công dân trên 18 tuổi, nó biết suy nghĩ và hành động độc lập, không liên quan gì đến tao, hiểu chưa? Chúng mày mà đụng vào con cháu tao thì tao liều chết băm vằm chúng mày đấy!…

 

Nhưng thực ra cũng nhiều đứa tử tế, nghĩ chúng nó cũng tội lắm. Chúng nó gác ở cửa trên tầng 5, chửi quá, chúng ngồi vật vờ dưới cầu thang. Lắm lúc bảo chúng mày kiếm cái gì ra mà làm, như đem cái xe máy ra mà sửa chẳng hạn. Sao cứ ngồi vêu lên thế à? Có lần bảo, tao ra chợ mua mấy thứ lặt vặt… Nó bảo, để cháu đi mua cho. Mua về trả tiền thế nào nó cũng không lấy. Có lần đi ra sân bay, nó bảo để cháu gọi taxi cho … rồi bảo, chúng cháu đi bảo vệ cô ra sân bay…

 

– Em đừng có đối đầu căng thẳng với mấy công an ấy làm gì – Kim Chi bảo – Căng thẳng với nó thì mình cũng thêm mệt. Chúng nó chỉ đáng thương, nên chúng nó đến canh là chị bảo vào nhà uống cà phê, trò chuyện. Phân tích cho chúng nó biết điều sai – đúng, nó cũng biết cả đấy. Mình buông bỏ lòng thù hận đi thì nó nhẹ lòng để lo việc lớn hơn. Tức giận là sinh hại cho mình… Em phải lo giữ sức khoẻ, còn là chỗ dựa của chồng con lâu dài…

 

– Em cũng biết thế, nhưng nhiều lúc điên lắm!

 

Mình bảo, công nhận Lân yêu chồng mãnh liệt thật, đòi vào tù cùng với chồng!

 

– Thế mà anh Thuỵ vẫn bảo, anh ấy yêu em hơn em yêu anh ấy. Chả là hồi em học trường cao đẳng, nhà trường ra lệnh “ba khoan”: Chưa yêu “khoan” hãy yêu; yêu rồi, “khoan” hãy cưới; cưới rồi “khoan” hãy có con. Buổi tối thanh niên cờ đỏ đi tuần tra theo dõi… Thế mà anh ấy yêu em, dám trèo qua bờ rào vào trường…

 

Hồi đó anh ấy là Thiếu uý, nhưng gầy nhom, bạn bè em bảo, trông lão ấy già lắm, không xứng với mày… Nhưng mà đã yêu rồi, “không cho thoát”! Em đi thực tập ở nông trường mãi Thái Bình mà chủ nhật nào anh ấy cũng đạp xe xuống, rồi dẫn em giới thiệu với mọi người: Đây là người yêu của tôi… Đúng là “không cho nó thoát”, không cho đứa nào được “đụng” vào!…

 

Nhớ lại tình yêu thời trẻ, Lân cười tươi, má ửng hồng, không ai nghĩ chị ở tuổi 60…

 

Nhưng rồi đôi mắt chợt xa xăm, chắc nhớ đến người chồng thương yêu đang trong tù ngục, Lân cau mày, cúi đầu, mặt đanh lại, nom già hẳn đi…

 

Tiễn Lân đi rồi, vợ tôi còn bần thần, thương Lân quá anh ạ, em chỉ lo nó ốm đau thì chồng con biết nương tựa vào đâu!

 

Đến bao giờ mọi công dân được tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt những điều trái với “chủ trương, chính sách” của nhà nước mà không bị bắt, bị tù, thì mới hết những cảnh tù đầy oan trái như thế này; công an mới hết “Còn đảng, còn mình” mà “vì nhân dân phục vụ”!

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats