Thursday, 18 February 2021

NGÔN NGỮ RIÊNG CHO NGÀNH NỘI THẤT VIỆT (Nguyễn Thu Phong)

 



 

Ngôn ngữ riêng cho ngành nội thất Việt 

Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam 

11:23, 16/02/2021

https://theleader.vn/ngon-ngu-rieng-cho-nganh-noi-that-viet-1612785329928.htm

 

Làm thế nào để kiến trúc và nội thất Việt thực sự dành cho người Việt? Đây là câu hỏi, niềm trăn trở lớn đối với nhiều chuyên gia và người trong cuộc.

 

https://image.theleader.vn/thumbs/788x0/upload/ngocanh/2021/2/8/kien%20truc%20su%20Phong-1.jpg

Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam

 

Thị trường xuất khẩu nội thất Việt đã có sự tăng trưởng ổn định, ấn tượng hơn trong 10 năm qua, trở thành một công xưởng hàng đầu thế giới nhưng hầu hết là các công đoạn gia công thô theo mẫu thiết kế của các nhà đặt hàng và tỷ trọng chất xám và giá trị gia tăng trong cấu trúc sản phẩm còn thấp.

 

Ngược lại, thị trường nội thất nội địa lại rất manh mún và nhường thị phần lớn cho các hàng nhập khẩu Trung Quốc ở phân khúc thấp và trung, hay chuộng ngoại với giá “trên trời” cho các hàng cao cấp nhập khẩu châu Âu. Chưa có một thương hiệu hay một xu hướng nội thất Việt gặp gỡ được thị trường nội địa một cách bền vững và được nhận biết rõ nét. Về nguyên do có lẽ rất nhiều từ các khâu thiết kế, chất lượng, giá thành hay chuỗi cung ứng, tiếp thị... đều có hạn chế.

 

Ngay cả khi bắt chước xu thế nội thất thế giới thì năng lực sản xuất dám tung lực vào thị trường nội địa của doanh nghiệp nội thất Việt cũng đầy rụt rè lo ngại, vì sự đa dạng trong mẫu mã, khả năng sản xuất số lượng lớn hạ giá thành hay kênh phân phối thiếu độ phủ hay chi phí showroom, logistics đắt, đều tác động mạnh đến những người muốn đầu tư.

 

Ở cấp độ cao hơn, việc nắm bắt và tạo dựng xu hướng riêng cho phong cách nội thất Việt thu hút người mua ủng hộ là điều cực kỳ mơ ước và xa vời với nền công nghiệp nội thất hiện nay. Trước hết dù chúng ta có doanh số xuất khẩu đồ gỗ gấp 5-7 lần Thái Lan nhưng nền công nghiệp thiết kế của chúng ta nói chung và tạo dáng công nghiệp nội thất của Việt Nam thua khá xa các nhà sáng tạo nước bạn.

 

Khoảng cách này đang được thu hẹp nhưng cần thêm thời gian nữa.

 

Người Việt đã thể hiện sự sợ hãi và tác phong an toàn trú ẩn thay đổi tập quán tiêu dùng rõ nét sau dịch Covid-19. Sự thắt chặt chi tiêu trong hầu hết cơ cấu tiêu dùng rất rõ và sụt giảm mạnh cho đầu tư nội thất, đặc biệt là hàng cao cấp. Sự thay đổi đột ngột này làm các doanh nghiệp lao đao và sự đầu tư tiếp tục các dự án dang dở rất lúng túng, đình trệ, chuyển hướng hay hoàn thiện cơ bản chờ tình hình mới.

 

Điều này có thể còn kéo dài thời gian tới, và những thay đổi trong văn hóa thẩm mỹ không gian ở còn sẽ xuất hiện các phản ứng khác nhau, chúng ta cần quan sát chờ thêm.

 

Nhưng tôi cho rằng cần nghiêm túc nghĩ về một thị trường nội thất đơn giản hiện đại và giá rẻ kiểu như sản phẩm IKEA thương hiệu Việt Nam. Ngay cả xu hướng ở nhà thuê, nhà căn hộ nhỏ và di chuyển nhà ở vừa túi tiền cũng sản sinh ra các loại vật dụng tối giản, tiện lợi và lắp ghép.

 

Đối với nội thất trung cao, xu hướng thẩm mỹ đẹp, hợp tính thời trang của thế giới với sản phẩm chất lượng vừa phải dòng đời sản phẩm từ 2-4 năm cũng sẽ lên ngôi với giá thành tiết kiệm hơn cho người mua. Ví dụ, người dùng Việt vẫn có tâm lý sofa phải có tuổi thọ dùng trong nhà từ 5-7 năm trở lên, trong khi khách hàng châu Âu hay thị trường Trung Đông hầu hết tuổi thọ sofa từ 3-5 năm là thay mẫu trong nhà. Xu hướng tự decor lắp ráp cũng sẽ sớm lên ngôi vì phù hợp với tinh thần người trẻ năng động hiện nay tại Việt Nam, và cũng thể hiện sự tiết kiệm chi phí vận chuyển lắp ráp.

 

Văn hóa và tính cách của người Việt năng động, cởi mở, yêu thích cái mới, dễ hòa nhập nên xu hướng nội thất và thẩm mỹ kiến trúc nhà ở cũng thay đổi rất nhanh, nhiều khuynh hướng decor đến rồi đi, sự ổn định bền vững và xuyên suốt của Viet Style chưa hề có, nếu chăng chỉ một ít tác phẩm tốt của một số tác giả, chưa hề hình một trao lưu xu thế được yêu thích lan truyền, bồi bổ và nâng cấp mạnh mẽ.

 

Chính vì thế giấc mơ tìm kiếm một điểm tựa văn hóa thể hiện vào đời sống kiến trúc nội thất không gian sống người Việt vẫn là sứ mệnh hành trình chứng minh tính “đậm đà bản sắc” còn gây nhiều tranh cãi.

 

Nhưng tôi tin rằng sự phát triển ổn định kinh tế kèm với xu hướng hội nhập tiến bộ của giới trẻ sẽ ngày càng sàng lọc những hạt sạn thẩm mỹ và văn hoá trong môi trường sống người dân Việt Nam.

 

Tiếp tục cổ súy các phong cách sống hiện đại, văn minh, tinh thần công nghệ 4.0 đi đôi với phát triển bền vững, xanh, bảo vệ và trách nhiệm với môi trường sẽ được ủng hộ. Những cách tiêu xài xa xỉ, khoe mẽ và kệch cỡm du nhập văn hóa ngoại lai sẽ dần được đẩy lùi. Trong đó, vai trò của giới sáng tạo, giáo dục, truyền thông và cả các chủ đầu tư rất quan trọng. Không nên chạy theo thị hiếu rẻ tiền, bán các sản phẩm bất động sản xa lạ về thẩm mỹ, rẻ tiền làm hư thị hiếu người Việt.

 

Tôi thấy rất mừng một số kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất tại Việt Nam đã có những tìm tòi khám phá và tạo dấu ấn sáng tác rất riêng, có hồn, đầy tình cảm và thân thiện toát lên một màu sắc Việt mới mẻ, không câu nệ hay bấu víu vào phong cách Đông Dương thuộc địa hay cũng chạy theo yếu tố lạm dụng “Xanh” tràn lan. Các bạn tổng hòa một cách ý nhị, nhẹ nhàng tinh tế và chứng minh vẻ đẹp công trình và nội thất một cách thuyết phục, với các xử lý không gian mầu sắc đầy thú vị. Những lối đi riêng đầy cảm hứng đó bắt đầu tạo ra một thế hệ các nhà kiến trúc nội thất tài năng và hy vọng lan tỏa dẫn dắt thị trường mà chúng ta luôn mong mỏi sự phát triển bền vững cùng văn hóa và yếu tố bản địa.

 

Đặc biệt, tôi thấy thú vị và bất ngờ với trào lưu homestay, farmstay hay các công trình khởi nghiệp kinh doanh nhỏ của giới trẻ và các cộng đồng dân cư khắp vùng miền Việt Nam thật sôi động, lan truyền tạo hiệu ứng nhanh cả giữa các nhà đầu tư dân chúng nhỏ lẻ hay tương tác với khách hàng, khách nghỉ... . Một phần cuộc sống mỹ thuật dân gian đương đại nảy nở ở đây từ tạo hình kiến trúc, decor nội thất đến các tác phẩm trưng bày hay nghệ thuật đồ hoạ ứng dụng.

 

Điều mừng hơn nữa, là họ lấy cảm hứng chính từ đời sống thường nhật kinh tế xã hội địa phương và khai thác bản sắc văn hóa đặc trưng thật nhẹ nhàng, dễ dàng, như hơi thở vốn có, nhưng lại hết sức mê hoặc du khách ghé thăm.

 

Cách đây không lâu, tôi ghé ở Homestay của bạn Tráng A Chu tại Hủa Tạt, Vân Hồ, Sơn La. Một bungalow gia đình rất đẹp và cười ngất với tấm bản gỗ nhỏ ngoài cổng ghi “six senses villa “! Quả thật rất đáng yêu và càng gật gù với tên gọi duyên mà đúng đó.

 

Như vậy, nghệ thuật phát sinh mạnh mẽ từ quần chúng, dĩ nhiên có sự trợ giúp của các môi trường giáo dục và giao thoa văn hóa, sẽ quay lại truyền cảm hứng cho giới nghệ sĩ trẻ trên con đường đi tìm những ý tưởng sáng tạo mang chất Việt trên quê hương Việt Nam

 

Là một kiến trúc sư hành nghề, tôi vẫn đang đi tìm cho cho riêng mình một ngôn ngữ kiến trúc Việt với những suy nghĩ trăn trở từ cảm hứng kiến trúc tín ngưỡng, cung đình và dân gian truyền thống Việt Nam. Dù nhiều bận rộn gián đoạn, không quá thúc ép và chưa thật sự quyết tâm nhiều thời gian, nhưng đi tìm lời giải về cảm hứng sáng tạo từ chất liệu truyền thống vào sáng tạo các tác phẩm của tôi và Nhà Vui vẫn là một quá trình, chưa có lời giải. Vẫn là những lời nhắc thường trực và sự cảm nhận, tôi tin rằng sẽ thay đổi, chín hơn, sâu sắc rõ nét hơn theo thời gian.

 

Sự nhận thức và tìm kiếm các sức mạnh văn hóa truyền thống trong ngành thiết kế sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh đáng sợ của sự du nhập ngoại lai, vay mượn kiến trúc giả cổ châu Âu, lệch pha về thời đại nơi chốn đang thịnh hành đáng ngại tại các dự án bất động sản và du lịch hiện nay, làm hỏng thị hiếu thẩm mỹ của người dân vốn cần xây dựng tiên tiến tại Việt Nam.

 

Trong công việc hàng ngày, tôi tin rằng yêu và cổ súy văn hóa Việt trong việc thiết kế trước sau gì cũng sẽ đạt được các thành tựu. 

 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả - Kiến trúc sư Nguyễn Thu PhongChủ tịch HĐQT Nhà Vui, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam

 

 

TIN LIÊN QUAN

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats