Những luồng ý kiến về việc ông Nguyễn
Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ ba
Thứ Sáu, 02/05/2021 -
00:44 — nguyenvubinh
https://www.rfavietnam.com/node/6670
Đại hội XIII của đảng cộng
sản đã hạ màn, kết quả không có gì khác với những thông tin đã được đồn đoán từ
trước khi đại hội khai mạc. Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba chức
danh Tổng Bí thư của đảng. Tâm sự trong ngày đăng quang, ông Trọng chia sẻ:
“Bản thân tôi không được khoẻ lắm, tuổi cũng cao, tôi cũng xin nghỉ rồi nhưng Đại
hội bầu vẫn phải làm. Mình là đảng viên thì phải chấp hành, tôi sẽ cố gắng hết
sức. Một cá nhân có vai trò quan trọng nhưng cũng chỉ là một cá nhân thôi. Làm
được hay không phải là tập thể, phải đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng,
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất” - Báo Thanh Niên Online ngày
01/2/2021.
Việc phản biện và vạch ra sự ngụy biện của ông Tổng Bí thư quá đơn giản. Điều lệ
của đảng cộng sản, do chính ông Nguyễn Phú Trọng tham gia xây dựng, và biểu quyết
có hai điều rất rõ ràng. Điều 17: Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư
không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp; Điều 47: Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp
hành nghiêm chỉnh điều lệ đảng. Như vậy đại hội bầu ông Nguyễn Phú Trọng là sai
điều lệ. Là Tổng Bí thư, Ông có thể không chấp nhận việc đại hội bầu và yêu cầu
giữ đúng điều lệ đảng. Đó mới là người đảng viên chấp hành đúng, đầy đủ quy định,
điều lệ của đảng.
Tuy nhiên, cũng không có nhiều người thắc mắc về chuyện này lắm, bởi người ta
cũng đã hiểu. Có nhiều chuyện tày trời, đảng còn vi phạm được, huống hồ một vài
điều ghi trên giấy, mặc dù đó là điều lệ đảng. Thậm chí, người ta còn nói rằng,
đã có điều gì đảng không vi phạm chưa? Và tại sao lại không vi phạm được điều lệ
đảng? Như vậy, với vài lập luận đơn giản, không còn ai thắc mắc về chuyện này nữa,
coi đó là điều bình thường.
Nhưng
đánh giá, nhìn nhận của người dân, của dư luận về việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp
tục nhiệm kỳ thứ ba lại không đồng nhất và đương nhiên nữa. Ít nhất có ba
luồng ý kiến về việc này.
Luồng ý kiến thứ nhất, rất thất vọng về ông Trọng. Với việc đương kim Tổng Bí
thư, người có trách nhiệm cao nhất về giữ gìn uy tín, nguyên tắc của đảng nhưng
ông lại là người phá vỡ điều lệ đảng. Không chỉ phá vỡ một việc, mà là hai việc
liên tiếp. Là người đặc biệt quá tuổi quy định (bộ chính trị dưới 65 tuổi) ở lại
bộ chính trị, sau đó là việc giữ chức vụ Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Những người có luồng ý kiến này, thực chất rất muốn tôn sùng ông Nguyễn Phú Trọng
qua công cuộc chống tham nhũng, “đốt lò” nhưng họ cũng còn chút hiểu biết và
liêm sỉ để không a dua, a tòng trong việc ông này phá vỡ cả điều lệ đảng để giữ
ghế cho bản thân.
Luồng ý kiến thứ hai, rất vui mừng vì việc ông Trọng “được bầu” tái cử nhiệm kỳ
thứ ba Tổng Bí thư. Đối với những người này, việc ông Trọng ở lại quan trọng nhất
sẽ giúp cho công cuộc đốt lò được duy trì; ông là người khá liêm khiết; ông ở lại
sẽ giúp duy trì sự ổn định và chưa có người nào khả dĩ có thể thay thế ông Trọng…
Những người có ý kiến này thường nhìn nhận chưa đầy đủ, chuẩn xác về công cuộc
chống tham nhũng. Họ mới chỉ nhìn thấy việc một số không nhỏ quan chức tham
nhũng bị phát hiện, khởi tố, ngăn chặn mà chưa nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ
tham nhũng của chế độ. Họ cũng chưa nhìn thấy việc chống tham nhũng cũng đồng
thời là việc tập hợp, kéo bè kéo cánh và thanh trừng đối thủ trong đảng. Nhưng
quan trọng hơn cả, họ là những người ủng hộ việc phá vỡ nguyên tắc, coi thường
nguyên tắc, điều lệ của một tổ chức cũng tức là ủng hộ cho sự vô trật tự, cá lớn
nuốt cá bé, sự hỗn loạn xã hội là cơ sở duy trì chế độ độc tài toàn trị.
Cả hai luồng ý kiến này thường là những người đang trong hệ thống, hưởng lợi từ
hệ thống hoặc có quan tâm tới tình hình xã hội nhưng có hiểu biết hạn chế. Tuy
vậy, cũng có một số người đang tham gia phản biện xã hội, hoặc đấu tranh dân chủ
nhưng lại có ý kiến ở một trong hai luồng ý kiến nêu trên.
Luồng ý kiến thứ ba, những người phản biện và đấu tranh dân chủ có quan điểm
triệt để. Họ nhìn nhận sự việc với con mắt tìm hiểu về đối tượng đang thống trị
nhân dân để ít nhất hiểu thêm trạng thái của một tổ chức cai trị hiện hành. Đối
với họ, ông nào làm chức danh gì không quan trọng do đường lối cai trị không hề
thay đổi, việc đàn áp, khủng bố trắng người yêu nước cũng không hề thuyên giảm.
Hàng trăm km đường ở huyện miền núi giáp biên không được trải nhựa, người dân
và con trẻ đến trường vô vàn khổ sở nhưng vẫn chi hàng ngàn tỷ đồng xây dựng tượng
đài. Hàng triệu người bị lũ lụt miền Trung không hề có phương tiện cứu hộ, được
cứu trợ mấy tấn mì ăn liền trong khi tổ chức đại hội, chi phí tới hàng ngàn tỷ
đồng… Việc chống dịch đưa những người đưa đi cách ly chỉ đơn giản đưa tới một
nơi khác khoanh vùng riêng biệt, nội bất xuất ngoại bất nhập trong khi không hề
có một sự chuẩn bị nào cho cuộc sống của họ. Người trồng đào Tết mất cả tỷ đồng
vì không thể đưa cây đào ra khỏi địa phương đang khoanh vùng dập dịch…
Tuy nhiên, thông qua việc phá vỡ điều lệ đảng để duy trì quyền lực của ông Tổng
Bí thư, mà toàn đảng phải chấp nhận việc đó, những người phản biện cũng đã thấy
được một vài điều. Trước hết, đó là quyền lực, thủ đoạn của ông Nguyễn Phú Trọng
quả là ghê gớm. Người bị đột quỵ vài lần, đi lại khó khăn nhưng vẫn kiểm soát
và khống chế được tình hình. Sự xuống cấp nghiêm trọng của các đảng viên ưu tú
(dự đại hội đảng toàn quốc) khi chấp nhận nhóm lãnh đạo phá vỡ nguyên tắc, điều
lệ đảng mà không có ý kiến, không có sự phản đối. Sự trơ trẽn tuyệt đối, thách
thức của lãnh đạo trước toàn đảng, trước dư luận và nhân dân khi công khai phá
vỡ các nguyên tắc, điều lệ do chính tổ chức mình đề ra. Toàn bộ sự việc này có
ý nghĩa rằng, đảng giờ đây không cần che giấu, không cần tô son điểm phấn như
trước đây nữa, sự thống trị được khẳng định công khai. Nhóm lãnh đạo vừa thống
trị trong đảng, vừa lãnh đạo đảng thống trị nhân dân./.
Hà Nội, ngày 05/2/2021
N.V.B
No comments:
Post a Comment