Chính
sách thương mại với Trung Quốc của Biden có gì khác?
https://www.facebook.com/vanhenrypham/posts/10225397280026059
Chính quyền của Tổng
thống Joe Biden sẽ vẫn giữ nguyên thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhưng
sẽ có sự phối hợp với các nước đồng minh để cô lập Bắc Kinh và tập trung vào
vấn đề công nghệ hơn là thâm hụt thương mại – bước đi được nhận định là ‘đúng
hướng’.
Trong chính sách thương
mại vừa được công bố hôm 1/3, chính quyền Biden cho biết vẫn kiên quyết áp dụng
thuế quan và các công cụ khác để đấu tranh với các hành vi thương mại không
công bằng của Trung Quốc, bao gồm trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước.
Tập trung vào vấn đề
chiến lược
Chính quyền Biden nhìn
nhận rằng các hành vi thương mại cưỡng ép và bất công của Trung Quốc đã ‘làm
hại người lao động Mỹ, đe dọa lợi thế công nghệ của Mỹ, làm suy yếu khả năng
chịu đựng của chuỗi cung ứng và làm tổn hại lợi ích quốc gia của Mỹ’.
Tuy nhiên, trong lúc này,
các kinh tế gia cho rằng ông Biden sẽ không đối đầu ngay lập tức với Bắc Kinh
vì ông còn muốn tập trung vào đối phó dịch bệnh và vực dậy nền kinh tế Mỹ. Tuy
nhiên, ông dự kiến khởi động lại áp lực lên Trung Quốc về những bất công thương
mại và công nghệ, những vấn đề từng khiến cựu Tổng thống Donald Trump phát động
cuộc chiến thương mại vào năm 2017.
Để đối phó với thách thức
này, chính quyền Biden cho rằng ‘cần chiến lược toàn diện và cách tiếp cận có
hệ thống hơn’. Mỹ vẫn duy trì thuế quan đối với 370 tỷ đô la hàng nhập khẩu của
Trung Quốc mà chính quyền Biden xem là đòn bẩy để gây sức ép với Bắc Kinh.
Các nhà đàm phán Mỹ có
thể nhẹ giọng hơn về việc thu hẹp thặng dư thương mại hàng tỷ đô la của Trung
Quốc với Mỹ - vốn là bận tâm chính của chính quyền Trump - và thúc đẩy Bắc Kinh
quyết liệt hơn trong việc mở cửa khu vực kinh tế quốc doanh, vốn mang tính
chiến lược hơn về lâu dài, theo các kinh tế gia.
“Tôi nghĩ ông Biden sẽ
tập trung nhiều hơn vào việc ép Bắc Kinh thực hiện các cải cách cấu trúc,” ông
Louis Kuijs thuộc Oxford Economics, một hãng tư vấn kinh tế-tài chính có trụ sở
ở Anh, được AP dẫn lời nói.
AP dẫn lời phát ngôn viên
Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden đang đánh giá các mức thuế đối
với hàng hóa Trung Quốc và muốn phối hợp các bước với các đồng minh trong tương
lai.
Châu Âu, Nhật Bản và các
nước khác dù chỉ trích chiến thuật thương mại của Trump nhưng lặp lại những lời
phàn nàn rằng Bắc Kinh đánh cắp công nghệ và phá vỡ những lời hứa mở cửa thị
trường bằng cách trợ cấp và che chở cho các công ty nhà nước khỏi bị cạnh
tranh.
Những lời chỉ trích này
đánh thẳng vào mô hình kinh tế có sự quản lý của nhà nước mà Đảng Cộng sản coi
là nền tảng cho sự thành công của Trung Quốc. Hồi năm 2013, Đảng Cộng sản Trung
Quốc đã tuyên bố khu vực nhà nước là ‘cốt lõi của nền kinh tế’.
Bà Katherine Tai, người
được ông Biden đề cử để lên thay Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, đã tỏ
giọng diều hâu trước Trung Quốc trong một bài phát biểu trong tháng này.
“Chúng ta đang đối mặt
với sự cạnh tranh gay gắt từ một Trung Quốc đang lớn mạnh và đầy tham vọng,” bà
Tai nói.“Một Trung Quốc với nền kinh tế được định hướng bởi các nhà hoạch định
trung ương, những người không chịu sức épcủa đa nguyên chính trị, bầu cử dân
chủ hay ý kiến người dân.”
“Việc ông Biden có gỡ bỏ
các rào cản thương mại hay không sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc, tốc độ họ cải
cách và thay đổi chính sách,” ông Raoul Leering, nhà phân tích thương mại toàn
cầu của ING, được AP dẫn lời nói.
‘Biden đi đúng hướng’
Trao đổi với VOA, Giáo
sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh
tại Trường sau đại học Keller về quản lý, nhận định rằng Tổng thống Biden ‘đang
đi đúng hướng’ và ‘dù muốn hay không ông cũng không thể đảo ngược chiến tranh thương
mại của ông Trump’.
Theo giải thích của vị
giáo sư này thì ông Biden phải giữ thuế quan đối với Trung Quốc vì ông cần giữ
sự ủng hộ của Quốc hội để có thể thúc đẩy nghị trình của mình trong khi cũng
không muốn thể hiện mình yếu đuối trước Trung Quốc và cần phải có đòn bẩy để
tạo ưu thế trong thương lượng với Bắc Kinh.
Ngoài ra, một lý do quan
trọng nữa mà ông Biden có lập trường thương mại cứng rắn với Trung Quốc là vì
‘chính quyền Đảng Dân chủ rất coi trọng vấn đề dân chủ, nhân quyền, nên họ sẽ
không nhượng bộ nếu Bắc Kinh tiếp tục đàn áp ở Tân Cương và hậu thuẫn cho đảo
chính ở Myanmar’, Tiến sĩ Lộc nói.
Ông cho rằng chính cựu
Tổng thống Trump đã xây dựng tâm lý cho người Mỹ về chiến tranh thương mại với
Trung Quốc, nhưng chính quyền Biden có sự khác biệt trong cách tiếp cận với ‘sự
liên kết, phối hợp với các đồng minh’.
“Cần phải từng bước một,
có sự cân nhắc và đi chung với đồng minh,” Giáo sư Lộc khuyến cáo và nhận định
rằng chính quyền Trump có các bước đi ‘bất chợt’, ‘thất thường’ nên không phối
hợp được với các đồng minh. (5:35)
Ông chỉ ra việc các nước
Đức, Pháp, Anh mới đây đều lên tiếng cảnh báo sự lấn át của Trung Quốc về
thương mại ‘là kết quả cho thấy sự phối hợp với đồng minh của chính quyền Biden
đã có hiệu quả’. Vị giáo sư này cũng bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Biden cuối
cùng sẽ tái gia nhập hiệp định TPP mà ông Trump đã rút lui hồi năm 2017 ‘để cô
lập Trung Quốc ở Á châu’.
Tiến sĩ Lộc cũng đồng
tình với việc ông Biden ‘tập trung nhiều vào vấn đề công nghệ thay vì cân bằng
thâm hụt thương mại với Trung Quốc’ như cách làm của ông Trump – điều mà ông
cho rằng lúc này Mỹ ‘chưa thể làm được’.
“Có đánh thuế hàng Trung
Quốc đi nữa thì dân Mỹ vẫn mua xài vì hàng Trung Quốc vẫn rẻ. Mỹ vẫn không thể
giữ được cán cân thương mại vì hàng hóa Trung Quốc vẫn tràn ngập và người dân
Mỹ lại chịu mất tiền nhiều hơn,” ông phân tích.
“Chú trọng vào vấn đề đó
chỉ là giấc mơ hão huyền trong ngắn hạn. Đường dài họa may khi đổi được chuỗi
cung thì Mỹ mới làm được. Trong lúc này Mỹ nên tập trung vào vấn đề chuyển giao
công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ,” Giáo sư Lộc nói thêm.
Hiệu ứng từ các biện pháp của ông Trump
Các hành động thuế quan
của chính quyền Trump đã buộc chính phủ ông Tập Cận Bình ngồi vào bàn đàm phán
nhưng đồng thời nó cũng làm chao đảo thương mại toàn cầu, tăng giá hàng tiêu
dùng và làm mất nhiều việc làm.
Sau 2 năm rưỡi và 13 vòng
đàm phán dưới thời ông Trump, các nhà đàm phán vẫn chưa giải quyết được một
trong những vấn đề khó chịu nhất cho các đối tác thương mại của Trung Quốc -
tình trạng các tập đoàn nhà nước được ưu ái thống trị các ngành từ ngân hàng,
dầu mỏ cho đến viễn thông.
Hơn một năm trước, hai
nước đã đạt được thỏa thuận Giai đoạn Một mà theo đó Bắc Kinh hứa sẽ mua thêm
đậu nành và các mặt hàng khác của Mỹ và ngưng ép các công ty nước ngoài chuyển
giao công nghệ.
Tuy nhiên cho đến nay,
Trung Quốc thực hiện rất ít lời hứa này. Trong bối cảnh đại dịch virus corona,
họ chỉ mua được khoảng 55% con số mà họ hứa.
Các biện pháp thuế quan
của Trump cũng không đạt được mục tiêu mong muốn là chuyển việc làm về Mỹ. Thay
vào đó, các hãng xưởng chuyển sang Đài Loan, Mexico và các nhà cung cấp khác.
Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ giảm nhẹ trong năm 2019, sau đó tăng gần 14%
cho đến tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, Văn phòng
Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính việc tăng thuế quan khiến các hộ gia đình Hoa Kỳ
trung bình thiệt hại gần 1.300 đô la vào năm ngoái. Các doanh nghiệp hoãn đầu
tư, do đó vô hiệu hóa những lợi ích từ việc chính quyền Trump cắt giảm thuế
doanh nghiệp hồi năm 2017.
Một nghiên cứu của Hội
đồng Kinh doanh Mỹ-Trung và Oxford Economics cho thấy nền kinh tế Mỹ mất
245.000 việc làm do các biện pháp thuế của ông Trump.
- Ông Joe Biden tiếp ông
Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi năm 2012 khi ông còn là phó Tổng thống và ông
Tập còn là phó chủ tịch Trung Quốc.
https://www.facebook.com/photo?fbid=10225397278466020&set=pcb.10225397280026059
*
NGUỒN :
- https://www.scmp.com/knowl.../topics/us-china-trade-war/news
No comments:
Post a Comment