Cách
mạng xà rông Myanmar : Dưới làn đạn, phụ nữ vẫn đi đầu
Lee Nguyen
- Luật Khoa
09/03/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/03/cach-mang-xa-rong-myanmar-duoi-lan-dan-phu-nu-van-di-dau/
Phụ
nữ Myanmar đang đấu tranh cho số phận của đất nước lẫn quyền định đoạt của
chính mình.
Một người biểu tình giăng sợi dây, trên đó
treo các trang phục của phụ nữ, chắn ngang đường trong cuộc biểu tình tại
Yangon vào ngày 8/3/2021. Ảnh: STR/ AFP
Trong hơn một tháng qua, gần như mỗi ngày, hàng
trăm nghìn người Myanmar đổ ra đường biểu tình khắp nơi trên cả nước.
Họ phản đối việc quân đội tiến hành đảo chính vào
ngày 1/2/2021, lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Những ông tướng
quân đội muốn thiết lập lại chế độ quân quản, một chế độ mang đậm tính phụ hệ
và phân biệt đối xử với nữ giới trong hơn nửa thế kỷ qua.
Không muốn quay lại sống dưới một chế độ mà mình bị
xem rẻ, phụ nữ Myanmar đang chủ động dẫn đầu phong trào đấu tranh đòi lại dân
chủ cho đất nước.
Đi đầu dưới làn đạn
Các nhân viên y tế, công nhân ngành may mặc và các
đoàn thể giáo viên xuất hiện trên tuyến đầu của những cuộc biểu tình. Đây là
những ngành nghề mà nữ giới chiếm đa số ở Myanmar.
Những người phụ nữ tham gia biểu tình tại
Yangon vào tháng 2/2021. Ảnh: New York Times.
“Bằng cách tham gia vào cuộc cách mạng, thế hệ phụ
nữ trẻ cho thấy họ dũng cảm không kém gì nam giới”, Ma Cho Nwe Oo, bạn thân của
một cô gái trẻ bị quân đội bắn chết khi đang biểu tình, chia sẻ trên tờ New York Times.
Còn trên tờ Al Jazeera, một người biểu tình cho biết: “Lúc đầu, người ta thấy những nữ công nhân từ các
xưởng may biểu tình ở Yangon. Những ngày sau đó mọi người đều làm theo”.
Trong những tuần đầu tiên, các nhóm nữ tình nguyện
viên y tế đã túc trực trên đường phố, chăm sóc cho những người bị thương.
Những người biểu
tình cúi rạp người né đạn từ cảnh sát trong cuộc biểu tình tại Mandalay vào
ngày 3/3/2021. Ma Kyal Sin xuất hiện ở góc dưới bên trái. Cô chết vì trúng đạn
không lâu sau đó. Ảnh: Reuters.
Trong số những nạn
nhân đầu tiên thiệt mạng dưới làn đạn trong các cuộc biểu tình, có
những cô gái tuổi chỉ vừa đôi mươi. Đó là Mya Thwet Thwet Khine, qua đời vào
ngày 20/2 vì bị cảnh sát bắn vào đầu khi tham gia biểu tình ở thủ đô Nay Pyi
Taw. Cô chết hai ngày trước sinh nhật lần thứ 20 của mình. Ma Kyal Sin (Angel),
một cô gái 19 tuổi khác, cũng đã chết vì đạn của cảnh sát hôm 3/3.
Cách mạng xà rông
Những người phụ nữ đã tận dụng các quan niệm mê tín
trong xã hội phụ hệ Myanmar để xây dựng tuyến phòng thủ trên đường phố.
Họ treo y phục che nửa thân dưới của phụ nữ (“htamein”
trong tiếng Myanmar, một loại váy xà rông) khắp các con phố. Họ thậm chí phơi
cả đồ lót lên rào chắn tại các địa điểm biểu tình. Có một định kiến phổ biến ở
Myanmar cho rằng y phục che nửa dưới của nữ giới là thứ gây ô uế, có thể hút
mất vận may của đàn ông. Những binh sĩ quân đội đặc biệt tin vào quan niệm mê
tín đó. Các binh sĩ này sợ gặp xui xẻo và chết trên chiến trường.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image4.jpg
Ở Myanmar, các binh sĩ tin rằng nếu chui đầu
qua htamein, họ sẽ mất hết danh dự và có thể chết trên chiến trường. Ảnh:
AFP-JIJI.
Ở một số nơi, ảnh của Thống tướng Min Aung Hlaing,
người chỉ huy cuộc đảo chính, cũng được treo lên cùng với các htamein, như một
cách để làm nhục ông ta.
Những chiếc váy được treo lên gậy và biến thành các
“lá cờ xà rông”. Những người phụ nữ Myanmar tự hào vẫy các
“lá cờ” như vậy trong các cuộc biểu tình.
“Chúng tôi muốn cả thế giới thấy rằng xà rông là lá
cờ của thắng lợi”, Coretti, Tổng thư ký của tổ chức Kayan Women’s Organization,
chia sẻ khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Vice. “Hành động ngang ngược cướp
chính quyền không nên được phép xảy ra dưới bóng xà rông”.
“Nhiều người cho rằng những thứ như băng vệ sinh và
đồ lót của phụ nữ là dơ bẩn, nhưng không phải vậy… những thứ đó bảo vệ chúng
tôi, không như chế độ độc tài quân sự độc hại,” Coretti cho biết thêm.
Naw Hser Hser, Tổng thư ký của Women’s League of
Burma, một liên minh gồm 13 tổ chức đại diện cho những phụ nữ thuộc sắc tộc
thiểu số, nói với Vice rằng với việc vẫy cờ xà rông, nữ giới đang giành lấy
quyền định đoạt trong phong trào biểu tình. “Chúng tôi dùng xà rông để chứng
minh phụ nữ đang chiến đấu bằng mọi thứ mình có”.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/5-1.jpg
Người Myanmar treo xà rông ngang đường trong
cuộc biểu tình tại Yangon vào ngày 8/3/2021. Ảnh: STR/ AFP.
Yin Yin Hnoung, một nữ bác sĩ y khoa 28 tuổi, đã
tham gia biểu tình dưới làn đạn của quân đội ở Mandalay. Cô cho biết trên Straits Times: “Những phụ nữ trẻ hiện
đang dẫn đầu các cuộc biểu tình vì chúng tôi có bản năng làm mẹ. Chúng tôi
không thể để thế hệ kế tiếp bị tiêu diệt. Chúng tôi không quan tâm đến sinh
mạng của mình. Chúng tôi quan tâm đến thế hệ tương lai”.
Cuộc chiến phải thắng của những người phụ nữ
Các nhà hoạt động và các chính trị gia nữ cũng tích
cực tìm cách vận động quần chúng tham gia biểu tình.
Ei Thinzar Maung, một trong những ứng viên trẻ nhất
cho vị trí nghị sĩ Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua, đã sử dụng tài
khoản Facebook của
mình với hơn 370.000 người theo dõi để vận động người dân.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image3.jpg
Tranh cổ động được nữ chính trị gia trẻ Ei
Thinzar Maung đăng trên mạng xã hội để biểu dương tinh thần của nữ giới
Myanmar. Trang phục htamein được dùng làm “lá cờ cách mạng”. Ảnh: Ei Thinzar
Maung/ Twitter.
Ngoài ra, cô cũng sử dụng Twitter kêu gọi nữ giới
đoàn kết đánh đổ “chế độ quân đội khủng bố” và thực hiện “cuộc cách mạng mùa
xuân của Myanmar”.
Vào trước ngày Quốc tế Phụ nữ, cô viết trên Twitter: “Các chị em, đây là tháng của chúng
ta. Htamein của chúng ta sẽ làm nên lịch sử khi đánh đổ quân đội khủng bố
Myanmar. Chúng ta hãy lên tiếng cho những nữ anh hùng đang bị bắt và đã ngã
xuống trong cuộc cách mạng mùa xuân của Myanmar”.
Trong những năm qua, ngày càng có nhiều phụ nữ được
giáo dục và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là một sự thay đổi
có ý nghĩa sâu sắc trong một xã hội mà phụ nữ chịu rất nhiều định kiến. Ở Myanmar, phụ nữ mặc quần tây bị cho là không
đứng đắn, và quần áo che thân dưới của hai giới không thể giặt chung vì sợ gây
ô uế.
Nếu chế độ quân quản được tái lập ở Myanmar, phụ nữ
sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Giới quân sự nước này luôn theo đuổi các chính
sách bảo thủ, trọng nam khinh nữ và đàn áp nữ giới. Trong quân
đội, hiếm có trường hợp phụ nữ được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao.
Nữ chính trị gia Ei Thinzar Maung (phải) và
đồng nghiệp đang dẫn đầu một cuộc biểu tình tại Yangon vào ngày 6/2/2021. Ảnh:
New York Times.
Tỷ lệ nữ giới tham gia chính quyền dù được cải
thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp so với thế giới. Trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2020, Đảng Liên minh
Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi có 20% ứng viên là phụ nữ.
Con số này bên Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) do quân đội hậu
thuẫn là 15%. Trước cuộc bầu cử, nữ giới chỉ chiếm khoảng 10% trong các cơ quan
lập pháp.
Trong phong trào đấu tranh đang lan rộng này, ngoài
các yêu cầu về khôi phục thể chế dân chủ, xóa bỏ đặc quyền của quân đội, những
người phụ nữ còn đặt ra những mục tiêu khác. Đó là chấm dứt phân biệt đối xử
với nữ giới, đảm bảo phụ nữ có quyền tham gia mọi hoạt động chính trị xã hội,
và trừng phạt những hành vi bạo lực xâm hại phụ nữ.
No comments:
Post a Comment