Th2
9, 2021
“Ngọn đồi
đen” theo tôi là một phát ngôn nhảm nhí và gần như loạn trí chứ không
dụng ý kì thị chủng tộc. Não trạng phân biệt chủng tộc tuy vô tình xuất lộ
trong cái thái độ như thể ái ngại bề trên của một người đàn ông châu Á xem em
đen múa cột, nhưng nó bật ra từ vô thức, điều có thể xảy ra ở mỗi chúng ta và
thường xuyên hơn, thậm chí tai hại hơn ta tưởng. (Câu hỏi thú vị hơn: cũng
người đàn ông châu Á đó xem em trắng múa cột, phổ biến hơn nhiều so với trường
hợp đen, thì thế nào?). Còn ghê tởm cái ẩn dụ lỗ đen hay tình tiết một đô tiền
tip cho mỗi cái hột le tất nhiên là phản ứng có thể hiểu được nhưng ít trọng
lượng; tranh cãi thanh-tục, sạch-bẩn thường dẫn vào ngõ cụt và tuyệt không
khiến các đại diện một số dòng thơ nhất định chùn bước trước cảm hứng nhà thổ
hộp đêm, nguồn khai thác muôn thuở của những vị mặc định mình rất đàn ông cho
cái gì đó mặc định mình rất nghệ thuật. Những thứ ấy tuy cám hấp, song đồi đen
thảm hại hơn thế.
Nó
là một ngụm nồng độ không cao lắm vì ngôn từ của Trịnh Cung ít sức nặng, nhưng
vẫn đầy độc tố của món cocktail đã chuốc say hàng trăm triệu người trên thế
giới, không chừa người Việt. Tin vui – hay buồn? – cho chúng ta là người Việt
không phát minh ra cái trào lưu thời đại điên rồ ấy, không phải là những đại
diện giàu ảnh hưởng nhất, thậm chí những phương tiện truyền bá nó cũng đi mượn,
ăn theo về mọi phương diện và thực ra chỉ thêm nếm cho vừa miệng trên nền một
công thức cơ bản do người khác sáng chế. Món cocktail toàn cầu cho những nhà
cách mạng chống toàn cầu hóa này dễ đi vào gan ruột, bởi mỗi dân tộc đều có thể
tùy nghi cống hiến phụ gia tâm đắc nhất của mình. Pha chế lại rất dễ, tiêu thụ
thì miễn phí và ngáo tập thể là trạng thái lý tưởng.
Ở
Đức, bà thủ tướng Merkel là nguyên liệu bắt buộc. Hai bàn tay thường chụm hình
thoi của bà chính là ám hiệu của Illuminati hay Tam Điểm, Cabal hay gì cũng
được, miễn là một tổ chức của liên minh quyền lực ngầm toàn thế giới mà chỉ
Putin và Trump đủ sức vô hiệu hóa. Những phụ gia được ưa thích khác là Đế chế
Đức vĩnh cửu trong khi CHLB Đức không hề tồn tại, huyền thoại cánh tả đâm sau
lưng dân tộc Đức, chiến khu Neuschwabenland của hậu duệ Nazi, mạng lưới Do Thái
tung người Hồi giáo vào châu Âu thay thế dần chủng da trắng, Hội nghị
Bilderberg quyết định cho khủng hoảng di cư 2015 bùng nổ… Gần đây nhất tôi còn
được biết rằng mình cùng 4 triệu dân Berlin đang đánh mất sức phản kháng hệ
thống để sống ngu đến đồng xu cuối cùng bởi vài giọt thuốc lú hàng ngày rỏ ra
từ vòi máy nước. Vừa bị đầu độc vừa phải trả tiền nước, không điên tiết mới lạ.
Ở
Anh, khiếu hài hước cho phép dân ăng-lê cười ha hả thả bóng bay siêu phình mang
hình chú nhóc Trump em chã đóng tã thay vì thả Kraken như đồng minh bên kia Đại
Tây dương, nhưng ở thế kỷ hai mốt đi đốt phù thủy thì họ chọn cột phát sóng 5G:
nó phát tán virus. Ai bảo phương Tây duy lý?
Ở
Pháp, đấu tranh giai cấp – bất tử cũng nhờ tác phẩm nổi tiếng của Karl Marx
tròn 170 năm trước – là hương vị không thể thiếu. Trong bộ phim tài liệu Hold-Up của
nhà báo Pierre Barnérias, sáng tạo mới nhất của món cocktail thời đại à
la française, Covid-19 không phải một đại dịch mà là một đại thế chiến giai
cấp, với một con virus bí ẩn, những hành tung mờ ám của chính quyền Macron
thông đồng với Big Pharma; Corona chính là Holocaust của giai cấp thống trị rắp
tâm thanh lọc dân tộc Pháp và diệt chủng 3,5 tỉ dân chúng thế giới khốn cùng.
Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian!
Ở
Mỹ, công nhân cổ cồn xanh cũng cực khổ bần hàn ở vành đai rỉ sét, nên cũng phải
làm cách mạng. Phá tan hệ thống, tát cạn đầm lầy bộ sậu Washington câu kết với
đại tài phiệt Wall Street trên lưng người lao động. Do một tỉ phú sòng bạc giỏi
phá sản và nghiện đánh golf lãnh đạo. Cách mạng cần lao đến từ cánh hữu và cực
hữu, thợ thuyền vô sản chống cộng sản, công đoàn và cánh tả.
Chậm
nhất đến đây những người đang say không còn cần và đã mất la bàn định hướng,
không thể đọc vị món cocktail thời đại ấy nữa. Anything goes. Sao
cũng được, khi trái đất phẳng và đứng yên. Khi cú đổ bộ lên mặt trăng là một
dàn dựng điện ảnh của Stanley Kubrick và các vụ thảm sát trường học là kịch do
cánh tả chống tu chính án thứ hai đạo diễn. Khi Bill Gates + George Soros +
Rockerfeller đã gắn chip kiểm soát bộ não của phân nửa nhân loại và đang xúc
tiến chương trình vắc-xin hủy diệt nhằm giải quyết quá tải dân số thế giới, tiến
độ theo kế hoạch là xóa sổ 350.000 nhân mạng mỗi ngày. Khi nhóm đặc quyền Do
Thái bắn laser cho rừng California cháy, nên Q ra lệnh 6MWE. Khi Cabal ma quỷ
với phù thủy Nancy Pelosi, ma cà rồng Oprah Winfrey, kẻ phản Ki-tô Tom Hanks,
và satan – gồm hai bộ mặt, nửa đêm là Obama, giữa trưa là Lady Gaga – trác táng
trong tầng hầm một quán pizza, nơi bạch cốt tinh Hillary Clinton nhốt trẻ em bị
bắt cóc làm nô lệ tình dục, tra tấn đến chết, chích xuất linh dược adrenochrome cải
lão hoàn đồng cho bè lũ tinh hoa quyền thế. Khi Hugo Chávez cài bùa vào máy đếm
phiếu bầu cử. Khi người Mỹ phải học tiếng Hán nếu Dân chủ lên ngôi và nhân loại
rên xiết trong NWO, Trật tự Thế giới mới với chương trình Great Reset,
Đại Tái thiết toàn trị toàn cầu của cánh tả. Khi JFK chết giả ở Dallas, ẩn dật
58 năm để cùng Q lãnh đạo liên minh trái đất chống liên minh ma quỷ, và vừa từ
trần ngày 30 tháng Một vừa rồi, hưởng đại thọ 103 tuổi, sau khi trao đại ấn vào
tay người kế nhiệm xứng đáng của mình là Donald Trump. Khi Q và những đồng chí
sắt son WWG1WGA hé lộ kế hoạch giải cứu, chỉ cần nhân dân Mỹ đang ngủ mê thức
tỉnh – sự thức tỉnh vĩ đại – và dự trữ thực phẩm cho ít nhất 10 ngày. Ngày hiệu
triệu toàn dân, lịch hiện nay là mồng 4 tháng Ba nếu không có thay đổi phút
chót. Ngày ngài trở về, chiến lược gia thiên tài đánh từ thế lùi, vẻ đẹp cuối
cùng của nước Mỹ, mặt trời xua tan bóng đêm tăm tối, thiên sứ và đấng cứu thế
Donald Trump, Chúa trên đầu và nhân dân sau lưng, ngọn sóng thần biển cả giáng
xuống lũ quái thú đầm lầy Dân chủ, dẹp tan nhà nước ngầm với những DOJ, FED,
FBI, CIA, NSA thối rữa, trả lại quyền lực cho nhân dân, giành lại chiếc va-li
hạt nhân, để Bạch Cung lại lung linh với những tiên nữ tóc vàng, để nước Mỹ lại
là ngọn hải đăng tự do nhân quyền rực sáng.
Món
cocktail rất Mỹ ấy được tiếp thị đa cấp ồ ạt cho người Việt chủ yếu qua đế
chế truyền thông của Pháp Luân công, kẻ thù không đội trời chung của chính
quyền cộng sản Trung Quốc và đồng minh nhiệt thành của Trump, chậm nhất từ khi
cuộc thương chiến Mỹ-Trung bùng nổ. Những trang tin
tiếng Việt của Pháp Luân công, phổ biến nhất là Đại Kỷ nguyên, Tinh
Hoa, Trithucvn, NTD Việt Nam, vượt xa các thử nghiệm
sớm tàn của chính người Việt với Quan Làm báo và Chân
dung Quyền lực mà một thuở cũng dậy sóng. Người Việt không khó
tính. Thật giả đúng sai tốt xấu không quan trọng, thậm chí lợi bất cập hại thế
nào cũng không quan trọng, miễn là thỏa hi vọng kẻ thù của mình sẽ suy yếu.
Khao khát thoát Trung của người Việt, một khao khát vô vọng từ bối cảnh lịch
sử, hoàn cảnh địa chính trị và điều kiện thể chế Việt Nam, tìm được chốn gửi
gắm trong hệ sinh thái phù Trump khu Trung của lòng ái quốc, chí trả hận, cảm
tính, thuyết âm mưu, tin giả, giáo điều, cuồng tín, mê tín, ngụy tâm linh, thần
bí, mộng du, ảo vọng, hoang tưởng, hysteria truyền thông, sô diễn chính trị và
sự phân cực của xã hội Mỹ.
Tôi
hiểu rằng người ta không dễ lành lặn bước ra từ một hệ sinh thái như thế, trừ
những kẻ trục lợi từ nó: họ sẽ chuyển màu rất nhanh. Nếu ai đó tiếp tục nguyện
trọn đời dâng hiến cho vị thánh một nhiệm kì của mình, thực tình tôi muốn tặng
họ một cuộc đời nữa để thêm thời gian phụng sự. Nếu ai đó hùng hổ ngồi liếm vết
thương, đó cũng là điều bình thường, tôi không thấy thảm hại. Song thảm hại là
việc hàng loạt văn nhân trí thức và đặc biệt thi sĩ Việt, cả chính thống lẫn
ngoài luồng, cả trong lẫn ngoài nước, lấy sự thất bại của thần tượng của mình,
với vỏn vẹn 4 năm chính trường, để xổ toẹt toàn bộ nền văn minh và dân chủ Hoa
Kỳ, coi nước Mỹ, thành trì tự do cuối cùng của nhân loại, đã tiêu vong khi vị
tổng thống thứ 45 rời Nhà Trắng. Rằng sau Trump, đất nước mơ ước ấy của người
Việt chỉ còn là một đống xà bần, nơi lịch sử bị lật đổ, truyền thống bị xóa sổ,
các giá trị thiêng liêng bị chôn vùi, luân thường đạo lý bị đảo ngược. Một nền
dân chủ giả cầy, nơi hiến pháp chỉ còn là tờ giấy lộn, bầu cử gian lận, tòa
không ra tòa, quốc hội không ra quốc hội, các thiết chế thiêng liêng đều tha
hóa thối nát, công lý nằm trong tay lũ ấu dâm hèn nhát, cách mạng văn hóa theo
lệnh Bắc Kinh hoành hành, bất đồng chính kiến bị bịt mồm, báo chí bị kiểm
duyệt, tự do cá nhân bị chà đạp, con người bị nhồi sọ tẩy não, trẻ em bị nhốt
vào lò cải tạo. Một trại súc vật, nơi dân đen mạt vận thì u mê lầm lạc, kẻ cai
trị thì đạo đức giả thối tha, Chúa bỏ đi, satan lên ngôi, khỉ độc nhảy múa, sự
sống bị khinh rẻ, trẻ nhỏ bị xâm hại, gia đình bị đào thải, rác rưởi thắng thế,
tội phạm được mùa, quốc gia vô pháp. Một địa ngục cộng sản trá hình, nơi sưu
cao thuế nặng, giá cả leo thang, công nhân thất nghiệp, nhà nước can thiệp vào
tận niêu cơm, xã hội cào bằng thằng ăn bám cũng như đứa nai lưng đi làm, tài
sản quốc gia chảy vào túi Tập đầu lĩnh. Một nhà thơ ở Việt Nam tuyên bố sau 15
ngày vắng Trump: “Không có Trump giống như tận thế”.
“Ngọn
đồi đen” theo đúng tự sự tận thế ấy. Tác giả vừa mỉa mai vừa có phần ái ngại –
cái ái ngại bề trên – cho những thân phận da đen bao đời khổ nhục, nay hân hoan
tưởng mình thắng lợi và vĩ đại, nhưng đó là một thắng lợi đen, một vĩ đại đen
như chính màu da đen và cái lỗ đen của họ; họ chỉ là những con rối trong trò hề
chính trị, hò reo đắc chí, hí hửng lên đồi vinh quang, song đó là một “ngọn đồi
đen”, một “địa cầu bóng tối”, “thiên đường âm mưu”, “niết bàn đánh tráo”, “ngọn
đuốc đốt phá”, “đấu trường cướp giựt”, “vương quốc cưỡng hiếp”, “thế giới phá
thai”, “đảo quốc ấu dâm”, “đế quốc ma túy”, “phù thủy rửa tiền”, “lò thiêu kinh
thánh”, “lò thiêu sử sách”, “trại súc vật”, “trại tập trung tẩy não”, “pháp
trường đấu tố”, “dân chủ độc tôn”, “tự do phản bội”. Rủi – hay may? – cho chúng
ta là bút lực của Trịnh Cung không đủ cho những câu viết để đời. Chẳng hạn:
“Dây thép gai đâm nát trời chiều Hoa Thịnh Đốn”, hay “Ngọn đồi đen như mực và
như cái tiền đồ của em”.
Tôi
hiểu rằng trường phái thi ca thung lũng đen này là một phản ứng trước bài thơ “Lên
đồi” (The
Hill We Climb) và cơn sốt truyền thông toàn thế giới dành cho tác giả của
nó, nhà thơ nữ trẻ da đen Amanda Gorman. Ở một hoàn cảnh bình thường, tôi không
phí đến hai cái liếc mắt cho một sô diễn thường kì đầy những điều mỹ miều hoành
tráng là lễ đăng quang của tổng thống Mỹ, đảng nào cũng vậy. Thơ tiến vua, thơ
cổ động, thơ sự kiện, màu da giới tính tuổi tác nào cũng vậy, lại càng không
đáng để ý. “Lên đồi”, với tất cả các thủ pháp thuần thục về ngôn ngữ, hình ảnh,
âm thanh, tiết tấu, điển tích, trích dẫn, ẩn dụ không phải là một tác phẩm thơ
đặc sắc, thậm chí khá sến súa, bỏ bom cảm xúc tới mức ù tai và dư thừa khẩu
hiệu; đọc bằng mắt thì dễ buồn ngủ, đọc trong mọi bản dịch tiếng Việt thì kém
xa một bài “Lên đồi” khác: bài “Thướng sơn” của Hồ Chí Minh. Song nó thực sự là
một màn trình diễn ngoạn mục cho một công chúng khổng lồ, kết hợp tài tình mọi
yếu tố: diễn viên, trang phục, vở diễn, phông màn, truyền thống, thời sự, tốc
độ, quy mô, dàn cảnh và bối cảnh. Một bối cảnh hoàn toàn không bình thường, khi
những điều tử tế bình thường nhất bỗng trở nên quý giá sau bốn năm bất thường,
khi một lời khích lệ hướng thiện có phần sáo rỗng bỗng rung như tiếng tơ lòng,
khi một bài thơ thành một bài hịch. Văn học không được lợi gì từ thành công,
nhất là thành công quá lớn, của một tác phẩm ít nghệ thuật, song lịch sử văn
học cũng đầy bất công như lịch sử nói chung, chỉ khác là cuối cùng, hạn sử dụng
của văn chương thời vụ thường ngắn dù thắng lớn. Tác phẩm mới với
màn trình diễn ngoạn mục mới cũng của ngôi sao thi sĩ diễn viên người mẫu và
nhà hoạt động Amanda Gorman nhiệt thành duyên dáng ấy trong trận Super Bowl hôm
Chủ nhật vừa rồi sẽ không thọ quá một kì chung kết bóng bầu dục, dù mang một
thông điệp đáng quý. Có thể chê bôi thơ lên đồi, song không thể tấn công các độ
cao dàn dựng bằng tầm vóc thảm hại của thơ thung lũng.
09/2/2021
=====================================================
Nếu các nhân vật hư cấu đi bầu
Th12
15, 2020
Phạm
Thị Hoài
http://www.procontra.asia/?p=6353
Khó
có thể tìm ra người ủng hộ Trump trong giới tác giả văn học và điện ảnh Mỹ,
nhưng những nhân vật hư cấu nổi tiếng, hiện thân sống động của xã hội, văn hóa
và tính cách Mỹ qua các thời đại và bối cảnh khác nhau, họ chọn ai làm tổng
thống của mình? Một số chuyên gia đã trả lời câu hỏi này trên trang 2paragraphs,
khi Donald Trump đánh bại Hillary Clinton bốn năm trước.
Theo Maureen
Corrigan, giáo sư tại Đại học Georgetown, thoạt nhìn thì việc Jay Gatsby trong Đại
gia Gatsby (The Great Gatsby) của F. Scott Fitzgerald chọn
Trump có vẻ quá hiển nhiên. Hai đại gia này đều sở hữu một bản năng trơ tráo để
không từ một thủ đoạn vụ lợi nào cho bản thân, kể cả những phương tiện mờ ám
hay thậm chí đạp lên luật pháp. Cả hai đều chung gu trọc phú lố bịch, Trump
Tower là phiên bản nhôm kính của lâu đài Gatsby ở West Egg. Cả hai đều chia sẻ
ảo ảnh khập khiễng về một quá khứ vàng son đã mất: Trump thì “Make
America Great Again”, Gatsby thì quyết phục hồi thời đắm say của một tình yêu
chỉ còn tàn tích.
Nhưng
Gatsby sẽ không đời nào chọn Trump. Những tương đồng bề ngoài không át nổi sự
ghê tởm của chàng với tất cả những gì mà Trump đại diện, vì Trump chính là nhân
vật Tom Buchanan trong đời thực, kẻ tình địch đã nẫng mất nàng Daisy của chàng.
Đọc bản thảo, biên tập viên lừng danh Maxwell Perkins của NXB Scribner phải
thốt lên rằng ra đường mà gặp nhân vật tởm lợm này ông sẽ nhận ra ngay và lập
tức tránh xa. Gatsby, tự tay gây dựng cơ đồ, không thể ưa cả Trump lẫn Tom
Buchanan, những kẻ rỗng tuếch háo danh chỉ may mắn sinh ra để tiêu tiền của
người khác, để vênh vang bằng thứ quyền năng bịp bợm, để phun ra một mớ lộn
xộn, chẳng hạn về biến đổi khí hậu và da trắng thượng đẳng, và để không thể
không sỗ sàng thọc tay vào phụ nữ. Gatsby, trước hết là một gã si tình mộng mơ
nên làm sao có thể ưa một kẻ vũ phu vô tri như Trump tức Buchanan. Chàng sẽ bầu
cho Hillary Clinton, dù bà ấy, cũng như nàng Daisy, không còn xứng với khả năng
mở to mắt mà ngạc nhiên của chàng.
Nhân
tiện: Leonardo DiCaprio, diễn viên đóng vai đại gia Gatsby trong bộ phim cùng
tên năm 2013, bền bỉ chống
Trump từ rất sớm.
Theo Patrick
Chura, giáo sư tại Đại học Akron, luật sư và dân biểu Atticus
Finch chắc chắn bầu cho Trump, và điều này đúng cho cả Atticus Finch nhiệt
thành bênh vực một người da đen để bảo vệ lẽ phải trong Giết con chim
nhại (To Kill a Mockingbird), lẫn Atticus Finch, vẫn dấn thân, nhưng
đầy thiên kiến và đứng hẳn về phe chia rẽ chủng tộc trong phần tiếp theo, Hãy
đi đặt người canh gác (Go Set a Watchman), đều của Harper Lee. Người
dẫn truyện, cô bé Scout ngây thơ trong phần I đã tự hào và kính trọng ngước mắt
nhìn lên người cha nghiêm minh, vị anh hùng dám thách thức định kiến của đám
đông vì “điều duy nhất bất chấp đa số là lương tâm”. Hai mươi năm sau, trong
phần II, cô sinh viên luật Scout từ thành phố New York cấp tiến về quê, bang
Alabama ở miền Nam nước Mỹ và kinh ngạc nhận ra cũng người cha ấy bây giờ có
chân trong Hội đồng Công dân Da Trắng, truyền bá những ấn phẩm mà tiến sĩ Nazi
Goebbels chỉ đáng xách dép. Ông tâm niệm rằng người da đen lạc hậu không thể học
chung trường và chung quyền bầu cử thiêng liêng chỉ dành riêng cho những người
đủ năng lực gánh vác trách nhiệm công dân. Tu chính án 15 vì vậy không dành cho
họ. Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp của Trump, khi là tổng chưởng lý ở chính
bang Alabama ấy từng gây nhiều tai tiếng vì đã hạch sách đe nẹt người da đen
lớn tuổi đi bầu cử. Câu nói đùa để đời của ông ta là: tôi thấy KKK cũng OK nếu
họ không xài cần sa.
Scout
cũng nhận ra rằng Atticus Finch không hề tự diễn biến hay trải qua một bước
ngoặt đột phá. Trước sau ông vẫn là một người cha tận tụy, một công dân yêu quê
hương và kính Chúa, một tâm hồn bảo thủ, ưa thích kỷ cương trật tự, dị ứng
trước sự tự do thái quá ở các bang miền Bắc và mong giữ nguyên hiện trạng thủ
cựu ở miền Nam. Việc ông hiên ngang đứng canh trước tòa để ngăn đám đông hành
hình anh da đen Robinson chẳng liên quan gì đến màu da, ông chỉ làm tất cả để
duy trì an ninh và thiết lập trật tự. Lời biện hộ của ông cho Robinson thực ra
phải hiểu là: chúng ta không kết án người đàn ông này vì anh ta vô tội, nhưng
người da đen không xứng đáng được hưởng công bằng xã hội, và kẻ nào ở miền Bắc
nói khác thì tức khắc là kẻ thù của chúng ta. Biện hộ cho một người da đen vô
tội và đồng tình với địa vị bất khả xâm phạm của da trắng thượng đẳng. Tổ ấm chính
trị của ông chính là phong trào cực hữu alt-right, căn cứ địa làm
nên chiến thắng của Trump. Ở quê hương của Atticus Finch, bang Alabama, Trump
dẫn 29 điểm và hơn Clinton 600.000 phiếu.
Nhân
tiện: Nhà văn Harper Lee qua đời trước khi Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ
thứ 45, song trong bức
thư viết năm 1990 cho một người bạn gái, bà gọi khách sạn sòng bạc
Trump Taj Mahal ở Atlantic City là địa ngục trần gian, là hình phạt khủng khiếp
nhất của Thượng đế dành cho con chiên tội lỗi.
Theo Jonathan Gray, giáo
sư tại Đại học Wisconson-Madison, Homer Simpson trong loạt phim
hoạt hình Gia đình Simpson (The Simpsons) thường chỉ là một
bản năng, một vô thức, phát ngôn cho bất kỳ một ý tưởng ngớ ngẩn nào vừa nảy ra
trong đầu, nên có lẽ nhân vật này sẽ mến Trump vì ông ta khá giống mình. Hơn
nữa, Homer thích những điệp khúc vô nghĩa nhưng ngắn gọn dễ lọt tai, “Monorail!” cũng hay
– như trong tập 12 phần 4 –
mà “Lock Her Up!”
cũng tuyệt – như cổ động viên của Trump hò reo đòi tống bà Clinton vào tù.
Nhưng những lần trước Homer không đi bầu, sao lần này lại đổi ý? Vì rất yêu con
gái Lisa, đứa con tài năng nhất gia đình, và mong được con tha thứ cho biết bao
khuyết điểm của bố chăng? Mà Lisa thì ủng hộ Hillary Clinton trăm phần trăm.
Lisa theo nữ quyền, biết biến đổi khí hậu là có thật và tin tưởng ở nhập cư.
Lisa không rảnh để bận tâm tới những chiêu trò phản tri thức và đám đông chỉ
giỏi hò hét bắt nạt. Lisa tôn trọng bất kỳ ai làm tốt việc của họ vì Lisa cũng
làm tốt việc của mình. Những thần tượng lớn nhất của Lisa là người da đen (Bleeding
Gums Murphy) và Do Thái (Mr. Bergstrom). Động cơ thúc đẩy Lisa trước sau
vẫn là quan tâm đến người khác, trong khi Trump chỉ thấy bản thân là trước
hết và trên hết. Vậy Lisa sẽ không mất thời gian với Trump. Mà quả thật, theo
tưởng tượng của cậu con trai cả Bart trong tập “Bart hình dung về tương lai”
đậm vị tiên tri thì em gái cậu, chính là Lisa, sẽ thắng cử tổng thống Hoa Kỳ và
phải xắn tay dọn dẹp đống hỗn loạn đổ nát mà vị tiền nhiệm để lại. Tên vị đó
là Donald
Trump. Ngay trước khi tập này lên sóng, Trump thất bại và rút lui khỏi
chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000. Khi đó, ông ta là ứng viên của Đảng
Cải cách (Reform Party).
Vậy
Homer tuy càu nhàu nhưng sẽ chiều con gái, sẽ đăng ký cử tri, sẽ bầu cho
Hillary Clinton dù sẽ đội chiếc mũ in dòng chữ “Make America Great Britain
Again” đi đến thùng phiếu. Và tất nhiên bà Clinton sẽ thất cử, hai cha
con Homer và Lisa con sẽ kinh hoàng chứng kiến ai là những kẻ hăng hái gia nhập
nội các của Trump: lão Montgomery Burns giàu sụ keo kiệt, tay khủng bố Hank
Scorpio thích làm thiên tài tuyên chiến với hệ thống và luật sư toàn thua
Lionel Hutz.
Nhân
tiện:
1)
Người viết bài này đã nhiều lần thắc mắc mà chưa được giải đáp: nhân vật Lionel
Hutz, gã luật sư luôn cháy túi, từng trấn an thân chủ trong một vụ tranh tụng
vì giấy phạt đậu xe rằng cùng lắm thì bị án tử hình chứ có gì mà lo, huênh
hoang tốt nghiệp khoa luật trường Princeton, dù trường này chưa bao giờ có khoa
luật, vì sao nhân vật ấy ngoài tên phụ Miguel Sanchez còn có cái tên Việt là
Dr. Nguyen Van Phuoc.
2)
Tác giả Matt Groening, cha đẻ của Gia đình Simpsons, ngay trước đợt bầu cử lần
này, 2020, cho ra “Trumpy’s Rhapsody” đầy
chế nhạo vị tổng thống đương nhiệm.
Theo Shoshana
Milgram Knapp, giáo sư tại Đại học Virginia Tech, Howard Roark
trong Suối nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand sẽ cân nhắc
kĩ những ý tưởng quan yếu của mỗi ứng viên. Suốt đời theo đuổi một tồn tại độc
lập và tin tưởng mãnh liệt rằng quốc gia này xây trên nền tảng của chủ nghĩa cá
nhân, chàng sẽ phản đối chủ trương Dân chủ phân phối tài sản và ủng hộ chủ
trương Cộng hòa bảo vệ thành tựu của cá nhân tự do. Lá phiếu của chàng phản ánh
hy vọng của chàng, rằng người thắng cử sau này sẽ hành động đúng như đã hứa với
cử tri và sẽ không trở thành kẻ sống kiếp thứ sinh (second-hander) tồi tệ nhất
– tức chỉ chạy theo quyền lực. Sau bầu cử, có lẽ Howard Roark sẽ nhận ra – cũng
như Ayn Rand, tác giả của nhân vật này, đã nhận ra – rằng các ứng viên
hoàn toàn có thể phản bội những xác tín can đảm của mình. Nhưng trong cuộc bầu
cử tháng 11 năm 1940, cũng như tác giả Ayn Rand, chắc Howard Roark đã không
chọn ứng viên Dân chủ Franklin D. Roosevelt mà bầu cho ứng viên Cộng hòa
Wendell Willkie. Khả năng chàng chọn Trump là rất cao.
Nhân
tiện: Các tác phẩm của Ayn Rand, đặc biệt là Atlas vươn mình (Atlas
Shrugged) được ví như Kinh thánh thế tục của những người theo Cộng hòa, đặc
biệt là phong trào cánh hữu dân túy Tiệc Trà (Tea-Party).
Nữ
chiến binh Katniss Everdeen
Theo George A. Dunn, tác
giả cuốn Triết và Đấu trường sinh tử: Phê phán phản bội thuần túy (The
Hunger Games and Philosophy: Critique of Pure Treason), thật khó
biết Katniss Everdeen trong bộ truyện Đấu trường sinh
tử (The Hunger Games) của Suzanne Collins chọn ai hoặc thậm chí cô có
đi bầu không, nhưng nhờ lá phiếu của những người như cô mà Trump thắng lớn
trong cuộc bầu cử vừa rồi. Cô là một thiếu nữ chân quê giản dị vùng núi
Appalachia chỉ thạo nghề săn bắn, cha thợ mỏ, xung quanh là những thân phận
thảm hại của một cộng đồng nghèo khó, nuôi sẵn niềm nghi kị thâm căn với tầng
lớp tinh hoa kiếm lời trên lưng những người thân yêu nhất của cô. Nếu hơn vài
tuổi, chắc cô đã bầu cho Barack Obama cả hai nhiệm kỳ, chỉ để thêm khắc sâu
niềm nghi kị ấy khi thấy cộng đồng của cô ngày càng sa sút. Nói vắn tắt: cô
chính là hiện thân nhân khẩu học của bộ phận dân chúng ủng hộ Trump.
Nhưng
Katniss như chúng ta biết là một chiến binh bất khuất chống bạo quyền, làm sao
cô có thể chọn một kẻ không buồn giấu diếm khuynh hướng độc tài thô bạo như
Trump? Có thể có những lý do khác được cô ưu tiên hơn. Có thể cô không thấy
những gì chúng ta thấy. Rốt cuộc cô cũng đủ ngây thơ để đem tài năng phụng sự
một tâm địa hắc ám như tổng thống Alma Coin và thậm chí còn tin những lời đường
mật của bà ta là sẽ đánh đổ chế độ độc tài để khôi phục quyền lực của nhân dân.
Xả
thân qua bao trận sinh tử và trở thành một biểu tượng cách mạng, song Katniss
không phải là một nhà hoạt động chính trị theo nghĩa truyền thống. Cô xa lạ với
những giá trị trừu tượng như dân chủ, tự do hay công bằng xã hội. Động lực ở cô
thuần túy xuất phát từ tình yêu gia đình và bạn bè. Nếu quyết định đi bầu, chắc
chắn cô sẽ chọn ứng viên mà cô tin có thể đem lại cho đứa em gái Prim của mình
một tương lai khả dĩ trong nền kinh tế suy sụp ở miền sơn cước. Như nhiều người
khác, cô sẽ đặt cược vào lời hứa hão của Trump về hồi sinh ngành công nghiệp
than đá. Cơ hội thắng cược của cô tất nhiên rất nhỏ. Không lâu sau, ngay trong
nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, cô và những người cùng cảnh ngộ sẽ vỡ mộng, và họ
sẽ phải rất kiềm chế để không bắn thẳng một mũi tên xuyên qua ngực Donald
Trump.
Nhân
tiện: Jennifer Lawrence, diễn viên đóng vai Katniss Everdeen trong bộ ba
phim Đấu trường sinh tử, cho
biết cô vốn sinh trưởng trong môi trường Cộng hòa, lần đầu được bỏ
phiếu đã bầu cho John McCain, nhưng Trump đã khiến cô trở thành một trong những
siêu sao màn bạc chống ông ta hăng hái nhất.
Thiếu
niên nổi loạn Holden Caulfield
David Huddle,
giáo sư tại Đại học Vermont, phát ngôn thay Holden Caulfield, cậu
học trò 16 tuổi đứng trước ngưỡng trưởng thành và chỉ thấy một thế giới của
người lớn ngập ngụa giả dối đang chờ mình trong Bắt trẻ đồng xanh (The
Catcher in the Rye) của J. D. Salinger:
Okay,
bạn biết tôi ghét giả dối, phải không? Thế giả dối nhất lịch sử nhân loại là
ai? Là cái lão hôm nay bịp cả trăm lần và hôm sau bịp thêm trăm lần nữa, nhưng
ngược hẳn những điều hôm qua vừa bịp. Lão giống hệt bộ phim về chính khách bịp
bợm nhất thế giới, nhưng thay vì ra vẻ thân thiện và thực tế và sẽ làm
những điều hay ho cho đất nước thì thủ thuật của lão là bựa toàn tập, có bao
nhiêu đê tiện mửa ra hết. Lão phóng côn đồ ra đường nện người biểu tình. Lão
rắp tâm trục xuất phân nửa người nước ngoài đến đây mưu cầu một cuộc sống dễ
thở hơn, tống cổ luôn cả con cái họ, mà bọn nhóc đó nói tiếng Anh hơn đứt
lão. Lão làm tình làm tội người Hồi giáo cho đến khi họ ước gì đừng bao
giờ đặt chân lên mảnh đất này. Lão hùng hục chọc tức Trung Quốc. Lão phái lục
quân, hải quân, không quân đi quét sạch Syria, Iraq và Iran, rồi
tiến vào cuỗm hết dầu ở đó đem về, rồi sẽ phái Exxon sang dọp dẹp và biến một
nửa Trung Đông thành khu lọc dầu, bơm nốt phần còn sót sang thẳng các trạm xăng
ở Hoa Kỳ. Ngoài ra còn khối chuyện khác: lão huyênh hoang mình là ngôi sao
truyền hình, nên sờ soạng chị em thì đương nhiên, có gì mà xoắn. Lão bảo mình
giàu tới mức đám chúng ta đét biết thế nào mà hình dung, nhưng lão đét đóng
thuế, đét trả công, nợ hàng triệu tiền lương nhưng phủi tay đét trả vì đét hài
lòng với thợ. Lão dính cả chùm vụ kiện và cả đống vụ phá sản, nhưng đét biết
xấu hổ mà lại nổ rằng mình phá sản rất nhà nghề. Không chắc lão thực sự là đàn
ông. Biết đâu lão là một con robot siêu hạng do Nga tuồn sang để biến nước Mỹ
thành bãi đất hoang. Nếu bạn có một bộ óc, một tâm hồn hay một trái tim, chắc
chắn bạn phải khinh bỉ con người đó bằng từng thớ thịt, từng hơi thở của bạn.
Nhưng tôi nói thật, tôi đã cố lắm nhưng không có cách nào căm ghét lão cho đủ,
như lẽ ra phải ghét cho hết cỡ. Tôi đã huy động cả luân lý và tôn giáo. Chúa
Jesus sẽ làm gì với lão? Hay Đức Phật? Hay Mẹ Teresa? Tôi đã luyện tập, tôi đã
nhìn thẳng mình trong gương và tự nhủ: Mình không đủ sức căm ghét con người đó
thì thật chẳng đáng đứng giữa đồng xanh trông trẻ. Nhưng vì sao vẫn không
thành? Vì lão đáng căm ghét vô tận, đến mức cái phân mảnh mà tôi nắm được quá
ít ỏi, không đủ lượng cần thiết để căm ghét lão cho xứng đáng. Hoặc vì tôi sinh
ra cùng một cơn ác mộng và lão đến thẳng từ cơn ác mộng đó.
Chàng
thanh niên mới lớn kết thúc trong tuyệt vọng, rằng ngày xửa ngày
xưa có vài người đàn ông thông tuệ và giàu đức hạnh đã phát minh ra nước Mỹ.
Bây giờ chẳng còn ai giống thế và người Mỹ hiện tại chỉ còn hùa nhau biến tất
cả thành một siêu thị Walmart diện tích bằng trọn bang Texas với một bãi
đậu xe khổng lồ bao quanh. Đôi khi người ta nhìn ra ánh sáng, còn chàng thì nhờ
Trump mà nhìn ra một bóng tối đặc quánh và sâu thẳm, khiến tất cả chúng ta mờ
mắt, như đui mù. Nên chàng đến sống ở thành phố chết Uranium City bên kia biên
giới nước Mỹ, vì nếu phải sống trong đen tối thì thà chọn luôn hiện thực đen
tối cho xong.
Nhân
tiện: Đã có vài bản dịch Bắt trẻ đồng
xanh, song tác phẩm lừng danh này không hề gây một tiếng vang đáng kể
nào tại Việt Nam. Nhưng có thể hỗ trợ kiệt tác ế hàng này bằng cuốn Ứng
viên đồng xanh (The
Candidate in the Rye) của John Marquane về ba ngày dạt vòm của ứng viên
tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngay trước bầu cử. Chắc chắn gây bão và trở
thành sách gối đầu giường không phải của thanh thiếu niên, mà của cha mẹ ông bà
thanh thiếu niên Việt Nam.
No comments:
Post a Comment