Wednesday, 10 February 2021

ÔNG KHỔNG TỬ và CÁI "LỒNG CƠ CHẾ" (Jackhammer Nguyễn)

 



Ông Khổng tử và cái “lồng cơ chế”

Jackhammer Nguyễn

10/02/2021

https://baotiengdan.com/2021/02/10/ong-khong-tu-va-cai-long-co-che/

 

Các ông thầy đồ

 

Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang đã về hưu, nằm trong số những cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhiều người Việt Nam kính trọng, trong đó có tôi.

 

Tôi có nói chuyện với ông vài lần, ông không lẫn tránh những gì có thật đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Ông cũng không có cách dùng từ tràng giang đại hải, rất đặc trưng của cán bộ cộng sản Việt Nam, những người xài rất nhiều từ mà không có ý nghĩa bao nhiêu.

 

Trong bài viết “Ông Bí Thư Tỉnh Ủy” mới đây của ông Nguyễn Minh Nhị, ông ca ngợi ông Lê Việt Thắng (Tư Nhung) đàn anh cộng sản tiền bối của ông Nhị. Tôi không biết ông Nhung, nhưng theo cách ông Nhị kể lại, mà tôi tin là thật, thì tôi hình dung ra những người như các ông là những người cộng sản hơn cộng sản.

 

Nhưng tính chất đó của họ không phải do sách vở cộng sản Mác Lê đem lại, mà nó xuất phát từ xã hội truyền thống của Á Đông thì đúng hơn. Tôi không nghĩ là các ông này có đọc được những thứ linh tinh nhập cảng từ phương Tây, như là: Đấu tranh giai cấp, giá trị thặng dư, cách mạng tư sản,… những hạt nhân của học thuyết Mác. Đây là những người ứng xử theo mô hình nhân đức trị kiểu Khổng học ở Á Đông.

 

Ông Nguyễn Minh Nhị kể lại hai chuyện liên quan tới pháp luật, trong đó ông Nhung đã xử ngược với pháp luật (nếu có của đảng Cộng sản). Đó là một vụ đòi nhà và một vụ buôn lậu phân bón. Nếu xử đúng theo luật của đảng thì có vẻ như không hợp tình, rất ứng với câu cửa miệng của người cộng sản là “hợp tình, hợp lý”. Các ông này không nhìn thấy nguyên nhân lớn nhất là những luật định đó được hình dung một cách bất tự nhiên.

 

Cách ứng xử hợp tình hợp lý đó đặt hy vọng trên tính cách đạo đức và thông thái của người đứng đầu, mà trong bài viết của ông Nhị là ông Tư Nhung. Đó là nguyên tắc đức trị xa xưa của Á Đông vậy.

 

Và khi người đứng đầu có đạo đức và thông thái đó ra đi, thì sự hợp tình hợp lý sẽ chấm dứt. Tương tự như vậy, vua hiền thì dân được nhờ, vua ác thì dân ráng chịu.

 

Người ta không nghe nói điều tiếng gì về con cái của các ông Tư Nhung, Bảy Nhị. Khi ông Nhung về hưu và bệnh tật, ông sống trong một căn nhà cấp bốn. Đó không phải là một hình ảnh cộng sản, mà là hình ảnh một cụ đồ thanh bạch ở một làng quê xưa nào đó.

 

Sau ông Nhung và ông Nhị, tỉnh An Giang cũng không miễn nhiễm với nhiều vụ án tham nhũng, quan lại của đảng hống hách dọa nạt dân chúng. Đó mới là kết quả thật sự của mô hình đảng trị, nó dễ dàng tàn phá những gì tốt còn sót lại của kiểu đức trị Khổng giáo.

 

 

Cái “lồng cơ chế”

 

Trong một bài viết gần đây trên Tiếng Dân, tôi có nhắc lại lời giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, rằng người cộng sản rất ngại pháp luật mà họ phải tuân theo luật pháp ấy. Khi xã hội còn khá đơn giản như những năm 1980 tại nông thôn Việt Nam ở An Giang, thì có thể cái kiểu lai tạp giữa Khổng và Marx có thể là… có lý có tình. Nhưng xã hội Việt Nam liên tục thay đổi sau năm 1986, đặt cho người cộng sản vào cái thế kẹt về luật pháp.

 

Một mặt họ nghĩ rằng luật pháp là cần thiết, chẳng hạn như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói vào năm 2017 là phải nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế, tức là pháp luật. Mặt khác cũng ông Trọng, lại nói là hiến pháp đứng hàng thứ 2 sau cương lĩnh đảng, qua câu nói: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”, tức là ông muốn đảng của ông ngồi trên pháp luật.

 

Từ vị trí ngồi trên pháp luật đó, phải chăng ông Trọng, người được cho là sạch sẽ, muốn hành xử kiểu đạo đức như ông Tư Nhung, ông Bảy Nhị?

 

Mà ngay cả cương lĩnh đảng, luật pháp của đảng cũng có xong đâu, ông Trọng vừa xé toạc để ông làm thêm nhiệm kỳ thứ ba đấy thôi!

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats