Thị
trường chứng khoán, sân chơi thật sự của ai?
Toàn
Trần
Feb 2, 2021
https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/thi-truong-chung-khoan-san-choi-that-su-cua-ai/
Vào đầu Tháng Mười Hai,
2020, tôi mua cổ phiếu của hãng GameStop với giá $17 một cổ phần. Từng là hãng
bán lẻ trò chơi điện tử lớn nhất nước Mỹ, GameStop thống lĩnh thị trường với
hơn 5,000 cửa tiệm trải khắp không chỉ ở Mỹ mà còn ở Canada, Úc, New Zealand,
và Âu Châu. Vào những tháng năm cực thịnh của mình, doanh thu của GameStop có
khi đạt được gần $10 tỷ một năm. Thế nhưng kể từ năm 2016, GameStop bắt đầu tuột
dốc khi phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng bán lẻ khác như
Amazon, BestBuy cũng như gặp phải tình trạng người chơi game chuyển sang hình
thức mua game trực tiếp từ chính các hãng sản xuất đầu chơi game như Sony và
Microsoft. Doanh thu của GameStop tuột dần mỗi năm với phần trăm ở hàng hai chữ
số. Vào Tháng Hai, 2019, GameStop báo lỗ đến $673 triệu, một mức lỗ kỷ lục
trong lịch sử của hãng. Vào thời hoàng kim, giá cổ phiếu của GameStop có lúc
lên đến hơn $40. Thế nhưng, vào đầu năm 2020, cổ phiếu của GameStop chỉ còn khoảng
$4. Sự phá sản của GameStop đối với nhiều người là một điều không thể tránh khỏi.
Một tiệm GameStop ở
New York. (Hình minh họa: AP Photo/John Minchillo, File)
Thế nhưng tôi lại mua cổ
phiếu của GameStop vào cuối năm 2020. Phải chăng tôi muốn ném tiền qua cửa sổ?
Không phải vậy. Thời gian
đó tôi có đọc được một bài phân tích tình hình GameStop trên một mạng xã hội có
tên là Reddit. Đây là mạng có nhiều nhóm thảo luận, trong đó có một nhóm mang
trên /r/wallstreetbets. Thành viên của nhóm trao đổi về tình hình chứng khoán
và các kinh nghiệm mua bán cổ phiếu. Những thành viên này tự gọi vui chính họ
là retards (những thằng đần), một cách chơi chữ bằng cách trộn chữ cái của từ
traders. Gọi họ là những tay đần cũng không ngoa vì cách những thành viên này
chơi cổ phiếu thật sự không giống ai. Họ có cách phân tích thị trường chứng
khoán của riêng họ. Trước khi GameStop có buổi báo cáo tài chính quý 3 vào ngày
8 Tháng Mười Hai vừa qua, các thành viên của /r/wallstreetbets cho rằng một
nhân vật nổi tiếng sẽ mua lại GameStop và thay đổi cơ cấu kinh doanh của hãng.
Bài phân tích chỉ ra lý do giá cổ phiếu của GameStop sẽ lên cao trong khoảng thời
gian ngắn tới. Chính sự mong đợi này làm giá cổ phiếu GameStop tăng từ $10 lên
khoảng $17.
Thế nhưng điều mà các
thành viên /r/wallstreetbets mong đợi đã không xảy ra vào ngày 8 Tháng Mười
Hai, 2020. Giá cổ phiếu GameStop giảm còn $15. Tôi không đủ gan nên bán hết cổ
phiếu GameStop đang có trong tay.
Trong khi đó, các hãng đầu
tư và phân tích thị trường chứng khoán thực thụ của Wall Street lại cho rằng
GameStop sắp phá sản đến nơi và họ lên kế hoạch để kiếm tiền qua sự phá sản này
bằng cách “short” cổ phần của GameStop.
“Short” là một hình thức
cá cược, khi mà người chơi dự đoán một cổ phiếu sẽ tuột giá vào một thời điểm
nhất định trong tương lai, họ sẽ mượn cổ phiếu để bán ra với giá hiện tại và
hoàn trả cổ phiếu khi mua vào với giá thấp hơn trong tương lai. Vì đây là một sự
cá cược, nếu giá cổ phiếu không giảm trong tương lai, người chơi sẽ mất tiền. Số
cổ phiếu họ mượn càng nhiều, số tiền họ mất càng lớn.
Chính sự “short” ồ ạt của
những nhà đầu tư Wall Street thực thụ làm những thành viên của
/r/wallstreetbets nổi giận. Họ phân tích những lệnh “short” đang có trên thị
trường và nhận ra rằng đây là cơ hội để tiến hành một “short squeeze.” “Short
squeeze” xảy ra khi những tay chơi short phải mua lại cổ phiếu đã mượn và bán
ra trước đó. Khi số lượng cổ phiếu cần phải mua lại nhiều hơn số cổ phiếu đang
trôi nổi trên thị trường, hay nói cách khác, số cầu nhiều hơn cung, giá cổ phiếu
sẽ bị đẩy lên. Các thành viên của /r/wallstreetbets kêu gọi nhau mua và giữ cổ
phiếu của GameStop, khiến cho số lượng cổ phiếu trôi nổi của GameStop trên thị
trường giảm đi, điều kiện cần thiết của “short squeeze.”
Dĩ nhiên, để đối đầu với
những nhà đầu tư chính thống của Wall Street, người thách thức phải có nhiều tiền,
nhiều đến hàng tỷ đô la. Đó là con số không tưởng cho vài người. Đó cũng là nguyên
nhân khiến những nhà đầu tư Wall Street khá ung dung tự đắc khi tiến hành
“short,” cho rằng khi họ đã tấn công thì không ai có thể cản nổi. Họ đã đánh
giá sai khả năng của nhóm /r/wallstreetbets.
Cũng tương tự như nhiều
hiện tuợng trước đây, sức mạnh của mạng xã hội lại được minh chứng qua hành động
của các “traders” tại /r/wallstreetbets, hay là “retards.” Họ đặt mua cổ phiếu
của GameStop, chụp lại màn hình và khoe nhau. Trong vòng vài tuần, nhóm này có
thêm gần nửa triệu thành viên mới. Và điều kỳ diệu thật sự xảy ra: Bắt đầu
từ ngày 8 Tháng Giêng, giá cổ phiếu GameStop tăng dần từ $17 đến ngày 28 Tháng
Giêng, có lúc lên đến $483, tăng hơn 1,500%. Nhiều thành viên của
/r/wallstreetbets chụp màn hình tài khoản của họ cho thấy trị giá lên đến hàng
triệu đô la từ số vốn vài chục ngàn, thậm chí chỉ vài ngàn đô la. Các thành
viên này liên tục viết những bài cảm ơn cũng như chia sẻ những tin vui như họ
đã có thể trả nợ tiền học, hoặc họ đã có đủ tiền về hưu. Không khí hân hoan
tràn ngập Reddit. Các hãng thông tấn lớn đều đưa tin về hiện tượng này. Nhiều
người cho rằng đây chính là hình thức đầu tư cổ phiếu mới, qua đó, giá cổ phiếu
được sức mạnh của mạng xã hội định đoạt.
Tất nhiên, cái được của
các thành viên /r/wallstreetbets lại là cái mất của các nhà đầu tư Wall Street.
Như nhiều người có ví von, trận chiến GameStop này chính là lấy tiền của nhà
giàu (Wall Street) phân phối cho nhà nghèo. Thế nhưng khi mọi người vẫn còn
đang say sưa thắng trận thì các nhà đầu tư ở Wall Street lại cho thấy sân chơi
này vẫn còn thuộc về họ.
Vào ngày 28 Tháng Giêng,
một loạt các ứng dụng mua bán cổ phiếu như Robinhood, Interactive Brokers, TD
Ameritrade cấm người ta mua thêm cổ phiếu của GameStop. Vì trên thị trường
không còn lệnh mua mà chỉ còn lệnh bán, giá cổ phiếu GameStop đến cuối ngày giảm
chỉ còn $193, hơn 50%. Lý do Robinhood đưa ra để giải thích cho lệnh cấm mua
này là để ổn định thị trường. Dĩ nhiên điều này khiến cộng đồng
/r/wallstreetbets nổi giận. Ngay lập tức, họ nộp đơn kiện hãng ứng dụng
Robinhood, cho rằng hãng thao túng thị trường chứng khoán.
Hành động này cho thấy sức
mạnh của các nhà đầu tư Wall Street. Trong những lúc cần thiết, họ vẫn có thể
can thiệp qua hình thức trực tiếp hay gián tiếp nhằm giảm thiểu thiệt hại của họ.
Không những vậy, qua sự việc này, nhiều nhà lập pháp tại lưỡng viện Quốc Hội Mỹ
có lời kêu gọi phải có biện pháp chế tài nhằm tránh tình trạng giá cổ phiếu
tăng hoặc giảm vô tội vạ thông qua sức mạnh của mạng xã hội.
Có lẽ mọi người vẫn còn
chưa quên, vào một năm trước đây, khi thông tin về đại dịch COVID-19 lần đầu được
thông báo cho Quốc Hội Mỹ, có vài thượng nghị sĩ vội vàng bán tháo cổ phiếu
cũng như mua thêm cổ phiếu của các hãng dược phẩm nhằm kiếm lợi hàng chục, hàng
trăm triệu đô la. Những hành động đó, dù đáng được xem là “insider trading,”
hay thao túng thị trường chứng khoán, thì lại không chịu bất cứ một chế tài
nào. Những thượng nghị sĩ này không phải chịu bất kỳ một hình phạt nào.
Thế nhưng cộng đồng mạng
lại phải chịu một đòn chí mạng. Có lẽ họ quá ngây thơ cho rằng họ có quyền quyết
định ở sân chơi thị trường chứng khoán. Một niềm tin ngây thơ hay chưa đúng thời
điểm? Hiện tại, các thành viên của của /r/wallstreetbets vẫn kêu gọi nhau giữ cổ
phiếu đừng bán ra. Có cảm giác như họ đang nắm tay nhau tạo thành bức tường chắn
chống lại cơn sóng thần của các nhà đầu tư Wall Street. Phần thắng cuối cùng sẽ
thuộc về ai, chúng ta sẽ có câu trả lời vào tuần tới. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment