Friday, 19 February 2021

ALEXEI NAVALNY : KẺ THÙ SỐ MỘT CỦA PUTIN (Huỳnh Minh Triết - Luật Khoa)

 



 

Alexei Navalny: Kẻ thù số một của Putin

HUỲNH MINH TRIẾT  -  LUẬT KHOA

19/02/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/02/alexei-navalny-ke-thu-so-mot-cua-putin/

 

Chân dung nhân vật đối lập gây nhiều tiếng vang nhất tại Nga trong những năm gần đây.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/Gessen-Navalny-1024x753.jpg

Alexei Navalny. Ảnh: Pavel Golovkin/ AP

 

*

Ngày 20/8/2020, các trang báo quốc tế đồng loạt đưa tin về một sự kiện đậm màu sắc của các phim điệp viên thời chiến tranh: Alexei Navalny, đối thủ chính trị lớn nhất của Vladimir Putin, nghi bị đầu độc và rơi vào trạng thái hôn mê.

 

Chuyến bay chở ông lập tức được hạ cánh khẩn cấp. Navalny được đưa vào một bệnh viện ở Siberia. Sinh mạng của ông như mành chỉ treo chuông.

 

Hai ngày sau, nhờ sự vận động của một tổ chức từ thiện Đức, Navalny được chuyển đến một bệnh viện tại Berlin. Tại đây, các bác sĩ xác định ông bị nhiễm Novichok, một loại chất độc thần kinh đã từng xuất hiện nhiều lần trong các vụ ám sát những nhân vật đối lập với chính quyền Nga.

 

Navalny được cứu sống, và ngay lập tức quay lại đối đầu không khoan nhượng với Putin.

Rốt cuộc thì nhân vật này là ai mà dám chống lại một trong những người quyền lực nhất hành tinh?

 

Báo chí phương Tây gọi Navalny là người mà Putin sợ nhất. Nhưng ngay cả trong phe đối lập tại Nga, không ít ý kiến cho rằng Navalny chỉ là một phiên bản khác của Putin.

 

 

Những phác họa cơ bản

 

Alexei Navalny sinh ngày 4/6/1976 tại một ngôi làng phía Tây Moscow. Ông thông thạo cả tiếng Ukraina và tiếng Nga. Navalny tốt nghiệp Đại học Hữu nghị Nhân dân Moscow năm 1998 và trở thành một luật sư. Năm 2010, ông sang Mỹ du học một năm theo chương trình World Fellow của Đại học Yale. Navalny sinh sống ở Moscow cùng vợ, bà Yulia. Họ có hai con – con gái Daria đang học ở Mỹ và con trai tên Zakhar.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/family.jpg

Navalny cùng vợ và hai con. Ảnh: AP.

 

Navalny hiện là lãnh đạo của Đảng Tương lai nước Nga. Ông cũng sáng lập ra Tổ chức Chống Tham nhũng (FBK), chuyên vạch trần các thông tin tham nhũng của quan chức chính quyền.

 

Ông nổi tiếng trên mạng xã hội với các video điều tra công phu về các nhân vật chóp bu trong chính quyền Nga như Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev. Kênh Youtube và trang Twitter của ông có hàng triệu người theo dõi.

 

Tổng thống Putin thường tránh nhắc đến tên Navalny. Các kênh truyền thông chính thống Nga rất ít đưa tin về ông.

 

 

“Khởi nghiệp” bằng viết blog

 

Navalny bước chân vào chính trị từ đầu những năm 2000 với các nhóm thanh niên và những đảng theo chủ nghĩa dân tộc. Tới năm 2008, ông bắt đầu được chú ý với việc viết blog tố cáo tham nhũng.

 

Navalny thu thập dữ liệu bằng việc mua cổ phiếu của các công ty dầu khí Nga như Rosneft và Gazprom. Theo luật Nga, cổ đông được phép tiếp cận những thông tin tài chính bí mật mà công chúng không được biết. Tháng 11/2010, ông công khai trên blog báo cáo kiểm toán của công ty Transneft. Navalny cáo buộc lãnh đạo công ty này đã biển thủ 4 tỷ USD trong dự án xây đường ống Tây Siberia.

 

Tháng 8/2011, ông công bố tài liệu điều tra cáo buộc hoạt động rửa tiền và tham nhũng giữa quan chức Nga và chính phủ Hungary. Ba quan chức Hungary liên quan đến vụ này đã bị bắt giam. Không có quan chức nào của Nga bị xử lý.

 

Tháng 5/2012, ông đăng các tài liệu cáo buộc Phó Thủ tướng Igor Shuvalov nhận hối lộ hàng triệu USD từ các đại gia Nga.

 

Tháng 3/2017, Navalny gây rúng động nước Nga khi công bố một video điều tra cáo buộc Thủ tướng Dmitry Medvedev tham nhũng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/dimon.jpg

Navalny trong bộ phim tài liệu do ông sản xuất, cáo buộc thủ tướng Nga tham nhũng. Ảnh chụp từ video.

 

Cũng trong thời gian này, Navalny tổ chức các cuộc biểu tình chống tham nhũng trên khắp đất nước. Cảnh sát cho hay 500 người tham gia biểu tình bị bắt. Nhưng theo tổ chức nhân quyền OVD-Info, ít nhất 1.000 người ở riêng Moscow bị bắt, bao gồm cả Navalny. Ông bị phạt 350 USD và giam 15 ngày vì tội tổ chức biểu tình trái phép và chống cự khi bị bắt.

 

Tháng 8/2018, ông cáo buộc Tướng Viktor Zolotov, Giám đốc Cảnh vệ Nga, có hành vi tham nhũng. Zolotov phản hồi qua một video, thách Navalny đấu tay đôi. Ông này dọa sẽ nghiền nát Navalny thành món thịt băm.

 

 

Tổ chức biểu tình

 

Năm 2000, Vladimir Putin trở thành tổng thống Nga. Trong suốt mười năm kể từ đó, không mấy ai có thể chống lại Putin. Nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh, tiêu chuẩn sống nâng cao, những tiếng nói đòi dân chủ và nhân quyền chìm nghỉm.

 

Theo Alex Ward, phóng viên của Vox, các chuyên gia về Nga đồng ý rằng có một luật bất thành văn là chừng nào mà Putin còn đảm bảo cho nước Nga một nền kinh tế phát triển và một vỏ bọc dân chủ thì người Nga còn chấp nhận sự thống trị của ông. Nhưng đến năm 2011, hai sự kiện đã khiến đế chế của Putin lung lay.

 

Thứ nhất là việc Putin tuyên bố quay lại vị trí tổng thống sau một nhiệm kỳ làm thủ tướng. Thứ hai là cuộc bầu cử năm 2011 có đầy lỗ hổng và bằng chứng gian lận.

 

Những hành động xé toạc bộ mặt của nền dân chủ Nga trở thành chất xúc tác cho phe đối lập nổi lên. Alexei Navalny là một trong số đó.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/original.jpg

Hàng chục ngàn người biểu tình tại Moscow vào tháng 12/2011 phản đối cuộc bầu cử Quốc hội mà họ cáo buộc là gian lận. Ảnh: Anton Golubev/ Reuters.

 

Các bài viết vạch trần tham nhũng trên blog giúp Navalny có được nhiều sự ủng hộ. Năm 2011, ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt tổ chức cuộc biểu tình được coi là mạnh mẽ nhất từ khi Putin cầm quyền. Chỉ riêng tại thủ đô Moscow, khoảng 50.000 người đã đổ xuống đường để phản đối cuộc bầu cử Quốc hội được cho là dàn dựng.

 

Navalny gọi Đảng Nước nga Thống nhất của Putin là “quân lừa đảo và ăn cướp” – cụm từ trở nên quen thuộc trong các cuộc biểu tình. Ông chỉ đích danh Putin là người hút máu nước Nga, thông qua “nhà nước phong kiến” để tập trung quyền lực ở Điện Kremlin.

 

Navalny bị bắt và phạt tù 15 ngày tội chống người thi hành công vụ.

 

Nhưng đây có lẽ là sai lầm của Moscow. Alexei Venediktov, Tổng biên tập đài phát thanh Tiếng vọng Moscow (Echo Moskvy) nói việc bắt giữ Navalny là “một sai lầm chính trị”. Venediktov nhận định quyết định tống giam Navalny đã biến ông “từ một thủ lãnh trên mạng trở thành một lãnh đạo ngoài đời thực”.

 

 

Tranh cử thị trưởng Moscow

 

Cuộc bầu cử thị trưởng Moscow năm 2013 là một sự kiện kỳ lạ.

 

Vào hôm 18/7, chỉ một ngày sau khi đăng ký tranh cử, Navalny bị tuyên án 5 năm tù vì tội lừa đảo và tham ô. Ông tuyên bố rút khỏi cuộc đua và kêu gọi tẩy chay bầu cử. Tuy nhiên, cuối ngày hôm đó, Phòng Công tố lại rút án, và đề nghị tòa cho ông tại ngoại kèm yêu cầu hạn chế đi lại. Navalny phục hồi tư cách tranh cử. Việc thả Navalny vào giờ chót, theo bài viết trên Washington Post, là nhằm làm cho cuộc bầu cử này trông có vẻ chính danh hơn.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/6C8334190-130720-navalny-hmed-4p.fit-1240w.jpg

Navalny cùng những người ủng hộ tại Moscow vào tháng 7/2013. Ảnh: Sergei Karpukhin/ Reuters.

 

Chiến dịch của Navalny dựa trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc không khoan nhượng. Ông gây tranh cãi với việc cổ xúy các chính sách chống người nhập cư Hồi giáo, người Trung Á và ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Georgia năm 2008.

 

Tuy vậy, khâu vận động tranh cử và gây quỹ của Navalny lại được coi như “một phép màu”. Gần như bị truyền thông cấm đoán, chiến dịch của ông sử dụng 20.000 tình nguyện viên đi phát tờ rơi và treo băng rôn khắp thành phố, kèm theo các buổi nói chuyện trực tiếp của Navaly với công chúng.

 

Cuối cùng Navalny giành được 27% số phiếu bầu, đứng thứ hai sau Sergei Sobyanin, nhân vật thân cận với Putin.

 

Dù thất bại, kết quả này vượt xa các dự đoán, kể cả của ban vận động cho ông.

Giới quan sát quốc tế đánh giá đây là cuộc bầu cử tương đối minh bạch. Dù tồn tại một số bất thường nhưng không có dấu hiệu gian lận rõ ràng như cuộc bầu cử năm 2011.

Dẫu thất bại, sự ủng hộ mạnh mẽ giúp Navalny có đủ cơ sở để tiếp tục mở rộng các hoạt động đối lập của mình.

 

 

Làm youtuber khi Putin trở lại “vô đối”

 

Năm 2014, vị thế của Putin tăng mạnh trở lại trong lòng người Nga với việc xâm chiếm bán đảo Crimea. Bằng cách đánh vào chủ nghĩa dân tộc, tổng thống Nga nhận được tỷ lệ ủng hộ tăng vọt, từ hơn 60% năm 2013 lên đến gần 90% năm 2015.

 

Kịch bản này giống như những năm 2000, và các tiếng nói đối lập chống Putin tại Nga bắt đầu chìm nghỉm. Trong năm 2014, Navalny lại bị giam lỏng tại nhà sau khi quan tòa phán ông tội biển thủ và lừa đảo.

 

Nhưng ông không im lặng. Navalny tìm ra cách để tiếp cận đến nhiều người ủng hộ hơn thông qua Youtube. Kênh Youtube của ông đến nay có hơn 6,3 triệu người theo dõi. Ông thường xuyên đăng các video bình luận về chủ đề tham nhũng ở Nga.

 

Ngoài ra, Navalny và các đồng sự còn lập ra một mạng lưới các chính trị gia đối lập toàn quốc. Mục tiêu của mạng lưới kết nối là làm suy yếu quyền lực của Đảng Nước nga Thống nhất của Putin. Đội ngũ của Navalny giúp đỡ chiến lược và tài chính cho những ứng viên thuộc mạng lưới này để đánh bại người của Putin trong các cuộc bầu cử địa phương.

 

“Không nhân vật đối lập nào ở Nga có được mạng lưới như Navalny đang có”. Đó là nhận định của Timothy Frye, giáo sư Đại học Columbia, tác giả của cuốn “Weak Strongman: The Limits of Power in Putin’s Russia”.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/dau-doc.jpg

Navalny bị ném thuốc nhuộm xanh lên mặt khiến ảnh hưởng đến thị lực mắt phải. Ảnh: Trang Instagram của Navalny.

 

Với sự ủng hộ ngày càng gia tăng, vào năm 2016, Navalny tuyên bố ra tranh cử tổng thống Nga. Tất nhiên, việc thách thức Putin không thể đảm bảo cho ông một số phận yên bình.

 

Năm 2017, ông bị ném thuốc nhuộm màu xanh lên mặt khi đang đứng ở ngoài văn phòng ở Moscow. “Trông buồn cười nhưng mà đau lắm”, Navalny ghi trên trang Twitter cá nhân. Ông cho biết mắt phải của mình đã bị mất 80% thị lực.

 

Sau đó, Ủy ban bầu cử Nga tuyên bố Navalny không đủ tư cách tranh cử vì từng bị truy tố tội hình sự từ nhiều năm trước.

 

Năm 2019, Navalny bị bắt vì tội tổ chức biểu tình trái phép. Trong tù, ông có dấu hiệu dị ứng da nghiêm trọng và phải vào viện chữa trị. Navalny cho rằng ông đã bị đầu độc.

 

 

Một Putin thứ hai?

 

Dù được ủng hộ với các hoạt động chống tham nhũng trong chính quyền, thái độ bài ngoại và chủ chương dân tộc cực đoan của Navalny khiến cả những người trong phe đối lập dè chừng.

 

“Tôi coi Alexei Navalny là người nguy hiểm nhất ở Nga. Bạn không cần phải là thiên tài để hiểu rằng điều kinh khủng nhất có thể xảy ra ở đất nước này là để cho những người dân tộc chủ nghĩa cầm quyền”. Đó là nhận xét của Engelina Tareyeva, người từng làm việc với Navalny ở Đảng Yabloko, một đảng theo đường lối tự do (liberal). Navalny là thành viên của Yabloko từ năm 2000 cho đến năm 2007, khi ông bị đẩy ra khỏi đảng.

 

Navalny bác bỏ nhận định của Tareyeva. Ông cũng phản đối quan điểm cho rằng thảo luận về các vấn đề quan trọng đối với người sắc tộc Nga (ethnic Russian) sẽ dẫn đến chủ nghĩa tân phát xít.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/navalny-putin.jpg

Alexei Navalny (trái) và Vladimir Putin. Ảnh: indianexpress.com.

 

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, Navalny được hỏi về việc Putin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Ông nói mặc dù việc này vi phạm luật pháp quốc tế, “trên thực tế Crimea giờ là một phần của nước Nga. Crimea là của chúng tôi”.

 

Năm 2008, Navalny ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Georgia, thậm chí còn chỉ trích chính phủ quá mềm mỏng. Ông cũng ủng hộ lực lượng ly khai ở Moldova, đồng thời hoan nghênh việc Abkhazia và Nam Ossetia tách khỏi Georgia – những lập trường giống hệt Putin và trái ngược hoàn toàn với phương Tây.

 

Navalny từng nói rằng điều tốt nhất mà các nước phương Tây có thể làm vì công lý cho nước Nga là ngăn chặn “tiền bẩn”.

 

“Tôi muốn những người dính líu tới tham nhũng và đàn áp các nhà hoạt động bị cấm tới những nước này, bị từ chối cấp visa”, ông nói với BBC.

 

Quá trình vận động tranh cử tổng thống của Navalny lộ ra nhiều lỗ hổng, cho thấy sự thiếu chuẩn bị về mặt chính sách. Những người thuộc nhóm cấp tiến thậm chí còn cảnh báo hiện tượng sùng bái cá nhân sẽ có nguy cơ biến Navalny trở thành một Putin thứ hai.

 

Navalny đưa ra những cam kết chung chung: khôi phục tự do báo chí, bầu cử công bằng, tư pháp độc lập, tái phân phối thu nhập, công bằng cho người nghèo… Trong những tờ rơi của chiến dịch tranh cử, người ta đọc được những khẩu hiệu như “xây bệnh viện và đường thay vì cung điện cho chính phủ” hay “nhân phẩm cho tất cả chứ không chỉ 0,1% người giàu”.

 

Đề xuất chính sách cụ thể nhất của ông là tăng thuế cho người giàu, đảm bảo lương tối thiểu 415 USD/ tháng, và cho vay trợ cấp mua nhà. Tuy nhiên, ông lại lúng túng khi trình bày con số cụ thể và chỉ ước chừng thuế từ “40-80%”. “Các chuyên gia sẽ phải tính toán lại”, ông nói thêm.

 

“Tôi không hề thấy ông ta có thể giải quyết một vấn đề nào ở đất nước này cả. Tôi nghĩ ông ấy chẳng khá hơn Putin”. Igor Yakovenko, nhà xã hội học từng cộng tác với Navalny trong phong trào biểu tình chống Putin năm 2011-2012 nhận xét.

 

“Tôi ủng hộ Navalny trong việc chống lại chế độ Putin hiện tại. Nhưng tôi không thể ủng hộ ông ấy làm ứng viên tổng thống”, Yakovenko nói.

 

 

Suýt chết vì đầu độc

 

Trong chuyến bay từ Siberia tới Moscow tháng 8/2020, Navalny suýt chết. Ông nói với tiếp viên hàng không rằng mình đã bị đầu độc và sắp chết, rồi đổ gục xuống chân tiếp viên. Một video của hành khách quay được cảnh Navalny rên rỉ đau đớn.

 

Phi công bẻ lái hạ cánh khẩn cấp xuống Omsk. Navalny giữ được mạng sống nhưng rơi vào hôn mê. Một tổ chức từ thiện của Đức thuyết phục chính quyền Nga cho phép đưa Navalny sang Đức để cứu chữa.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/navalny-poison.jpg

Navalny và gia đình tại một bệnh viện ở Berlin, Đức ngày 15/9/2020. Ảnh: Trang Instagram của Navalny.

 

Ngày 2/9/2020, chính phủ Đức tiết lộ Navalny bị dính chất độc thần kinh Novichok, một thứ không lạ với những người mà Điện Kremlin coi là kẻ thù. Hồi đầu năm 2018, Novichok đã suýt giết chết cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái khi hai người đang trú ẩn ở Anh.

 

Sau nhiều tuần liền rơi vào trạng thái hôn mê, Navalny bắt đầu hồi phục vào ngày 7/9/2020. Ông cáo buộc Tổng thống Putin là người trực tiếp hạ lệnh ám sát mình. Putin bác bỏ cáo buộc này, tuy thừa nhận chính phủ có giám sát Navalny vì ông có liên quan đến gián điệp Mỹ.

 

“Nhưng việc đó hoàn toàn không có nghĩa là phải đầu độc ông ta”, Putin nói. “Ai cần ông ta chứ? Nếu có người muốn đầu độc thì ông ta đã chết chắc rồi”.

 

Tháng 10/2020, Liên minh Châu Âu trừng phạt sáu quan chức Nga và chế tài một trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học của Nga với cáo buộc liên quan trực tiếp đến vụ đầu độc Navalny. Nga cũng áp chế tài trả đũa EU, đồng thời đưa Navalny vào danh sách truy nã.

Sau khi bình phục, Navalny tuyên bố sẽ quay lại Nga, bất chấp nguy cơ bị bắt. Chuyến đi trở về của ông là một cơn bão được dự tính trước.

 

 

Vừa về nước, lại tiếp tục đi tù

 

Ngày 17/1/2021, Navalny trở về Moscow và bị bắt ngay ở cửa ra máy bay. Tòa xử ông 30 ngày tạm giam do vi phạm lệnh cấm rời khỏi Nga.

 

Phong trào của Navalny phản công. Các đồng sự của ông cho công bố video “Cung điện của Putin”, cáo buộc tổng thống Nga sở hữu một lâu đài xa hoa. Video này tới nay đã được hơn 100 triệu lượt xem. Putin bác bỏ các cáo buộc trong video, trong khi vẫn không nhắc đến tên Navalny.

 

Hơn 3.000 người, gồm cả vợ của ông, đã bị bắt khi biểu tình đòi thả tự do cho Navalny. Hàng chục nghìn người đổ ra đường biểu tình trên khắp 40 thị trấn và thành phố cả nước Nga.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/DAUCLAS5QII6XKCJN6KCHJ277U.jpg

Người biểu tình tuần hành tại Saint Petersburg vào cuối tháng 1/2021, phản đối việc bắt giữ Navalny. Ảnh: Anton Vaganov/ Reuters.

 

Ngày 2/2/2021, tòa án Moscow tuyên án Navalny 3,5 năm tù vì vi phạm quy định tại ngoại. Ông bị cáo buộc đã không báo cáo thường xuyên cho chính quyền khi đang chữa bệnh tại Đức – một điều bất khả thi vào thời điểm đó khi Navalny đang hôn mê. Trừ đi thời gian bị giam lỏng ở nhà, ông còn phải ngồi tù hai năm tám tháng.

 

Navalny gọi đây là một vụ trả thù chính trị. Với phong cách trào phúng quen thuộc, ông gọi Putin là “kẻ đầu độc quần lót”, ám chỉ đến cáo buộc những sát thủ Nga đã bôi chất độc vào quần lót của Navalny theo lệnh của Putin.

 

“Cho dù có giả vờ là một chuyên gia địa chính trị giỏi giang cỡ nào, ông ta sẽ đi vào lịch sử như một kẻ đầu độc. Chúng ta có Nhà giải phóng Alexander, Nhà thông thái Yaroslav và Kẻ đầu độc quần lót Putin”, Navalny nói.

 

Trong phòng xử án, Navalny vẫn cười và vẽ hình trái tim lên kính gửi cho vợ mình.

“Các ông không thể làm chúng tôi sợ hãi”, ông nói.

 

“Chúng tôi là đa số. Hàng chục triệu người đã bị những kẻ cầm quyền như các ông cướp đoạt. Các ông không thể dọa dẫm chúng tôi. Ngày càng có nhiều người hiểu rằng pháp luật đứng về phía chúng tôi, sự thật đứng về phía chúng tôi. Và chúng tôi sẽ không cho phép một bọn vô lại cưỡi lên đầu lên cổ mình”.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats