Friday, 19 February 2021

TƯƠNG LAI NÀO CHO CÔNG DÂN DONALD TRUMP? (Phan Khôi)

 



Tương lai nào cho công dân Donald J. Trump?

Phan Khôi

19/02/2021

https://baotiengdan.com/2021/02/19/tuong-lai-nao-cho-cong-dan-donald-j-trump/

 

Tôi đã không mấy quan tâm về việc luận tội cựu Tổng thống Donald Trump vì thừa biết rằng, ông ta sẽ không bị kết tội “xúi giục phản loạn”, bởi hầu hết các Thượng Nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố, họ sẽ không bỏ phiếu kết tội ông ta. Mọi người đều thấy trước, rằng Thượng viện không đủ túc số 2/3 để kết tội. Đó là một vấn đề chính trị mà nguyên tắc phổ quát là, khi “Chính Trị bước vào thì Công Lý đội nón ra đi”. Tại sao thế?

 

Một cách đơn giản chúng ta có thể hiểu đây là một phiên tòa mà Hạ viện trong vai trò Công Tố còn Thượng viện đóng vai Bồi Thẩm Đoàn. Ở một phiên tòa bình thường, bồi thẩm đoàn được lưa chọn bởi hai bên Nguyên/ Bị (cáo), họ không thiên vị không thành kiến với bên nào nên còn được gọi là Thẩm Phán của Sự Thật (Judges of facts). Những Thẩm Phán của Sự Thât này sẽ lắng nghe hai bên trình bày sự kiện rồi bỏ phiếu quyết định. Vị Thẩm Phán chủ trì phiên tòa sẽ căn cứ vào quyết định của Bồi Thẩm Đoàn để tuyên án, dưa trên luật áp dụng cho vụ việc, nên còn được gọi là Thẩm phán về Luật (Judge of Laws).

 

Còn ở phiên tòa Thượng viện trong vụ luận tội cựu TT Trump thì sao? Những nguyên tắc về tính bất thiên vị của bồi thẩm viên, tức Thượng Nghị sĩ, hoàn toàn thiếu vắng. Bên Dân chủ cứ buộc tôi và bên Cộng hòa cứ bỏ phiếu tha tội, ngoại trừ 7 Thượng Nghị sĩ Cộng hòa, gồm: Mitt Romney (Utah); Lisa Murkowski (Alaska); Ben Sasse (Nebreska); Susan Collins (Maine); Pat Toomey (Pennsylvania); Bill Cassidy (Louisiana); John Thune (South Dakota). Và 43 Thượng Nghị sĩ Cộng hòa còn lại bỏ phiếu tha tội.

 

Trong số 43 Thượng Nghị sĩ Cộng hòa ấy, có người đã tham gia cùng bị cáo, có người có lợi ích liên quan với bị cáo, chẳng hạn như ủng hộ ông ta để lấy phiếu từ những người đã bầu cho ông ta. Hơn nữa, đây là vụ án chưa có tiền lệ và Hiến Pháp cũng không có quy định cụ thể làm cho quyết định của các Thượng Nghị sĩ có phần khó khăn, vì do suy diễn chủ quan.

 

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên khi lãnh đạo thiểu số đảng Cộng hòa là ông Mitch McConnell tuyên bố sau khi bỏ phiếu tha tội cho Trump rằng, “không có gì nghi ngờ, rằng Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về mặt thực tế, cũng như đạo đức, trong việc kích động sự việc ngày hôm ấy [6/1/2021]”.  Ông ta giải thích thêm rằng, lý do ông ta bỏ phiếu không luận tội ông Trump, “bởi không thích hợp về mặt Hiến Pháp”.

 

Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell là lãnh đạo khối thiểu số Thượng viện (đảng Cộng hòa) còn giải thích thêm rằng: “Chúng ta có hệ thống luật pháp về hình sự, có hệ thống tranh tụng về dân sự. Và các cựu tổng thống không thể được miễn trách nhiệm với hệ thống này, mà phải chịu trách nhiệm bởi một trong hai [hình sự hoặc dân sự]”.

 

Như vậy, theo Thượng Nghị sĩ McConnell, cựu TT Trump phải chịu trách nhiệm về những gì ông ta đã làm về hình sự hoặc dân sự, do không thể bị buộc tội ở phiên tòa Thượng viện vì không phù hợp với Hiến pháp, khi ông ta không còn tại vị.

 

Trước đây người ta từng dự kiến ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều vụ án về dân sự và hình sự một khi ông ta rời khỏi chức vụ tổng thống. Cụ thể, ông Trump đang đối mặt với các vụ kiện và điều tra hình sự như sau:

 

1. Tòa án quận Manhattan bắt đầu từ điều tra vụ trả tiền để bịt miệng, đã lan rộng ra vụ gian lận thuế má, gian lận bảo hiểm, khai man về doanh nghiệp.

 

2. Bộ Tư Pháp New York điều tra việc nâng khống tài sản để vay mượn.

 

3. Bộ Tư Pháp bang Maryland kiện tội lạm dụng chức vụ thủ lợi bất chính.

 

4. Bà Elizabeth Jean Carroll kiện tội phỉ báng.

 

5. Bà Summer Zervos kiện tội phỉ báng.

 

6. Mary Trump, cháu gái Donald Trump kiện ông ta tội gian lận, chiếm đoạt di sản.

 

Ngoài ra, Trump còn bị các công tố tiểu bang Georgia điều tra hình sự, vụ ông ta gọi điện thoại cho Bộ trưởng Hành chánh Brad Raffensperger, nhờ giúp gian lận 11.780 phiếu bầu, để ông ta thắng cử.

 

Đó là những vụ kiện và điều tra đã và đang tiến hành. Có vụ, Trump còn nhùng nhằng xin hoãn để kéo dài (Tòa buôc nôp hồ sơ thuế và Trump xin hoãn), có vụ tạm hoãn để sẽ tiếp tục khi Trump mãn nhiệm, Và nay nhiệm kỳ của ông ta đã mãn.

 

Thế rồi vụ kích động bạo loạn diễn ra ngày 6/1/2021. Những người ủng hộ Trump tấn công vào tòa nhà Quốc hội, làm cả thế giới bàng hoàng. Tuy không đủ 2/3 Thượng Nghị sĩ lưỡng viện bỏ phiếu kết tội Trump, nhưng như TNS McConnell, là người trước đây luôn luôn ủng hộ Trump, tuyên bố rằng, ông ta không thể miễn tội với hệ thống tư pháp, hình sự hay dân sự.

 

Vài hôm trước, ngày 2/16/2021, Hạ viện yêu cầu điều tra sâu rộng tương tự vụ điều tra sự kiện 9/11, một Ban Đặc Nhiệm được thành lập để làm việc này và việc truy tố công dân Donald J. Trump là điều không tránh khỏi.

 

Hiệp hội  NAACP kiện Trump và Giuliani, cựu luật sư riêng của ông ta, vi phạm Đạo luật Ku Klux Klan 1870-1871, âm mưu với các nhóm cực đoan da trắng để kích động cuộc nổi dậy.

 

                                                        ***

Ở đây, chúng ta không tranh cãi công – tội của ông Trump trong nhiệm kỳ bốn năm qua. Qua những gì chúng ta chứng kiến, những điều ông ta nói, những việc ông ta làm trong thời gian qua, chúng ta tự hỏi rằng:

 

1- Chúng ta có tôn trọng và tự hào với thể chế Tam Quyền Phân Lập, có tôn trọng Hiến pháp Mỹ khi chúng ta đặt chân vào sinh sống ở đất nước này không?

 

2- Chúng ta có mong muốn Công Lý và Sự Thật được ngự trị trong xã hội Hoa Kỳ, nơi chúng ta đang sinh sống?

 

3- Chúng ta có mong muốn xã hội nơi ta sống là xã hội bình đẳng, không phân biệt màu da, sắc tộc?

 

4- Chúng ta có tôn trọng một xã hội trọng pháp, không một ai hay một đảng nào đó đứng trên pháp luật và pháp luật áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả tổng thống?

 

Nếu những điều trên là những gì chúng ta mong muốn và đã cam kết tôn trọng, thì công dân Donald J. Trump không thể thoát tội. Ông ta phải chịu trách nhiệm về những tội ông ta đã gây ra cho nước Mỹ, như Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell đã nói.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats