16/02/2021
http://vanviet.info/van/thu-dau-xun-tu-h-noi/
Nhân dịpTết Tân Sửu tôi xin được gửi tới quý
vị và các bạn lời chào thân ái với tất cả tấm lòng yêu mến và kính trọng. Mong
các anh chị cùng gia quyến đón mùa Xuân mới trong niềm tin và hy vọng vào một
ngày mai tươi sáng hơn, dù cho đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành như một
Nhân-Thiên tai lịch sử; và các giá trị tốt đẹp của Tự do – Dân chủ cũng đang trải
qua những thử thách cam go nhất trong thời kỳ Hiện đại.
Nhân đây tôi muốn được chia sẻ với bạn đọc những
trải nghiệm riêng của mình trong những ngày tâm trí có vẻ càng xa khỏi trạng
thái “Bát phong xuy bất động” [Tám ngọn gió thổi vẫn không lung lay – thơ Tô
Đông Pha gửi Thiền sư Phật Ấn] vừa qua.
Để bình tĩnh nhận chân cốt lõi của cuộc khủng
hoảng hiện tại tôi đã dành thời gian đọc lại ba cuốn sách (Sapiens: Lược sử loài người; Homo
Deus: Lược sử tương lai; và 21 bài học cho thế kỷ
21) của Noah Harari (nhà sử học – “kỹ trị” lạnh lùng và thông thái, NXB Thế
giới 2018-2019) nói một cách huỵch toẹt các mặt tiêu cực của loài Homo Sapiens
và các thách thức nó đã trải qua và đang phải đối mặt. Ông này rất có tài làm
cho người ta “hoang mang” một cách chính đáng! Đúng là sự thật đau lòng và quả
báo đang ứng nghiệm; các hậu quả khôn lường của các hiện tượng nghiêm trọng như
sự lấp ló của cuộc khủng hoảng sinh thái,mối đe dọa của các loại vũ khí sinh học
hủy diệt hàng loạt, cuộc náo loạn của Trump, Brexit, truyền thông “thời thổ tả”…
đều được ông vạch ra rõ ràng từ 2016-2018.
Rồi để cho cảm xúc được cân bằng tôi đọc lại
cuốn Đối mặt với Vũ trụ của Trịnh Xuân Thuận (người “không chỉ
coi Thiên văn học là một nghề mà là cả một niềm đam mê”, đồng thời là một nhà
văn (tiếng Pháp) tài hoa; và cũng là một người bạn vô cùng quý trọng và thương
mến của nhiều bạn đọc và tôi) viết chung với các nhà khoa học hàng đầu của Pháp
trong nhiều lĩnh vực khác ngoài Thiên văn học (NXB Tri Thức 2016) ngõ hầu tìm lại
niềm hy vọng mong manh đang chao đảo. Và quả nhiên, tôi lại được truyền cảm hứng
để hình dung rõ hơn một Vũ trụ hùng vĩ đẹp lung linh, được vận hành theo các hằng
số và quy luật vật lý chính xác đến mức kỳ lạ; một Vũ trụ nguyên thủy đã mang
trong mình không chỉ mầm mống của sự sống mà cả của ý thức nữa! Bị thuyết phục
bởi và noi theo niềm tin của Trịnh Xuân Thuận, tôi cũng muốn đặt cược vào tính
tất yếu của sự hình thành một Vũ trụ có khả năng tự ý thức, bằng việc tạo ra điều
kiện xuất hiện của loài Homo Sapiens có trí tuệ hiểu được nó, biết chiêm ngưỡng
vẻ đẹp huyền bí của nó, và mang lại cho nó một ý nghĩa. Cuộc đời như vậy há chẳng
đáng vui sống lắm sao?
Tiếp đến để cho tâm trí trở về tĩnh lặng hơn,
học cách của Noah Harari, tôi lại “mon men” đến… Thiền. Chắc là không phải ngẫu
nhiên mà bài học cuối cùng trong cuốn sách nói trên ông lại nói về Thiền. Hẳn
là trong khối óc chứa cả một đại dương “Big Data” thì tâm trí của ông lúc nào
chẳng xáo động? Và vì vậy ông đã dành mỗi ngày hai tiếng đồng hồ để hành thiền
Vipassana. Còn tôi thì mỗi khi cần tĩnh tâm thường hay đọc lại các bài thơ của
các Thiền sư uyên thâm thời Lý-Trần. Đó cũng là thú tiêu khiển của những người
cùng thế hệ của tôi, biết chút ít văn thơ Hán-Việt. Tôi hiểu tiếng Hán-Việt là
một sáng tạo đáng ghi nhận của Tổ tiên ta: viết bằng chữ Nho nhưng phát âm theo
cách Việt. Văn thơ viết ở dạng này có hình thức tao nhã và chứa đựng những nội
dung hết sức phong phú trong đó có triết lý vĩnh hằng của Phật giáo là Vô thường
[không trường tồn, luôn biến dịch]. Có rất nhiều bài hay, nhưng ba bài sau đây
hợp với tâm tình của nhiều người cùng trang lứa trên tuổi “cổ lai hy” như tôi.
Tôi bỏ qua phần chữ Nho để không làm phiền quý vị.
Bài 1. Thị đệ tử [Dạy học trò] (Vạn
Hạnh Thiền sư, 938-1018)
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô [Đời
người như ánh chớp, Có (lóe lên) rồi lại Không (vụt tắt)]
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô [Cây cỏ
mùa xuân thì tươi tốt, mùa thu thì héo cằn]
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy [Mặc cho
sự đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi]
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô [Thịnh
suy đều (mong manh) như giọt sương đầu ngọn cỏ]
Lẽ Vô thường được Vạn Hạnh dạy học trò như thế:
mọi sự đều mong manh và biến đổi, hãy chấp nhận, đừng hoang mang, đừng sợ hãi!
Bài 2. Hữu Không [“Có”
“Không”] (Đạo Hạnh Thiền sư, 1072-1116)
Tác hữu trần sa hữu [Cho là “có” thì
có từ hạt bụi trần gian]
Vi không nhất thiết không [Bảo là
“không” thì cả thế gian này đều không]
Hữu không như thủy nguyệt [“Có”
“không” đều như bóng trăng trong hồ nước]
Vật trước hữu không không [Đừng bám
chắc vào cái “có”, cũng đừng nghĩ cái “không” là không có gì]
Đạo Hạnh giảng nghĩa cái “sắc sắc không
không” của Phật giáo đơn giản vậy thôi: Có chưa hẳn là “có”, mà không cũng chưa
hẳn là “không”; không ai “có” tất cả, cũng không ai hoàn toàn “không” có gì. Đừng
cố chấp điều nào để cho lòng mình thanh thản.
Bài 3: Cáo tật thị chúng [Báo
bệnh với mọi người] (Mãn Giác Thiền sư, 1050-1096)
Xuân khứ bách hoa lạc [Xuân đi trăm
hoa rụng]
Xuân đáo bách hoa khai [Xuân đến trăm
hoa nở]
Sự trục nhãn tiền quá [Sự đời cứ (vô
tình) trôi qua trước mắt]
Lão tùng đầu thượng lai [(mà) tuổi
già thì đã đến trên mái đầu (bạc)]
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận [Chớ tưởng
xuân tàn thì hoa rụng hết]
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai [Trước
sân nhà đêm qua (vẫn) nở một bông mai]
Tương truyền, biết mình không qua trọng bệnh,
Mãn Giác đã gọi các học trò đến để dạy bài học cuối cùng. Kể cũng lạ, sắp qua đời
mà ngài lại nói về mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời. Rồi Thiền sư bình
thản nói về cái vòng tuần hoàn vô thường Thành-Trụ-Hoại-Diệt của vạn vật và
Sinh-Lão-Bệnh-Tử của con người. Hẳn Thiền sư muốn nói với học trò: Ta sắp đi
mãi đây, rồi đến lúc ta lại trời về ở kiếp sau; ta đã đi qua hết sự đời; giờ
thì già rồi… ra đi không hối tiếc; nhưng chớ nghĩ ta đi là hết, mà vẫn còn bóng
dáng ta như bông mai kia trên cõi trần gian này.
Thưa các anh chị, quả là đọc lại những cuốn
sách và những dòng thơ Thiền ở trên lòng tôi bớt xốn xang hơn. Xin được chia sẻ
với mọi người để cùng nhau thanh thản đón ngày đầu năm mới với niềm tin yêu:
mùa Xuân về…
Hà Nội, Tết Tân Sửu 2021
No comments:
Post a Comment