Friday, 23 October 2020

VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA TRANH LUẬN (Phạm Phú Khải)

 


Về xây dựng văn hóa tranh luận

Phạm Phú Khải

23/10/2020

https://www.voatiengviet.com/a/xay-dung-van-hoa-tranh-luan/5632964.html

 

Chủ Nhật 18 tháng 10 vừa qua, chương trình tranh luận cuối cùng của chuỗi tranh luận dài 3 kỳ, do luật sư Trần Kiều Ngọc tổ chức, đã kết thúc [*].

 

Điều ngạc nhiên là tất cả các thành viên của hai đội, tuy tranh luận rất hăng say và nhiệt huyết trong khi tranh luận xảy ra, nhưng sau khi kết quả công bố thì ai cũng cảm thấy hài lòng với tinh thần tương kính thể hiện cho nhau. Các thành viên tranh luận cho biết họ học hỏi được nhau qua quan điểm của phía bên kia, và cũng công nhận là có những góc nhìn họ không nhìn ra trong lúc chuẩn bị và trình bày biện luận của mình.

 

Nhân cơ hội này, tôi đã liên lạc với luật sư Trần Kiều Ngọc để tìm hiểu thêm suy nghĩ và tâm tư của cô trước, trong và sau 3 buổi tranh luận này.

 

Phạm Phú Khải: Trong ba tuần qua, Kiều Ngọc đã bỏ nhiều công sức để tổ chức các buổi tranh luận này. Giờ thì đã xong. Kiều Ngọc cảm thấy công sức của mình bỏ ra có đáng không? Tại sao?

 

Trần Kiều Ngọc: Cảm ơn anh đã cho Kiều Ngọc có cơ hội để chia sẻ về cuộc thi tranh luận này. Thưa anh, việc chuẩn bị cho một chương trình thi tranh luận online như thế này quả là rất khác với cách tổ chức “live” ngoài đời mà Kiều Ngọc đã từng làm qua. Đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, nên thời gian chuẩn bị kỹ thuật, cách thức thi như thế nào cũng đòi hỏi Kiều Ngọc bỏ ra khá nhiều thì giờ nghiên cứu và phối hợp cùng các vị trong ban giám khảo và thành viên của hai đội. Thời gian cam kết liên lỉ suốt 6 tuần trời kể từ khi chuẩn bị cho đến kết thúc cũng hơi căng và mệt mỏi. Tuy nhiên, kết quả đạt được thì Kiều Ngọc cảm thấy rất vui mừng và xứng đáng.

 

.

Phạm Phú Khải: Kiều Ngọc chắc có vài mục tiêu khi tổ chức các tranh luận này. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của Kiều Ngọc là gì? Và Kiều Ngọc có nghĩ mình đã đạt được nó không?.

 

Trần Kiều Ngọc: Dạ vâng. Khi nhận thấy những tháng gần đây, người Việt khắp nơi bị chia rẽ trầm trọng về cuộc bầu cử Mỹ, khiến Kiều Ngọc rất quan tâm và e ngại. Điều quan trọng mà Kiều Ngọc mong muốn là làm sao có thể góp phần vào việc giúp người Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ trong nước, làm quen với những sinh hoạt dân chủ. Giúp họ gần gũi với văn hóa tranh luận và tư duy phản biện trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Khi chúng ta theo dõi ba cuộc thi và đặc biệt là vòng 3, người xem có thể cảm nhận các cuộc tranh luận được diễn ra rất sôi nổi mà vẫn giữ được sự ôn hòa. Các thành viên đều thể hiện tinh thần tôn trọng luật chơi và những quan điểm khác mình.

 

.

Phạm Phú Khải: Phản ứng của các tham dự viên tranh luận của hai đội như thế nào về 3 buổi tranh luận? Và về kết quả khi được Ban Giám Khảo công bố?

 

Trần Kiều Ngọc: Ngay sau khi kết quả được công bố thì cả hai đội đều có đại diện chia sẻ cảm tưởng của mình. Cả hai đội đã bày tỏ sự hài lòng và công bằng của kết quả của Ban Giám khảo. Cả hai đội có chia sẻ lời cảm ơn đến Ban tổ chức đã tạo cơ hội cho các thành viên học hỏi cũng như được trình bày quan điểm của mình một cách thẳng thắn. Các thành viên tham dự cũng đặc biệt khen ngợi chương trình đã được tổ chức một cách công tâm và chuyên nghiệp.

 

.

Phạm Phú Khải: Ban Giám Khảo có những cảm nghĩ hay chia sẻ nào đáng nhớ trong 3 buổi tranh luận này, thưa Kiều Ngọc?.

 

Trần Kiều Ngọc: Thưa anh, Kiều Ngọc nhận thấy có ba điểm mà trong cả ba cuộc thi tranh luận, Ban giám khảo thường hay nhấn mạnh. Điểm thứ nhất mà Ban giám khảo hay nhắc đến và khuyến khích hai đội là việc nghiên cứu kỹ lưỡng những nguồn khả tín để các lập luận của họ đem lại tính thuyết phục cao hơn. Kế đến là Ban giám khảo hay dò xét và đưa ra những nhận định liên quan đến tinh thần làm việc nhóm của hai đội. Đặc biệt điểm thứ ba, là Ban giám khảo luôn đề cao và khen ngợi tinh thần tranh luận ôn hòa của các thành viên tham gia.

 

.

Phạm Phú Khải: Số người theo dõi 3 buổi tranh luận này, tựu chung họ có hài lòng với tinh thần tranh luận hay cách tổ chức này không Kiều Ngọc?

 

Trần Kiều Ngọc: Lướt qua các bình luận một cách tổng quát thì Kiều Ngọc nhận thấy, ngoài vô số các lời bình về nội dung tranh luận, thì người theo dõi có những góp ý như: “Một chương trình hay đáng xem”, “một live show rất dễ thương” hay “... Hy vọng Ban tổ chức sẽ tiếp tục có những chương trình hữu ích như vậy trong trương lai”. Như vậy, thì Kiều Ngọc nghĩ rằng, phần đông người xem cảm thấy rất hài lòng với tinh thần tranh luận và cách thức tổ chức.

 

.

Phạm Phú Khải: Trước khi tổ chức, được biết có người khuyên Kiều Ngọc không nên thực hiện vì người Việt chưa sẵn sàng tranh luận, mà chỉ “giỏi” tranh cãi. Nhưng Kiều Ngọc vẫn thực hiện. Vậy trong thời gian tổ chức và sau khi đã tổ chức xong, Kiều Ngọc có nghĩ rằng quyết định thực hiện của mình là đúng và cần thiết không?

 

Trần Kiều Ngọc: Dạ đúng thế. Có một số người khuyên Kiều Ngọc không nên lý tưởng hóa về tinh thần tranh luận của người Việt. Vì không khéo, cuộc thi tranh luận sẽ trở thành một “bãi chiến trường” không những không đạt được kết quả gì mà còn gây thêm sự chia rẽ hơn nữa. Nhưng trong suốt thời gian tổ chức và ngay cho đến giờ phút này, Kiều Ngọc vẫn cảm thấy quyết định thực hiện chương trình là rất cần thiết và đúng đắn. Với Kiều Ngọc, cho dù bản thân có thôi đặt niềm tin ở chính mình đi chăng nữa thì Kiều Ngọc vẫn sẽ không bao giờ ngưng hết hy vọng vào con người. Đặc biệt là con người Việt Nam, dù chúng ta có nằm trong bất cứ hoàn cảnh tốt xấu nào đi chăng nữa. Chính niềm tin và hy vọng cho tương lai Việt Nam, đã giúp cho Kiều Ngọc tự tin với mọi dự định và con đường mình chọn.

 

.

Phạm Phú Khải: Kiều Ngọc có dự tính tiếp tục các chương trình tranh luận như thế trong tương lai gần không? Hay các chương trình với nội dung và hình thức khác?

 

Trần Kiều Ngọc: Dạ thưa chắc chắn là có ạ. Cuộc thi tranh luận về chính trị Mỹ là sự khởi điểm cho mục tiêu lâu dài. Kiều Ngọc mong muốn tiếp tục tạo ra những sinh hoạt nhân văn, thể hiện và đề cao tinh thần tôn trọng sự khác biệt và tư duy phản biện trong cộng đồng chúng ta. Dự tính trong tương lai, Kiều Ngọc sẽ tổ chức thêm những cuộc thi tương tự về nhiều đề tài khác nhau như giáo dục, chính trị và văn hóa Việt.

 

.

Phạm Phú Khải: Kiều Ngọc có điều gì muốn nhắn gửi đến các tranh luận viên, ban giám khảo và những người theo dõi chương trình này trong những tuần qua?

 

Trần Kiều Ngọc: Kiều Ngọc rất biết ơn đến các thành viên đã nhận lời tham gia chương trình. Chương trình đã không thể nào thành công nếu như không có các bạn tự nguyện cống hiến thời gian, công sức, tận tụy tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu. Đây là điều khiến Kiều Ngọc cảm động và vui mừng nhất.

 

Riêng Ban giám khảo thì Kiều Ngọc luôn cảm kích tinh thần hy sinh phục vụ của bốn vị. Từ cựu đại sứ Ấn Độ, Ashok Sajjanhar, tài tử Emily Marie Palmer, trạng sư Edward Stratton-Smith cho đến luật sư Nguyễn Văn Thân, họ đều là những người có lý tưởng phục vụ và luôn hỗ trợ cho những hoạt động hữu ích trong xã hội. Đặc biệt lần này, ba vị giám khảo ngoại quốc rất quý mến cộng đồng người Việt, khiến Kiều Ngọc rất vui và lấy làm hãnh diện. Với tinh thần toàn cầu và rộng mở, Kiều Ngọc cũng mong muốn được cống hiến trong khả năng có thể đến các cộng đồng sắc tộc khác, như là cách người ngoại quốc đã đối xử tử tế với người Việt chúng ta.

 

Sau cùng thì Kiều Ngọc xin cảm ơn đến tất cả những người đã theo dõi chương trình. Nhờ cô anh chị em quan tâm và theo dõi chương trình đều đặn, đã tạo thêm động lực cho Ban tổ chức, các thành viên tham gia và ban giám khảo nhận thấy việc làm của mình thêm phần ý nghĩa và chính đáng để thực hiện. Xin anh chị em giúp phổ biến chương trình này thật rộng rãi, để tinh thần tranh luận tích cực trong cộng đồng chúng ta được lan tỏa khắp nơi. Kiều Ngọc xin chân thành cảm ơn.

 

.

Phạm Phú Khải: Cảm ơn Kiều Ngọc đã dành cho cuộc trò chuyện ngắn này.

 

Trần Kiều Ngọc: Xin cảm ơn anh và quý độc giả của VOA đã cho Kiều Ngọc cơ hội chia sẻ những điều trên và xin kính chúc tất cả nhiều sức khỏe và bình an.

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

(*) Chương trình thi tranh luận về cuộc bầu cử TT Mỹ 2020.

 

Quý bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc tranh luận vừa qua, hoặc theo dõi ba cuộc tranh luận, có thể vào Facebook của cô Kiều Ngọc hoặc Youtube để biết thêm.

 

Chủ đề 1 vào ngày 27/10 /2020: “Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc” (US Politics Debate 1 - Motion: The Trump administration can contain the rise of China)

 

Chủ đề 2 vào ngày 4/10/2020: “Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong nhiệm kỳ đầu, như đã hứa” (President Trump has made America great again in his first term, as promised)

 

Chủ đề 3 vào ngày 18/10/2020: “Chính sách Đối ngoại của Đảng Cộng hòa đã củng cố sức mạnh quốc gia và lãnh đạo ngoài nước” (The Republican Policy has strengthened home front and led abroad.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats