BTV Tiếng Dân
16/03/2021
https://baotiengdan.com/2021/03/16/ban-tin-ngay-16-3-2021/
Tin Biển Đông
Zing đưa tin: Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở 3 vùng biển. Đài
truyền hình Trung ương TQ (CCTV) thông báo, nước này hiện đang tiến hành 3 cuộc
tập trận tại 3 vùng biển là Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông dưới sự chỉ đạo
của 3 quân khu Bắc bộ, Đông bộ và Nam bộ.
Các cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều tàu
chiến hiện đại thuộc biên chế Hải quân TQ, trong đó có khu trục hạm mang tên
lửa dẫn đường Tế Nam (Type 52C) hay khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Thường
Châu (Type 54A). Hoạt động diễn tập bao gồm bắn đạn thật và kiểm tra năng lực
phối hợp phòng không giữa các tàu chiến trong một biên đội tác chiến.
Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc tập trận ở Biển Đông lúc bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
thăm châu Á. Trong cuộc tập trận Hoàng Hải, có hai khinh hạm TQ thuộc
Type 056 và Type 056A lập đội hình, diễn tập pháo kích và phòng không. Ở biển
Hoa Đông, khu trục hạm thuộc Type 052C và tàu hộ vệ thuộc Type 054A diễn tập
tác chiến tự do. Ở Biển Đông, nhiều tàu tổ chức diễn tập cứu hộ và lai dắt tàu
khẩn cấp, nhưng CCTV không nói rõ khu vực tập trận thuộc vị trí nào ở Biển
Đông. Chiến khu Nam bộ còn tiến hành tập trận ở vịnh Bắc bộ.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Tàu hải cảnh sẽ sớm cùng chiến đấu cơ Trung Quốc quấy rối
Đài Loan? Nhà phân tích Tô Tử Vân, thuộc Viện nghiên cứu quốc
phòng và an ninh Đài Loan, bình luận: “Nguy cơ là sự quấy rối từ các
tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn so với hành động tương tự của các
chiến đấu cơ Trung Quốc”. Bởi vì các tàu hải cảnh hoạt động một cách linh
hoạt nhờ “bản chất dân sự” của loại tàu này, kể cả khi đã được hoán cải để có
vũ trang, không thua gì tàu chiến cỡ nhỏ.
Ông Tô cảnh báo, Luật Hải cảnh mới của TQ gây báo
động trong khu vực vì Điều 49 của luật này còn cho phép nhân viên hải cảnh dùng
vũ lực trong vùng biển thuộc “quyền tài phán” của TQ, mà không cần đưa ra cảnh
báo, nếu không có thời gian cảnh báo hoặc hành động cảnh báo có thể dẫn tới
tình hình nghiêm trọng hơn.
Đáp lại sự hiếu chiến của TQ, Mỹ-Nhật bắt đầu đối thoại 2+2, nhất trí phản đối Trung Quốc
nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, báo Thế Giới và VN đưa tin.
Cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng
Nobuo Kishi của Nhật Bản với Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc
phòng Lloyd Austin của Mỹ, bắt đầu từ chiều nay ở thủ đô Tokyo.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Img3-9.jpg
Từ
trái qua phải: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony
Blinken, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo
Kishi tham dự đối thoại Mỹ-Nhật 2+2. Ảnh: AP/ TG&VN
Các bộ trưởng 2 nước trao đổi về nhiều vấn đề,
trong đó có các biện pháp củng cố quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật, các hành động
gần đây của TQ nhằm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tại cuộc
gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật và người đồng cấp Mỹ, hai bên
nhất trí phản đối nỗ lực của TQ nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển
Hoa Đông.
VietNamNet đặt câu hỏi: Đông Nam Á phải làm gì để cân bằng giữa hai siêu cường
Mỹ-Trung? Nhà báo Dominic Ziegler của Economist cho rằng, TQ đang
tìm cách lấy lại “vị trí trung tâm” mà nước này từng có được ở Đông Nam Á,
trước khi bị Mỹ và Nhật đẩy khỏi khu vực từ thế kỷ 19, thể hiện qua các sự kiện
TQ thách thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải của Brunei, Indonesia,
Malaysia, Philippines và VN ở Biển Đông.
Các nước Đông Nam Á đang đứng giữa “canh bạc” đầy
rủi ro là lựa chọn giữa Mỹ và TQ. Nhưng rủi ro đáng sợ nhất là viễn cảnh mâu
thuẫn quân sự ngoài ý muốn giữa TQ và Mỹ ở Biển Đông. “Trong trường hợp
xảy ra xung đột quân sự, sự rào giậu, cân bằng và hợp lực rốt cuộc sẽ không
giúp bên nào tiến xa được”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng ‘ba mũi giáp
công’ (VNE). – Trung Quốc đồng loạt tập trận tại Biển Đông, biển Hoa Đông và
biển Hoàng Hải (RFI). – Mỹ gia tăng thách thức yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông (Zing).
– Năm 2020, Mỹ hoạt động tự do hàng hải, trinh sát nhiều kỷ
lục tại Biển Đông (Tin Tức).
– Đối thoại 2+2 : Nhật – Mỹ tái khẳng định liên minh và nêu quan
ngại về Biển Đông (RFI). – Tuyên bố chung Đối thoại 2+2: Mỹ-Nhật Bản chỉ trích đích
danh Trung Quốc (VOV). – Nhật Bản và Mỹ lo ngại về tình hình an ninh trên Biển Đông,
Biển Hoa Đông (GT). – Mỹ – Nhật Bản cùng phản đối yêu sách chủ quyền của Trung
Quốc ở Biển Đông (TN). – Thêm Hàn Quốc, ‘Bộ tứ’ như hổ mọc thêm cánh? (NLĐ).
– Anh xác định thế đối đầu với Trung Quốc (TP).
.
Vụ bán rẻ “đất vàng” ở thành Hồ
Phiên xử vụ sai phạm bán rẻ “đất vàng” ở số 57 Cao
Thắng, bước sang ngày thứ 2. Cũng như hôm qua, bà Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục
trở thành tâm điểm chú ý của báo chí, qua các điểm phản biện cáo trạng. Đã diễn
ra màn tranh cãi nảy lửa giữa nữ đại gia và Agribank, báo
Người Lao Động đưa tin. VKS tiếp tục đưa ra các câu hỏi liên quan đến hợp đồng
thế chấp khu đất 57 Cao Thắng, giữa bà Diệp với Agribank, Chi nhánh TP HCM.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Img1-5.png
Các bị cáo tại tòa sáng nay. Ảnh: NLĐ
Đại diện Agribank, Chi nhánh TP HCM khẳng định,
Công ty Diệp Bạch Dương có gửi ngân hàng biên bản họp hội đồng thành viên, đơn
xin mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng. Toàn bộ quá trình
này đều được thể hiện rõ qua các văn bản trong hồ sơ vụ án. Đại diện ngân hàng
cho biết thêm, đã gửi công văn đến Sở TN&MT TP HCM để thông báo vấn
đề này.
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời phản biện của bị cáo Bạch Diệp: ‘Tài liệu ngân hàng cung cấp là giả’.
Trước thông tin trên của đại diện Agribank, bà Diệp cho rằng, đại diện ngân
hàng và Sở TN&MT TP HCM đều trả lời không đúng sự thật, toàn bộ tài liệu do
họ cung cấp đều là giả mạo.
VKS lập luận: “Bà cho rằng tài liệu này là
giả. Vậy bà có ý kiến gì về kết luận giám định của cơ quan điều tra về chữ ký
của bà trên các đơn xin mượn giấy chứng nhận”. Bà Diệp đối đáp: “Đối
với các tài liệu này, tôi có quyền nghi ngờ đến 90% vì có thể giả mạo. Tôi không
tin vào cơ quan điều tra. Giờ không có gì là không làm giả được”.
VTC có clip về màn đối đáp trong vụ hoán
đổi đất công ở TP HCM: Bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định hợp đồng thế chấp là
giả mạo.
VIDEO : Vụ hoán đổi đất công ở TP HCM: Bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng
định hợp đồng thế chấp là giả mạo | VTC1
https://www.youtube.com/watch?v=VYxKn7qSqxw
Trang Kinh Tế Đô Thị có bài phân tích lời phản biện
của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp: Tài liệu Agribank cung cấp… là
giả mạo? Bà Diệp lập luận: “Nếu tôi mượn giấy chứng nhận
số 313 của Agribank TP Hồ Chí Minh, thì họ buộc phải làm thủ xuất kho, nhưng
cái này không có… Tôi không hiểu làm thế nào chỉ trong thời gian 2 tháng mà
Agribank TP Hồ Chí Minh dám cho Công ty Diệp Bạch Dương dùng 1 tài sản vay đến
3 hợp đồng? Vì như vậy hoàn toàn trái quy định”.
Zing dẫn lời trần tình của bà Dương Thị Bạch Diệp: ‘Quá khổ rồi, tôi không đổi chác
nữa’. Bà Diệp bày tỏ ý muốn trả lại giấy tờ nhà đất 185 Hai Bà Trưng
cho Nhà nước: “Tôi thấy quá khổ rồi, không muốn đổi chác nữa. Tôi sẽ
giải quyết giấy tờ nhà đất 185 Hai Bà Trưng để trả cho Nhà nước. Tôi chưa biết
Nhà nước quyết định thế nào, nhưng không hoán đổi nữa. Nợ Agribank tôi sẽ trả,
trả đúng khoản chúng tôi vay”.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Img2-10.jpg
Bà Dương Thị Bạch Diệp tại tòa sáng nay. Ảnh:
Chí Hùng/ Zing
Mời đọc thêm: Đại gia Dương Thị Bạch Diệp phủ nhận cáo trạng (ĐV).
– Xét xử cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Bị cáo Dương Thị Bạch
Diệp kêu oan (VOV). – Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp: “Tôi bị ngân hàng gài…” (GT).
– Agribank phản bác lời khai của bà Dương Thị Bạch Diệp (Zing).
– Video: Bị cáo Bạch Diệp phản ứng gay gắt tại tòa (PLTP).
– Nữ ‘đại gia’ Dương Thị Bạch Diệp nghi ngờ hồ sơ vụ án bị giả
mạo (TP). – Vụ hoán đổi “đất vàng” quận 3: Tranh luận gay gắt pháp lý
tài sản 57 Cao Thắng (ĐT).
– Vụ hoán đổi “đất vàng” ở TPHCM: Ông Nguyễn Thành Tài thừa
nhận như cáo trạng (TP). – Bà Bạch Diệp: ‘Tôi không quen cấp dưới ông Tài’ (PLTP).
– Vụ hoán đổi “đất vàng” quận 3: Bị cáo Nguyễn Thành Tài thừa
nhận có thiếu sót trong quản lý (ĐT). – Ông Nguyễn Thành Tài nói việc hoán đổi 2 dự án (Zing).
– Đại gia Dương Bạch Diệp: ‘Bông hồng vàng’ 10.000 tỷ chơi
Rolls-Royce chính hãng đầu tiên Việt Nam (VNN).
.
Hàng chục tỉ đồng để… diệt chuột?
Báo Người Việt đưa tin: Cần Thơ chi triệu đô diệt chuột, nông dân thắc mắc ‘chuột
đâu mà diệt’. Phó chủ tịch TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè ban hành kế hoạch
“Phòng chống, diệt chuột bảo vệ sản xuất giai đoạn 5 năm”, từ 2021 đến 2025,
với kinh phí gần 30 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,3 triệu Mỹ kim từ ngân sách
thành phố và vốn đối ứng của nông dân, trong khi nông dân thắc mắc, “chuột có
mấy đâu mà diệt?”
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Img9-5.jpg
Cần Thơ quyết chi hơn một triệu Mỹ kim để
“tập huấn” cho nông dân diệt chuột trong 5 năm. Ảnh: Cần Thơ/NV
Ông Vương Đình Vũ, GĐ Hợp Tác Xã My Hậu ở xã Vĩnh
Trinh, huyện Vĩnh Thạnh cho biết. hợp tác xã của ông hiện có 30 hecta lúa trồng
theo hướng hữu cơ. Thời gian qua, chuột ít gây hại nên hợp tác xã “không quan
tâm đến vấn đề này”. Các lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp khác trong khu vực
cũng đồng tình, người dân không cần “được” tập huấn diệt chuột, mà nếu có “phải
hay, hiệu quả hơn cách người dân đang làm”.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Cần Thơ chi 30 tỉ đồng để diệt chuột trong 5 năm.
Trong số gần 30 tỉ đó, sẽ có 22,5 tỉ lấy từ ngân sách thành phố, cùng với “kế
hoạch” tập huấn diệt chuột khá chi tiết. Đối với hoạt động tập huấn hạn chế
thiệt hại chuột gây ra cho cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc/5 năm,
thời gian tập huấn một ngày/cuộc, mỗi cuộc có 30 nông dân tham dự. Còn đối với
hoạt động tập huấn hạn chế thiệt hại chuột gây ra cho cây ăn trái sẽ có 85 cuộc
tập huấn/5 năm.
Mời đọc thêm: Cần Thơ chi 22,5 tỷ đồng diệt chuột (VNE).
– Cần Thơ dự tính chi gần 30 tỉ đồng diệt chuột (CafeBiz).
– Cần Thơ: Sẽ chi gần 30 tỷ đồng diệt chuột (DV).
.
Miến Điện: Thêm hàng chục người biểu tình bị bắn
chết
VnExpress cập nhật số liệu người biểu tình Miến
Điện bị bắn chết hôm qua: Thêm 20 người chết trong biểu tình Myanmar. Hiệp hội
Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện (AAPP) cho biết, dù ngày 14/3 là “ngày đẫm
máu nhất”, với gần 60 người chết chỉ riêng ở TP Yangon, cùng với ít
nhất 17 người chết ở các khu vực khác, ngày 15/3, người dân Miến Điện vẫn xuống
đường biểu tình và tiếp tục bị sát hại.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Img7-3.jpg
Thân nhân của người biểu tình bị bắn chết kêu
khóc bên ngoài nhà xác Bệnh viện Thingangyun ở TP Yangon khi tới nhận thi thể
hôm qua 15/3. Ảnh: AFP/VNE
AAPP cho biết: “Thương vong đang tăng đáng
kể”, ngay cả dân thường “thậm chí không tham gia biểu tình” cũng bị bắn
chết. TP Yangon báo cáo thêm 3 người bị sát hại, có 2 phụ nữ bị trúng đạn khi
đang ngồi trong nhà, trong lúc lực lượng an ninh nổ súng trên đường phố. Một
nhân chứng ở thị trấn Aunglan cho biết: “Hai người đàn ông bị bắn chết
và 6 người khác bị thương… Anh ấy ở ngay cạnh tôi. Một người khác bị bắn vào
đầu”.
Viet Times đặt câu hỏi: Điều gì khiến những người biểu tình Myanmar đốt phá các công
ty Trung Quốc? Tính đến trưa hôm qua, các vụ tấn công của những kẻ
quá khích không rõ danh tính đã khiến 32 nhà máy do người TQ làm chủ bị hư hại,
2 người TQ bị thương, không người TQ nào thiệt mạng nhưng thiệt hại về tài sản
ước tính khoảng 240 triệu Nhân dân tệ, hơn 30% doanh nghiệp có vốn TQ hoặc liên
doanh TQ – Miến Điện bị ảnh hưởng.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Img4.jpeg
Một nhà máy của người TQ ở Miến Điện bị đốt
phá. Ảnh: UDN/Viet Times
Cần xác định danh tính của những kẻ phá hoại quá
khích, vì mục đích của những người này đã rõ ràng. Họ gây chuyện vì muốn “lợi
dụng hiện trạng” để tạo ra các sự kiện quy mô nhỏ, tránh sự can thiệp của cộng
đồng quốc tế, làm cho các cuộc biểu tình của người dân không còn chính danh,
tạo ấn tượng xấu về người biểu tình ở Miến Điện, đánh tráo khái niệm giữa “nạn
nhân” và “thủ phạm”.
Bất ổn xã hội ập đến cùng với tình hình căng thẳng
ở Myanmar: Chính biến cùng Covid-19 đẩy giá gạo, giá xăng tăng
phi mã, theo trang Kinh Tế Đô Thị. Chương trình Lương thực Thế giới
(WFP) cho biết, giá bán lẻ dầu cọ tại TP Yangon đã tăng 20% kể từ đầu tháng 2, trong khi giá gạo tại khu vực này và TP Mandalay tăng 4%, trong vòng 3 tuần qua.
Đại diện WFP Stephen Anderson phân tích: “Nhiều
người đã quay cuồng với tác động của Covid-19. Trước cuộc khủng hoảng chính trị
này, các nhà máy đã phải đóng cửa và nhiều người nghèo nhất đã mất việc làm do
các khu vực lân cận bị phong tỏa, trong khi lượng kiều hối ngày càng giảm”.
Bạo lực, đàn áp diễn ra mỗi ngày, giờ lại thêm bất
ổn kinh tế, khiến người dân phải ly tán: Dân Myanmar tháo chạy khỏi khu vực thiết quân luật,
theo VTC. Hãng tin Miến Điện Irrawaddy cho biết, từ sáng nay, đã có những dòng
người đông đúc chen lấn nhau rời khỏi khu vực bị thiết quân luật ở TP
Yangon: “Những người lao động nhập cư từ Hlaing Tharyar đang tháo chạy
trở về bang của họ”.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/03/Img5-2.png
Người dân Miến Điện tháo chạy khỏi vùng bị
thiết quân luật. Ảnh: Irrawaddy/VTC
VietNamNet đưa tin: Hơn 400 cảnh sát, lính cứu hỏa Myanmar trốn sang Ấn Độ.
Một sĩ quan Ấn Độ giấu danh tính nói với hãng tin Reuters: “Khoảng 116
người đã vượt biên hôm 12/3, trong đó có nhiều cảnh sát và lính cứu hỏa. Một số
người chỉ mang theo quần áo đựng trong những bao tải trắng”. Từ cuối tháng
2 tới nay, đã có khoảng 400 người dân Miến Điện, gồm các cảnh sát từng làm việc
cho chính quyền quân phiệt, đã chạy sang Ấn Độ.
Mời đọc thêm: Miến Điện: Liên Hiệp Quốc tố cáo đàn áp “đẫm máu” trong kỳ
nghỉ cuối tuần qua (RFI). – Thêm 11 người biểu tình chết ở Myanmar (VTC).
– Ít nhất 138 người biểu tình Myanmar thiệt mạng từ đầu tháng
2 (VNN). – 138 người thiệt mạng tại Myanmar, thế giới báo động (PLTP).
– Người Myanmar phản đối đảo chính bằng hình xăm (NN).
– Miến Điện: “Cách mạng Áo cà sa” không hồi sinh trong phong trào
“Bất phục tùng dân sự” (RFI).
– Miến Điện: Thiết quân luật chung quanh Rangoon sau một ngày đàn
áp đẫm máu (RFI). – Người Myanmar tháo chạy khỏi khu vực thiết quân luật (VNE).
– Giá thực phẩm và nhiên liệu ở Myanmar tăng cao sau cuộc đảo
chính (VOV). – Chống
quân lệnh, cảnh sát cùng hàng trăm người Myanmar trốn sang Ấn Độ (GDTĐ).
– Trung Quốc yêu cầu các công ty sơ tán nhân viên khỏi Myanmar (TTXVN).
***
Thêm một số tin: Thực trạng ‘con quan – con dân’: Luật Hồi tỵ và cội nguồn
chế độ (RFA). – Dân mong
được giảm tiền điện thời Covid (VOA). – Thượng tá Biên Phòng ở An Giang chứa hàng lậu nhưng ‘đổ tội
cho chị vợ’ (NV). – Biden xóa nhòa hy vọng của Trung Quốc muốn Mỹ tái khởi động
nhanh chóng quan hệ (RFI).
No comments:
Post a Comment