Monday 8 March 2021

122 NĂM THĂNG TRẦM CỦA ASPIRIN (Minh Đăng - Saigon Nhỏ News)

 



122 năm thăng trầm của ASPIRIN 

Minh Đăng

Mar 7, 2021

https://saigonnhonews.com/122-nam-thang-tram-cua-aspirin/

 

Như Coca-Cola hay hàng jeans Levi’s, thuốc aspirin được xem là một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Viên aspirin đã tròn 122 tuổi vào ngày 6-3 vừa qua…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/horizontal-750x430.jpg

Minh họa (Wikipedia)

 

Ngày 6-3-1899, Phòng bản quyền Berlin cấp nhãn hiệu cầu chứng và Friedrich Bayer & Company đã chọn ngày này làm sinh nhật cho aspirin. Suốt hơn 120 năm, aspirin đã trở thành viên thuốc huyền thoại, từng được xem trị bá bệnh. Khi dược sĩ Felix Hoffmann tạo ra acetylsalicylic acid (thành phần chính của aspirin) vào năm 1897, các ông chủ tại hãng Bayer của ông đã không đánh giá cao mà còn xem viên thuốc này có thể gây nguy hiểm. Lúc đó, Bayer đang quan tâm đến một khám phá khác của Hoffmann, diaetylmorphine, loại thuốc vừa trị ho vừa mang lại cảm giác hưng phấn mà lại không gây nghiện (bởi thế, Bayer đặt tên cho loại thuốc ho này là Heroin).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/1280px-Old_Package_of_Aspirin.jpg

Minh họa (Wikipedia)

 

Tuy nhiên, cuối cùng Bayer cũng tung acetylsalicylic acid ra thị trường với thương hiệu aspirin (“A” từ chữ acetyl, “SPIR” từ chữ spiraea ulmaria – loại thực vật có nguồn salicylic acid và cuối cùng thêm “IN” vào phần đuôi để nghe giống như thuốc ho Heroin đang bán chạy). Bayer không ngờ rằng doanh số của aspirin ngày càng tăng và được sử dụng rộng rãi khắp châu Âu không lâu sau đó. Aspirin không những xuất hiện ngoài thị trường mà còn hiện diện trong tác phẩm của những văn hào lớn như Thomas Mann hay Graham Greene. Chính aspirin chứ không phải loại thuốc nào khác đã nằm trong phi thuyền Apollo 11 để cùng Neil Armstrong lên Mặt trăng. Aspirin có thể trị được nhiều chứng bệnh: tim mạch, ung thư ruột, huyết khối chân (tụ máu), ngộ độc máu (toxaemia) ở phụ nữ mang thai, đục nhân mắt… Cho đến nay, aspirin vẫn là liều thuốc tốt trong việc chữa các chứng đau nhức.

 

Là dược sĩ vừa tốt nghiệp mới 29 tuổi, Hoffmann được nhận vào làm việc tại phòng hóa của Bayer – một trong những hãng công nghiệp bào chế dược phẩm đầu tiên trên thế giới. Khi aspirin thử nghiệm thành công tại các bệnh viện ở Berlin, Hoffmann không được hưởng lợi lộc từ thành quả này. Ông không đăng ký bản quyền sáng chế cho riêng mình và cuối cùng nghỉ hưu về Thụy Sĩ dành quãng thời gian còn lại để nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Trong khi đó, aspirin đã biến Bayer thành một đại công ty dược phẩm hiện có mặt tại gần 100 nước với lượng tiêu thụ aspirin trung bình mỗi năm 100 tỉ viên.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/Bayer-Tablets_of_Aspirin_ad_1918.png

Một quảng cáo Bayer Aspirin tháng 4-1918 (Wikipedia)

 

Bayer hẳn phát triển mạnh từ rất lâu nhưng Thế chiến thứ nhất với sự thất bại của Đức đã khiến Bayer bị tịch thu bản quyền sản xuất aspirin và Hiệp ước Versailles sau đó còn buộc hãng phải cung cấp ¼ xuất lượng aspirin cho quân Đồng minh với giá rẻ hơn thị trường. Tệ hại hơn nữa, phân xưởng Bayer ở New York bị ép phải bán cho Mỹ với giá thấp. Thoạt đầu, hãng Sterling Products của Mỹ rất hí hửng khi mua được phân xưởng Bayer ở New York nhưng sau đó thất vọng vì không “giải mã” được các công thức bào chế aspirin. Cuối cùng, Sterling cũng mày mò được và suốt hơn bảy thập niên, thị trường thế giới có hai loại aspirin Bayer – một ở Mỹ và một ở Đức. Mãi đến năm 1994, Bayer Đức mới mua lại được phân xưởng trên với giá một tỉ USD.

 

Aspirin chiếm lĩnh thị trường thế giới cho đến thập niên 1950, khi Paracetamol của Anh ra đời. Paracetamol cũng trị được các chứng đau nhức lại không gây hiệu ứng phụ như aspirin (có thể viêm ruột nếu dùng nhiều). Sau đó, aspirin bị tấn công dữ dội hơn vì người ta khám phá rằng nó có thể gây sẩy thai cho phụ nữ có mang và đôi lúc rất nguy hiểm (tuy hiếm xảy ra) khi tạo ra hội chứng Reye (viêm não và làm hư gan). Doanh số aspirin bắt đầu tuột dốc. Aspirin chỉ lấy lại thời hoàng kim khi xuất hiện bài diễn văn của giáo sư John Vane (được Hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ) tại Đại học phẫu thuật Hoàng gia. Aspirin, như Vane nghiên cứu, có thể chặn đứng sự hình thành cyclooxygenase – loại enzyme kích thích sự phát triển của prostagladins (acid béo đóng vai trò điều hòa các chức năng cơ thể như nhiệt độ hoặc hoạt động của cơ bắp). Như vậy, nếu không có cyclooxygenase thì không có prostagladins mà không có prostagladins thì các triệu chứng đau nhức cơ bắp hay viêm cũng không xuất hiện (prostagladins nằm ở hệ thần kinh trung ương, có vai trò “cực đại” các ký hiệu đau nhức). Với công trình nghiên cứu này, John Vane được giải Nobel y học 1982.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/800px-Bayer_Aspirin_ad_NYT_February_19_1917.jpg

Một quảng cáo aspirin trên New York Times ngày 19-2-1917 nhấn mạnh Bayer mới là “nhà sản xuất aspirin thật” (Wikipedia)

 

Sự khám phá khả năng ngăn chặn cyclooxygenase của aspirin là một trong những khám phá đáng chú ý nhất. Sau này, người ta còn phát hiện rằng aspirin cũng gây ảnh hưởng tương tự với thromboxane – chất gây hiện tượng tắc tị đường lưu thông của máu (khi một cục máu nằm bít lối trong động mạch, máu không thể lên tới tim, khiến tim sẽ thiếu oxy và ngừng đập là hậu quả cuối cùng). Chưa hết, aspirin còn có thể kích thích sự sản xuất interleukin (thành phần thuộc hệ miễn dịch giúp chống ung thư) và epilipoxin (thành phần mà mới đây trong phòng thí nghiệm đã cho thấy có thể ngăn sự phát triển của tế bào ung thư). Tóm lại, aspirin tỏ ra vẫn là một loại thuốc hiệu nghiệm trong nhiều chứng bệnh. Một khảo sát của tờ British Medical Journal cho biết aspirin cứu sống trung bình 100.000 người trên thế giới mỗi năm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/An-Aspirin-A-Day-But-Whats-the-Best-Dose-Blog-Image-February-2017.jpg

Bệnh nhân tim mạch là những người gần như bắt buộc phải dùng aspirin mỗi ngày (pcori.org)

 

Tuy thế, aspirin không phải là thần dược, với những phản ứng phụ vẫn chưa khắc phục được. Theo BBC, có một số ít người tỏ ra cực kỳ nhạy cảm với aspirin và không thể dùng được, dù liều thấp nhất. Dùng aspirin nhiều có thể gây nôn, ợ nóng và đau dạ dày. Các bệnh nhân viêm khớp dùng nhiều aspirin sẽ dẫn đến viêm dạ dày. Ở một số ít người, sử dụng thường xuyên aspirin trong việc chống vón máu sẽ có thể bị xuất huyết não. Aspirin có thể không thích hợp cho người có huyết áp cao, bị bệnh thận, gan, ung thư hệ tiêu hóa.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats