Tuesday, 16 February 2021

"ĐẤT MỒ CÔI" - BẢN ĐIỀU TRẦN VỀ BẠO LỰC (Văn Giá)

 



“Đất mồ côi” – bản điều trần về bạo lực

Văn Giá                 

17/02/2021

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/dat-mo-ci-ban-dieu-tran-ve-bao-luc/

 

1.

Từ đầu đến cuối, già 400 trang sách, tiểu thuyết “Đất mồ côi”[1] mô tả đầy rẫy những cái chết. Chết đơn chết chùm. Chết cá nhân chết nhóm. Chết trong các phong trào chính trị – xã hội, chết trong chiến tranh. Chết xưa chết nay. Chết Nam chết Bắc… Đây là một tiểu thuyết dành để nói về cái chết. Thật thế. Đến nỗi một nhà thơ, bạn tôi (mà không chỉ bạn tôi) quả quyết rằng cái tên tiểu thuyết “Đất mồ côi” lẽ ra phải là “Đất chết” thì mới thâu tóm chính xác được tinh thần của tác phẩm này.

 

Cái chết chính là kết quả, đồng thời là hiện thân của BẠO LỰC. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về bạo lực, thứ bạo lực tác oai tác quái, hoành hành công khai, trắng trợn trong suốt lịch sử người Việt.

 

Có thể hình dung mấy loại cái chết. Loại đầu tiên là cái chết do định kiến xã hội. Những lớp người mang bệnh hủi đi qua ngôi làng bị dân làng chôn sống. Mở đầu tiểu thuyết, tác giả dựng lên khung cảnh những người hủi bị giết chết, và cả người đàn ông kỳ dị chăm sóc đoàn người hủi mang dáng dấp nhà truyền giáo cũng bị giết cùng. Khung cảnh này như một khúc dạo đầu báo hiệu sự có mặt của Thần Chết, của bạo lực tràn lan trên mặt đất.

 

Loại thứ hai, dữ dội hơn, thảm khốc hơn là những cái chết trong các cơn bão của lịch sử-xã hội hiện đại, bắt đầu từ thời chống thực dân Pháp đến thời bình với công cuộc cải cách ruộng đất dưới sự áp đặt, chỉ đạo của nhà cầm quyền Trung Quốc Mao-ít. Người kể chuyện, nhân vật tôi lần lượt trưng ra những cái chết rùng rợn của những người thân qua các thế hệ. Đầu tiên là cái chết của cụ cố do đứa con trai (ông nội) đã khai báo với lực lượng kháng chiến. Tiếp đến là cái chết của ông nội (cha đẻ của nhân vật người bố trên danh nghĩa) bị xử bắn trong cải cách ruộng đất cùng với nhiều cái chết oan nghiệt khác. Tiếp nữa là cái chết của hai nhân vật “chú Tỉnh” và “lão Đỗ” tự giết nhau do ghen tình mà nhân vật chú Tỉnh là người chủ động. Loại cuối cùng là cái chết trong/do chiến tranh Nam-Bắc từ 1954-1975 (được giới sử học và truyền thông chính thống gọi là chiến tranh chống Mỹ; nhà sử học Lê Xuân Khoa gọi là “chiến tranh ủy nhiệm”), theo đó những người lính hai bên giết nhau đẫm máu trong suốt 20 năm nhân danh lý tưởng và đủ thứ huyễn hoặc khác.

 

Ở đây, nhà văn đã chủ động miêu tả một cách kỹ lưỡng, chậm rãi từng cái chết với tất cả sự hung bạo, tàn ác, vô đạo, thú tính bằng một thứ ngôn ngữ cực thực, rùng rợn, đẫm máu – một thứ “bạo ngôn” trắng trợn, không che đậy, gây chấn thương tâm lý người đọc.

 

Nhưng không dừng ở một loại cái chết cụ thể nào, tác giả muốn đẩy lên thành một khái quát cao hơn: cái chết tổ tông truyền. Điều này thể hiện ở hai dấu chỉ nhận biết: i, tiếng gọi đau đớn “Cha ơi” sau cái chết của nhân vật cụ cố và nhân vật ông nội như sự tiếp nối mang màu sắc định mệnh, quả báo; và ii, sự tuyệt diệt của dòng họ này: tất cả chết sạch, không còn một mống nào, từ các nhân vật trực hệ (cụ cố, ông nội, bố, chú Tỉnh) đến nhân vật có dính dáng (lão Đỗ). Và từ cái chết tổ tông truyền này, cộng hưởng với những cái chết như là nạn nhân của các cơn bão lịch sử, nhà văn có tham vọng mô tả cái chết ở quy mô đồng bào, dân tộc (điều này sẽ được nói thêm ở phần sau).

 

Như vậy, “Đất chết” hay Bạo lực chính là gương mặt của một thực tại nghệ thuật thảm khốc mà nhà văn đã kiến tạo nên.

 

Để miêu tả và nhận diện thật rõ gương mặt “bạo lực”, tác giả tiểu thuyết đã tung ra những tình tiết “bạo sát” (với những cảnh tra tấn, hành quyết người), “bạo dâm” (với những pha cưỡng dâm của lão Đỗ, chú Tỉnh với nhân vật là mẹ của “tôi”; “cuồng dâm” (của nhân vật ông nội với bà cả bà hai, nhân vật cán bộ quân nhân với người đàn bà mang tên Sen – bà ngoại của nhân vật “tôi”); và tất cả hiện lên một cách thật chói sáng, đau đớn bằng cách sử dụng lối viết “bạo chữ” – những cơn cuồng bạo của chữ, các lớp chữ. BẠO LỰC như một con triện đã dán nhãn lên tất cả các trang viết của tiểu thuyết này.

 

2.

Trong lịch sử tinh thần nhân loại, quan hệ của mỗi cá nhân với các đơn vị, tổ chức xã hội ngoài cá nhân là những quan hệ cực kỳ phức tạp. Điều này không chỉ phụ thuộc vào ý chí và ước muốn của mỗi cá nhân, mà còn là và chủ yếu là phụ thuộc vào ý chí của ý hệ, văn minh/văn hóa, tôn giáo và nhiều thứ khác.

 

Bạo lực như một tình trạng phổ biến của đời sống được miêu tả trong tiểu thuyết “Đất mồ côi” được cắt nghĩa, truy tìm ở hai nguyên nhân chính: “căn tính ý hệ” và “căn tính bản năng”.

 

Căn tính[2] là cái tính gốc nằm trong mỗi cá nhân, do tiên thiên và do thực tại xã hội, văn hóa, thể chế mà mỗi cá nhân thuộc về tạo thành, quy định. Mỗi cá nhân có nhiều căn tính cùng lúc đồng tồn như văn minh, văn hóa, tôn giáo, chính trị, giới tính, dân tộc…, gọi là con người đa căn tính. Tùy thuộc vào lý tính và tri thức của mình, mỗi cá nhân sẽ lựa chọn căn tính nào là thiết yếu, và thiết yếu trong khung cảnh cụ thể nào, thời điểm nào. Lựa chọn căn tính được coi là hết sức quan trọng, tùy thuộc vào mỗi cá nhân càng đạt được yếu tính tự do, chủ thể thì sự lựa chọn càng đích đáng. Đó là nhìn từ cá nhân. Nếu nhìn từ phía cộng đồng (nhóm, phái, tổ chức…), vấn đề quan trọng là ở chỗ, nếu ý chí cộng đồng đủ mạnh chi phối lựa chọn cá nhân thì hai khả năng có thể xảy ra: tích cực và tiêu cực. Khi ý chí cộng đồng phù hợp với tinh thần tự do của mỗi cá nhân thì dẫn đến khả năng có tính tích cực. Tính tiêu cực xuất hiện khi ý chí cộng đồng áp chế, quy định, chi phối, thủ tiêu căn tính đa dạng ở cá nhân, biến cá nhân thành một phần của cộng đồng có chung gương mặt.

 

Trên một tinh thần như vậy, nhìn vào thế giới nhân vật mà tác giả tiểu thuyết “Đất mồ côi” biểu đạt, mỗi nhân vật trong tư cách con người cá nhân đã bị quy giản theo ý chí cộng đồng thành con người giai cấp. Khi đó, căn tính giai cấp là thống soái, chi phối, quy định, can thiệp vào con người cá nhân, xem thường hoặc xóa bỏ các căn tính khác như đạo đức, giới tính, tín ngưỡng-tôn giáo, dân tộc, nhân loại phổ quát… Từ con người đa căn tính đã bị quy giản, đặt định thành con người đơn căn tính: con người giai cấp, thành phần. Một khi con người được nhìn theo cách như vậy, lập tức có sự phân chia thiệt hơn, xấu tốt, ta địch,… theo thế đối lập, loại trừ. Toàn bộ tinh thần của phong trào cải cách ruộng đất ngay sau hòa bình 1954 chính là sự quy giản con người đa căn tính trở thành con người giai cấp. Địa chủ, người giầu, bất chấp hành trạng nào cũng đều là kẻ địch cần bị thủ tiêu. Lớp người bần cố nông lập tức được coi là người tốt, có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt xã hội. Cải cách ruộng đất với tất cả tính chất đẫm máu của nó chính là hiện thân của một ý hệ có sức mạnh xóa bỏ, thủ tiêu tinh thần đa căn tính của con người, quyết liệt quy giản con người vào căn tính giai cấp. Đây là một hạn chế chết người của ý hệ điều hành trật tự xã hội mà nhà văn Cổ Viên đã phơi bày.

 

Căn tính ý hệ mạnh mẽ đến nỗi có khả năng triệt tiêu một số căn tính khác thuộc về đạo lý, tôn giáo, văn hóa, dân tộc… Căn tính ý hệ sinh ra bạo lực, là căn nguyên của bạo lực. Trong mối quan hệ cha con thông thường, cái căn tính số một chi phối, lựa chọn chủ yếu của bất cứ ai chính là căn tính đạo lý/đạo đức. Nhưng không, trong tác phẩm, tác giả đẩy sự lựa chọn của tất cả các nhân vật chỉ là căn tính giai cấp. Cộng đồng mà các cá nhân thuộc về cũng vậy, bỏ qua căn tính đạo đức, căn tính nhân văn, xem căn tính giai cấp là duy nhất. Từ đó sinh ra bạo lực, tàn bạo. Con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em, tớ giết chủ, hàng xóm giết nhau. Ý hệ đã thành công trong việc bỏ qua căn tính đạo đức, nhân bản, tính người để cho bạo lực lên ngôi, hung hãn và thống ngự. Phong trào cải cách ruộng đất đã thành công trong việc phá hủy nhân tính và nền tảng đạo lý truyền thống vốn sâu rễ bền gốc của người Việt chúng ta. Hiện giờ chúng ta vẫn chưa thôi bị trả giá về biến cố đau đớn này.

 

Trong thế giới nhân vật của “Đất mồ côi”, bên cạnh việc miêu tả căn tính ý hệ, tác giả có tham vọng miêu tả căn tính bản năng bầy đàn, đám đông. Như một bản năng tự vệ, như một tập tính giống loài, một vô thức tập thể, mỗi cá thể bao giờ cũng thuộc về và bị chi phối bởi cộng đồng/đám đông nào đó. Theo phân tích xuất sắc của Gustave Le Bon (1841- 1931) trong cuốn “Tâm lý học đám đông”[3], đám đông thường có mấy đặc điểm nổi bật: mang cảm xúc chung, bị cảm xúc và bản năng dẫn dắt, mù lòa về trí tuệ, dễ bị lợi dụng, tất cả có khả năng dẫn đến bạo lực. Trong các miêu tả về đám đông, tác giả Cổ Viên đã rất xuất sắc chỉ ra những đặc điểm nổi bật: đánh mất lý tính suy xét độc lập, a dua, bầy đàn, hiếu sát. Đặc điểm nổi bật của các đám đông này là sự hung hãn và thích thú hủy diệt. Theo đó, cái Ác hiện hình và được dịp hoành hành. Con người bên cạnh “tính bản thiện” còn có cả “tính bản ác”. Cái ác sẽ được kiểm soát khi con người biết hướng đến văn minh, được giáo dục, được khích lệ và vun trồng cái thiện. Cái ác sẽ được kích hoạt khi trong một bối cảnh cụ thể, ở đó bạo lực được đồng lõa và dung dưỡng.

Xét trong tư cách cá nhân, người ta sẽ có khả năng chế ngự, kiểm soát bản tính ác khi có tri thức, sự hiểu biết, được giáo dục để mỗi người có sự lựa chọn chính đáng. Trong bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể mà các nhân vật sống trong đó, tác giả miêu tả cộng đồng nông dân phần lớn mù chữ, không được học hành, thiếu hiểu biết, nên không có khả năng suy xét độc lập. Thêm nữa, đám đông ấy lại bị sức mạnh ý hệ trưng dụng, điều khiển, thực hành bạo lực, thử hỏi làm sao cái ác không tràn lan, khuynh đảo?

 

Trong tác phẩm “Đất mồ côi”, những cuộc giết người tập thể (nhóm người bị hủi), những cuộc đấu tố và xử bắn các nhân vật cụ cố, ông nội và các vụ đấu tố tương tự chính là sự hoành hành, lên ngôi của cái ác. Sự ra tay của cái ác kinh hoàng đến nỗi chính con người cũng phải ngạc nhiên về khả năng thủ ác và mức độ thực hành cái ác của đồng loại. Cái ác hiện ra với muôn hình vạn trạng biểu hiện và mức độ khác nhau, nhưng xét trên cấp độ khái quát, có thể hình dung ra hai cấp độ: cái ác được thực thi như một việc phải làm, và cái ác được thực thi như một niềm thích thú. Tác giả Cổ Viên rất có ý thức, và trên thực tế đã miêu tả xuất sắc sự nhập nhằng giữa hai trạng thái này của cái ác. Tuy nhiên, sự ra tay của cái ác như một niềm thích thú chính là một phát hiện chiều sâu về bản năng, vô thức ở con người của nhà văn. Hình ảnh cái báng súng bổ xuống vỡ toác đầu nhân vật ông nội lúc bị hành quyết chính là một biểu hiện tột đỉnh hung bạo của cái ác.

 

Tôi cho rằng, trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay chưa có một nhà văn nào miêu tả gương mặt Cái Ác lại chân thực và sắc sảo như nhà văn Cổ Viên – Tạ Duy Anh.

 

3.

Bây giờ tôi xin nói về tinh thần giải huyền thoại trong tác phẩm “Đất mồ côi”. Tác giả Cổ Viên đầu tư khá nhiều vào nghệ thuật trần thuật với những sắp đặt, lắp ghép các phần ngoại truyện, chính truyện, lời giữa sách, mấy lời viết thêm cuối sách như là cách chuyển giọng, khiêu khích và dẫn dắt độc giả. Mẹo này cũng không hẳn mới. Tuy nhiên ở phần lời giữa sách, tác giả đã mượn lời nhân vật trần thuật “tôi” trong tư cách nhà văn (làm như khác hẳn với nhân vật trần thuật “tôi” trong câu chuyện chính văn) để công khai phản tư về huyền thoại cội nguồn dân tộc: bọc trăm trứng – đồng bào – Lạc Long Quân và Âu Cơ… Lời giữa truyện mang tính chính luận. Tác giả nêu lên một hoài nghi: Tại sao người Việt lại sẵn tính ác đến vậy? Và phải chăng cái huyền thoại kia là cách “tự lừa dối” nhằm che đậy những khiếm khuyết thuộc về căn tính ác?

 

Tôi không bàn về chuyện cách nêu vấn đề của tác giả là sai hay đúng (vả lại, văn chương không hướng đến sai/đúng, mà nên/chỉ đưa ra các khả thể). Tôi chỉ muốn nói rằng, ý tưởng “Muốn người Việt không lúc nào thôi thao thức về bản thân mình” (tr. 272) là một luận đề cần thiết, và hết sức quan trọng. Nhìn sâu trong quá khứ cho đến tận hôm nay, khả năng tự phản tỉnh của người Việt về cơ bản là không mạnh bằng một số dân tộc/quốc gia khác, nhất là so với phương Tây (mặc dù đã có một giai đoạn khá khả quan: giai đoạn đầu thế kỷ XX đến 1945). Đặc biệt, khi có sự can thiệp của ý hệ, người Việt rơi vào khuynh hướng “tự si”, tức là thích tự ngợi ca mình, tự vuốt ve, phỉnh nịnh chính mình; ít có khả năng tự thức nhận và phê phán bản thân mình một cách dũng cảm, nhiều khi đau đớn. Cho nên, việc đọc lịch sử, đọc dân tộc học, xã hội học, đọc văn hóa học người Việt là một đòi hỏi chính đáng, lúc nào cũng cần thiết để rút ra những bài học cho tương lai.

 

Như trên kia đã nói tới ít nhiều, ý thức về đa căn tính và duy trì trạng thái đồng tồn đa căn tính là một đòi hỏi không chỉ của cá nhân mà còn của cả cộng đồng dân tộc, quốc gia. Tuy nhiên, không phải muốn mà được. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tinh thần tự do và quản trị xã hội dân sự, vào ý hệ và khả năng lựa chọn… Nhìn lại thực tiễn xã hội Việt Nam trong nhiều năm dài, kể từ sau 1945, căn tính dân tộc bị xem nhẹ so với căn tính giai cấp, con người nhân bản bị lấn át bởi con người ý hệ, chủ nghĩa thành phần soán ngôi nền tảng đạo lý… Khi đó, tinh thần dân tộc, giá trị đồng bào bị phai nhạt. Nhà lãnh đạo kiệt xuất Ấn Độ Mahatma Gandhi đã từng lên tiếng: “Hãy hình dung cả một dân tộc vẹn toàn lại bị xé ra thành từng mảnh, thì làm sao có thể làm nên một dân tộc?”[4]. Công cuộc cải cách ruộng đất trên thực tế đã xé dân tộc Việt Nam ra từng mảnh, y như vậy.

 

Đến đây, tôi mới có cơ sở để lý giải cái tên tác phẩm “Đất mồ côi”. Một tình trạng mồ côi của người Việt có từ thời khởi thủy được diễn giải từ cái nhìn hôm nay. Mỗi cái chết tạo ra nhiều thân phận mồ côi (mà trong tác phẩm có biết bao cái chết, không đếm xuể). Nhân vật “tôi” có người bố (trên danh nghĩa) cũng chịu thân phận mồ côi. Mồ côi nòi giống. Mồ côi niềm tin. Mồ côi nơi an trú… Tác phẩm là một diễn ngôn về xứ sở của những mồ côi.

 

Tôi chủ trương không đi sâu vào nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết này. Với tôi, tiểu thuyết “Đất mồ côi” đã có một sức mạnh khuấy động tâm trí tôi, khiến tôi nghĩ lại và nghĩ tiếp về căn tính, đồng nguyện ngăn trừ BẠO LỰC, vun bồi những YÊU THƯƠNG. Tôi tin rằng những ai khi đọc cuốn sách này cũng đều như vậy. Đó chính là thành công lớn của nhà tiểu thuyết Cổ Viên – Tạ Duy Anh.

 

Khai bút đầu xuân Tân Sửu

VG


[1] Tiểu thuyết của Cổ Viên, NXB Hội Nhà văn, 2021.

 

[2] “Căn tính” là khái niệm được trình bày hết sức sâu sắc và sống động trong công trình “Căn tính và bạo lực” (Trần Tiễn Cao Đăng và Lê Tiến Huy dịch, Nxb Tri thức, 2012) của Amartya Sen, nhà kinh tế học, triết học tại Đại học Harvard, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1998. Điểm cốt lõi của công trình này là ông kêu gọi con người đừng bao giờ để mình bị rơi vào cái “tiểu hình hóa” (thu nhỏ hóa). Theo ông, con người ta có nhiều căn tính đồng tồn; thí dụ: căn tính xã hội, căn tính chính trị, căn tính tôn giáo, căn tính dân tộc, căn tính văn hóa, căn tính giai cấp, căn tính giới tính…; tùy từng cá nhân và xã hội, hay các tổ chức/ nhóm phái mà mỗi các nhân thuộc về cần luận lý và sự hiểu biết để ưu tiên lựa chọn căn tính nào là phù hợp, trong khi không được phép quên các căn tính khác. Nếu chỉ biết đến một căn tính duy nhất, đó là cách thu nhỏ mình lại, chắc chắn sẽ sinh ra xung đột, bạo lực và huyễn tưởng… Do đó, trong công trình, ông công khai chống lại tư tưởng “xung đột giữa các nền văn minh” của tác giả Samuel Huntington được triển khai trong cuốn “Sự va chạm của các nền văn minh” (Nguyễn Phương Sửu, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Phương Nam, Lưu Ánh Tuyết dịch, Nxb Lao động, 2003). Tôi thấy khái niệm “căn tính” có giá trị gợi ý giúp tôi hiểu ít nhiều về tiểu thuyết “Đất mồ côi”.

 

[3] Tâm lý học đám đông (Nguyễn Xuân Khánh dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), NXB Tri thức, 2017.

 

[4] Dẫn theo “Căn tính và bạo lực” (sđd, Nxb Tri thức, 2012, tr. 292).

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats