Đảo
chính tại Miến Điện và những giới hạn của trừng phạt của quốc tế
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 04/02/2021
- 14:03
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210204-dao-chinh-mien-dien-gioi-han-trung-phat-quoc-te
Phương Tây mạnh mẽ lên án tập đoàn quân sự Miến Điện
lật đổ chính phủ dân bầu, đòi trả tự do ngay lập tức cho lãnh đạo Liên Đoàn Quốc
Gia Vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyi. Kèm theo đó là đe dọa « trừng phạt »
Naypyidaw. Nhưng có lẽ chiêu bài này càng lúc càng « hết thiêng ».
Một người biểu tình
mang hình lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi, vừa bị quân đội
bắt giam. Ảnh chụp tại Bangkok, Thái Lan, ngày 01/02/2021. AP - Sakchai
Lalit
Vài giờ sau cuộc đảo
chính tại Miến Điện hôm 01/02/2020 một quan chức của bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo
cắt giảm viện trợ của Washington cho Miến Điện, tránh để « Nhà nước hay
một số tác giả cuộc đảo chính nói trên gián tiếp hưởng lợi » từ các
khoản hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Antonio Guterres một mặt đòi tập đoàn quân sự Miến Điện trả tự do ngay tức khắc
cho cựu cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, mặt khác cam kết huy động cộng đồng
quốc tế nhằm « phá hỏng cuộc đảo chính » này. Từ nhóm 7 cường
quốc công nghiệp trên thế giới đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cùng bày tỏ « quan
ngại » về những diễn tiến chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này. Câu hỏi
đặt ra là ngoài những tuyên bố lên án tập đoàn quân sự khép lại tiến trình dân
chủ Miến Điện nói trên, cộng đồng quốc tế có thể làm được những gì để trừng phạt
tập đoàn quân sự Miến Điện ? Và liệu rằng các biện pháp trừng phạt đó có
hiệu quả hay không ?
Trước hết nhìn vào trường
hợp của Hoa Kỳ : Washington lên án tập đoàn quân sự lật đổ chính phủ dân sự,
tuy do bà Aung San Suu Kyi điều hành, nhưng trên thực chất vẫn trong tay quân đội
Miến Điện. Tân tổng thống Biden kêu gọi giới tướng lĩnh tại quốc gia Đông Nam Á
này « trao trả quyền lực ngay lập tức », đồng thời đe dọa
« tái lập các biện pháp trừng phạt » Miến Điện, nếu như
tiến trình dân chủ hóa bị đóng băng. Bản thân Joe Biden từng tiếp xúc với chủ tịch
Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Miến Điện, Aung San Suu Kyi, trong thời kỳ ông
còn là phó tổng thống dưới thời Obama.
Nhưng theo ghi nhận của
chuyên gia Pháp, Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp,
IRIS, Miến Điện « không phải là một ưu tiên của chính quyền Biden ».
Tại châu Á, Afghanistan và Bắc Triều Tiên mới là những ưu tiên của Washington.
Vả lại, chân ướt chân ráo bước vào Nhà Trắng, tổng thống Joe Biden đang dốc
toàn lực đối phó với đại dịch Covid-19, và ông sẽ không có nhiều thời gian để
dành cho những hồ sơ khác.
Hơn thế nữa, phản ứng của
Mỹ dù có cứng rắn, cũng chỉ có giới hạn, bởi Hoa Kỳ đã ban hành lệnh trừng phạt
nhắm vào quân đội Miến Điện, vì đàn áp truy bức cộng đồng thiểu số Rohingya khiến
hơn 700.000 người đã phải rời khỏi Miến Điện sang tị nạn tại Bangladesh. Tướng
Min Aung Hliang, theo chuyên gia Pháp là một nhà chiến lược quá thông minh để
hiểu rõ điều này nên đã chọn đúng thời điểm để ra tay.
Về phía Liên Hiệp Quốc, đành
rằng tổng thư ký định chế đa quốc gia này, ông Antonio Guterres, xem cuộc
đảo chính tại Miến Điện là điều « không thể chấp nhận được »
và chính Liên Hiệp Quốc đã lên án một cuộc « diệt chủng » nhắm
vào người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện, nhưng Hội Đồng Bảo An đã vấp phải
quyền phủ quyết của hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc. Hội Đồng
Bảo An đã không thể ra được một thông cáo chung lên án tập đoàn quân sự Miến
Điện lật đổ chính phủ dân sự. Đặc biệt là trong trường hợp của Bắc Kinh :
Trung Quốc là điểm tựa chính trị và kinh tế của Miến Điện, lại có đường biên giới
chung với quốc gia Đông Nam Á này. Cho tới nay Bắc Kinh vẫn giữ quan hệ tốt đẹp
với bà Aung San Suu Kyi, nhưng sẽ không vì thế mà quay lưng lại với giới tướng
lãnh ở Naypyidaw.
Xét đến nhóm G7, thì tập
đoàn quân sự Miến Điện cũng đã yên tâm phần nào về thái độ thân thiện vốn có từ
trước tới nay của chính quyền Tokyo. Đó là chưa kể G7 chỉ có thể đưa ra những
lời tuyên bố « lên án suông », không có trọng lượng.
Với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, cuộc
đảo chính tại Miến Điện diễn ra sau khi Naypyidaw vừa được định chế tài chính
đa quốc gia này giải ngân 360 triệu đô la trong khuôn khổ một chương trình viện
trợ khẩn cấp cho Miến Điện đối phó với đại dịch Covid-19.
Sau cùng, tướng Min Aung
Hlang cũng đã chọn đúng thời điểm để tiến hành cuộc đảo chính. Olivier Guillard
chuyên gia về châu Á của viện IRIS tại Paris lưu ý rằng Naypyitaw cũng đã thận
trọng lật đổ bà Aung San Suu Kyi vì biết rằng bà đã đánh mất hào quang trong mắt
cộng đồng quốc tế từ sau khủng hoảng người Rohingya, uy tín của « Quý
bà thành Rangoon » này không còn được như xưa. Qua đó quân đội Miến Điện
tránh được phản ứng quá cứng rắn từ phía các nước phương Tây từ Anh Quốc đến
Liên Hiệp Châu Âu hay Hoa Kỳ.
Tất cả các yếu tố nói
trên đều cho thấy quân đội Miến Điện khá tự tin để thâu tóm trở lại quyền lực.
Đó là chưa kể các biện pháp trừng phạt kinh tế của Âu Mỹ, trên tất cả các hồ sơ
từ hạt nhân Iran hay Bắc Triều Tiên đến Ukraina và gần đây nhất là áp lực ngày
càng lớn đối với Matxcơva để đòi tự do cho nhà đối lập Nga, Alexei Navalny đều
không đảo ngược được thế cờ.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Đảo
chính ở Miến Điện : Quốc tế lên án, Hội Đồng Bảo An họp khẩn
Đảo
chính Miến Điện hay mối căng thẳng dai dẳng giữa quân đội và chính phủ dân sự ?
Nhật
Bản cảnh báo đảo chính ở Miến Điện có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng
No comments:
Post a Comment