Sunday, 21 February 2021

HY VỌNG TỐT NHẤT CÓ THỂ LÀM DÂN MỸ ĐOÀN KẾT LÀ TRUNG QUỐC (Lê Mạnh Hùng)

 



Hy vọng tốt nhất có thể làm dân Mỹ đoàn kết là Trung Quốc

Lê Mạnh Hùng

Feb 17, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hy-vong-tot-nhat-co-the-lam-dan-my-doan-ket-la-trung-quoc/

 

Một trong những trận đánh đầu tiên của cuộc nội chiến Mỹ xảy ra tại một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Missouri có tên là Carthage.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/02/A1-Trung-Quoc-de-My-doan-ket-1536x1023.jpg

Ngay cả những người Mỹ không luyến tiếc gì vai trò đại bá của mình cũng không thể chấp nhận Trung Quốc lên thay thế mình vì phương diện chính trị. (Hình minh họa: Kevin Frayer/Getty Images)

 

Trước đó trên 2,000 năm, Carthage, thị quốc mà thị trấn tại Missouri lấy tên, là kẻ thù nguy hiểm nhất của Rome. Khi cuối cùng Rome thắng thì họ đã hủy bỏ toàn diện thành phố này và còn lấy muối trải lên đất để không bao giờ thành phố này có cơ hội phục sinh. Nhưng sau khi tiêu diệt được Carthage, Rome quay trở lại đánh lẫn nhau và chỉ chưa đầy một thế kỷ sau nước Cộng Hòa Rome sụp đổ. “Melitus hostilis,” nỗi e sợ kẻ ngoại thù là lý do chính giữ dân chúng nước cộng hòa đoàn kết với nhau, đó là nhận định của sử gia La Mã Sallust.

 

Và nếu nước Mỹ có muốn tìm một Carthage cho Rome của mình thì đó không phải Mỹ bẩm tính hiếu chiến. Đó là vì hòa bình có thể tạo ra nhiều căng thẳng tâm lý. Cuộc nội chiến Mỹ xảy ra sau khi Mỹ bành trướng sang đến bờ biển Thái Bình và đánh bẹp quốc gia gần nhất có thể gọi là đối thủ, Mexico.

 

Chia rẽ sâu đậm không những giữa đen và trắng mà cả giữa những dân tộc da trắng nói chung xảy ra trong thời giữa hai thế chiến. Chính việc động viên tài nguyên chuẩn bị cho chiến tranh chứ khộng phải chỉ riêng chương trình New Deal của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt giúp hội nhập các sắc dân Irish, Ý, Ba Lan vào với cộng đồng Anglo Saxon và Bắc Âu.

 

Sau đó là cuộc chiến tranh lạnh. Ta có thể thấy sau chiến tranh lạnh là sự bùng nổ của tinh thần phe đảng mà bằng chứng hiển nhiên nhất là việc thông qua các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, một chỉ dấu đại diện cho sự hợp tác giữa hai đảng tại Washington, không bao giờ đạt được mức nhất trí kể từ sau năm 1988.

 

Một nước Mỹ không bị thách thức từ bên ngoài là một nước Mỹ chia rẽ. Từ đó suy ra hy vọng tốt nhất mang lại một sự đoàn kết nào đó cho xã hội Mỹ trong những năm tới là một Trung Quốc nổi lên thách thức bá quyền của Mỹ. Điều được coi như là một tai họa cho vị thế của Mỹ trên thế giới có thể lại là một phương thuốc thần hiệu cho sự đoàn kết nội bộ nước Mỹ. Suy thoái cũng có cái ích của nó.

 

Tất cả những giải pháp khác nhằm hàn gắn sự phân rẽ trong nước Mỹ đều không đủ sức. Quản lý tốt hơn các môi trường truyền thông xã hội, phân chia cho đồng đều hơn các hạt bầu cử… tất cả các cải tổ đó đều tốt, nhưng tầm mức sâu đậm của vấn đề so với mức hời hợt của những cải tổ này là cả một tương phản.

 

Bởi vì họ đã phải hy sinh rất nhiều để có được quyền lực, các chính trị gia thường có khuynh hướng đặt niềm tin quá lớn vào những gì mà chính sách có thể làm được trong việc thay đổi các chiều hướng cơ cầu xã hội cũng như các lực của lịch sử. Nước Mỹ không bước vào thời đại phân hóa vì một vài khuyết điểm kỹ thuật trong hệ thống chính trị của mình. Và nước Mỹ cũng không ra khỏi nó qua việc lặp lại những khuyết điểm này.

 

Chỉ một kẻ ngoại thù mới có thể làm được chuyện đó. Nhưng không phải kẻ thù nào cũng có thể làm dân Mỹ đoàn kết lại. Để làm được vậy cần phải có hai điều kiện: tầm mức to lớn (để tạo ra e sợ) và một mô hình chính trị khác biệt (để tạo ra một cảm giác ngoại lai).

 

Sự thiếu điều kiện thứ nhất là lý do tại sao al-Qaeda chỉ có ảnh hưởng phớt qua đối với xã hội Mỹ sau vụ tấn công ngày 11 Tháng Chín, 2001. Khủng bố – ngay bản chất của nó đã có tình trừu tượng – có tính cách tản mạn và những nước được coi như là bao che cho khủng bố như Iraq hoặc Afghanistan thì không cho một đối tượng có thực chất nguy hiểm.

 

Và phần điều kiện thứ hai, trong khỏoảng cuối thập niên 1980 đầu 1990 người ta đã thổi phồng nguy cơ Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản, một quốc gia dân chủ chưa bao giờ vượt qua được vị thế một đối thủ cạnh tranh thương mại để trở thành một kẻ ngoại thù có thể đoàn kết dân tộc.

 

Trung Quốc thì khác. Trung Quốc có đầy đủ hai điều kiện. Ngay cả những người Mỹ không luyến tiếc gì vai trò đại bá của mình cũng không thể chấp nhận Trung Quốc lên thay thế mình vì phương diện chính trị.

 

Nhưng cũng có thể là có đoàn kết nội bộ mới có kẻ thù chung. Trong tháng đầu tiên làm tổng thống, ông Joe Biden đã lật ngược hầu hết những chính sách ngoại vụ của ông Donald Trump. Hoa Kỳ tái gia nhập Ủy Hội Bảo Vệ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc; tỏ ra sẵn sàng phục sinh lại thỏa hiệp hạch nhân với Iran. Quan hệ với Saudi Arabia nay lạnh hơn. Và trong một hội nghị thượng đỉnh G7 ảo, ông Biden đã sáp lại gần với các đồng minh truyền thống của Mỹ.

 

Lãnh vực độc nhất mà có sự liên tục giữa chính quyền Trump và Biden là đối với Trung Quốc. Ông Biden nói Bắc Kinh đe dọa “ăn hết cơm của ta” (eat our lunch), Hoa Kỳ phải đối phó với “cạnh tranh gay gắt.” Chính vì đề phòng Trung Quốc mà cả chính quyền Biden cũng theo đuổi một chính sách bảo hộ mậu dịch đối với việc cung cấp hàng cho chính phủ cũng như xúc tiến việc thành lập một liên minh các quốc gia dân chủ.

 

Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi mà người Mỹ cả hai đảng đồng ý với nhau. Nếu và khi nào Trung Quốc qua mặt Mỹ trên phương diện kinh tế, thì có lẽ sự đoàn kết để đối phó với cơ nguy bên ngoài sẽ còn sâu đậm hơn nữa.

 

Ông Georgi Arbatov, cố vấn tòa đại sứ Liên Xô tại Washington, được kể lại là có lần nói với một nhóm thính giả Mỹ trong thập niên 1980: “Chúng tôi sẽ làm cho các bạn một chuyện khủng khiếp. Chúng tôi sẽ lấy đi khỏi các bạn một kẻ thù.”

 

Câu nói nghe thật mỉa mai và tuyệt vọng vào lúc đó. Nhưng nay nó có tính tiên tri đến rợn người. [qd]

 

----------------------------

 

BÀI CŨ :

 

Đông Nam Á chọn Mỹ hay Trung Quốc?

Feb 16, 2021

.

Biển Đông vào mùa biển động

Feb 9, 2021

.

Quyền lực từ họng súng

Feb 3, 2021

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats