Friday, 9 October 2020

TRANH LUẬN PHÓ TỔNG THỐNG 2020 : KIỂM CHỨNG HARRIS và PENCE (NBC News)

 


Tranh luận Phó Tổng Thống 2020: Kiểm chứng Harris và Pence

Jane C. Timm, Adam Edelman and Ben Kamisar  NBC News  

Người dịch: Duong Nguyen, Huy Nguyen

09/10/2020

https://www.the-interpreter.org/post/tranh-luan-pho-tong-thong-2020

 

Ai nói thật và ai nói dối? NBC News bóc trần các thông tin được tuyên bố bởi Harris and Pence một cách chi tiết.

 

Jane C. Timm, Adam Edelman and Ben Kamisar, ngày 07 tháng 10, 2020

 

                                                   ***

 

https://static.wixstatic.com/media/3b4a8d_bbee946c081244229f611739ae0940f7~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_370,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/3b4a8d_bbee946c081244229f611739ae0940f7~mv2.webp

Kamala Harris  và  Miked Pence .  Chelsea Stahl / NBC News

 

.

Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Kamala Harris (bang California) đã đối đầu nhau trong cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất trong cuộc bầu cử Mỹ [giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống]. Sự kiện này diễn ra ngay sau buổi tranh biện gây tranh cãi giữa hai ứng cử viên Tổng Thống và sau tin tức về việc Donald Trump dương tính với Covid-19. Giữa Harris và Pence đã xảy ra một màn “đấu khẩu” về việc Chính phủ của ông Trump đã đối phó với đại dịch coronavirus cũng như về biến đổi khí hậu, gian lận bỏ phiếu và bất bình đẳng chủng tộc liên quan tới cái chết của Breonna Taylor.

 

Nhìn chung, sự kiện này được đánh giá là hoàn toàn trái ngược với cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Joe Biden về cả hai mặt: nội dung và thái độ.

 

NBC News đã xác thực (fact-check) phát biểu của cả Harris và Pence trong suốt buổi tranh luận.

 

Liệu có phải Harris không làm gì để “cải cách tư pháp hình sự ở California?”

Pence cho rằng đối thủ của ông “không hề làm gì để cải cách tư pháp hình sự ở California” trong cuộc tranh luận đêm thứ Tư. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng “không làm gì để cải hành tư pháp hình sự” là một sự phóng đại.

 

Những người chỉ trích nói rằng Harris luôn ủng hộ và tán thành những bản án bất công, bà đã nộp đơn kháng cáo để chống lại việc huỷ bỏ án tử hình và bà đã rất tích cực trong việc khởi tố những tội nhẹ liên quan tới cần sa (marijuana) - những hành động mang khuynh hướng gây phương hại đến người da màu.

 

Họ cũng nhấn mạnh rằng, khi còn đương nhiệm, bà đã chống lại một số lớn các cải cách tiến bộ, ví dụ như việc bà đã không ủng hộ việc yêu cầu cảnh sát phải mang đeo máy ghi hình trên người khi làm việc.

 

Bên cạnh đó, bà cũng đối diện với nhiều chỉ trích khi ủng hộ điều luật mà theo đó, cha mẹ của những đứa trẻ hay trốn học sẽ bị bỏ tù.

 

Tuy vậy, Harris và những người ủng hộ bà đưa ra những bằng chứng cho việc bà đã tham gia tích cực trong quá trình cải cách tư pháp hình sự ở bang California như việc bà triển khai những chương trình huấn luyện chống phân biệt chủng tộc, bà cũng đã ủng hộ việc yêu cầu cảnh sát đeo máy ghi hình.

 

Liệu kế hoạch phúc lợi y tế của Trump có nhắm đến những người có tiền sử bệnh lý?

Harris và Pence đã có một màn đấu khẩu gay gắt về vấn đề phúc lợi y tế liên quan đến những bệnh nhân có tiền sử bệnh cũng như tranh cãi về việc ai là người bảo vệ những người có tiền sử bệnh nêu trên khỏi việc mất bảo hiểm y tế.

 

Trump “vẫn tiếp tục cuộc chiến pháp lý để loại bỏ Đạo luật Bảo hiểm Y tế Hợp Túi tiền (Affordable Care Act), điều đó có nghĩa là bạn sẽ mất bảo hiểm nếu bạn có tiền sử bệnh,” dẫn lời Harris khi bà đang “quảng bá” những cái lợi mà Bảo hiểm Y tế Hợp Túi tiền mang lại cho nhiều người Mỹ.

 

“Obamacare là một thảm họa, và người Mỹ nhớ rất rõ điều đó. Tổng Thống Trump và tôi đã có kế hoạch nâng cao phúc lợi y tế và bảo vệ những người Mỹ với các bệnh trạng có sẵn,” Pence tranh luận.

 

Một mặt, Trump luôn khẳng định rằng ông và Đảng Cộng hòa sẽ bảo vệ những người mang bệnh trạng có sẵn được bảo hiểm sức khỏe. Mặt khác, ông lại sử dụng những công cụ pháp lý và các sắc lệnh hành pháp để dỡ bỏ những bảo hộ mà Đạo luật Bảo hiểm Y tế Hợp Túi tiền mang lại.

 

Một dự luật của Đảng Cộng Hòa được Trump ủng hộ đã nhắm tới việc điều chỉnh những điều khoản miễn trừ của Obamacare và những nhà bảo hiểm sẽ có quyền tính phí cao hơn cho những người mang bệnh trạng có sẵn và khiến họ có thể không mua bảo hiểm được. Dự luật đó đã được Thượng viện thông qua vào năm 2017. Trump cũng đã thông qua các sắc lệnh hành pháp để mở rộng việc sử dụng các gói bảo hiểm ngắn hạn cho những người mang bệnh trạng có sẵn (thực chất, việc này là không cần thiết).

 

Gần đây, Trump gần đây đã ký một sắc lệnh hành pháp mang tính tượng trưng nhằm củng cố những lợi ích Obamacare mang lại, nhưng Chính phủ của ông lại đồng thời ủng hộ một vụ kiện do Đảng Cộng hòa khởi xướng nhằm vô hiệu hoá Đạo luật nêu trên.

 

Bỏ phiếu qua thư có “tạo cơ hội cho việc gian lận bầu cử?”

“Tổng thống Trump và tôi đang đấu tranh pháp lý hằng ngày để ngăn cản Joe Biden và Kamala Harris thay đổi luật lệ về việc bỏ phiếu qua thư và tạo cơ hội cho việc gian lận bầu cử,” Pence nói vào tối thứ Tư.

 

Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy “bỏ phiếu qua thư” sẽ “tạo cơ hội cho gian lận bầu cử.”

 

Nhiều nghiên cứu đã vạch trần sự dối trá của tuyên bố trên và sẽ không có sự gian lận bầu cử quy mô lớn nào có thể xảy ra cho dù người dân chủ yếu bỏ phiếu qua thư hay không. Uỷ ban chống gian lận bầu cử mà Pence là chủ tịch đã thất bại trong việc chứng minh tuyên bố của mình.

 

Cả hai uỷ ban tranh cử đang trong cuộc chiến pháp lý để xác định việc bỏ phiếu qua thư sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng trong hồ sơ được Uỷ ban tranh cử của Trump đệ trình lên toà án không hề ghi nhận bằng chứng nào cho việc bỏ phiếu qua thư có thể dẫn tới gian lận bầu cử.

 

Việc Pence sử dụng từ “bỏ phiếu qua thư một cách phổ quát” là sai vì mỗi bang lại có cách thực hiện khác nhau, chủ yếu thông qua việc mở rộng hệ thống bỏ phiếu vắng mặt để hỗ trợ thêm nhiều người vì ảnh hưởng của đại dịch.

 

Năm bang đã thực hiện toàn bộ việc bỏ phiếu qua thư trước khi có đại dịch đã báo cáo rằng không có sự khác biệt nhiều trong gian lận bầu cử giữa việc bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu trực tiếp và hiện có nhiều hệ thống đảm bảo tính xác đáng đã được áp dụng.

 

Nếu thực sự có gian lận xảy ra, như trong cuộc bầu cử nội bộ ở New Jersey vào tháng Năm, uỷ ban bầu cử sẽ khởi tố những ai vi phạm.

 

Chính phủ Obama có “cài gián điệp” trong chiến dịch tranh cử của Trump vào năm 2016 hay không?

Phó Tổng thống Mike Pence đã nhắc lại một cáo buộc giả mà Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố trong buổi tranh biện đầu tiên rằng chính phủ Obama đã cài gián điệp trong chiến dịch tranh cử của mình. Chúng tôi đã xác thực thông tin này trong buổi tranh luận đầu tiên. Đây là một tin giả.

 

“Khi Joe Biden còn là Phó Tổng thống của Hoa Kỳ, FBI đã cài gián điệp trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và tôi,” dẫn lời Pence.

 

Một báo cáo được thực hiện bởi giám sát của Bộ Tư pháp vào tháng Mười Hai năm 2019 cho thấy rằng có lý do chính đáng cho cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

 

Một báo cáo dài 434 trang được thực hiện bởi Tổng thanh tra Michael Horowitz đã làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan tới việc FBI sử dụng những nguồn tin mật để thu thập thông tin từ các thành viên thuộc Uỷ ban tranh cử của Trump. Viên chức FBI cho rằng đó là nghiệp vụ điều tra bình thường, nhưng Tổng thanh tra đặt vấn đề rằng liệu có nên đưa ra những quy chuẩn đặc biệt dành cho các cuộc vận động chính trị hay không.

 

Tuy nhiên, báo cáo trên cũng bác bỏ luận điệu rằng FBI đã cài “gián điệp” trong Uỷ ban tranh cử của Trump.

 

“Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào” về việc FBI đã gài những mật vụ vào chiến dịch tranh cử của Trump. FBI cũng không gửi người nào tới văn phòng của ủy ban tranh cử hay các sự kiện hay ra lệnh cho họ tường trình về chiến dịch của Trump, theo như báo cáo trên xác nhận.

 

Tổng thanh tra nói rằng ông đã nghiên cứu hơn một triệu tài liệu và phỏng vấn hơn 100 người để đi đến kết luận đó. Pence cũng đưa ra những tài liệu được công bố bởi Giám đốc Cục Tình báo Quốc gia với thông tin CIA “đã dẫn lời FBI rằng những cáo buộc đó xuất phát từ chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton.”

 

Tài liệu nêu trên, được công bố bởi Giám đốc John Ratcliffe, cho thấy các cơ quan tình báo đã nắm được thông tin từ tình báo Nga rằng Hillary Clinton có kế hoạch gây scandal để chống lại Trump bằng việc liên kết ông ấy với việc Putin và Nga tấn công mạng vào Hội đồng Quốc gia Dân chủ.

 

Ratcliffe không giải mật phần còn lại và một cựu viên chức tình báo cấp cao khác đã buộc tội Ratcliffe tiết lộ thông tin có chọn lọc nhằm mục đích chính trị.

 

 Biden và Harris có ủng hộ phá thai khi gần tới ngày sinh?

“Joe Biden và Kamala Harris ủng hộ dùng thuế để tài trợ cho việc phá thai khi đã gần đến ngày sinh,” Pence tuyên bố hôm thứ Tư. Chiến thuật này đã được ông sử dụng tại Đại hội Đảng Cộng hòa.

 

Đây là thông tin sai lệch. Biden ủng hộ quyền phá thai và phá thai theo lựa chọn của sản phụ, nhưng việc phá thai này không xảy ra vào “ cận ngày sinh.” Chỉ 1.2 phần trăm xảy ra vào sau tuần thứ 21, theo như dữ liệu mới nhất. Tuy vậy, Biden có ủng hộ việc sử dụng ngân sách để tài trợ cho việc phá thai. Vào năm 2019, ông đã ngừng ủng hộ Tu chính án Hyde - theo đây, ngân sách liên bang sẽ không được dùng để tài trợ cho việc phá thai. Biden nói rằng ông thay đổi ý kiến vì Tu chính án trên khiến những người có thu nhập thấp và phụ nữ da màu khó tiếp cận các dịch vụ phá thai.

 

Trump có giảm thuế cho tất cả?

Tuyên bố này của Pence là sự thật, những ông ấy đã bỏ qua một vài chi tiết quan trọng khi nhấn mạnh rằng cái lợi đạt được bởi “những người Mỹ lao động chân tay cần cù và chịu khó.” Đúng là người lao động sẽ được giảm thuế (mặc dù con số khá khiêm tốn) theo như Luật cải cách thuế mà Trump đã ký vào năm 2017, nhưng người được hưởng lợi lớn nhất chính là những tập đoàn khi họ sẽ được cắt giảm thuế vĩnh viễn còn việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ hết hiệu lực vào năm 2025.

 

Harris có từng ủng hộ Chính Sách Kinh Tế Xanh mới hay không? Và hiện tại Biden của ủng hộ nó?

Chính sách Kinh tế Xanh mới được nhắc đến tương đối thường xuyên trong suốt cuộc tranh luận và Pence nói rằng Harris là “Thượng nghị sĩ đầu tiên ủng hộ Chính sách Kinh tế Xanh mới” và đề xuất đó “nằm trên trang web của chiến dịch tranh cử của họ [Biden và Harris].”

 

Cả hai tuyên bố trên đều đúng.

 

Chính sách Kinh tế Xanh mới là một chính sách về môi trường đầy tham vọng được ủng hộ bởi những nhân vật có tư tưởng cấp tiến như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Hạ nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez (bang New York). Khi mới làm Thượng nghị sĩ bang California, Harris đã ủng hộ dự luật này khi nó còn ở giai đoạn sơ khởi.

 

Trong khi Biden không ra mặt ủng hộ Chính sách Kinh tế Xanh mới, những kế hoạch của ông chịu ảnh hưởng khá nhiều từ đề xuất này. Điều đó khiến ông khó có thể phủ nhận sự liên quan của mình.

 

Trong mùa hè, Biden đã công bố một kế hoạch trị giá 2 tỷ đô la để xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng cắt giảm lượng khí thải từ năng lượng hoá thạch.

 

Theo bản kế hoạch, Biden sẽ tăng cường sử dụng năng lượng sạch ở một loạt các lĩnh vực (bao gồm Giao thông, Điện và Xây dựng) nếu thắng cử cũng như đặt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về số 0 vào năm 2050. Kế hoạch sẽ giúp tạo thêm mười triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng (dựa theo trang web của chiến dịch). Kế hoạch này bao gồm năng lượng tái tạo, lò phản ứng hạt nhất quy mô nhỏ, dự trữ năng lượng trên lưới điện và một số các sáng kiến khác.

 

Kế hoạch của Biden dựa trên khá nhiều điểm mấu chốt của Chính sách Kinh tế Xanh mới. Cũng như Pence nhấn mạnh, một trong những tài liệu của chiến dịch tranh cử có nói rằng: “Biden tin rằng Chính sách Kinh tế Xanh mới là nền tảng để chúng ta có thể đương đối với những thách thức khí hậu.” Nhưng kế hoạch của Biden đã loại bỏ những điểm gây tranh cãi của Chính sách Kinh tế Xanh mới như “Bảo hiểm sức khỏe cho mọi người;” một chính sách bắt buộc những tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt phải được tuân thủ.

 

Harris có tấn công một ứng cử viên tư pháp vì người này là thành viên của Hội Hiệp sĩ Columbus?

Pence buộc tội Harris “tấn công” một ứng cử viên tư pháp vì “người này là thành viên của hiệp hội Công giáo Hiệp sĩ Columbus và bởi vì Hiệp sĩ Columbus có quan điểm ‘bảo vệ sự sống’.”

 

Vào tháng Mười Hai 2018, Harris đưa ra một số câu hỏi nhắm vào một ứng cử viên tư pháp về quan điểm của hiệp hội Công giáo Hiệp sĩ Columbus về phá thai và hôn nhân đồng giới, hai quan điểm được ủng hộ bởi nhiều người Công giáo bảo thủ.

 

Trong một khảo sát dành cho Brian C. Buescher, ứng cử viên cho một vị trí trong Toà án quận Nebraska, Harris đã hỏi về quan điểm của hội - được bà miêu tả là một “hội nhóm toàn đàn ông Công giáo.”

 

“Bạn có nhận thức được hiệp hội Hiệp sĩ Columbus phản đối quyền phụ nữ khi tham gia tổ chức này không?” bà phản bác lại trong một câu hỏi.

 

Trong một câu khác, bà hỏi tiếp: “Bạn có ý thức được khi gia nhập rằng hội Hiệp sĩ Columbus phản đối hôn nhân bình đẳng?”

 

Trong bài viết đáp lại, Buescher trả lời rằng ông gia nhập hội khi mới 18 và không hề nhớ rằng nhóm này có quan điểm về cả hai vấn đề trên vào thời điểm đó.

 

Ông viết: “Tư cách hội viên của tôi bao gồm tham gia vào thiện nguyện và các hoạt động cộng đồng Công giáo trong giáo xứ địa phương.”

 

Beuscher cũng thêm rằng ông không hề tham dự vào công cuộc định ra chính sách của nhóm.

 

“Tôi không hề tham dự vào việc soạn thảo chính sách hay thay mặt hội Hiệp sĩ Columbus, và tôi cũng không tham dự việc đưa ra quyết định về những hoạt động của tổ chức mang tầm quốc gia hay quốc tế,” ông nói thêm.

 

Harris không phải thành viên Đảng Dân chủ duy nhất trong hội đồng vặn hỏi về hội Hiệp sĩ Columbus. Thượng nghị sĩ Mazie Hirono từ Hawaii cũng đã có những câu hỏi tương tự cho cùng ứng cử viên.

 

Harris có phải là ‘thành viên cấp tiến nhất’ năm 2019 của Thượng viện?

“Tạp chí Newsweek nói rằng Kamala Harris là thành viên tự do nhất trong Thượng viện Hoa Kỳ trong năm 2019 - hơn cả Bernie Sanders, hơn bất cứ thành viên nào khác trong viện,” Pence phát biểu.

 

Vị phó tổng thống đã có số liệu xếp hạng sai. Newsweek không hề xếp hạng các thành viên, cho dù tạp chí này có báo cáo trên website xếp hạng của GovTrack. Trang web này có xếp hạng Harris với tư cách người có tư tưởng tự do nhất trong năm 2019, dựa vào phân tích các dự luật mà bà trình lên cùng với các thành viên khác, không phải bằng xem xét hay xếp hạng những tư tưởng cá nhân của bà trên các vấn đề.

 

Cũng đáng lưu ý ở đây rằng qua một khoảng thời gian dài - từ 2015 cho đến 2020 trong trường hợp này - thì Sanders được xếp hạng là cấp tiến hơn cả.

 

Liệu có khả năng vắc-xin Covid-19 sẽ được ra lò vào cuối năm nay?

Tuyên bố này của Pence, được đưa ra vào đầu buổi tranh luận, là đúng. Vào hôm thứ Ba, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã xuất bản hướng dẫn cho các nhà sản xuất Covid-19, nếu ra các công ty cần phải theo dõi hàng chục ngàn người tham gia thử nghiệm trong vòng ít nhất hai tháng cho bất cứ dấu hiệu an toàn nào trước khi được cấp phép.

 

Theo mốc thời gian khi giai đoạn 3 thử nghiệm bắt đầu, hướng dẫn mới chỉ ra rằng vắc-xin Covid-19 có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp sớm nhất vào cuối tháng 11. Đồng thời, các công ty dược phẩm đang sản xuất hàng loạt vắc-xin để sẵn sàng sử dụng nếu được cấp phép. Theo CNBC, lấy ví dụ, công ty Moderna cho biết họ đang trên đà sản xuất 20 triệu liều thuốc vào cuối năm nay.

 

Sau đó, theo lời Pence, có năm công ty đã bước đến giai đoạn 3 thử nghiệm ở Hoa Kỳ. Bốn trong số đó vượt qua được, lần lượt là: Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson, và AstraZeneca. Tuy nhiên, vì một số báo cáo về tác dụng phụ từ phía những người tham gia thử nghiệm ở Anh, thử nghiệm của AstraZeneca đang bị tạm dừng.

 

Những tuyên bố của Harris và Pence về mất việc gia công dưới thời Obama và Trump có đúng không?

Pence và Harris chỉ tranh cãi về việc thất thoát các công việc gia công dưới thời Obama và Trump. Harris tuyên bố rằng chỉ vì cái mà Trump “gọi là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc,” nước Mỹ đã thất thoát khoảng 300,000 việc làm gia công.

 

Và Pence thì phát biểu: “Khi Biden làm phó tổng thống, khoảng 200,000 nhân công của chúng ta đã mất việc.”

 

Các ước lượng của Harris dựa vào phân tích của Moody’s Analytics năm 2019, viết rằng “kể từ khi bắt đầu… cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã tiêu tốn khoảng 0.3 điểm GDP thực của Mỹ và khoảng 300,000 việc làm.”

 

Con số ở đây là mục tiêu di động bởi không rõ tiến trình cuộc chiến của Trump với Trung Quốc sẽ có kết quả thế nào, trong khi con số của Obama-Biden đã không thể thay đổi, nhưng đó là khoảng cuối 2019, trước khi đại dịch coronavirus đến và làm xáo trộn nền kinh tế của nước Mỹ.

 

Tuyên bố của Pence là đúng, ở mặt số liệu. Nhưng vẫn còn những câu chuyện dang dở phía sau.

 

Khi Barack Obama lên nắm quyền vào tháng Một năm 2009, có khoảng 12.56 triệu việc làm gia công ở Mỹ, theo số liệu của Cục Thống kê Lao động. Đến tháng Một năm 2017, con số đó là 12.37 triệu.

 

Điều đó có nghĩa là có ít hơn khoảng 192,000 việc làm gia công tính đến thời điểm Obama rời tòa Bạch Ốc so với khi ông mới nhậm chức. Nhưng nó không phải là giảm theo một đường thẳng. Khi Obama lên nắm quyền, việc làm gia công đã đang trên đà giảm, và tiếp tục giảm thêm 1.1 triệu nữa cho đến tháng Ba năm 2010, khi chúng bắt đầu tăng trở lại.

 

Nhà Trắng dưới thời ông Obama lập luận năm 2016 rằng, bởi vì ông này phải kế thừa một nền kinh tế đang trên đà rơi tự do, chính quyền của ông nên được đánh giá bằng cách nhìn vào số lượng 900,000 việc làm được thêm trong thời điểm suy thoái kinh tế tính đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc.

 

Tuy nhiên khi chính quyền ông Obama đưa ra lập luận đó vào năm 2016, những nhà kiểm tra sự thật đã gọi đây là số liệu “được chọn lọc.”

 

Có phải Obama và Biden làm cho kho dự trữ quốc gia cạn kiệt?

Pence tuyên bố: “Họ bỏ trống kho dự trữ quốc gia.” Chúng tôi đã kiểm chứng điều này trước đây, sai.

 

Các phóng viên đã được mục sở thị nhà chứa đầy vật tư một thời gian ngắn sau khi Trump nhậm chức, và các cựu quan chức chính phủ đã xác nhận kho luôn có sẵn các vật tư. Cũng chính những quan chức này đã báo cáo rằng cho dù việc cắt giảm ngân sách làm cho lượng dự trữ trong kho ít hơn mong muốn, nó vẫn nhiều hơn so với tuyên bố của ông Trump là trống rỗng khi mà ông lên nắm quyền bốn năm trước. Họ còn nói với NBC News họ đã để lại những kế hoạch chi tiết để bổ sung lại nguồn vật tư và chuẩn bị cho đại dịch tương lai. Tuy nhiên, họ tin rằng những kế hoạch này đã bị chính phủ Trump phớt lờ.

 

Liệu chính quyền Biden có cấm dùng fracking - thủy lực cắt phá không? *Thủy lực cắt phá, hay fracking, được sử dụng để khai thác các nguồn dự trữ khí tự nhiên nằm sâu dưới lòng đất. Đó là một chủ đề quan trọng ở các bang chiến trường ví dụ như Pennsylvania, nơi hoạt động này đã mang lại sự thịnh vượng kinh tế cho khu vực từng rất nghèo nàn. Nó cũng đang gây tranh cãi vì nhiều hóa chất được sử dụng trong quá trình vô cùng độc hại, và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người dân sinh sống gần các khu vực khai thác.

 

Pence lặp đi lặp lại rằng Biden và phó Tổng thống của ông sẽ cấm fracking nếu đắc cử. Harris từng lên tiếng ủng hộ cấm fracking khi bà ra ứng cử ghế Tổng thống, nhưng Biden thì không - mặc dù vị trí của ông khá phức tạp.

 

Biden đã tuyên bố liên tục rằng ông sẽ không cấm; những chính sách của ông đưa ra chỉ nói rằng sẽ không cho khai thác thêm trên đất liên bang. Chính sách của ông cũng cho phép những vùng đất liên bang đã được đưa vào khai thác sẽ tiếp tục được hoạt động, những vùng mới hiện hữu ở khu vực sở hữu tư nhân cũng được tương tự.

 

Tuy vậy, Biden cũng đưa ra lời kêu gọi cho giảm thải khí carbon ròng cho đến 2050 - kế hoạch sẽ bao gồm loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách có hệ thống, thứ có tác động đến hoạt động fracking. Biden cũng chưa công khai nói về làm thế nào, hay khi nào việc chuyển đổi hướng sử dụng rời xa nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến fracking, nhưng Trump đã sử dụng bản đề xuất này để nói với khán giả, một cách không chính xác, rằng đối thủ của ông sẽ ban lệnh cấm.

 

Có phải chính quyền Trump - Pence đã loại bỏ các tìm kiếm liên quan đến “biến đổi khí hậu” khỏi các trang web?

Harris, trong một cuộc trao đổi về biến đổi khí hậu, đã tuyên bố rằng chính quyền Trump - Pence đã “gỡ những từ ngữ 'khoa học' và 'biến đổi khí hậu' khỏi trang web.” Tuyên bố sau thì đúng, trước đó thì không phải.

 

Tuyên bố của Harris là có cơ sở khi báo cáo từ năm 2018 hợp tác với NBC News tại thời điểm đó cho biết những tìm kiếm liên quan đến biến đổi khí hậu, khí nhà kính và nhiên liệu sạch đã bị gỡ khỏi trang web của chính phủ Mỹ, bao gồm cả những trang dưới biểu ngữ của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao. Có đúng là cho dù Nhà Trắng có làm “mọi thứ đúng đắn” thì 200,000 người dân Mỹ cũng vẫn chết?

 

Pence tuyên bố vào thứ Tư trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những chuyên gia y tế bao gồm cả Tiến sĩ Deborah Birx và Anthony Fauci “nói rằng cho dù có làm mọi điều đúng đắn… thì chúng ta cũng vẫn sẽ mất đi hơn 200,000 người Mỹ.”

 

Trong khi Birx, phục vụ cho Lực lượng Chống Coronavirus của Nhà Trắng, có nói điều này, những mô hình lại cho thấy hàng nghìn cái chết đã có thể được ngăn chặn. Một mô hình được lấy ra làm ví dụ rộng rãi xuất bản hồi tháng Sáu bởi các nhà khoa học thuộc Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe tại Đại học Washington cho thấy số người chết sẽ giảm khoảng 33.000 người trong những tháng tiếp theo nếu 95% người dân ở Mỹ đeo khẩu trang.

 

Mô hình được cập nhật vào tháng Tám cho thấy, với mức độ đeo mặt nạ tương tự, khoảng 66.000 người đã không phải thiệt mạng.

 

Theo các chuyên gia, chính quyền Trump đã cung cấp những thông điệp mâu thuẫn về việc đeo khẩu trang trong vòng năm tháng vừa qua, gây ra hoang mang, phản ứng chậm trễ trước đại dịch và gây ra những thiệt mạng không đáng. Và chính bản thân Trump cũng đã liên tục móc mỉa Biden chỉ vì ông này đeo khẩu trang, bao gồm cả trong cuộc tranh luận tổng thống tháng trước.

 

Sau khi trở về Nhà Trắng từ bệnh viện Walter Reed tối thứ Hai, Trump thậm chí tháo khẩu trang ngay lập tức để tạo dáng chụp ảnh trước khi bước vào trong.

 

Có phải phản ứng của chính quyền Obama trước cúm lợn là một “thất bại”?

Pence đã gọi phản ứng của chính quyền Obama - Biden trước cúm lợn là một “thất bại”. “Sáu mươi triệu người Mỹ đã nhiễm cúm. Năm ngoái, Chánh văn phòng của Biden, Ron Klain, còn nói đó thuần túy là một sự may mắn, rằng ‘mọi thứ họ làm có thể đã sai.' Và chúng tôi đã học được từ đó,” Pence nói.

 

Các chi tiết Pence cung cấp chính xác, bao gồm cả các chỉ trích từ Klain, cho dù phản ứng của chính quyền liên bang đối với cúm lợn năm 2009 được nhìn nhận là có hiệu quả. Ron Klain cho rằng thật sự là may mắn chứ không phải phản ứng của chính phủ Obama mà bệnh cúm lợn không làm thêm nhiều người chết.

 

“Chúng tôi đã làm sai tất cả - kết quả là 60 triệu người Mỹ nhiễm H1N1”, ông nói tại hội nghị thượng đỉnh về an toàn sinh học vào tháng 5 năm 2019. “Đây hoàn toàn là một sự may mắn khi nó không trở thành một trong những sự kiện tử vong lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nó không liên quan đến bất kỳ cái gì chúng tôi làm. Chúng ta thật may mắn. ” Dịch cúm lợn ước lượng đã giết chết khoảng 12.000 người ở Hoa Kỳ, so với hơn 200.000 người chết vì Covid-19 đến nay, thì con số đó nhỏ hơn nhiều.

 

Klain sau đó nói với Politico rằng bình luận của ông đề cập đến những khó khăn của chính quyền trong việc sản xuất đủ loại vắc-xin mà họ chế biến, và lập luận rằng chính phủ của Obama đã nhanh chóng thích nghi với đại dịch - chẳng hạn như phản ứng nhanh chóng và phân phối vật tư từ kho dự trữ liên bang - cũng như đưa ra những lựa chọn rất khác so với chính phủ Trump.

 

Điều đáng chú ý ở đây là chính Obama nhìn chung nhận được điểm cao về khả năng ứng phó với dịch cúm lợn. Các báo cáo của chính phủ sau khi có thời gian để nhìn nhận, cũng nhấn mạnh các thành công, như nghiên cứu và phát triển nhanh chóng vắc-xin chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng.

 

Có phải Trump đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của coronavirus?

“Dù biết nhưng họ đã che giấu sự thật về nó. Tổng thống nói rằng nó chỉ là một trò lừa bịp. Họ đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của nó,” Harris đã nói về phản ứng của chính phủ Trump trước coronavirus. Pence đứng đầu Lực lượng Chống Coronavirus của Nhà Trắng.

 

Điều này gần như đúng. Trump đúng là đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của cơn đại dịch trong những ngày đầu nó hoành hành. Sau đây là một số dấu ấn đáng chú ý:

 

·         “Nó (coronavirus) đang nằm trong tầm kiểm soát ở đây,” theo lời Trump nói hôm 23 tháng Hai.

·         “Nó chỉ như cơn cúm thông thường mà chúng ta có vác xin để phòng ngừa. Chúng ta sẽ có vác xin phòng ngừa nó trong khoảng thời gian sớm tới,” Trump nói hôm 26 tháng Hai.

·         “Nó sẽ biến mất. Một ngày nào đó - như một phép màu vậy - nó sẽ không còn nữa,” ông nói hôm 27 tháng Hai.

·         “Không, tôi không hề lo lắng chút nào. Không, chúng ta đang làm rất tốt,” Trump nói vào hôm 7 tháng Ba, khi một phóng viên hỏi liệu ông có thấy lo lắng về virus.

 

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Bob Woodward, Trump tiết lộ là ông biết virus này nguy hiểm chết người và thừa nhận đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của nó. “Bạn chỉ cần thở thôi là bị lây rồi,” Trump nói với Woodward hôm 7 tháng Hai, theo Washington Post. “Vì vậy nên nó hơi rắc rối đấy. Một thứ virus khá quỷ quyệt. Và cũng chết người hơn cả bệnh cúm.”

 

Trong buổi phỏng vấn hôm 19 tháng Ba, Trump thừa nhận ông đã dìm mối đe dọa xuống ngay từ đầu.

 

“Tôi luôn muốn hạ thấp nó xuống. Và tôi vẫn làm như vậy, bởi tôi không muốn làm dân chúng hoảng loạn,” Trump nói.

 

Nhưng Harris đã trích sai lời Trump khi ông dùng từ “hoax” - lừa bịp, khi ông dùng nó để nói về việc Đảng Dân chủ “đang chính trị hóa coronavirus.”

 

Được hỏi một ngày sau dấu ấn “lừa bịp” đó, Trump nói lại một lần nữa ông đang muốn đề cập đến các hành động của phe Dân chủ.

 

 

Người dịch: Duong Nguyen, Huy Nguyen

Biên tập: Paul Nguyen, Khanh Doan

 

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats