Tuesday, 20 October 2020

THỦY TIÊN & MTTQ - LÒNG DÂN & QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ (Huy Đức - Trương Huy San)

 


THỦY TIÊN & MTTQ - LÒNG DÂN & QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ   

Trương Huy San  (Huy Đức)

05:38  20/10/2020    

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3287532394615252

 

Con số trăm tỷ đồng của ca sĩ Thủy Tiên vận động được trong tuần qua và hơn 20 tỷ đồng của MC Phan Anh mấy năm trước không thể nào nói hết tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt. Hàng triệu người vẫn âm thầm quyên góp và hàng ngàn người khác đang cứu trợ trong vùng lũ và đang chuẩn bị cho các chuyến đi cứu trợ miền Trung. Số tiền thực sự vận hành bởi lòng dân là không bao giờ đong đếm được.

 

Trong Friendlist của tôi có nhiều bạn đang là cán bộ các hội đoàn và MTTQ hiện cũng đang ngồi thuyền cứu trợ. Tôi tin rằng các hội đoàn của Đảng, các cấp MTTQ cũng quyên góp được không ít. Nhưng, nếu phân tích các danh sách đóng góp, những người làm chính sách sẽ phải thay đổi cách tiếp cận rất nhiều.

 

Tôi có trong tay danh sách đóng của một “tổ chức chính trị xã hội” (cho một chương trình từ thiện khác), số tiền khá lớn, nhưng số đầu mối góp chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay; có nơi góp dăm, ba tỷ đồng.

 

Rồi MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội khác sẽ mở các đợt vận động cứu trợ “đồng bào miền Trung”. Sẽ có nhiều người lên tivi tuyên bố góp số tiền 5, 10 tỷ đồng. Nhưng thành phần đóng góp đầu bảng sẽ là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp “làm ăn” trên địa bàn… Cá nhân, phần lớn là cán bộ, công chức, đóng góp chủ yếu theo hình thức… khấu trừ lương. Dân chúng ngoài “hệ thống chính trị”, ở các thành phố lớn, gần như chỉ góp khi những người vận động tới cùng… tổ trưởng dân phố và Cảnh sát khu vực.

 

Mặc dù, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”. Liệu các địa phương có cam lòng ngăn cản các “tổ chức, cá nhân” làm nhà chống lũ, nấu bánh chưng, mua mì tôm, áo phao… mang đến cho dân mình khi họ đang đói rét.

 

Không phủ nhận là cũng có không ít trường hợp tự nguyện đóng góp thông qua MTTQ hoặc các tổ chức chính trị xã hội của Đảng. Nhưng, quyền lực chính trị của đảng cầm quyền, quyền lực nhà nước đang ảnh hưởng rất lớn lên các cuộc vận động này. Tôi tin là nếu MTTQ chỉ có mạng xã hội thì không thể nào trong vòng một tuần lại có thể vận động được nhiều người tự nguyện tham gia và góp số tiền lớn như Thủy Tiên làm được.

 

Việt Nam đang có nhiều tổ chức cá nhân có thể quyên góp, có thể giúp người nghèo, người ở trong vùng thiên tai như Phan Anh, Thủy Tiên… Nhưng, Không biết Thủy Tiên đã trao đổi kinh nghiệm quản trị công tác từ thiện với Phan Anh; tôi chưa hình dung được, chưa có một pháp nhân, Thủy Tiên sẽ quản trị số tiền hơn trăm tỷ đồng này như thế nào.

 

Việc chỉ có rất ít người xin được giấy phép lập QUỸ và các rào cản trong Nghị định 64 hạn chế dân chúng nhận tiền cứu trợ, không chỉ đã đánh mất rất nhiều cơ hội bày tỏ lòng “thương nhau” của “người trong một nước”, mà người nghèo, nạn nhân bão lụt cũng khó tiếp cận với các nguồn trợ giúp.

 

Hoạt động của Quỹ Học Trò Nghèo Vùng Cao, Nhà Chống Lũ… cho thấy nếu không có pháp nhân thì rất khó có chiến lược giúp dân bài bản và hiệu quả.

 

Điều gì dân chúng làm được thì nhà nước, đảng cầm quyền không nên làm. Hãy sử dụng quyền lực chính trị đó làm những việc lớn như hòa giải, đoàn kết các sắc dân; đặc biệt, nghiên cứu chính sách giúp dân thoát nghèo. Nếu có những góc khuất mà chính sách chung không tới được hãy để “bầu bí thương nhau”. Đừng phung phí uy tín và quyền lực chính trị vào những việc mà dân chúng không những có thể tự làm được mà còn làm tốt hơn các tổ chức chính trị đang dùng rất nhiều quyền lực.

 

361 BÌNH LUẬN  

 

------------------------------------------------

 

XEM THÊM

 

Sự lạc hậu của nghị định 64/2008/NĐ-CP

Ngô Ngọc Trai

20/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/20/su-lac-hau-cua-nghi-dinh-64-2008-nd-cp/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/TT-1.jpg

Ca sỹ Thuỷ Tiên đang ở Quảng Trị hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của bão lụt. Ảnh: internet

 

Sau một tuần kêu gọi cứu trợ người dân bị lũ lụt, Ca sĩ Thủy Tiên đã vận động được 100 tỷ đồng. Số tiền rất lớn trong thời gian ngắn, cho thấy tiềm năng rất lớn về hiệu quả vận động tiền cứu trợ của những thực thể “ngoài nhà nước”.

 

Điều này đòi hỏi một sự rà soát lại quy định pháp luật, và thúc đẩy tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên.

 

Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

 

Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

 

Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.

 

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

 

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.

 

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

 

4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

 

Còn theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

 

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.

Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng.

 

Hay nói như nghị định 64 năm 2008 “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ” thì việc làm của ca sĩ Thủy Tiên là không hợp pháp.

 

Điều này quả là vô lý và sẽ không được dư luận xã hội hiện nay đồng tình.

 

Hiện nay có rất nhiều người muốn trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu trợ mà không thông qua các đơn vị của nhà nước.

 

Họ muốn trực tiếp thực hiện để cảm nhận được nét đẹp cuộc đời, muốn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, họ muốn thấu cảm được tình người, và muốn được vun đắp phẩm hạnh công dân, và điều đó hoàn toàn chính đáng, cho thấy sự sôi nổi tích cực của đời sống xã hội.

Chứ hiện nay không thể nào gò ép bắt buộc tất cả các hoạt động cứu trợ đều phải qua tay các đơn vị nhà nước được.

 

Ở các nước khác, hoạt động cứu trợ hầu hết là do xã hội dân sự làm, do hội đoàn tư nhân làm, những người dân có điều kiện khả năng họ kết hợp với nhau làm, nhà nước chỉ tạo lập hành lang pháp lý mà thôi.

 

Bởi ở các nước họ có quan điểm thu hẹp phạm vi nhà nước, dành nhiều phần không gian cho xã hội dân sự hoạt động, nếu duy trì bộ máy nhà nước cồng kềnh sẽ gây tốn kém ngân sách không có lợi cho người dân.

 

Việc cứu trợ ở Việt Nam lâu nay đều phải thông qua các đơn vị nhà nước, điều đó là phù hợp với hoàn cảnh của giai đoạn, nhưng đến nay điều này không còn phù hợp nữa.

 

Theo đó nghị định 64/2008 hiện nay đã quá lạc hậu so với cuộc sống, không phản ánh đúng những hoạt động cứu trợ đang diễn ra, cho nên cần bãi bỏ để tạo lập hành lang pháp lý mới, bảo hộ cho những việc làm như của ca sĩ Thủy Tiên.

 -------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 HIỆN TƯỢNG THỦY TIÊN   

Đặng Đình Mạnh

09:05  20/10/2020     

https://www.facebook.com/manhdang001/posts/4004310239585477

 

Thông tin cô ca sĩ quyên góp được số tiền lên đến con số 100 tỷ đồng đã xoa dịu đi phần nào những dòng tin dữ đầy u ám về cơn hồng thủy đang hoành hành các tỉnh miền Trung. Khá nhiều thông điệp ẩn mình từ con số 100 tỷ đồng như mơ ấy, mà nếu không đọc đúng vị của nó, thì có lẽ sự tồn vong của “cái mà ai cũng biết là ai” sẽ chưa chắc đến từ con ngáo ộp “thế lực thù địch”, mà có thể đến từ những nguyên nhân khác: Lòng tin.

 

Thông điệp có điểm son rất đáng mừng là lòng nhân hậu, sự trắc ẩn … giữa đồng bào với nhau không đã không hoàn toàn mai một trước những tang tóc, tổn thất về người, về của do thiên tai, do nhân họa gây ra.

 

Dù chúng ta đã ít nghe thấy các ca dao, tục ngữ xưa hay được dùng về những hoàn cảnh như bây giờ, như:

 

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước phải thương nhau cùng”;

 

Hay: “Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống như chung một giàn”;

 

Hoặc: “Lá lành đùm lá rách”…

 

Nhưng thực tế, thông qua việc công chúng tự nguyện quyên góp số tiền khổng lồ để giúp cho đồng bào bị hoạn nạn, đã giúp làm hồi sinh những giá trị tốt đẹp hình thành nên những ca dao, tục ngữ ấy, dù nay đã ít được nghe thấy.

 

Giữa điểm son ấy, lời khuyến cáo nhân dân không quyên góp cho những người “đánh bóng tên tuổi” … của “người mà ai cũng biết là ai” đã trở nên lạc lõng và kém mẫn cảm trước nhu cầu xã hội hóa hoạt động nhân đạo mà lẽ ra chính quyền cần phải khuyến khích.

 

Bên cạnh đó, bằng việc công chúng sẵn sàng gởi tiền, thậm chí, gởi rất nhiều tiền cho các cá nhân làm từ thiện trong khi đang tồn tại khá nhiều tổ chức thuộc chính quyền cũng làm chức năng tương tự đã truyền đi thông điệp gì? Không quá khó để nhận ra rằng công chúng đã mất khá nhiều lòng tin vào vào sự ngay thẳng, bất vụ lợi các tổ chức kia.

 

Giả thiết, nếu đặt ra vấn đề khai tử các tổ chức nhân đạo thuộc chính quyền vì sự kém hiệu năng và minh bạch của chúng, thì công chúng cũng không còn mấy quan tâm nữa, vì họ đã chọn các cá nhân làm nơi tin cậy, gởi gấm tiền làm từ thiện cho mình.

 

Lúc này, khi hoa tươi đầy màu sắc vẫn đang được bày biện tràn ngập các hội trường rộng lớn để trang trí cho những cuộc họp chính trị quan trọng. Nhưng bông hoa đẹp nhất, ngôi sao sáng nhất không phải là những ông bà vừa đắc cử vào chiếc ghế quyền lực, mà là cô ca sĩ. Không tin, bất cứ chính khách gia nào vừa đắc cử với con số 100% cũng đều có thể kiểm chứng bằng cách kêu gọi quyên góp từ thiện như cô ấy thì sẽ rõ.

 

Con số 100% đắc cử là do đảng tặng. Con số 100 tỷ đồng là do công chúng giao phó. Người đắc cử 100% do đảng tặng thì không chắc được công chúng giao phó 100 tỷ. Nhưng người được công chúng giao phó 100 tỷ thì chắc chắn sẽ đắc cử 100% nếu ứng cử.

 

Thật vậy, cô ca sĩ ấy xinh người, đẹp nết, cả hai vợ chồng đều tài năng, gia đình hạnh phúc, được công chúng quý mến, cảm phục và tin cậy … Nếu có bầu cử tự do, cô ấy muốn ứng cử vào chức vụ gì mà công chúng đầy cảm tính lại không chiều lòng bỏ phiếu cho cô ấy, kể cả vị trí tứ trụ đang chỉ gồm những ông bà cụ lụ khụ, trông buồn bã.

 

Nhưng xem ra, tôi mong cô ấy không nên làm điều dại dột ấy. Vì ngắm sen giữa đầm, đôi khi cũng là một thị nghiệp không nên khuyến khích…

 

Viết vào mùa đại hội, ngày thiên tai, nhân họa.

 

136 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats