Wednesday, 17 March 2021

ANH TRỞ LẠI CHÂU Á, TRUNG QUỐC KHÓ CHỊU (Joaquin Nguyễn Hòa)

 



Anh trở lại châu Á, Trung Quốc khó chịu

Joaquin Nguyễn Hòa

17/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/17/anh-tro-lai-chau-a-trung-quoc-kho-chiu/

 

Đế quốc trở lại

 

Ngày 16/3/2021, chính phủ Anh công bố bản phúc trình về chính sách ngoại giao và an ninh mới của nước này, trong đó nói rõ hai vấn đề: Thứ nhất, nước Anh tìm kiếm vị trí mới trên trường quốc tế sau một thời gian dài chỉ đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và châu Âu. Thứ hai, nêu rõ Trung Quốc là mối đe dọa, mặc dù nước Anh vẫn chủ trương hợp tác với Bắc Kinh trên những lĩnh vực có thể hợp tác được.

 

Phúc trình nêu rõ, nước Anh chuyển trọng tâm ngoại giao và quân sự về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

 

Bản phúc trình này ra đời cùng ngày với chuyến thăm Nhật Bản của hai viên chức cao cấp nhất của Mỹ, ngoại trưởng Anthony Blinken và bộ trưởng quốc phòng, tướng Lloyd Austin.

 

Tại Tokyo, hai quan chức Mỹ và hai đồng nhiệm Nhật của họ ra tuyên bố chung, nêu rõ Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt quá đáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả.

 

Hai ông Blinken và Austin sẽ tiếp tục thăm đồng minh Hàn Quốc và Ấn Độ, quốc gia nằm trong nhóm được gọi là bộ tứ (Quad) Mỹ, Úc, Ấn, Nhật, một liên minh được cho là để đối trọng, hoặc ngăn chận sức mạnh ngày càng lấn lướt của Bắc Kinh trong khu vực.

 

Trước khi bản phúc trình của chính phủ Anh về chính sách ngoại giao và an ninh được đưa ra một ngày, báo Guardian có bài phân tích rất chi tiết về hướng đi được gọi là hậu Brexit này của nước Anh.

 

Bài phân tích trình bày toàn diện những ý kiến chống đối và đồng tình với chính sách mới của nước Anh.

 

Nhóm chống đối chỉ trích rằng, nước Anh đang mơ về dĩ vãng đế quốc, không thực tế khi muốn tái lập lại đế quốc Anh thịnh vượng toàn cầu như ngày xưa. Trong nhóm này cũng có người nói, chống lại Trung Quốc trong tình hình hiện nay là một điều không thực tế.

 

Nhóm ủng hộ thì cho rằng, với sự rút lui khỏi khối cộng đồng chung châu Âu, với sự sụt giảm của giao thương kinh tế giữa đảo quốc Anh và lục địa châu Âu, thì việc tìm kiếm hướng đi mới về phía Đông là thỏa đáng. Thậm chí có ý kiến đề nghị nước Anh tham gia khối kinh tế CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đối trọng với Trung Quốc. Tiền thân của khối này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xuất dưới thời ông Obama cầm quyền, nhằm bao vây Trung Quốc (nhưng ông Trump rút ra ngay sau khi lên cầm quyền).

 

Đó là những tranh cãi về chính sách ít nhiều mang tính trừu tượng, điều đập vào mắt cả thế giới là chiếc hàng không mẫu hạm mới của Luân Đôn có tên là HMS Queen Elizabeth, sẽ thực hiện chuyến hải hành đầu tiên vào vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương trong vài tháng tới đây.

 

Chưa có tiết lộ về hành trình của Queen Elizabeth, cảng nào, quốc gia nào có thể mời nó cập bến hay không.

 

                                                      ***

 

Tuy rằng việc công bố chiến lược mới của nước Anh có vẻ bất ngờ đối với người dân Anh (hơn 50% không cho là điều hay), nhưng rõ ràng là chiến lược mới này có liên quan đến chính sách mới về an ninh và ngoại giao của chính quyền Biden, đó là liên kết đồng minh.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn dưới chính quyền mới của Mỹ, các đồng minh Tây Âu đã thực hiện những động tác có tính biểu tượng về liên kết quân sự như tàu chiến các nước Pháp, Đức, Hà Lan lần lượt vạch ra hành trình biển Đông, và bây giờ đến lượt nước Anh. Nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Washington sẽ là thủ tướng Nhật Bản, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Blinken, người được cho là có kinh nghiệm châu Âu nhiều hơn, lại là Ấn Độ – Thái Bình Dương.

 

Bắc Kinh khó chịu

 

Bắc Kinh rất khó chịu trong chuyện Anh trở lại châu Á, dù ông Boris Johnson đã rào trước đón sau rằng, ông chỉ chống khi Trung Quốc quá đáng, thậm chí ông còn nói rằng ông là một người thân Trung Quốc. Thú vị nhất là phản ứng của Trung Quốc qua những bài bình luận trên tờ Hoàn Cầu Thời báo, cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Ngay sau khi bản phúc trình của Anh được đưa ra, Hoàn Cầu đã phản ứng ngay lập tức với hai bài trên trang chính. Bài thứ nhất nói rằng chuyện nước Anh nghiêng về Ấn Độ Thái Bình Dương để chống Trung Quốc là một quyết định ấu trĩ.

 

Bài thứ hai nói rằng, Mỹ và Nhật đưa ra những cáo buộc về sự lấn lướt của Bắc Kinh là những cáo buộc không có cơ sở.

 

Nội dung cả hai bài này đều trích dẫn ý kiến của giới học giả của chính quyền Trung Quốc, không khác so với những tuyên bố chính trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đặc biệt, trong bài viết về chính sách mới của Anh, các nhận định tập trung xoáy vào cách đặt vấn đề là, nước Anh hiện nay đã yếu lắm rồi, chuyện tìm kiếm vinh quang cũ chỉ là công dã tràng thôi, đừng có nghe Mỹ mà theo đóm ăn tàn.

 

Hoàn Cầu Thời báo cũng có đề cập đến hàng không mẫu hạm Queen Elisabeth của Anh, sẽ đi đến vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong ý muốn tham gia củng cố khối Bộ tứ Mỹ, Nhật, Ấn Úc, và bình luận rằng khối này khác nhau lắm, chưa chắc đã đồng lòng chống Bắc Kinh.

 

Bắc Kinh quên mất một điều là, họ vẫn còn trầy trật để đóng hàng không mẫu hạm. Hiện họ có hai chiếc, chiếc đầu mua lại của Ukraine, chiếc thứ hai tự đóng. Khả năng chiến đấu thật sự của hai hàng không mẫu hạm này không được Trung Quốc phô trương một cách tự tin trong các lần tập trận của họ.

 

Hoàn Cầu thời báo cũng “quên” không đề cập đến cuộc họp mới nhất của bộ tứ, trong đó có một cam kết của hai quốc gia giàu có là Mỹ và Nhật, thúc đẩy vaccine Covid-19 với số lượng 1 tỷ liều cho vùng Đông Nam Á, để chống lại chiến dịch ngoại giao vaccine của Bắc Kinh trong vùng này.

 

Kết quả của chính sách “hướng Đông” của Anh vẫn còn sớm để đoán, nhưng ông chủ cũ của Hồng Kông có lẽ cũng làm cho Trung Nam Hải cảm thấy bất an, dẫn đến thái độ khó chịu ra mặt của Hoàn Cầu Thời báo như vậy.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats