Friday, 23 October 2020

THỦY TIÊN : THẾ LƯỠNG NAN GIỮA ĐẠO ĐỨC và PHÁP LUẬT (Lý Minh – Luật Khoa)

 


Thủy Tiên: Thế lưỡng nan giữa đạo đức và pháp luật

Lý Minh  -  Luật Khoa

23/10/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/10/thuy-tien-the-luong-nan-giua-dao-duc-va-phap-luat/

 

Bạn làm một việc đúng với đạo đức và lương tâm của bạn, thế nhưng việc bạn làm lại trái với quy định của pháp luật hiện hành. Chính quyền có thể sử dụng các quy định hiện hành đã được đặt ra trong các văn bản pháp luật để trừng phạt bạn. Nhẹ thì xử phạt hành chính bằng cách phạt tiền, nặng thì xử lý hình sự bằng cách bỏ tù bạn. Bạn có nên tiếp tục thực hiện công việc đúng với đạo đức và lương tâm của bạn nhưng trái với pháp luật hiện hành không?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/10/thytinicutrmintrung-1602985241-7418-1602985247_1200x0-1024x584.jpg

Ca sĩ Thủy Tiên đi cứu trợ ở miền Trung. Ảnh: VnExpress

 

Trước tình cảnh người dân miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, ca sĩ Thủy Tiên đã đứng lên kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ. Bằng uy tín, sức ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng, chỉ trong một tuần lễ, Thủy Tiên đã nhận được số tiền đóng góp từ cộng đồng lên tới trên 100 tỷ đồng. Thủy Tiên đã trực tiếp nhận tiền ủng hộ của rất nhiều người bằng tài khoản cá nhân, sau đó trực tiếp đến miền Trung để phân phối hàng cứu trợ cho đồng bào bị bão lũ, không thông qua bất kỳ một tổ chức nào, ví dụ như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Hội Chữ thập đỏ.

 

Việc một người xúc động trước tình cảnh đồng bào của mình đang gặp hoạn nạn đứng lên kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ là một hành vi đúng với đạo đức, những người đóng góp cùng với Thủy Tiên cũng đang thực hiện một hành vi đạo đức.

Thế nhưng, theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) thì đó là một hành vi có thể xem là vi phạm các quy định của pháp luật.

 

Theo Điều 5 của nghị định này, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được phép tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ:

 

“1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

 

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.

 

3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.”

 

Điều 5 cũng nói rõ: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.”

 

Theo đúng tinh thần pháp luật của nghị định này thì các cá nhân không thể đứng ra thực hiện việc quyên góp, tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ. Cơ quan hành pháp và tòa án hoàn toàn có thể tuyên phạt ca sĩ Thủy Tiên vì đã vi phạm nghị định này. (Ở đây tôi chưa bàn tới việc Nghị định 64 có trái với Bộ luật Dân sự và Hiến pháp hay không, bởi vì trong bối cảnh Việt Nam, một nghị định dù trái với Hiến pháp hay các văn bản luật cao hơn vẫn có thể được mang ra áp dụng mà không có ai ngăn cản được.)

 

Một lý do quan trọng để chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 64/2008 là để khẳng định sự độc quyền trong việc tổ chức quyên góp và phân phối hàng cứu trợ. Tất cả những tổ chức được quy định trong nghị định trên đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền. Việc mọi người đóng góp tiền ủng hộ bão lũ miền Trung cho các cá nhân như Thủy Tiên mà không thông qua các tổ chức xã hội nằm dưới sự kiểm soát của họ sẽ làm suy yếu đi các hoạt động và tầm ảnh hưởng của họ.

 

Vậy Thủy Tiên và những người ủng hộ cho đồng bào miền Trung nên tuân theo quy định của pháp luật về việc quyên góp và phân phối hàng cứu trợ bằng cách quyên góp cho Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ Thập đỏ hay thực hiện việc cứu trợ cho đồng bào miền Trung đang gặp bão lũ bằng với lương tâm và đạo đức của chính mình?

 

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đặt ra một câu hỏi sâu xa hơn: giữa đạo đức và pháp luật, điều gì là nền tảng?

 

Câu trả lời đúng đắn đó là đạo đức chính là nền tảng của pháp luật. Một hành động đúng pháp luật hiện hành nhưng có thể là một hành vi vô đạo đức, ví dụ như tham gia lập kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo việc bắt nhốt người Do Thái trong các trại tập trung cũng như đưa họ vào các lò thiêu người là một hành vi đúng với pháp luật của Đức Quốc xã nhưng lại là một hành vi vô đạo đức. Trong khi đó, một hành vi vi phạm các quy định pháp luật hiện hành nhưng lại là một hành vi đạo đức như hành vi thiện nguyện giúp đỡ đồng bào miền Trung mà Thủy Tiên cùng với những người ủng hộ Thủy Tiên đang thực hiện.

 

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với thế lưỡng nan giữa việc đánh giá một hành vi mà chúng ta nghĩ rằng đó là một hành vi đạo đức cần phải làm nhưng chính quyền lại xem đó là một hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, nhiều người đã gửi tiền phúng điếu cho gia đình cụ Lê Đình Kình, đó là một hành vi đúng với đạo đức và lương tâm của người thực hiện nhưng hành vi đó bị chính quyền ngăn chặn bằng cách phong tỏa tài khoản nhận phúng điếu và chính quyền đã viện dẫn quy định của pháp luật cho hành vi ngăn chặn trên. 

 

Đối diện với thế lưỡng nan giữa lựa chọn đạo đức và pháp luật trên, người ra quyết định phải có trí tuệ để nhìn nhận việc mình làm là đúng hay sai. Thật dễ dàng khi thực hiện một việc đúng với các quy định của pháp luật và cũng đúng với đạo đức con người, nhưng đôi khi chúng ta sẽ rơi vào tình huống nan giải khi việc chúng ta làm đúng theo đạo đức nhưng lại trái quy định của pháp luật. Tiếp đến, người ra quyết định phải có nghị lực để tiếp tục làm công việc mình cho là đúng và có dũng khí để đối mặt với sự trừng phạt có thể xảy đến từ phía chính quyền. 

 

Nhà hoạt động, nhà báo Phạm Đoan Trang là một ví dụ rất điển hình cho việc thực hiện những hành vi đạo đức: viết những quyển sách phổ biến kiến thức chính trị cho giới bình dân để tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quyền con người nhưng những hành vi của cô lại bị chính quyền xem là chống đối chính quyền, và chính quyền dựa vào các quy định của pháp luật hiện hành để bắt giữ cô.

 

Không phải lúc nào quy định pháp luật của chính quyền cũng đúng với đạo đức con người. Khi mỗi cá nhân sống với đúng đạo đức và lương tâm của chính mình, mỗi cá nhân sẽ là tấm gương sáng về đạo đức để soi rọi cho chính quyền và buộc chính quyền phải thay đổi các quy định của pháp luật trái với đạo đức con người.

 


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

 

----------------------------------

 

XEM THÊM

 

MỌI NGƯỜI YÊN TÂM! THUỶ TIÊN LUÔN VỮNG VÀNG !

21/10/2020

http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/10/moi-nguoi-yen-tam-thuy-tien-luon-vung.html

 

LS Đặng Đình Mạnh: HIỆN TƯỢNG THỦY TIÊN

21/10/2020

http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/10/ls-ang-inh-manh-hien-tuong-thuy-tien.html

 

HÃY HỦY BỎ NGHỊ ĐỊNH 64 ĐỂ BẢO VỆ NHỮNG NGƯỜI NHƯ THỦY TIÊN

21/10/2020

http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/10/hay-huy-bo-nghi-inh-64-e-bao-ve-nhung.html

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats