Monday 15 February 2021

NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI CHÂU Á ĐANG TĂNG NHANH GIƯA ĐẠI DỊCH (Eric Hinton - NBC)

 



Nạn Phân Biệt Chủng Tộc Đối Với Người Châu Á Đang Tăng Nhanh Giữa Đại Dịch

Eric Hinton  -  NBC

Ren Dinh, chuyển ngữ

15/02/2021

https://www.the-interpreter.org/post/nan-phan-biet-chung-toc-doi-voi-nguoi-chau-a-dang-tang-nhanh-giua-dai-dich

 

Hình : https://static.wixstatic.com/media/be74b3_7f02da2393594b768945a631b20c9b13~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_494,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/be74b3_7f02da2393594b768945a631b20c9b13~mv2.webp

 

 

Từ các dãy phố ở San Francisco tới khu phố Tàu đặc trưng của New York, số lượng các vụ phạm tội mang tính thù ghét nhắm tới người Mỹ gốc châu Á tăng đột biến trong đại dịch COVID-19. Đáng buồn thay, những vụ tấn công này đã đến và đi mà ít ai quan tâm.

 

Một năm sau khi nạn phân biệt chủng tộc với người Mỹ Da đen dẫn tới cuộc nổi dậy toàn quốc kêu gọi công lý, các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhắm tới cộng đồng người châu Á lại không nhận được nhiều sự chú ý. Năm nay, khi các vụ phạm tội mang tính thù ghét lại tăng đột biến lần nữa, các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc châu Á yêu cầu phải có sự thay đổi.

 

Tuần này, San Francisco đã điều phối thêm cảnh sát tới phố Tàu sau khi một số người Mỹ gốc châu Á cao tuổi bị tấn công, ăn trộm, và chiếm đoạt tài sản. Các quan chức địa phương khuyến cáo người dân cảnh giác sau khi ba vụ tấn công bạo lực xảy ra liên tiếp trong ngày 31 tháng 1. Một trong ba vụ này đã được đưa lên báo chí quốc gia do có bằng chứng camera an ninh quay cảnh một cụ già 91 tuổi đột nhiên bị xô ngã.

 

Diễn viên và nhà hoạt động xã hội Daniel Dae Kim, Daniel Wu, và các ngôi sao nổi tiếng khác đã lên tiếng trên mạng xã hội, chỉ trích cuộc tấn công và nhắc lại lời kêu gọi công lý cho cộng đồng người châu Á. “Số lượng các vụ tấn công nhắm tới người Mỹ gốc châu Á vẫn tăng cao, dù chúng tôi đã liên tiếp kêu gọi giúp đỡ. Những tội ác này đã bị ngó lơ quá nhiều, thậm chí còn được tha thứ …#QuáĐủRồi (#EnoughisEnough),” Kim viết trên Instagram.

 

Ngôi sao từ phim “Crazy Rich Asians” và “Eternals” Gemma Chan chia sẻ một video của nhà hoạt động xã hội Amanda Nguyen trên Twitter về các vụ tấn công người châu Á khắp nước trong thời gian gần đây, trong đó có một cụ già 84 tuổi người Thái bị xô ngã và giết hại ở San Francisco vào cuối tháng trước.

 

Chan viết rằng “những cuộc tấn công này đã bị làm lơ quá nhiều.” Theo Yang Chen, tổng giám đốc Hiệp hội Luật sư Người Mỹ gốc châu Á của New York, tính tới 31 tháng 12 năm 2020, đã có 259 vụ miệt thị người châu Á ở New York được trình báo lại với Stop AAPI Hate, một tổ chức được tài trợ bởi Asian Pacific Policy & Planning Council (Hội đồng Kế hoạch hoá & Chính sách vùng Châu Á – Thái Bình Dương), Chinese for Affirmative Action (tổ chức Người Trung Quốc theo Chính sách Nâng đỡ), và Khoa Châu Á – Mỹ Học của Đại học San Francisco State.

 

Tại sao số lượng các vụ tấn công nhắm tới cộng đồng người châu Á lại tăng cao vậy? Nhiều người cho rằng không cần phải nhìn đâu xa, mà chính cựu Tổng thống Donald Trump đã kiên quyết gọi COVID-19 là “Cúm Wuhan” hoặc “Virus Tàu”. Những người chỉ trích ông Trump tin rằng, thái độ này đã kích động các vụ tấn công.

 

Giữa tháng 3 và tháng 5/2020, Uỷ ban Nhân quyền Thành phố New York đã nhận được báo cáo về 389 vụ phạm tội mang tính thù ghét liên quan đến coronavirus. Trong số đó, 145 khiếu nại có liên quan tới hành vi miệt thị người châu Á, tức 37% tổng số khiếu nại được gửi về. Theo báo cáo, 145 khiếu nại này cho thấy “số khiếu nại miệt thị người châu Á đã tăng gấp mười so với 12 khiếu nại của năm ngoái.

 

Trong một buổi họp báo vào thứ Năm, Dân biểu Quốc hội Grace Meng đại diện cho khu vực quốc hội thứ Sáu của New York, đã chỉ trích hiện tượng bạo lực và muốn toàn quốc quan tâm hơn tới những cuộc tấn công này. “Chúng ta có thể tổ chức buổi họp báo này vào bất cứ tuần nào trong suốt năm vừa qua”, Meng nói. “Nhưng riêng tuần này, mọi người đã đọc và thấy được những câu chuyện về bạo lực chết chóc nhắm tới cộng đồng người gốc Á. Video và hình ảnh những người bị tấn công làm tôi cảm thấy ghê tởm. Đây là một khoảnh khắc buồn cho cộng đồng, thành phố, và đất nước. Đây là cha mẹ, ông bà, và hàng xóm của chính chúng ta.”

 

Meng nói thêm, “Cựu tổng thống đã tiếp tay cho thái độ bài ngoại, thứ đã cổ xuý phân biệt chủng tộc và bật lên những nỗi lo sợ và kì thị kinh khủng nhất của con người”.

 

Frank H. Wu, hiệu trưởng trường đại học Queens tại Thành phố New York, nói rằng mọi người quen nói chuyện về chủng tộc theo “Đen và trắng. Nên khi bạn giới thiệu một nhân vật không phải da Đen cũng không phải da Trắng, họ bị bối rối. Họ không hiểu mối liên kết này“.

 

Wu nói thêm rằng nhiều vụ tấn công bắt đầu với những lời lăng mạ nhưng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng. “Những lời đó chỉ để mở màn, từ đó dẫn đến bạo lực thể chất. Hãy thử hỏi bản thân rằng nếu bạn là người da trắng và có người nhào ra nhổ vào mặt bạn, thì bạn sẽ làm gì? Nếu điều đó xảy ra với vợ bạn hay mẹ bạn và nó cứ lặp đi lặp lại thì sao? Người Mỹ gốc châu Á đã im lặng quá lâu rồi. Chúng tôi muốn thứ những người Mỹ khác cùng muốn… được sống yên ổn và đạt được ước nguyện của bản thân. Không hơn. Không kém.”

 

Người dịch: Ren Dinh/ Người Thông Dịch

Biên tập: Gary Nguyen

Bình Luận từ Facebook

 

 

=========================

.

.

Khi các cuộc tấn công chống lại người Mỹ gốc Á tăng đột biến

Cali Today

February 13, 2021

https://www.baocalitoday.com/cong-dong/khi-cac-cuoc-tan-cong-chong-lai-nguoi-my-goc-a-tang-dot-bien.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats